Trẻ em khuyết tật nghèo luôn được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội dành sự quan tâm đặc biệt thông qua các chính sách, chương trình bảo vệ, chăm sóc, hỗ trợ. Với trách nhiệm của mình, trong những năm qua, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam đã luôn tích cực, chủ động đón đầu, tham gia thực hiện các chính sách của nhà nước về trợ giúp NKT, TMC. Chương trình “Phẫu thuật chỉnh hình cho trẻ dị tật môi – vòm miệng” với nguồn kinh phí 1 tỷ 210 triệu đồng do Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam tài trợ vừa được triển khai cuối tháng 6 vừa qua là một trong những hoạt động tích cực của Hội tham gia thực hiện Đề án Trợ giúp NKT giai đoạn 2012 - 2020.
Lãnh đạo Bộ LĐTB&XH, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam thăm hỏi động viên trẻ bị sứt môi hở hàm ếch trước khi phẫu thuật
Tìm lại nụ cười cho em
Tại phòng khám Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba, dù chưa tới giờ làm việc, nhưng đã có rất đông bệnh nhân là những em nhỏ ở nhiều độ tuổi được bố, mẹ đưa tới chờ khám sàng lọc, làm hồ sơ bệnh án theo Chương trình “Phẫu thuật chỉnh hình cho trẻ em bị dị tật môi - vòm miệng”. Qua trò chuyện, gia đình bệnh nhân chia sẻ họ biết đến Chương trình qua nhiều kênh thông tin khác nhau. Người được cán bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Dân số của xã, huyện thông báo vì đã đăng ký tại chính quyền địa phương từ nhiều năm trước để chờ đợi cơ hội may mắn; người lại được người quen mách thông tin.
Bác sĩ Bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam - Cu Ba khám sàng lọc cho trẻ có khe hở vòm miệng trước khi phẫu thuật
Mỗi người một hoàn cảnh, nhưng họ đều giống nhau ở gia cảnh nghèo khó và nỗi niềm trăn trở vì sự thiệt thòi, khiếm khuyết mà con mình đang phải mang. Không có khả năng tự chi trả kinh phí cho quá trình phẫu thuật, điều trị cho con, những bậc sinh thành đành nuốt nước mắt vào trong nhìn con lớn lên với bao khó khăn, mặc cảm trong sinh hoạt, giao tiếp. Biết tin về Chương trình, họ lập tức đến đây với mơ ước lớn nhất, đó là con mình có cơ hội được phẫu thuật, tìm lại được nụ cười lành lặn, xinh xắn như bao em nhỏ thơ ngây khác.
Trong số họ, có bệnh nhân ở ngay Hà Nội hay những tỉnh gần như Hưng Yên, Hòa Bình, Bắc Giang; nhưng cũng có nhiều em mang dị tật rất nặng đến từ những tỉnh miền núi xa xôi như Cao Bằng, Lạng Sơn, Sơn La… Các bệnh nhân đã được đội ngũ y, bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba tiến hành các thủ tục làm xét nghiệm máu, kiểm tra sức khỏe, cân nặng của trẻ khuyết tật. Những trường hợp đủ điều kiện đã được bác sỹ chỉ dẫn cụ thể, nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ bệnh án. Đợt phẫu thuật đầu tiện của Chương trình đã có 35 ca được phẫu thuật thành công.
Bà Hoàng Diệu Tuyết - PCT Trung ương Hội đến thăm, động viên, tặng quà trẻ khuyết tật tại phòng điều trị do Công ty Cổ phần Sữa TH Truemilk và Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam tài trợ
Theo bác sĩ Nguyễn Khánh Long - Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba, người trực tiếp phụ trách về kỹ thuật phẫu thuật, điều trị hậu phẫu cho biết: “Tất cả các trường hợp được phẫu thuật dị tật môi - vòm miệng trong đợt đầu tiên có kết quả rất tốt. Tình hình sức khỏe của các em đều ổn định, vết mổ đã khô, được cắt chỉ, đặc biệt là các dị tật môi, vòm miệng bẩm sinh của trẻ đã được đội ngũ y, bác sĩ dồn mọi tâm huyết, tình cảm, giúp các em có được tiếng nói rõ ràng, nụ cười tròn xinh trên môi. Là một bác sĩ và cũng là một người cha, tôi luôn cố gắngđể góp chút sức lực, khả năng của mình, mong đem lại những điều tốt đẹp nhất, chia sẻ thiệt thòi cho trẻ khuyết tật. Tôi hy vọng và tin tưởng rằng, Trung ương Hội và Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank), cũng như các mạnh thường quân khác sẽ tiếp tục tổ chức nhiều hơn nữa những dự án hỗ trợ ý nghĩa, thiết thực dành cho người khuyết tật như Chương trình này”.
Cũng theo bác sĩ Long, sau một tuần theo dõi, bệnh nhân được phẫu thuật trong đợt đầu đã đủ điều kiện xuất viện, được các bác sĩ kê đơn thuốc chống viêm, giảm đau và hướng dẫn cách chăm sóc, đưa trẻ đến bệnh viện, trạm y tế nơi gần nhất để được theo dõi bệnh lý về tai, mũi, họng và các bệnh nhi khoa khác trong quá trình điều trị, cũng như ghi lịch hẹn các gia đình đưa trẻ trở lại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba khám, kiểm tra vết mổ. Riêng với trẻ có khe hở vòm miệng, các bác sĩ căn dặn gia đình dạy trẻ phát âm sau phẫu thuật. Đợt phẫu thuật thứ 2 sẽ tiếp tục được triển khai vào trung tuần tháng 7.
Những xúc cảm khó nói thành lời
Nhìn khuôn mặt con sau khi tháo băng, niềm vui dường như vỡ òa và lan tỏa trên những gương mặt đen sạm, khắc khổ của những người cha, người mẹ. Chẳng thể nói hết niềm vui của cha mẹ khi thấy con mình đã trở nên lành lặn, xinh xắn như mong ước bấy lâu. Đôi mắt rớm lệ trong niềm vui, chị Lưu Thị Nhưng (xã Đình Cao, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên) tâm sự: “Con trai thứ hai của tôi là Nguyễn Hải Đường không may mang dị tật ở môi từ khi chào đời, vợ chồng tôi đã bàn nhau cố gắng làm ăn, dành dụm tiền đưa con đi phẫu thuật. Nhưng khi cháu Đường được vài tháng tuổi thì bố cháu qua đời, để lại cho tôi gánh nặng gia đình, một thân một mình lo toan việc đồng áng, nuôi nấng các con, dự định của vợ chồng tôi đành dang dở vì mình tôi không lo đủ kinh phí. Tôi đã đăng ký với cán bộ dân số xã cho cháu vào danh sách xin phẫu thuật miễn phí và sau 2 năm, may mắn đã đến khi cháu được chọn đưa vào đối tượng thụ hưởng của Chương trình. Sau phẫu thuật vết mổ của cháu đã liền lại, đôi môi của cháu đã lành lặn và được bác sĩ cho ra viện. Tôi mong rằng sẽ có nhiều em nhỏ không may bị khiếm khuyết như con tôi sẽ sớm có cơ hội tìm lại nụ cười, tự tin hòa nhập cộng đồng”.
Sức khỏe và vết mổ của cháu Vì Quốc Anh (Sơn La) đã ổn định sau phẫu thuật
Chị Tạ Thị Thủy, mẹ của bé Vì Quốc Anh, 15 tháng tuổi (phường Trường Sinh, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La) xúc động nói: “Nhờ Hội và nhà tài trợ mà con tôi cùng các em nhỏ đồng cảnh ngộ cơ hội được phẫu thuật miễn phí, điều mà tôi không bao giờ dám nghĩ tới. Bởi với nguồn thu nhập từ nghề phu hồ, trồng lúa của vợ chồng tôi thì việc lo ăn cũng là đã vất vả. Tôi xin được gửi lời tri ân và cảm ơn sâu sắc đến các bác lãnh đạo Trung ương Hội, nhà tài trợ Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam đã dành sự quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ cho những đứa trẻ khuyết tật như con tôi có được nụ cười lành lặn, có thể học nói dễ dàng hơn và không bị mắc tật nói ngọng. Tôi hứa sẽ chăm sóc cháu thật tốt sau khi phẫu thuật và nuôi dạy cháu khôn lớn trưởng thành, trở thành người có ích cho gia đình, xã hội”.
Chứng kiến niềm vui của gia đình các em nhỏ được phẫu thuật trong đợt đầu, càng cảm nhận rõ hơn ý nghĩa nhân văn mà Chương trình mang lại. Nhìn rộng hơn, có thể nói, Chương trình “Phẫu thuật chỉnh hình cho trẻ dị tật môi - vòm miệng” đã góp phần thể hiện trách nhiệm, sự quan tâm của cộng đồng, xã hội dành cho trẻ khuyết tật. Qua Chương trình này, mối quan hệ hợp tác giữa Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam và Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam cũng tiếp tục được củng cố, mở ra những cơ hội thực hiện các hoạt động trợ giúp người khuyết tật, trẻ mồ côi trong những năm tiếp theo.
Nguồn: Tạp chí Người Bảo trợ
Tin cùng chủ đề
Tin mới
- Tỉnh Hội Bắc Giang: Tổ chức Đại hội lần thứ III nhiệm kỳ 2016 – 2021 - 13/10/2016 06:18
- Đại hội Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Bắc Giang lần thứ III - 28/09/2016 09:55
- Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam: Góp phần tích cực nâng cao hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới - 12/08/2016 07:32
- “San sẻ niềm vui, nhân rộng yêu thương” - 12/08/2016 04:09
- Công tác trợ giúp xã hội – Kết quả đạt được và định hướng - 03/08/2016 03:47
Các tin khác
- Tỉnh Hội Gia Lai: Tích cực thực hiện Đề án Trợ giúp người khuyết tật - 05/07/2016 03:16
- Triển khai chương trình phẫu thuật cho trẻ em bị dị tật môi - vòm miệng - 01/07/2016 04:56
- Chương trình “Một trái tim - Một thế giới” lần thứ 13: Triệu trái tim cùng chung nhịp đập vì người khuyết tật, trẻ mồ côi - 09/05/2016 03:23
- Chung sức xây dựng xã hội tốt đẹp và nhân văn hơn - 09/05/2016 03:15
- “Những bài học về ý chí, về khát vọng” - 06/05/2016 08:37