Thứ năm, 23 Tháng 7 2015 12:02

Dù đã có nhiều năm kinh nghiệm hay mới được kiện toàn hoạt động, nhưng với điều kiện kinh tế, xã hội tại địa phương còn nhiều khó khăn như Bắc Kạn và Thái Nguyên, hoạt động của Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi cũng gặp nhiều ảnh hưởng không thuận lợi. Dù vậy, nhờ bám sát chủ trương của Trung ương Hội, với tinh thần trách nhiệm của tập thể cán bộ, hội viên, công tác bảo trợ cho đối tượng tại hai địa phương này đã từng bước được đẩy mạnh. Hoạt động hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật, trẻ mồ côi bắt đầu phát huy hiệu quả.

 

Hỗ trợ tập trung, không dàn trải

 

Năm 2013, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Thái Nguyên tổ chức đại hội nhiệm kỳ II, bộ máy tổ chức được kiện toàn. Trong bối cảnh tình hình hình kinh tế, xã hội tại địa phương còn gặp nhiều khó khăn, hoạt động của Hội cũng chịu tác động không nhỏ. Công tác xây dựng quỹ Hội còn hạn chế. Tuy nhiên, với sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của trung ương Hội, tỉnh Hội đã từng bước khắc phục, triển khai hoạt động theo các chương trình mục tiêu của Hội. Từ năm 2014, tỉnh Hội đã bắt đầu triển khai chương trình Hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật, trẻ mồ côi tại xã xây dựng nông thôn mới và lựa chọn xã Phúc Trìu thuộc thành phố Thái Nguyên để thực hiện dự án thí điểm.

 

Phúc Trìu là một xã miền núi, thuần nông, xã điểm trong xây dựng nông thôn mới của thành phố Thái Nguyên. Xã có đối tượng người khuyết tật, trẻ mồ côi đông (141 người khuyết tật, thuộc 141 hộ gia đình) và 62 trẻ mồ côi (có 2 trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ). Hầu hết các đối tượng này đều thuộc diện hộ nghèo, kinh tế gia đình đặc biệt khó khăn.

 

Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương Hội và căn cứ vào tình hình, nhu cầu thực tế tại địa phương, tỉnh Hội đã tổ chức triển khai dự án với các nội dung thiết yếu như: cải thiện điều kiện sinh hoạt của đối tượng, gia đình và cộng đồng (trụ sở ủy ban, trạm y tế, nhà văn hóa.....) thông qua các hoạt động: cấp xe lăn, xe lắc làm phương tiện đi lại cho 12 người, tặng xe đạp cho 4 học sinh, hỗ trợ nạng, gậy di chuyển cho người mù, máy trợ thính cho người điếc... Đặc biệt, với mong muốn các hộ gia đình người khuyết tật có thể tận dụng, phát triển đặc sản của địa phương, tỉnh Hội đã hỗ trợ 9 bộ máy sao, máy vò chè cho các gia đình (trong đó Trung ương Hội hỗ trợ 6 bộ, cá nhân bà Trần Thị Huyền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hỗ trợ 3 bộ và 4 xe đạp).

 

Sau 1 năm triển khai dự án, đã có 25 lượt người khuyết tật, trẻ mồ côi trong xã Phúc Trìu được hưởng lợi (trong đó có 21 người khuyết tật, 4 trẻ mồ côi). Kinh phí thực hiện dự án chủ yếu từ nguồn quỹ Hội và đóng góp của gia đình, dòng họ. Dự án đã góp phần thực hiện tiêu chí xây dựng nông thôn mới về giảm nghèo, đường giao thông và góp phần đưa xã Phúc Trìu đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015.

 

Đánh giá về kết quả thực hiện dự án, ông Lê Đình Cường, Chủ tịch tỉnh Hội Thái Nguyên cho biết: “So sánh giữa hai thời kỳ, khi chưa có sự đầu tư máy sao, máy vò chè, gia đình người khuyết tật chỉ có thể bán chè búp tươi với giá 10.000 đồng/kg, hoặc tự phơi, trung bình khoảng 5 kg chè tươi thì được 1 kg chè khô, bán với giá khoảng 50.000 đồng. Nhưng khi được đầu tư máy sao, máy vò chè, chất lượng chè được nâng lên hẳn, 1 kg chè khô bán được 150.000 đồng. Trừ chi phí thì giá trị mỗi kg chè đã tăng thêm 60.000 đồng. Sau 1 năm triển khai dự án, đã có 6 người khuyết tật thoát nghèo và 8 người khuyết tật thoát cận nghèo. Có 6 người khuyết tật có khả năng thoát nghèo vào năm 2015”.

 

Có thể nói, mô hình hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật, trẻ mồ côi tại xã Phúc Trìu, thành phố Thái Nguyên đã thực sự phát huy hiệu quả nhờ việc xây dựng nội dung hỗ trợ sát thực với nhu cầu của đối tượng. Quy trình (bước đi) hỗ trợ sinh kế từng bước đi cụ thể, hỗ trợ dứt điểm không dàn trải, hoàn chỉnh từng phần để người khuyết tật có công cụ, dụng cụ hoạt động sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế.

 

Thực hiện theo các bước cụ thể, chi tiết

 

Không lựa chọn xã chỉ đạo điểm ngay tại thành phố như Thái Nguyên, để triển khai chương trình hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật, trẻ mồ côi Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Bắc Kạn lựa chọn 2 xã vùng sâu, vùng xa có nhiều dân tộc thiểu số là Tân Lập (huyện Chợ Đồn) và xã Quân Bình (huyện Bạch Thông).

 

123456

Mô hình sinh kế tại Bắc Kạn

Xã Tân Lập nằm ở phía Bắc của huyện Chợ Đồn, cách trung tâm huyện 25 km. Địa bàn chủ yếu là đồi núi cao, giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều, kinh tế chủ yếu là trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ kinh doanh chưa phát triển. Toàn xã có 8/8 thôn bản, có 5 dân tộc cùng sinh sống là Kinh, Tày, Nùng, Dao, Mông. Trong đó có một thôn đồng bào người Dao, Mông sống cách trung tâm xã hơn 6km đường rừng, cuộc sống đặc biệt khó khăn về kinh tế, tỷ lệ người dân biết đọc, biết viết chỉ khoảng 10%. Xã có 23 người khuyết tật, trong đó có 8 người khuyết tật vận động, 8 người khuyết tật nghe và 7 người thuộc các dạng khuyết tật khác.Trong khi đó, Quân Bình là xã điểm xây dựng nông thôn mới của huyện Bạch Thông, có 48 người khuyết tật ở các dạng tật khác nhau, 22 trẻ mồ côi. 85% là dân tộc thiểu số.

 

Lựa chọn những xã điển hình, đại diện cho khu vực còn nhiều khó khăn của tỉnh để xây dựng mô hình là một thách thức không hề nhỏ đối với tỉnh Hội Bắc Kạn. Nhưng nhờ bám sát chủ trương của Trung ương Hội, thực hiện hỗ trợ theo nhu cầu của đối tượng, hoạt động này của tỉnh Hội đã bước đầu mang lại hiệu quả tích cực. Đã có 263 lượt người khuyết tật, trẻ mồ côi được hỗ trợ, trong đó số hộ gia đình được hỗ trợ là 23 hộ. 9 người khuyết tật vận động được cấp xe lăn, 10 xe đạp, 10 học bổng được trao tặng cho các học sinh mồ côi, khuyết tật. Tỉnh Hội cũng đã cấp 200 bộ quần áo bảo hộ lao động cho hộ nghèo có người khuyết tật, cấp đồ dùng học sinh (bàn học, cặp sách, vở, bút…) cho học sinh khuyết tật, mồ côi, học sinh thuộc hộ nghèo. Để hỗ trợ người khuyết tật phát triển sản xuất, tỉnh Hội đã hỗ trợ 9 con bò cho 9 hộ gia đình, cấp 7 máy tẽ ngô bằng điện, 7 bình chứa nước bằng inox cho 14 hộ còn lại.

 

Sau 4 năm triển khai, mô hình hỗ trợ bò của tỉnh Hội Bắc Kạn đã phát huy hiệu quả. Các gia đình được hỗ trợ vốn chăn nuôi có cơ hội cải thiện cuộc sống, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội. Đến nay, 9 con bò giống ban đầu đã sản sinh thêm được 27 con, trị giá ước tính trên 300 triệu đồng. Kết quả này có được là do tỉnh Hội tiếp nhận nhiệm vụ được trung ương Hội giao với tinh thần trách nhiệm cao, quy trình thực hiện được tiến hành chặt chẽ, công khai, minh bạch từ khâu điều tra, khảo sát thực trạng người khuyết tật, xây dựng Dự án, kế hoạch và triển khai thực hiện. Dự án không chỉ mang lại hiệu quả về kinh tế xã hội mà còn có tính nhân văn sâu sắc, góp phần nâng cao được đời sống của nhân dân các dân tộc vùng sâu, vùng xa, giúp họ thay đổi tập quán chăn nuôi, đồng thời tin tưởng hơn vào đường lối chính sách của Đảng và nhà nước.

 

Dù phát huy hiệu quả tích cực, nhưng cả Thái Nguyên và Bắc Kạn đều gặp rất nhiều khó khăn trong việc duy trì và nhân rộng mô hình này, đặc biệt là về kinh phí triển khai. Cả hai địa phương rất mong nhận được sự quan tâm, hỗ trợ về công tác tuyên truyền, sự quan tâm ủng hộ về kinh phí và chính sách của chính quyền địa phương, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh, cùng chung tay vì sự hòa nhập bền vững của người khuyết tật, trẻ mồ côi.  

 

Nguồn: Tạp chí Người bảo trợ

 

 

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi