"Em thích vẽ những bức tranh về quê hương có những con suối, nhà sàn, cây to, có mẹ cõng em lên rẫy. Em ước mơ sau này sẽ trở thành một họa sĩ nổi tiếng"- Blaih thổ lộ.
bức trang quê hương
Bức trang quê hương của Blaih
Blaih (14 tuổi) là con út trong một gia đình nông dân nghèo có 8 anh chị em ở làng Brong Thoong (xã Ia Băng, Đăk Đoa, Gia Lai). Khi vừa chào đời, em bị khiếm khuyết đôi tay và một cẳng chân trái, Blaih phải chịu bao ánh mắt kỳ thị của người dân trong làng. Vì gia đình có hoàn cản khó khăn nên Blaih không được chăm chút như những em khuyết tật khác mà phải làm quen với công việc từ nhỏ. Lớn lên một chút, thay vì được đến trường mầm non thì hàng ngày Blaih theo các bạn trong làng đến các bãi rác nhặt ve chai để phụ giúp gia đình.
Trong một lần đi thực tế, sơ Trần Thị Sáng (còn gọi là A Mĩ) đã thấy Blaih đang cặm cụi nhặt ve chai, thương cô bé nhỏ bị khiếm khuyết đôi tay, một cẳng chân mà vẫn phải lê từng bước với một chân đi kiếm kế sinh nhai. A Mĩ hỏi thăm, tìm đến gia đình Blaih xin được đem em về nuôi và được ba mẹ Blaih đồng ý.
Hàng ngày, nhìn các bạn đến trường, được cầm cây bút, viết cái chữ trở thành nỗi khát khao của Blaih. Hiểu được tâm sự của em nên A Mĩ đã từng bước dạy cho em đánh vần, cách đi từng nét chữ đầu tiên. Không có bàn tay, Blaih dùng hai cùi tay của mình để cầm bút viết chữ. A Mĩ tâm sự: "Blaih ở với tôi khi em sắp đi học, thời gian ấy tôi đã dạy em cách đọc, cách cầm bút. Dù bị dị tật 2 tay nhưng cô bé học cách cầm bút rất nhanh và viết chữ tròn trĩnh rất đẹp".
"Những ngày đầu, việc em cầm cây bút di chuyển là một điều cực kỳ khó khăn, cứ rơi hoài, khi cầm được cây bút rồi thì viết theo từng nét chữ cũng lại rất khó, nhất là những chữ có hình cong tròn như chữ "o", "g"... dần rồi em cũng quen"- Blaih chia sẻ.
Blaih trong lớp vẽ
Blaih trong một giờ vẽ trên lớp
Vì thiếu hụt một chân, tuổi thơ của Blaih không được rong ruổi theo bạn bè đi chơi, nỗi mong ước được ngắm cảnh vật, đi đến những nơi có con suối, có rừng cây, có nhà sàn là niềm mơ ước nên em bắt đầu dùng cây bút của mình để vẽ, vẽ với niềm đam mê về hình ảnh làng bản mình đang sống.
Vậy là đến tuổi đi học, không còn ở với sơ A Mĩ nữa, em xin về nhà để học cho gần trường. Năm 2012-2013, Blaih lại về với A Mĩ học lớp 5/2 trường Tiểu học Nay Der (xã Ia Kênh, TP Pleiku, Gia Lai). Ở cái phố núi nhỏ bé này, không có trường dành riêng cho trẻ em khuyết tật nên em ngồi cùng bàn, cùng lớp, cùng trường như bao bạn đến tuổi đi học khác. Chính việc bị khuyết tật khiến Blaih có thêm ý chí để phấn đấu học tập. Blaih sớm bộc lộ năng khiếu vẽ tranh của mình, em được thầy cô "chọn mặt gửi vàng" đi thi cuộc thi vẽ về chủ đề "an toàn giao thông" và đã đạt giải B cuộc thi do Phòng GD&ĐT TP Pleiku kết hợp với Nhà văn hóa Thanh thiếu nhi tổ chức.
Bây giờ Blaih đã là cô học trò lớp 6 của trường THCS Lý Thường Kiệt (xã Chư H'Đrông, TP PLeiku, Gia Lai). Suốt 6 năm qua em luôn đạt được danh hiệu học sinh giỏi và vẫn đam mê vẽ tranh.
Dù thiếu đôi tay và một chân nhưng không thiếu nghị lực. Hình ảnh Blaih tươi cười khi thổ lộ "ước mơ của em sau này là được trở thành họa sĩ nỗi tiếng" luôn làm tôi nhớ mãi khi ra về. Một cô học trò thân hình nhỏ bé, khiếm khuyết người đồng bào J'rai biết vượt lên nghịch ảnh, vượt lên chính mình.
(Theo Báo Xây Dựng)