Tại Hội nghị Triển khai công tác dạy nghề năm 2015 vừa được Trung ương Hội tổ chức tại Thanh Hóa, nhiều đại biểu đại diện cho các tỉnh, thành Hội, các cơ sở dạy nghề đã chia sẻ những khó khăn, vướng mắc, vấn đề đặt ra trong công tác dạy nghề cho người khuyết tật tại cơ sở, địa phương mình. Những thông tin được nêu ra trong hội nghị cũng chính là những kinh nghiệm để Hội tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động trong lĩnh vực này, không ngừng nâng cao chất lượng công tác dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật, đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ Nhà nước giao trong thời gian tới.
Bà Xuân Thị Lan - Phó Chủ tịch thành Hội Hà Nội:
Có thể nói, hầu hết các tỉnh, thành Hội, các cơ sở đã và đang dạy nghề cho người khuyết tật đều mong muốn có cơ hội gặp gỡ trao đổi với nhau về các vấn đề liên quan đến lĩnh vực này, từ giải quyết khúc mắc về kinh phí đào tạo, chế độ đi lại, thủ tục thanh quyết toán... Hội nghị Triển khai công tác dạy nghề cho người khuyết tật năm 2015 được Trung ương Hội tổ chức sau thời gian chuẩn bị tương đối ngắn, nhưng rất đầy đủ về nội dung, thành phần tham dự và đã đáp ứng được mong muốn đó. Cùng với việc công khai kinh phí hỗ trợ cho các cơ sở, Trung ương Hội cũng đã thể hiện sự tiến bộ hơn những năm trước.
Theo tôi, những vướng mắc trong công tác dạy nghề cho người khuyết tật vẫn còn rất nhiều, trước mắt không thể cải thiện được ngay. Chúng ta cứ tiếp tục làm, tiếp tục khuyến nghị để Trung ương Hội tập hợp, chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết (vì Hội cũng không thể quyết được). Vấn đề hợp đồng ủy quyền, dù là ký kết giữa 2 bên (Trung ương Hội – cơ sở dạy nghề) hay 3 bên (Trung ương Hội – tỉnh, thành Hội – cơ sở dạy nghề) thì cũng chỉ là các thủ tục giấy tờ, phục vụ công tác quản lý. Điều quan trọng là tổ chức Hội cơ sở, chính quyền địa phương phải có trách nhiệm tham gia với Trung ương hội làm tốt công tác dạy nghề cho người khuyết tật và phải chịu trách nhiệm với đối tượng của mình về chất lượng, hiệu quả dạy nghề.
ý thức được điều đó, năm 2015, thành Hội Hà Nội khảo sát 6 xã thuộc 2 huyện, chúng tôi đã mời Chủ tịch xã, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện phối hợp thực hiện để họ nắm được thực tế, thẩm tra tại địa phương. Hiện nay, Hà Nội đang thí điểm mô hình liên kết huyện – huyện trong dạy nghề cho người khuyết tật (huyện Chương Mỹ và Mỹ Đức). Theo khảo sát, 6 xã trên địa bàn 2 huyện có 290 người đủ điều kiện học nghề nhưng thành Hội yêu cầu hỏi ý kiến từng người để lấy khoảng 75 - 80 người đề nghị Trung ương Hội hỗ trợ kinh phí mở lớp. Chúng tôi cam đoan với cơ sở dạy nghề để khoảng 80 - 100 % sau học nghề có việc làm.
Ông Nguyễn Hoàng Long - Chủ tịch thành Hội Đà Nẵng:
Việc dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật hiện nay diễn ra trong bối cảnh kinh tế Việt Nam tiếp tục tụt hậu do năng suất lao động thấp. Trong khi điều kiện, kinh phí dạy nghề từ nguồn ngân sách Nhà nước hàng năm lớn, nhưng chúng ta sử dụng lại rất thấp dẫn đến việc chưa đáp ứng được nhu cầu học nghề có thật của người khuyết tật. Tình trạng kinh phí dạy nghề nói chung phải trả lại cho Nhà nước do không giải ngân được vẫn còn phổ biến. Điều này là không thể chấp nhận.
Để giải quyết vấn đề dạy nghề nói chung và dạy nghề cho người khuyết tật nói riêng, cần phải làm rõ trách nhiệm của Nhà nước, đặc biệt là các cơ quan ngành Lao động - Thương binh và Xã hội. Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi chỉ là một cơ quan tham gia, có điều kiện đến đâu thì làm đến đấy, các cơ quan Nhà nước phải thấy được vai trò của Hội trong lĩnh vực này. Hơn nữa, những hội nghị chuyên đề về dạy nghề cho người khuyết tật cần thiết phải có sự tham gia của đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước để họ nắm được vấn đề, có sự tham gia điều chỉnh chính sách cho phù hợp.
Qua thực tiễn dạy nghề cho người khuyết tật, các tổ chức Hội phải làm rõ sự khác biệt giữa hoạt động dạy nghề của Hội với dạy nghề cho người bình thường, của các tổ chức, đơn vị khác (vì hiện nay có rất nhiều tổ chức, đơn vị cùng tham gia dạy nghề….). Nếu không nhìn ra vấn đề này sẽ rất dễ dẫn đến việc đặt yêu cầu quá cao hoặc quá thấp, không phù hợp. Hội dạy nghề bằng truyền nghề, thành công trong dạy nghề cho người khuyết tật không phải ở số lượng mà ở kết quả có nghề, có việc làm vì vậy không thể đem tư duy hàn lâm của ngành giáo dục chính quy áp dụng vào dạy nghề của người khuyết tật.
Đà Nẵng dạy nghề cho người khuyết tật quy mô không lớn, nhưng đảm bảo chất lượng học nghề và có việc làm. Hiện nay chúng tôi đang thực hiện việc đưa nghề nghiệp của người khuyết tật vào một quy trình nghề nghiệp hóa. Ví dụ khi trao tặng tủ làm bánh mỳ cho người khuyết tật chúng tôi yêu cầu họ phải có cam kết đảm bảo chất lượng dịch vụ, chất lượng sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm … từ đó nâng cao chất lượng dịch vụ nghề nghiệp cho người khuyết tật.
Ông Mai Xuân Trường - Chủ tịch tỉnh Hội Thái Bình:
Thái Bình có nhiều thuận lợi khi đã thành lập được Trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật trực thuộc tỉnh Hội với cơ sở vật chất, kỹ thuật được trang bị đầy đủ. Nhưng trong thời gian gần đây, công tác tuyển sinh gặp rất nhiều khó khăn vì có nhiều đơn vị cùng tham gia dạy nghề, người khuyết tật cũng có sự lựa chọn. Hiện nay, lớp học nghề do Hội thực hiện tại Doanh nghiệp tư nhân sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ Tây An đã hoàn thiện xong hồ sơ nhưng phải tạm dừng triển khai do chưa thống nhất được với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thái Bình về thời gian học nghề.
Mong muốn của chúng tôi là Trung ương Hội có biện pháp hỗ trợ tỉnh Hội tháo gỡ khó khăn cho cơ sở để việc dạy nghề cho người khuyết tật năm 2015 được diễn ra đúng kế hoạch, đảm bảo hiệu quả dạy nghề.
Ông Phạm Văn Tám - Giám đốc DNTN Diễm Phát, Hà Tĩnh:
Năm 2013 tôi thành lập Doanh nghiệp tư nhân kinh doanh dạy nghề người tàn tật Diễm Phát với hai bộ phận làm mộc và làm hương truyền thống. Cũng trong năm 2013, được sự quan tâm của Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Hà Tĩnh, tôi được tạo điều kiện tham gia dạy nghề cho người khuyết tật cùng với Hội. Doanh nghiệp của tôi có thuận lợi hơn những doanh nghiệp khác trong công tác tuyển sinh các lớp dạy nghề vì bản thân tôi là người khuyết tật, đã trải qua một quá trình phấn đấu để trở thành chủ doanh nghiệp, nên khi nhận dạy nghề cho người đồng cảnh dễ được mọi người tin tưởng và ủng hộ.
Nhưng những cơ sở sản xuất của người khuyết tật như chúng tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn đặc biệt là về nguồn vốn sản xuất, kinh phí hỗ trợ học viên trong quá trình học nghề, làm nghề, hoàn tất các thủ tục thanh quyết toán theo quy định của Nhà nước. Chúng tôi rất mong tổ chức Hội, các cơ quan có thẩm quyền tại địa phương tiếp sức cho chúng tôi trong việc dạy nghề cho người đồng cảnh, trước hết là nâng tiền ăn cho học viên đến mức tối thiểu nhất để đảm bảo cuộc sống. quan tâm, hướng dẫn cụ thể để chúng tôi thực hiện việc dạy nghề được thuận lợi hơn.
Ông Lê Hồng Lương - Chủ tịch tỉnh Hội Thanh Hóa
Dạy nghề cho người khuyết tật là một vấn đề khó, không thể bền vững nếu không có sự vào cuộc của chính quyền các cấp, các doanh nghiệp. Tại Thanh Hóa, doanh nghiệp dạy nghề cho người khuyết tật đóng tại địa phương nào thì lãnh đạo địa phương đó đều có trách nhiệm cùng với tổ chức Hội quản lý, tạo điều kiện thực hiện để họ thực hiện tốt nhất nhiệm vụ của mình. ở cấp tỉnh, mô hình dạy nghề gắn với việc làm thực hiện theo sự chỉ đạo chung từ Trung ương nên nhận được sự đồng tình của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, có sự thống nhất giữa tổ chức Hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trong triển khai kế hoạch dạy nghề cũng như các hoạt động khác.
Vấn đề ký hợp đồng trách nhiệm 3 bên, cần làm rõ hơn vai trò của Hội với cơ sở. Theo tôi cần làm hai loại hợp đồng, hợp đồng ủy quyền của Trung ương Hội cho tỉnh Hội thực hiện nhiệm vụ trực tiếp thay Trung ương Hội và hợp đồng với cơ sở dạy nghề. Như vậy sẽ tăng cường trách nhiệm giữa các bên trong việc tổ chức dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật.
Nguồn: Tạp chí Người Bảo Trợ
Tin cùng chủ đề
Tin mới
- Chung sức xây dựng xã hội tốt đẹp và nhân văn hơn - 09/05/2016 03:15
- “Những bài học về ý chí, về khát vọng” - 06/05/2016 08:37
- Thông báo về Tổ chức Hội nghị biểu dương NKT, TMC và NBT tiêu biểu toàn quốc lần thứ V năm 2016 - 10/12/2015 04:48
- Trung Ương Hội: Tiếp nhận ủng hộ 800 triệu đồng từ Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam - 30/07/2015 03:40
- Hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật, trẻ mồ côi: Xây dựng nội dung hỗ trợ phù hợp với nguồn lực, nhu cầu - 23/07/2015 05:02
Các tin khác
- Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam : Triển khai công tác dạy nghề cho người khuyết tật năm 2015 - 29/06/2015 02:18
- Trung ương Hội: Tập huấn và trao 550 xe lăn cho người khuyết tật - 26/06/2015 03:45
- Tỉnh Hội Thái Bình: Tích cực góp phần xây dựng đời sống văn hóa, nghệ thuật cho người khuyết tật - 03/06/2015 05:29
- Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em 2015 – “Lắng nghe trẻ em nói” - 02/06/2015 06:10
- Lãnh đạo Trung Ương Hội chúc mừng Giáo hội Phật mùa Phật đản 2015 - 28/05/2015 10:05