Thứ hai, 08 Tháng 5 2017 10:57

Vừa qua, tại Hà Nội, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) tổ chức Chương trình giao lưu nghệ thuật Một trái tim - Một thế giới lần thứ XIV. Chương trình năm nay mang ý nghĩa đặc biệt gắn với Kỷ niệm ngày Người khuyết tật Việt Nam 18/4, Kỷ niệm 25 năm thành lập Hội và chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam lần thứ V, nhiệm kỳ 2017 - 2022.

 

5Anh 1

Ông Nguyễn Đình Liêu, Chủ tịch Trung ương Hội phát biểu khai mạc chương trình

 

Chương trình vinh dự được đón tiếp các vị khách quý: bà Nguyễn Thị Xuân Mỹ, nguyên ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch danh dự Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam; bà Nguyễn Thúy Anh, ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm ủy ban về CVĐXH của Quốc hội; bà Đào Hồng Lan, ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH; bà Nguyễn Thị Hằng, nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Hiệp hội Dạy nghề và nghề Công tác xã hội; bà Đặng Huỳnh Mai, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Liên hiệp Hội về NKT Việt Nam cùng đại diện lãnh đạo một số Bộ, ban ngành và đoàn thể Trung ương, đơn vị doanh nghiệp và các đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi lần thứ V...

 

25 năm một chặng đường phát triển

 

Phát biểu khai mạc Chương trình, ông Nguyễn Đình Liêu, Chủ tịch Trung ương Hội đã điểm lại những dấu mốc lịch sử đối với Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam trong suốt 25 năm hình thành và phát triển. Ông Nguyễn Đình Liêu khẳng định, 25 năm qua, Hội đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, từng bước trưởng thành về tổ chức, chất lượng và hiệu quả hoạt động Hội, khẳng định vai trò, vị trí, uy tín của một tổ chức xã hội tự nguyện hoạt động trong lĩnh vực bảo trợ NKT, TMC. Hoạt động Hội đã góp phần thực hiện chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực an sinh xã hội, nâng cao nhận thức, chất lượng cuộc sống của đối tượng, xây dựng cộng đồng nhân văn và hòa nhập.

 

5Anh 2

Ông Lương Phan Cừ, Phó Chủ tịch Trung ương Hội và ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Công ty TNHH Babeeni Việt Nam giao lưu tại chương trình

 

Trung ương Hội và các tổ chức thành viên đã trực tiếp vận động ủng hộ được tổng số tiền và hiện vật quy ra tiền là hơn 2.523 tỷ đồng. Ngân sách nhà nước hỗ trợ 268,2 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ này, Hội triển khai các hoạt động nhằm giải quyết những nhu cầu bức thiết nhất của NKT, TMC trên cơ sở bám sát các chương trình, đề án của Chính phủ, nhiệm vụ Nhà nước và kế hoạch, chỉ tiêu của Hội. Hội đã thực hiện các hoạt động, trợ giúp cho trên 9,8 triệu lượt người được hưởng lợi.

 

“Cùng nhìn lại chặng đường 25 năm đã đi qua, chúng ta nhận thức sâu sắc hơn ý nghĩa quyết định của Chính phủ khi thành lập Hội cũng như những kết quả hoạt động Hội đã đạt được, những vấn đề còn tồn tại, đúc rút thành bài học kinh nghiệm để từ đó tiếp tục khẳng định và phát huy vai trò, sứ mệnh của một tổ chức xã hội trong công tác vận động nguồn lực của xã hội góp phần tích cực vào việc bảo vệ, chăm sóc, trợ giúp đối tượng, thực hiện được quyền con người của mình", ông Nguyễn Đình Liêu nhấn mạnh.

 

Tôn vinh những đóng góp cho cộng đồng

 

25 năm hình thành và phát triển, vị thế, uy tín của Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam trong lĩnh vực bảo trợ, chăm sóc NKT, TMC ngày càng được khẳng định. Đóng góp vào những thành quả chung ấy, yếu tố không thể thiếu được chính là những con người thầm lặng, luôn dành tất cả tâm huyết, trách nhiệm của mình cho NKT, TMC, những tấm lòng hảo tâm đã luôn đồng hành cùng Hội trên mỗi chặng đường, mỗi chương trình, hoạt động. Tại Một trái tim - Một thế giới lần thứ XIV, khán giả có dịp chia sẻ câu chuyện của hai trong hàng trăm, hàng ngàn con người như thế. Đó là ông Lương Phan Cừ, Phó Chủ tịch Trung ương Hội và ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Công ty TNHH Babeeni Việt Nam.

 

5Anh 4

Nguyễn Hải Yến - Huy chương Vàng Hội thi Tiếng hát NKT toàn quốc năm 2014 biểu diễn tại Chương trình

 

Giao lưu tại Chương trình, ông Lương Phan Cừ, Phó Chủ tịch Trung ương Hội đã nhấn mạnh những dấu ấn trong hoạt động của Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam 25 năm qua. Ông cho biết: Dù là một tổ chức xã hội tự nguyện nhưng với 6 chương trình hoạt động trọng tâm, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam cùng các tổ chức thành viên đã tăng cường hoạt động, góp phần tích cực vào việc thực hiện chính sách xã hội hóa của Đảng và Nhà nước, thể hiện qua việc huy động được nguồn lực to lớn để trợ giúp cho NKT, TMC, người nghèo (chỉ tính riêng trong nhiệm kỳ IV Hội đã huy động được 1.862 tỷ đồng để trợ giúp cho hơn 8 triệu lượt NKT, TMC). Bên cạnh đó, các cấp Hội còn tham gia thực hiện nhiều phong trào thi đua mà Đảng, Nhà nước, UBMTTQVN phát động như: Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới; Bảo hiểm y tế toàn dân; Tháng cao điểm “Vì người nghèo”, hỗ trợ đồng bào các tỉnh thành bị thiệt hại do thiên tai.... Và điều đặc biệt là thông qua các chương trình sự kiện như chương trình Một trái tim - Một thế giới lần thứ XIV này, Hội đã khơi dậy tấm lòng nhân ái trong cộng đồng, lan tỏa sự sẻ chia, trợ giúp cho NKT, TMC vươn lên trong cuộc sống.

 

5Anh 5

Bà Nguyễn Thúy Anh (hàng đầu, thứ 2 từ trái sang), ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ nhiệm UB về CVĐXH của Quốc hội cùng lãnh đạo Trung ương Hội trao bằng tri ân cho các nhà tài trợ tại chương trình.

 

Tại Chương trình, thông qua một phóng sự ngắn và những chia sẻ trực tiếp của người lãnh đạo doanh nghiệp, khán giả có dịp hiểu hơn về một đơn vị đã đồng hành cùng Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam trong hoạt động dạy nghề cho NKT. Đó là Công ty TNHH Babeeni Việt Nam.

 

Với mong muốn có thể chia sẻ gánh nặng cho xã hội, gia đình, bản thân NKT và động viên những tấm gương NKT có ý chí, nghị lực vượt lên số phận, từ năm 2014, Công ty TNHH Babeeni Việt Nam đã phối hợp cùng Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam tham gia dạy nghề và tạo việc làm cho NKT trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Trong các năm 2014, 2015, 2016 Công ty đã phối hợp với Hội tổ chức 3 lớp dạy nghề cho 60 học viên khuyết tật. Ngoài ra, có 50 bạn khuyết tật khác có nhu cầu việc làm và đủ khả năng lao động khi đến xin học nghề, Công ty đều sẵn sàng tiếp nhận. Đến nay, trong tổng số 110 NKT được đào tạo nghề, Công ty đã tạo việc làm cho 59 em, số còn lại đã xin được việc làm ở gần nhà. Thu nhập bình quân của NKT trong Công ty đạt từ 4 - 5 triệu đồng/tháng và được tạo điều kiện về chỗ ăn, nghỉ, có người phục vụ đầy đủ. Cùng với việc dạy nghề, tạo việc làm, Công ty còn có ý thức xây dựng nhân cách, kỹ năng, thái độ học tập, quan tâm đến mối quan hệ của NKT. Để động viên tinh thần, khuyến khích NKT hăng say làm việc, Công ty còn tạo điều kiện cho NKT đi nước ngoài thăm quan, học tập bồi dưỡng, tiếp thu kiến thức.

 

Chia sẻ tại chương trình, ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Công ty cho biết “Công ty rất may mắn nhận được sự hướng dẫn của Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam, đây là kim chỉ Nam cho chúng tôi hướng tới việc đào tạo nghề cho NKT. May mắn nữa là ngành thêu và may rất phù hợp với NKT và đội ngũ giáo viên của chúng tôi rất lành nghề, tâm huyết với NKT. Các bạn khuyết tật đến với Công ty chúng tôi từ lúc còn bẽn lẽn, tự ti đã bắt đầu làm nghề như một người lao động bình thường, có được thu nhập tốt, tự tin trong cuộc sống. Tôi nghĩ đó là sự thành công rất lớn của Công ty và là điều mà chúng tôi luôn mong muốn hướng tới”.

 

Cổ vũ những tấm gương giàu nghị lực

 

Bên cạnh các tiết mục nghệ thuật đặt sắc của các ca sĩ, nghệ sĩ chuyên nghiệp, Một trái tim - Một thế giới lần thứ XIV còn đem đến cho khán giả tiết mục đặc sắc của ca sĩ khuyết tật Nguyễn Hải Yến - Huy chương Vàng Hội thi tiếng hát NKT toàn quốc năm 2014. Giọng ca trong trẻo, cao vút cùng lời ca nói lên nghị lực, ước mong của NKT đã khiến nhiều người không khỏi bùi ngùi, xúc động. Càng xúc động hơn nữa khi tại chương trình, khán giả có dịp giao lưu với những NKT, TMC tiêu biểu đang làm việc ở nhiều lĩnh vực ngành nghề khác nhau đó là anh Trần Thế Đạt, Chủ tịch Hội người mù huyện Thanh Trì, Hà Nội, chị Nguyễn Thị Đài Trang, chủ một nhà hàng dịch vụ ăn uống, là em Bùi Thị Kim Chi, sinh viên mồ côi hiện đang theo học tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Mỗi câu chuyện của mỗi gương điển hình được chia sẻ là một nguồn nghị lực được tiếp thêm để NKT, TMC vượt qua mặc cảm, tự tin phát huy năng lực bản thân cùng hòa nhập cộng đồng, chiến thắng số phận để trở thành người có ích trong xã hội.

 

Anh Trần Thế Đạt khi sinh ra là một người hoàn toàn khỏe mạnh, nhưng một căn bệnh hiểm nghèo đã cướp đi hoàn toàn thị lực của anh. Khi ấy anh đang là học sinh lớp 11. Sau 3 năm ròng tự nhốt mình trong nhà với nỗi mặc cảm, tự ti, anh đã tự thắp cho mình ngọn đuốc soi sáng con đường đầy chông gai mà mình đang đến. Anh luyện tập từ những việc vặt trong nhà, học chữ nổi Braile, vi tính và cuối cùng thi đỗ 2 trường Đại học Hà Nội (chuyên ngành Tiếng Anh) và Viện Đại học Mở (chuyên ngành Quản trị kinh doanh). Anh chọn theo học tại Viện Đại học Mở. Tháng 12/2015, Hội người mù huyện Thanh Trì tổ chức Đại hội đã bầu Trần Thế Đạt làm Chủ tịch Hội. Hiện nay, anh là Chủ tịch trẻ nhất trong các cấp lãnh đạo Hội người mù. Tháng 4/2012, anh đã giành được học bổng của một khóa học ngắn ngày tại úc. Trong khóa học này, anh được tiếp cận với các ứng dụng tiếp cận với người mù. Khi kết thúc khóa học, anh về làm việc và kết hợp với các cấp Hội người mù đưa ứng dụng NVVA - một trong những ứng dụng đọc màn hình vi tính vào phổ biến cho các hội viên. Nhờ đó, nhiều người mù đã có cơ hội tiếp cận công nghệ thông tin, truy cập internet, học tập, làm việc.

 

Anh Đạt quan niệm “Trong cuộc sống không có gì là công bằng cả, giống như bàn tay luôn có ngón dài, ngón ngắn, chính điều đó đã tạo nên một bàn tay hoàn mĩ. Đối với tôi, vượt qua được những mặc cảm, khó khăn trong cuộc sống ngoài sự nỗ lực, cố gắng của bản thân, còn nhờ sự động viên của gia đình, bạn bè, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp Hội người mù và đặc biệt là các tấm lòng nhân ái đã giúp đỡ, động viên chúng tôi vượt qua khó khăn. Tôi luôn biết ơn và trân trọng điều đó”.

 

Còn chị Nguyễn Thị Đài Trang thì bị bại liệt chân trái, vẹo cột sống từ khi mới 3 tháng tuổi. Dù cơ thể không lành lặn và đôi chân không thể tự đi lại được, chị vẫn nỗ lực trong học tập và luôn là học sinh giỏi, sống chan hòa, cởi mở với mọi người. Suốt 10 năm, chị đã bươn chải khắp nơi, lăn lộn với đủ thức nghề để mưu sinh: từ làm văn thư ở trường học, từng mở hiệu sách ở Cửa Lò, Nghệ An, từng làm quản trị website cho doanh nghiệp tư nhân, từng mở quán cà phê rồi bán nước chè, làm nhân viên chăm sóc khách hàng và cuối cùng, chị chọn theo nghề dịch vụ ăn uống. Bằng sự kiên trì, nỗ lực của mình, hiện nay, chị đã xây dựng gia đình nhỏ đầm ấm, hạnh phúc với người chồng khỏe mạnh và hai cô con gái xinh xắn, đáng yêu. Chị còn là chủ của một nhà hàng ăn uống, có diện tích hơn 1.000 mét vuông, tạo việc làm cho 30 lao động, trong đó có 2 bạn mồ côi với thu nhập bình quân từ 4 – 15 triệu đồng một người/tháng.

 

Là con út trong gia đình có 6 anh chị em, bố mất khi Bùi Thị Kim Chi mới lên 3 tuổi. Anh cả của Chi ngay từ khi sinh ra đã mắc bệnh Down lại đau ốm thường xuyên. Các anh chị đã lớn và có gia đình riêng, vì vậy mọi việc từ sinh hoạt, thuốc men cho anh trai và tiền học của Chi đều do một mình mẹ em năm nay đã 65 tuổi gánh vác. Lớn lên mà không có bố bên cạnh, mẹ quanh năm suốt tháng ngoài đồng, ít có điều kiện chăm lo cho Chi. Nhưng Chi biết, mẹ em vất vả như vậy cũng chỉ mong em được đi học đầy đủ, có thêm kiến thức để có được công việc ổn định, không phải vất vả như mẹ. Và chính nhờ sự động viên của mẹ và gia đình, sự giúp đỡ của thầy cô, bạn bè và các tổ chức, ban ngành nên Chi đã dặn mình phải chăm chỉ học tập để có được thành tích tốt. Suốt 12 năm học Chi đều đạt học sinh giỏi và đã thi đỗ vào Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

 

Chia sẻ tại chương trình, Bùi Thị Kim Chi cho biết “Khi nhận được tin đậu đại học, em và mẹ rất vui nhưng cũng rất lo lắng vì chi phí học tập tại một trường đại học hàng đầu như Bách khoa Hà Nội rất tốn kém. Nhưng em rất may mắn khi trong lúc khó khăn nhất, em được Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam giới thiệu để nhận được sự hỗ trợ chi phí và phương pháp học tập từ bác Dũng ở Hà Nội. Năm học thứ hai này, cũng thông qua Hội, em được Công ty TNHH Babeeni Việt Nam hỗ trợ hoàn toàn học phí. Ngoài ra, em cũng đi làm thêm để có thêm thu nhập trang trải sinh hoạt. Em cảm thấy mình rất may mắn khi được Hội và các nhà hảo tâm giúp đỡ. Em luôn dặn mình phải cố gắng học tập thật tốt, đạt kết quả cao để không phụ lại tấm lòng sự mong muốn và tin tưởng mong mỏi của mọi người”.

 

5Anh 3

Em Bùi Thị Kim Chi, sinh viên mồ côi chia sẻ câu chuyện của mình

 

Qua các phóng sự, câu chuyện của các nhân vật giao lưu tại Chương trình, chúng ta có thể thấy, ở bất cứ đâu, trong hoàn cảnh nào, NKT, TMC vẫn luôn vững chí bền lòng, vượt qua gian nan, thử thách để vươn lên, quyết tâm thực hiện ước mơ của mình. Nhưng những ước mơ đó vẫn cần lắm sự chung sức chung lòng, động viên, chia sẻ bằng vật chất, tinh thần của các đơn vị doanh nghiệp, những tấm lòng hảo tâm.

 

Và ngay tại Chương trình Một trái tim – Một thế giới lần thứ XIV, các nhà hảo tâm, các tổ chức, doanh nghiệp đã ủng hộ quỹ Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam số tiền 16,5 tỷ đồng. Tri ân những tấm lòng nhân ái, Ban tổ chức Chương trình đã vinh danh, trao Bằng tri ân và những đóa hoa tươi thắm đến các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp tiêu biểu.

 

Chương trình khép lại với những cảm xúc lắng đọng mà tràn đầy ấm áp của sự sẻ chia, tình cảm tương thân tương ái giữa con người với con người. Bằng việc biểu dương những tấm gương nghị lực vượt khó vươn lên, tôn vinh những con người biết sống vì cộng đồng, Chương trình Một trái tim - Một thế giới lần thứ XIV một lần nữa khắc họa nét đẹp của cuộc sống và gửi gắm tới khán giả những thông điệp mang đậm ý nghĩa nhân văn.

 

Nguồn: Tạp chí Người bảo trợ

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi