Học giỏi, chăm ngoan là những điểm đáng nhớ nhất khi nhắc đến hai học trò mồ côi Vừ Mí Kỵ (huyện Đồng Văn - tỉnh Hà Giang) và Nguyễn Thị Mai (huyện Bình Lục - tỉnh Hà Nam). Cả hai em đều sớm chịu cảnh mồ côi khi tuổi còn nhỏ và phải đối mặt với cuộc sống đói nghèo, thế nhưng bằng nghị lực, chí tiến thủ và sự cố gắng không ngừng trong học tập, Kỵ và Mai đã trở thành những tấm gương sáng cho bao bạn bè đồng trang lứa.
Mồ côi mẹ vẫn đạt giải Quốc gia
Thiếu vắng bàn tay ấm áp của mẹ khi còn là đứa trẻ lên 3, cậu bé mồ côi dân tộc H’Mông Vừ Mí Kỵ lúc đó tuổi còn quá nhỏ để hiểu hết được nỗi mất mát quá lớn. Thương 3 đứa con nhỏ dại, với mong muốn ngôi nhà có bóng dáng người phụ nữ lo lắng, bảo ban các con, bố Kỵ đã quyết định đi bước nữa. Từ khi mẹ hai sinh thêm 4 người em, Kỵ và các chị gái cũng vất vả hơn vì phải hỗ trợ bố việc nương rẫy.
Là một đứa trẻ thông minh, sáng dạ và rất ham học nên Vừ Mí Kỵ là niềm hy vọng lớn lao của gia đình. Ngôi trường làng Sủng Là cậu học trò mồ côi theo học khá xa, nhưng ngày nào Kỵ cũng quyết tâm cuốc bộ 5km tới trường. Cái nghèo, cái đói không làm vơi đi ý chí ham học của cậu bé. Không chỉ học đều các môn, Kỵ còn rất thích học lịch sử và chính sở thích đó đã giúp Kỵ trở thành học trò đầu tiên của trường Sủng Là đạt giải Nhì môn Lịch sử cấp tỉnh năm lớp 9. Nhờ kết quả xuất sắc ấy, cậu học trò mồ côi được tuyển thẳng vào trường Vùng cao Việt Bắc.
Kỵ tâm sự: “Trường Vùng cao Việt Bắc xa nhà em lắm, khoảng 350km, vì thế mỗi năm học em chỉ được về nhà 2 lần vào dịp nghỉ hè, Tết. Những ngày đầu xa gia đình, nỗi nhớ nhà, nhớ người thân khiến em không sao tập trung vào học tập, nhưng rồi nghĩ đến bố, mẹ hai phải vất vả nơi quê nhà, các em em không có điều kiện được học tập nên em tự nhủ mình phải cố gắng học để sau này đỡ đần bố mẹ, lo lắng cho các em”.
Cậu học trò mồ côi dân tộc H’Mông vinh dự là người con đầu tiên của bản làng đạt học sinh giỏi cấp tỉnh và cấp quốc gia
Có hoàn cảnh đặc biệt nhưng chịu khó học, bởi vậy Vừ Mí Kỵ được thầy cô, bạn bè quý mến và để đáp lại tình cảm của mọi người, cậu học trò mồ côi luôn nỗ lực học tập, quyết tâm giành được kết quả cao trong các kỳ thi học sinh giỏi, mang lại tiếng vang cho ngôi trường Vùng cao Việt Bắc. Vừ Mí Kỵ đã giành được 2 Huy chương Bạc tại kỳ thi Olympic Duyên hải - đồng bằng Bắc Bộ và kỳ thi Hùng Vương. Điều đáng khâm phục ở cậu học trò mồ côi này, đó là vượt qua hàng trăm học giỏi xuất sắc trong cả nước đạt giải Nhì môn lịch sử tại kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia dành cho học sinh trung học phổ thông năm 2014 và Kỵ cũng chính là học sinh dân tộc ít người duy nhất trong số 51 em đạt giải.
Kỵ bật mí rằng, để học tốt môn lịch sử cần cố gắng nắm chắc các mốc sự kiện có sẵn trong sách giáo khoa, dành thời gian học mỗi ngày ít nhất 1 tiếng đồng hồ. Ngoài ra tìm đọc tài liệu từ các cuốn sách ngay tại thư viện trường hoặc trên mạng Internet để mở rộng hiểu biết. Cũng từ khi yêu thích học lịch sử, cậu học trò mồ côi dân tộc H’Mông biết nhiều hơn và cảm nhận sâu sắc hơn về công lao to lớn của cha ông.
Được tuyển thẳng vào Khoa lịch sử, trường Đại học Sư phạm Hà Nội để theo đuổi ngành học yêu thích nhưng Kỵ luôn cảm thấy lo lắng bởi gia đình không có đủ khả năng cho Kỵ theo học 4 năm Đại học với chi phí tiền ăn, ở, đầu ra sau khi học... Sau những suy nghĩ, trăn trở, Kỵ đã đưa ra quyết định dự thi khối C - Học viện An Ninh nhân dân vì nếu trúng tuyển sẽ không phải đóng học phí, được lo ăn, ở và được phân công công tác sau khi tốt nghiệp. Một lần nữa cậu học trò mồ côi thực sự khiến gia đình, thầy cô và bạn bè nể phục bởi tiếp tục giành điểm cao trong kỳ thi Đại học với 23,5 điểm và 5,5 điểm ưu tiên ngành Điều tra trinh sát.
Trải qua bao vất vả, khó nhọc, Vừ Mí Kỵ đã gây dựng cho mình một “lý lịch” học tập đáng nể. Những thành quả xuất sắc đó giúp Kỵ trở thành 1 trong 78 học sinh dân tộc thiểu số học giỏi được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gặp mặt và biểu dương. Đáp lại sự quan tâm, chăm lo của Đảng, nhà nước, sự chia sẻ, đùm bọc, tạo điều kiện của nhà trường, Kỵ thầm hứa sẽ hoàn thành tốt khóa học để trở thành người công an nhân dân mẫu mực và góp sức xây dựng quê hương giàu đẹp.
Ước mơ làm kỹ sư nông nghiệp
Cùng cảnh với Vừ Mí Kỵ, cô học trò mồ côi cả cha lẫn mẹ Nguyễn Thị Mai bằng nghị lực của mình đã vượt qua những thiếu thốn tình cảm, vật chất để trở thành một học sinh giỏi, nỗ lực vươn tới ước mơ.
Qua lời kể của Mai, được biết hoàn cảnh gia đình em rất khó khăn và càng lâm vào cảnh túng quẫn khi mẹ mắc bệnh hiểm nghèo. Vì cần có tiền chạy chữa bệnh tình những mong giữ lại sự sống cho mẹ, bố Mai phải vất vả đêm ngày, cố gắng làm việc, tảo tần khuya sớm. Nhưng rồi điều cả nhà lo sợ nhất cũng đã đến khi mẹ Mai mãi mãi lìa xa người thân năm 2007. Từ ngày mẹ mất, căn nhà sập sệ của gia đình Mai trở nên trống vắng, không có được một tiếng cười. Nỗi buồn đau cứ chất chồng lên cô học trò mồ côi, bởi 3 năm sau ngày mẹ mất, bà ngoại và bố Mai đều lần lượt qua đời do căn bệnh hiểm nghèo. Nén lại buồn đau đến tột cùng khi không còn người thân chở che, nương tựa, 3 anh em Mai bắt đầu phải tự lập cuộc sống.
Mai hy vọng sẽ cống hiến khả năng, trí tuệ của mình giúp bà con nông dân phát triển kinh tế
Không muốn để em gái lỡ dở việc học hành, anh trai của Mai quyết định bỏ học giữa chừng đi làm thuê, làm mướn và chăm bón 4 sào ruộng bố mẹ để lại, với hy vọng vừa có tiền trang trải cho 3 anh em, vừa giúp Mai có điều kiện tiếp tục tới trường.
Cảm nhận được tình thương yêu của anh trai dành cho mình nên sau giờ tan học, Mai cố gắng về nhà thật nhanh giúp anh quét dọn, lau chùi nhà cửa, nấu cơm, giặt quần áo, khi thì tranh thủ ngày nghỉ cùng anh đi cấy hái hoa màu. Cuộc sống vất vả nhưng Mai vẫn sắp xếp thời gian hoàn thành bài học về nhà và tự tìm hiểu thêm kiến thức qua sách báo. Nhờ sự chuyên cần, chịu khó trau dồi tri thức nên cô học trò mồ côi đã đạt được thành quả học sinh giỏi suốt 12 năm liền và thi đỗ khoa Khoa học cây trồng, Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Mai cho biết: “Lý do em quyết định chọn học ngành nông nghiệp chỉ đơn giản là quá thấu hiểu nỗi cơ cực, vất vả của người nông dân. Em hy vọng sau khi trở thành kỹ sư nông nghiệp sẽ góp phần công sức nhỏ bé của em giúp bà con nông dân phát triển kinh tế từ những giống cây trồng ngắn ngày, cho hiệu quả năng suất cao”.
Sau khi nhập học và ổn định chỗ ở, Mai đã quyết định đi làm thêm để có thể tự trang trải việc học tập, để anh trai tập trung chăm sóc cho cậu em út. Cuộc sống tự lập khiến cô học trò mồ côi trưởng thành, mạnh mẽ hơn rất nhiều và dù cho trước mắt còn nhiều gian nan nhưng Mai vẫn vững niềm tin sớm biến ước mơ trở thành hiện thực.
Nguồn: Tạp chí Người Bảo Trợ
Tin mới
- Cô thủ thư khuyết tật trở thành biên kịch phim nổi tiếng - 22/05/2015 07:21
- Danh sách các tổ chức, cá nhân ủng hộ tại Chương trình “Một trái tim – Một thế giới” lần thứ 12 năm 2015 - 21/05/2015 08:18
- 9 năm học giỏi trên lưng bạn - 15/05/2015 07:09
- Nghị lực phi thường của cô gái khuyết tật mê văn chương - 15/05/2015 07:03
- Giám đốc ngồi xe lăn tạo việc làm cho 700 lao động - 13/05/2015 03:54
Các tin khác
- “Quả ngọt” cho chàng trai giàu nghị lực - 11/05/2015 04:56
- Những chấm đỏ bên đời - 04/05/2015 07:53
- Nữ sinh mồ côi sẽ tham dự kỳ thi Olympic Hóa học Quốc tế - 29/03/2015 14:03
- Nỗi buồn tủi của đôi vợ chồng khuyết tật - 27/03/2015 13:23
- Ước mơ trở thành họa sĩ của cô bé người J’rai khiếm khuyết đôi tay - 26/03/2015 13:51