Do hậu quả của chiến tranh, tác động của già hóa dân số và đô thị hóa nên đối tượng có nhu cầu trợ giúp xã hội ở nước ta lớn, ước tính khoảng 20% dân số. Để trợ giúp cho những đối tượng này, trong thời gian qua, mặc dù tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, cơ quan địa phương, các chương trình chính sách trợ giúp xã hội, đặc biệt là đối với NKT, người tâm thần, rối nhiễu tâm trí đã có những kết quả tích cực.
Kết quả đạt được về xây dựng cơ chế chính sách
Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), tính đến đầu năm 2016 đã có trên 10 bộ Luật, Luật, 7 Pháp lệnh, hơn 30 Nghị định, Quyết định của Chính phủ, TTCP, hơn 40 Thông tư, Thông tư liên tịch và nhiều văn bản chỉ đạo khác trực tiếp hoặc có nội dung quy định khung pháp lý, chính sách, là cơ sở, tiền đề cho việc thực hiện chính sách trợ giúp xã hội nói chung, trợ giúp cho NKT, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nói riêng. Bộ LĐ-TB&XH đã chủ động ban hành hàng trăm văn bản hướng dẫn, đôn đốc các địa phương thực hiện trợ cấp xã hội, Luật NKT, Luật Người cao tuổi, Đề án Phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010 - 2020, Đề án Trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2011 - 2020, Đề án Trợ giúp NKT giai đoạn 2012 - 2020, Đề án Chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn dựa vào cộng đồng giai đoạn 2013 - 2020. Bộ cũng đã hướng dẫn các địa phương báo cáo đánh giá 5 năm thực hiện Luật NKT, Đề án Trợ giúp NKT.
Kết quả thực hiện chính sách
Trong công tác trợ giúp xã hội với đối tượng là NKT, theo báo cáo của 63 tỉnh, thành phố, đến nay đã triển khai xác định mức độ khuyết tật và cấp giấy chứng nhận khuyết tật cho khoảng 1.311.332 NKT, trong đó có 266.639 NKT đặc biệt nặng, 501.567 NKT nặng và 543.126 NKT nhẹ. Chia theo dạng tật có 349.636 NKT vận động, 196.362 NKT nghe nói, 198.254 NKT nhìn, 211.587 NKT thần kinh, 201.756 NKT trí tuệ và 154.985 NKT khác.
Các Bộ, ngành, UBND các tỉnh đã phê duyệt kế hoạch tổ chức thực hiện các nội dung của Đề án Trợ giúp NKT giai đoạn 2012 - 2020. Các địa phương trong cả nước, các tổ chức của NKT và vì NKT đã chủ động phối hợp với các Sở, Ban, ngành triển khai các hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ dạy nghề, tìm kiếm việc làm, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, trợ giúp pháp lý, tiếp cận văn hóa, giao thông, công trình công cộng… cho NKT. Việc khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng cho NKT trên cả nước được thực hiện tại 36 Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, 492 Bệnh viện tuyến tỉnh, 620 Bệnh viện tuyến huyện, 31 bệnh viện Bộ, ngành, 170 Bệnh viện tư nhân với tổng số 260.058 giường bệnh. Đã có 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục cấp tỉnh, cả nước có 107 Cơ sở Giáo dục chuyên biệt và 12 Trung tâm Giáo dục trẻ em khuyết tật. Phương thức giáo dục hòa nhập được thực hiện ở tất cả các cấp học phổ thông. Bên cạnh đó, NKT được dạy nghề, được hỗ trợ tạo việc làm, giảm giá vé khi tham gia giao thông, được trợ giúp pháp lý miễn phí…
Hội Bảo trợ NTT&TMC Việt Nam vận động hỗ trợ xây dựng nhà cho NKT tại Hải Phòng
Năm 2015, Bộ LĐ-TB&XH đã tổ chức đánh giá tình hình triển khai thực hiện Luật NKT và Đề án Trợ giúp NKT về xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch hoạt động trợ giúp NKT hàng năm, việc bố trí ngân sách, nhân lực của địa phương, lồng ghép kinh phí các chương trình, các Đề án có liên quan trên địa bàn để đảm bảo thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Luật và Đề án, làm căn cứ để xây dựng kế hoạch thực hiện Công ước quốc tế về quyền của NKT. Ngày 21/6/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1100/QĐ-TTg Phê duyệt Kế hoạch thực hiện Công ước của Liên Hợp Quốc về Quyền của NKT. Nội dung của kế hoạch tập trung vào việc tuyên truyền, phổ biến nội dung Công ước và pháp luật về NKT; Rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trợ giúp NKT trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, giáo dục, đào tạo nghề, việc làm, văn hóa, thể dục, thể thao, giải trí và du lịch, tiếp cận công trình công cộng, giao thông công nghệ thông tin, truyền thông và trợ giúp pháp lý bảo đảm phù hợp với Công ước; Thực hiện hiệu quả các Chương trình, Đề án, Dự án về NKT; Tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực trợ giúp NKT…
Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp cùng Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam, Hội Người mù, các tổ chức của NKT và vì NKT triển khai mô hình trợ giúp NKT tại 14 xã/phường của tỉnh Thái Nguyên, Thái Bình, Bình Phước, Quảng Bình và Tây Ninh. Mô hình này đã hỗ trợ cho các hộ gia đình có NKT và bản thân NKT dụng cụ sản xuất, giống cây trồng, vật nuôi… để phát triển sản xuất, tăng thu nhập. Trong công tác tuyên truyền Bộ cũng đã phối hợp với các báo, tạp chí, truyền hình… thực hiện tuyên truyền pháp luật về NKT, chính sách, chương trình, Đề án Trợ giúp NKT. Đã có 3 phim, phóng sự tình hình thực hiện Luật NKT, Đề án Trợ giúp NKT và các mô hình trợ giúp thành công được xây dựng và phát sóng trên Đài Truyền hình Việt Nam. Hàng chục chuyên đề về NKT được đăng trên các báo, tạp chí như Tạp chí Lao động xã hội, Tạp chí Người bảo trợ, báo Quân đội nhân dân, báo Lao động và Xã hội, Tạp chí Nhân đạo, báo Dân trí…
Đối với người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí, theo thống kê, đến nay đã có 45 cơ sở BTXH có chăm sóc và PHCN cho người tâm thần, trong đó có 26 cơ sở chăm sóc chuyên biệt, 10 cơ sở tổng hợp đạt công suất tiếp nhận, chăm sóc và PHCN cho khoảng 13.000 đối tượng. Phần lớn các cơ sở liên kết với tiểu thương, tổ chức, cá nhân, tổ chức lao động sản xuất, hướng nghiệp và dạy nghề, tạo việc làm cho người tâm thần thông qua các nghề như chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng nấm, sản xuất hương, vàng mã, giấy bản, trồng cây cảnh… tạo thu nhập, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và tinh thần cho đối tượng. Một số Trung tâm làm tốt công tác này có thể kể đến như Trung tâm Điều dưỡng và PHCN tâm thần các tỉnh, thành phố: Thái Nguyên, Sơn La, Việt Trì, Ninh Bình, Hà Nội, Trung tâm PHCN trẻ tàn tật Thụy An… Đã có Trung tâm tự đảm bảo thực phẩm hàng ngày cho đối tượng và còn cung cấp thực phẩm, sản phẩm ra ngoài thị trường. Một số Trung tâm còn tổ chức các hoạt động Hội thi giọng hát hay, tập luyện, thi đấu thể thao và các hoạt động khác phù hợp với lứa tuổi và sức khỏe của từng nhóm đối tượng. Với những đối tượng có sự chuyển biến tốt, có đủ điều kiện, các Trung tâm đã phối hợp cùng chính quyền địa phương đưa họ trở về với gia đình, tái hòa nhập cộng đồng, đồng thời hỗ trợ, tạo điều kiện để họ ổn định cuộc sống.
Thực hiện chính sách trợ giúp xã hội với đối tượng người tâm thần, các cơ sở BTXH chăm sóc, PHCN cho người tâm thần các các Trung tâm CTXH đã tổ chức cung cấp dịch vụ về CTXH đối với người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí, tổ chức quản lý trường hợp đối với 60.000 người tâm thần tại cộng đồng. Ngoài ra, các Trung tâm này còn cung cấp dịch vụ công tác xã hội như: tư vấn, đánh giá nhu cầu về khía cạnh xã hội của đối tượng để cung cấp các dịch vụ chăm sóc, quản lý trường hợp, trị liệu tâm lý cho đối tượng, hỗ trợ tiếp cận dịch vụ theo quy định của pháp luật, vận động xã hội hỗ trợ đối tượng cũng như hỗ trợ chăm sóc đối tượng tại gia đình, cộng đồng….
Nhiều địa phương đã xây dựng mô hình cơ sở phòng và điều trị rối nhiễu tâm trí như: Bệnh viện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, Trung tâm BTXH tỉnh Bắc Giang, Trung tâm CTXH tỉnh Thanh Hóa, Trung tâm BTXH tỉnh Hà Nam, Trung tâm BTXH tỉnh Vĩnh Long, Trung tâm BTXH tỉnh Đắc Nông… Các mô hình này tập trung vào cung cấp các dịch vụ tư vấn, tham vấn, kết nối chuyển tuyến cho đối tượng bị rối nhiễu tâm trí, sang chấn tâm lý, khủng hoảng tâm lý, có nguy cơ cao bị bệnh tâm thần. Để nâng cao kiến thức, kỹ năng cho các cán bộ, nhân viên làm việc liên quan đến người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí, hàng năm, Trung ương đã hỗ trợ tập huấn cho khoảng 5.000 lượt cán bộ, nhân viên về lĩnh vực sức khỏe tâm thần, các kiến thức, kỹ năng, phương pháp trị liệu, chăm sóc và PHCN cho đối tượng, đào tạo khoảng 450 cán bộ quản lý, nhân viên về lĩnh vực sức khỏe tâm thần với các kiến thức chuyên sâu được chia sẻ bởi các chuyên gia trong nước và quốc tế.
Để chuẩn bị nguồn nhân lực cho các hoạt động trợ giúp NKT, người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí, Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp cùng các trường đại học đào tạo CTXH xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo về lĩnh vực sức khỏe tâm thần. 6 cuốn giáo trình về lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tâm thần đã được biên soạn. Cùng với đó, các bài viết tuyên truyền về lĩnh vực sức khỏe tâm thần cũng được biên soạn, đăng tải trên báo chí, đài VOV, trang thông tin điện tử… các phim tài liệu, phóng sự về việc triển khai thực hiện Đề án 1215 và mô hình trợ giúp xã hội và PHCN cho người tâm thần cũng được phát sóng trên kênh truyền hình quốc gia, các tờ rơi tuyên truyền về lĩnh vực trợ giúp xã hội và PHCN cho người tâm thần được phát hành rộng rãi.
Định hướng trong thời gian tới
Có thể nói, với sự nỗ lực thực hiện của các cấp, ngành và địa phương, trong thời gian qua, công tác trợ giúp xã hội với đối tượng NKT, người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, theo dự báo của các chuyên gia, trong thời gian tới, nước ta phải đối mặt với những khó khăn, thách thức do già hóa dân số, gia tăng người có hoàn cảnh khó khăn do tác động của ô nhiễm môi trường, thiên tai, tai nạn giao thông… làm gia tăng mức độ khuyết tật và các vấn đề liên quan khác, đòi hỏi phải có một chính sách an sinh xã hội và sự đổi mới trong dịch vụ trợ giúp xã hội nói chung, trợ giúp NKT, người tâm thần, rối nhiễu tâm trí nói riêng. Vì vậy, trong thời gian tới cần tiếp tục thực hiện:
Hỗ trợ học nghề và tìm kiếm việc làm cho NKT tại Hà Tĩnh
- Phát triển mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội của đất nước, nâng cao chất lượng dịch vụ trợ giúp xã hội tiếp cận các nước tiên tiến trong khu vực, đáp ứng nhu cầu trợ giúp của người dân, ngày 20/10/2015 Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đã quyết định Phê duyệt Quy hoạch mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, hướng tới mục tiêu củng cố, phát triển mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội công lập và một trong những đối tượng được ưu tiên trợ giúp đầu tiên của quy hoạch là người tâm thần, NKT nặng, đảm bảo “đến năm 2025 tất cả các cơ trở trợ giúp xã hội bảo đảm các điều kiện tối thiểu tiếp cận với NKT”.
Hoạt động xóa mù chữ cho NKT của Hội NKT thành phố Hà Nội
- Theo quy hoạch, cả nước sẽ hình thành phát triển 461 cơ sở trợ giúp xã hội, trong đó có 189 cơ sở công lập và 272 cơ sở ngoài công lập. Từ đó, sẽ nâng công suất phục vụ tại các cơ sở trợ giúp xã hội lên 70.000 đối tượng vào năm 2020 và 140.000 đối tượng vào năm 2025. Trong nội dung quy hoạch cũng đã nêu rõ việc phân bổ mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội các vùng trong cả nước, tiêu chuẩn bố trí đất đai, cơ sở hạ tầng, các tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng, nguồn vốn cũng như giải pháp thực hiện. Trong lộ trình thực hiện quy hoạch, đối tượng NKT được quan tâm với mục tiêu giai đoạn 2016 - 2020 sẽ nâng cấp, mở rộng 18 cơ sở BTXH chăm sóc NKT (11 cơ sở công lập và 7 cơ sở ngoài công lập), phát triển mới 17 cơ sở ngoài công lập; Duy trì, nâng cấp, mở rộng 19 cơ sở, phát triển mới 11 cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí.
Nguồn: Tạp chí Người bảo trợ
Tin cùng chủ đề
Tin mới
- Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam: Tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật - 13/10/2016 06:43
- Tỉnh Hội Bắc Giang: Tổ chức Đại hội lần thứ III nhiệm kỳ 2016 – 2021 - 13/10/2016 06:18
- Đại hội Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Bắc Giang lần thứ III - 28/09/2016 09:55
- Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam: Góp phần tích cực nâng cao hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới - 12/08/2016 07:32
- “San sẻ niềm vui, nhân rộng yêu thương” - 12/08/2016 04:09
Các tin khác
- Chương trình “Phẫu thuật chỉnh hình cho trẻ em bị dị tật môi - vòm miệng”: Nụ cười cho em - 15/07/2016 03:09
- Tỉnh Hội Gia Lai: Tích cực thực hiện Đề án Trợ giúp người khuyết tật - 05/07/2016 03:16
- Triển khai chương trình phẫu thuật cho trẻ em bị dị tật môi - vòm miệng - 01/07/2016 04:56
- Chương trình “Một trái tim - Một thế giới” lần thứ 13: Triệu trái tim cùng chung nhịp đập vì người khuyết tật, trẻ mồ côi - 09/05/2016 03:23
- Chung sức xây dựng xã hội tốt đẹp và nhân văn hơn - 09/05/2016 03:15