Thứ năm, 22 Tháng 12 2016 10:47

Tuổi thơ nghèo khó và những tháng ngày vất vả bươn chải để theo đuổi những ước mơ, hoài bão và khát vọng của tuổi trẻ đã giúp tôi hiểu hơn về cuộc sống khốn khó, sự thiệt thòi của những trẻ em bất hạnh. Một trong những ước mơ bé nhỏ ấy của tôi, đó là được góp chút sức lực để mang lại hơi ấm, tình thương cho các em bé mồ côi, khuyết tật.

Thành lập mái ấm để giúp đời

Tôi được sinh ra ở miền quê yên ả, thanh bình Nam Định, nơi đã nuôi dưỡng cho tôi ý chí vượt qua bao khó nhọc của tuổi thơ, hun đúc cho tôi tính kiên trì, chịu khó đèn sách để trở thành một người có ích cho xã hội.

Sau nhiều cố gắng, tôi may mắn được trở thành cậu sinh viên theo học ngành y và tốt nghiệp với tấm bằng loại khá. Cầm tấm bằng trên tay, trong tôi có khá nhiều dự định phát triển sự nghiệp và gây dựng một tương lai tươi sáng nhưng tôi đã phải đưa ra một quyết định thật khó khăn để làm được những điều có ích cho những miền quê nghèo khó. Dù rằng gia đình tôi khuyên nhủ, bố mẹ động viên tôi ở lại quê nhà nhưng tôi vẫn quyết định tạm biệt miền quê đã in đậm trong tôi rất nhiều kỷ niệm và chuyển đến công tác tại trạm xá đội 21 thuộc huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai.

Trai tim 2222

Để có thêm nguồn thu nhập nuôi đàn con của mái ấm, hàng ngày ông Châu phải vất vả làm đủ mọi việc

Đến công tác ở nơi đất khách quê người với bao nhiêu lạ lẫm, bỡ ngỡ nhưng chính sự thân thiện, gần gũi của những người dân đôn hậu ở Đồng Nai đã tiếp thêm cho tôi phấn chấn, nhiệt huyết để cống hiến trí tuệ, góp sức cho công tác chăm sóc sức khoẻ của người dân nghèo nơi đây.

Bên cạnh công việc của một bác sỹ, tôi còn sẵn sàng đảm nhận nhiều công việc gắn với các hoạt động cộng đồng, khi thì làm giáo dục viên Câu lạc bộ đường phố của Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh Đồng Nai, lúc lại làm giáo dục viên nhà mở Cầu Kho tại quận 1 thành phố Hồ Chí Minh, huấn luyện viên Câu lạc bộ kỹ năng huyện Đoàn Trảng Bom đến nhân viên tham vấn Trung tâm giáo dục dạy nghề thiếu niên thuộc Sở Lao động - Thương binh và xã hội thành phố Hồ Chí Minh và một thời gian dài hoạt động xã hội cùng những thanh niên khuyết tật.

Qua những hoạt động cộng đồng ấy, tôi từng được chứng kiến rất nhiều mảnh đời bất hạnh, những số phận trái ngang của các em bé khi sinh ra không được lành lặn, có em nhỏ xinh xắn, kháu khỉnh lại bị chính cha mẹ ruột chối bỏ và cũng xuất phát từ những lá thư tay nguệch ngoạc khẩn khoản cần sự giúp đỡ, gửi gắm những đứa con của họ đã làm lay động và thúc giục tôi mở rộng trái tim mình.

Sự đồng cảm, sẻ chia trỗi dậy, thúc giục tôi dành mọi tâm huyết, tiền bạc để xây dựng mái ấm cho trẻ mồ côi, khuyết tật. Năm 1998, sau bao cố gắng cùng sự cảm thông của người bạn đời, những người thân, bè bạn, Mái ấm Sao Mai đã được thành lập và đến năm 2004 được đổi tên thành Mái ấm Phan Sinh tại huyện Trảng Bom, với hy vọng mái ấm sẽ trở thành nơi tái sinh cuộc sống cho những trẻ thơ thiệt thòi.

Và nhân rộng yêu thương

Ngót 18 năm Mái ấm Phan Sinh ra đời, tôi đã dành trọn tâm huyết, tình yêu thương cho đàn con khuyết tật. Dù vất vả, gian khó nhưng tôi chưa từng muốn dừng bước, ngược lại tôi mong mỏi có thêm nhiều sức khoẻ để lo lắng, chăm sóc cho các con.

Hiện mái ấm Phan Sinh của tôi đang nuôi dưỡng 70 mảnh đời khuyết tật, mồ côi, trong đó có 54 trẻ khuyết tật, 16 trẻ mồ côi và người già neo đơn. Hầu hết các hoàn cảnh đến với mái ấm đều do tôi tình cờ gặp trẻ đi lang thang, có trường hợp gia đình đưa trẻ đến gửi gắm nhưng rồi chưa từng quay trở lại như lời hẹn... Xót xa trước những mảnh đời bất hạnh, nhiều trẻ vừa thiếu thốn tình mẫu tử, vừa phải mang một cơ thể khuyết tật, thậm chí nhiều trẻ vẫn chưa có tên, vì thế tôi không nỡ từ chối bất cứ một mảnh đời bất hạnh nào tìm đến mái ấm, dù tôi biết khó khăn càng chất chồng khó khăn.

Để duy trì mái ấm và mang đến cho trẻ khuyết tật, mồ côi, những mảnh đời cô đơn có cuộc sống ổn định, tôi phải nỗ lực bươn trải. Từ tờ mờ sáng, tôi làm bạn cùng chiếc xe máy cà tàng đi đến các chợ đầu mối, chợ đêm xin rau củ và thực phẩm bán cho người chăn nuôi heo, khi thì đi xin vải vụn về may thành những tấm vải lớn đem bán cho các tiệm sửa xe làm khăn lau.

Trai tim 22221

Ông Châu luôn dành cho trẻ khuyết tật, mồ côi tình thương yêu vô bờ

 

Tuy đã chi tiêu rất tiết kiệm nhưng mỗi tháng Mái ấm Phan Sinh phải dành khoảng 50 triệu đồng chăm lo cho các đối tượng. Bởi vậy, ngoài những khoản thu nhập ít ỏi từ việc đi xin thực phẩm, tôi còn nuôi thêm gà, ếch, cá, vừa để có thêm nguồn kinh phí ổn định, vừa tự cung cấp thực phẩm sạch cho các con. Từ cách làm này, mỗi năm tôi thu nhập được khoảng 200 triệu đồng/năm, sau khi đã trừ hết các chi phí mua giống, thức ăn chăn nuôi.

Ban ngày khoác lên người bộ quần áo lấm lem, cũ kỹ, lỉnh kỉnh nào thùng, nào túi đi xin rau, thực phẩm, khi thì trộn cám cho đàn gà, vứt thức ăn cho chuồng ếch, tối đến tôi lại vận lên người chiếc quần âu, áo sơmi đi làm thầy dạy kèm tiếng Anh cho học sinh ở thị trấn Trảng Bom. Nhờ có nhiều nguồn thu nhập và thỉnh thoảng tôi tranh thủ phối hợp cùng những người quen đi vận động một số mạnh thường quân nên đời sống của các đối tượng ở mái ấm được cải thiện hơn.

Cùng đồng hành với tôi để duy trì mái ấm, mang lại hạnh phúc, yêu thương cho những trẻ thơ thiệt thòi còn có những tấm lòng cao đẹp, đó là những con người sẵn sàng bỏ công bỏ việc đến mái ấm giúp tôi nấu ăn, tắm cho trẻ, chăm sóc cho những cháu bé khuyết tật và các cụ già… Với tôi, hạnh phúc đó là được nghe tiếng các con cười, thấy con ăn hết bình sữa và say xưa trong giấc ngủ bình yên. Nhưng để có được những giây phút hạnh phúc ấy, tôi luôn thầm cảm ơn gia đình, cảm ơn người vợ hiền luôn là hậu phương vững chắc, nguồn cổ vũ lớn lao để tôi theo đuổi đam mê, cống hiến cho hoạt động xã hội.  

 

 

Nguồn: Tạp chí Người Bảo trợ

 

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi