Thứ hai, 09 Tháng 5 2016 10:23

20h30’ ngày 7/4, tại Cung Văn hóa hữu nghị Hà Nội, Chương trình giao lưu nghệ thuật từ thiện “Một trái tim - Một thế giới” lần thứ XIII do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam phối hợp tổ chức đã chính thức khai mạc. Tới dự Chương trình, có bà Nguyễn Thị Xuân Mỹ - nguyên ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch danh dự Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam; ông Nguyễn Trọng Đàm - Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; ông Nguyễn Văn Hùng - Phó trưởng ban Dân vận Trung ương; ông Đỗ Mạnh Hùng - Phó Chủ nhiệm ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội; Đại sứ Hungary và một số tổ chức phi chính phủ nước ngoài. Dự Chương trình còn có đại diện lãnh đạo một số Bộ, Ban, ngành và đoàn thể, tổ chức của/vì người khuyết tật và toàn thể các đại biểu chính thức tham dự Hội nghị Biểu dương NKT, TMC và NBT tiêu biểu toàn quốc lần thứ V.

 

Một năm, 426 tỷ đồng và hơn 2,6 triệu lượt người được hỗ trợ

 

Phát biểu khai mạc Chương trình, ông Lương Phan Cừ, Phó Chủ tịch Trung ương Hội, Phó trưởng ban tổ chức Chương trình cho biết: “Từ hơn 10 năm nay, cứ mỗi dịp kỷ niệm Ngày Người khuyết tật Việt Nam 18/4, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam tổ chức chương trình “Một trái tim - Một thế giới” để nhìn lại hiệu quả 1 năm vận động tài trợ và tổ chức hỗ trợ NKT, TMC, để khuyến khích, động viên những tấm gương NKT, TMC vượt lên số phận tạo dựng cuộc sống, hòa nhập cộng đồng. Đây cũng là nơi gặp gỡ của những trái tim nhân ái, thiện nguyện, chung sức, chung lòng cùng Nhà nước tiếp tục trợ giúp, đưa NKT, TMC đi cùng sự phát triển bền vững của xã hội.

 

MTT-MTG

Ông Lương Phan Cừ - Phó Chủ tịch Trung ương Hội phát biểu khai mạc Chương trình

 

Thay mặt BTC, ông Lương Phan Cừ gửi tới các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận tổ quốc Việt Nam, các cơ quan đoàn thể, các doanh nghiệp, các chức sắc tôn giáo, các cá nhân, các vị khách quốc tế, bè bạn nước ngoài lời chúc sức khỏe, lời cảm ơn sâu sắc nhất vì sự quan tâm, cổ vũ, động viên, trợ giúp NKT, TMC. Phó Chủ tịch đặc biệt hoan nghênh 388 đại biểu về dự Hội nghị Biểu dương NKT, TMC và NBT tiêu biểu toàn quốc lần thứ V cũng có mặt tại chương trình.

 

Bước sang năm thứ XIII, Chương trình giao lưu nghệ thuật “Một trái tim - Một thế giới” đã gặt hái được những thành quả đáng trân trọng. Cũng giống như tên gọi của Chương trình, từ một trái tim đến một thế giới, mỗi người với trái tim ấm tình yêu thương của mình, sẻ chia, giúp đỡ một chút thôi thì hàng triệu trái tim sẽ tạo nên một sức mạnh to lớn, nâng cánh ước mơ cho những TMC cũng như giúp đỡ NKT có thêm sức mạnh hơn nữa vươn lên trong cuộc sống của mình.

 

Trong suốt thời gian qua, với sự chung tay của cộng đồng xã hội, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam đã thực hiện được nhiều hoạt động ý nghĩa. Là một tổ chức Hội có tính chất đặc thù, hoạt động vì quyền và lợi ích hợp pháp của NKT, TMC, qua 24 năm hoạt động, Hội đã vượt qua nhiều khó khăn thách thức, không ngừng trưởng thành, lớn mạnh về tổ chức Hội và chất lượng hoạt động. Hội không chỉ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho NKT, TMC mà còn khơi dậy, phát huy tính tương thân, tương ái trong mỗi người, trong cộng đồng, hướng tới một xã hội công bằng hơn, nhân văn hơn.

 

Chỉ tính riêng trong năm 2015, tổng quỹ Hội do Trung ương Hội và các tổ chức thành viên chủ trì, điều phối hoạt động bằng tiền và hiện vật quy tiền đạt 426 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ này, Hội đã tập trung thực hiện 6 chương trình trọng tâm và tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả, trợ giúp cho 2,6 triệu lượt NKT, TMC và các đối tượng khó khăn khác với tổng số tiền chi ra là 420 tỷ đồng. Trong đó, phẫu thuật mắt, thay thủy tinh thể cho 11.000 người, phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng cho 728 NKT vận động, tổ chức mổ tim 481 người chủ yếu là trẻ em. Về phương tiện đi lại, Hội đã trợ giúp 10.800 xe lăn, xe bại não và dụng cụ khác cho NKT, tặng 4.000 xe đạp, 4.500 suất học bổng cho học sinh mồ côi, khuyết tật; Xây mới, sửa chữa 1.400 nhà tình thương, nhà đại đoàn kết; Hỗ trợ xây dựng 744 đường tiếp cận, xây dựng 532 công trình vệ sinh, cải thiện 67 hệ thống nước sinh hoạt

Bên cạnh chương trình học bổng truyền thống, nhiều tỉnh, thành Hội còn triển khai chương trình học bổng dài hạn cho học sinh, sinh viên nghèo theo cam kết của nhà tài trợ, giúp đỡ các em đi hết con đường học vấn. Ngoài ra, các tổ chức Hội đã dạy nghề cho 3.300 NKT trong đó 70% được tạo việc làm sau học nghề. Năm 2015, các tổ chức Hội đã triển khai hỗ trợ NKT, TMC tại 73 xã xây dựng nông thôn mới, trợ giúp cho 10.000 lượt người hưởng lợi.

 

Ngoài việc tập trung thực hiện 6 chương trình trọng tâm, Hội đã mở rộng ra các hình thức hỗ trợ khác như mổ tim, khám bệnh, cấp thuốc, tặng thẻ bảo hiểm y tế, xây nhà tình thương Hoạt động vận động tài trợ ngày càng đa dạng, phong phú, khai thác được nhiều nhà hảo tâm mới đến với Hội, cùng với Hội triển khai các hoạt động hỗ trợ mang tính bền vững, sát với nhu cầu của đối tượng, góp phần tích cực vào đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện chính sách về NKT, TMC.

 

Câu chuyện về nghị lực và thành công

 

Giao lưu tại Chương trình “Một trái tim - Một thế giới” lần thứ XIII, các đại biểu và khán giả đã có dịp lắng nghe câu chuyện của những tấm gương tiêu biểu, đại diện cho các đối tượng là NKT, TMC, NBT đến từ các khu vực Bắc - Trung - Nam. Đó là chị Phạm Thị Thanh Bình, người phụ nữ khuyết tật quê Bình Định đã nỗ lực vươn lên và gặt hái được nhiều thành công trong lĩnh vực tư pháp. Đó là anh Hoàng Văn Thịnh đến từ Nghệ An, sẵn sàng bỏ tâm sức, tiền của của gia đình xây dựng Cơ sở BTXH, nuôi dưỡng và chăm sóc cho hàng chục NKT, TMC, người già neo đơn, trẻ em lang thang. Đó cũng là câu chuyện vươn lên của Nguyễn Minh Trí, khuyết tật đôi tay, phải làm mọi việc bằng chân vẫn thi đậu vào đại học, là Trần Nhật Duy (Thanh Hóa) mồ côi từ khi còn rất nhỏ, một mình chăm sóc cho cụ cố đã gần 100 tuổi.

 

Nhiệt tình và tận tâm với công việc, khi nhìn chị Phạm Thị Thanh Bình tươi tắn, rạng rỡ trong bộ đồng phục doanh nhân nữ tỉnh Bình Định trên sân khấu, không ai có thể ngờ rằng chị đã trải qua quãng đời tuổi trẻ với biết bao khó khăn, trắc trở. Chị Bình bị liệt hai chân từ nhỏ, nhờ sự động viên, khích lệ của gia đình và sự nỗ lực của bản thân, sau một thời gian dài tập luyện, chị đã có thể đi lại được và tốt nghiệp Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh. Năm 2009, chị mở Văn phòng Công chứng Thanh Bình và trực tiếp điều hành, quản lý. Đến nay, văn phòng của chị đã tiếp nhận hàng ngàn giấy tờ, hồ sơ của các đơn vị, doanh nghiệp, khách hàng trên khắp mọi miền đất nước, đặc biệt ở Bình Định.

MTT-MTG 2

Ca sĩ Tạ Quang Thắng với bài hát “Sống như những đóa hoa”

Khi được hỏi về những khó khăn của một NKT làm việc trong lĩnh vực tư pháp – một lĩnh vực hết sức mới mẻ trong cộng đồng NKT, về những nghi ngại của cộng đồng đối với NKT. Chị Bình chia sẻ: “Tôi nghĩ không có nhiều sự nghi ngại, vì khi khách hàng đến với chúng tôi thì chúng tôi đã dành tất cả những gì tốt đẹp nhất cho khách hàng. Khi khách hàng biết tôi là NKT thì họ lại càng cảm phục ý chí, nghị lực của tôi. Từ đó đã ủng hộ chúng tôi rất nhiều trong công việc. Từ khi chúng tôi thành lập cho đến nay, hàng năm khối lượng công việc năm sau bao giờ cũng lớn hơn năm trước. Và hiện nay, tại văn phòng của chúng tôi đang có tình trạng quá tải. Có những ngày, tôi phải làm việc từ 7 giờ sáng đến 11 giờ đêm liên tục không nghỉ trưa để cho hết khách. Dù vất vả nhưng tôi thực sự thấy rất hạnh phúc”.

 

Chị Bình cũng cho biết, khó khăn nhất của chị khi thành lập Văn phòng công chứng không xuất phát từ khiếm khuyết của chị, vì trước đó, chị đã có khoảng thời gian 15 năm làm việc tại văn phòng công chứng của Nhà nước. “Khó khăn của chúng tôi là sự kỳ thị đối với các văn phòng công chứng tư nhân, nhiều người cho rằng, các văn phòng này không đảm bảo an toàn. Nhưng từng bước, từng bước, sự kiên trì, cố gắng cùng với tình cảm chúng tôi dành cho khách hàng đã nhận lấy sự yêu thương, tin tưởng của khách hàng. Có khách hàng 2h sáng vẫn còn gọi điện nhờ chúng tôi. Khi xong việc họ muốn bồi dưỡng thêm nhưng tôi không nhận mà chỉ lấy đủ chi phí theo quy định. Đối với chúng tôi, khách hàng đến với mình là đã vui và quý lắm rồi. Từ những việc nhỏ như vậy tôi gây dựng thêm tình cảm và niềm tin của khách hàng đối với cá nhân tôi và văn phòng. Tôi sẵn sàng tiếp đón khách hàng bất cứ khi nào khách có nhu cầu”.

 

Đối với các bạn trẻ khuyết tật, chị Bình nhắn nhủ: “Đối với người thường, họ chỉ cố gắng một, nhưng với NKT phải cố gắng gấp 10, thậm chí là gấp trăm lần để những kiến thức của mình nó sẽ tỏa sáng lấp lánh hơn khiếm khuyết của mình. Khi bạn có kiến thức, bạn có trình độ, thì bất cứ lĩnh vực nào bạn cũng có thể tỏa sáng và thành công”.

 

Tại Chương trình “Một trái tim - Một thế giới” lần thứ XIII, câu chuyện về nghị lực của cậu bé không tay Nguyễn Minh Trí, đến từ An Giang đã gây ấn tượng mạnh cho khán giả. Nỗ lực để vượt qua hoàn cảnh, để vươn tới ước mơ, đó là bài học mà em đã đem đến cho bất cứ ai vẫn còn hoài nghi về điều kỳ diệu trong cuộc sống.

 

Không có đất để trồng trọt, cha mẹ Trí phải đi làm thuê, làm mướn hàng ngày để có tiền lo cho gia đình và các con ăn học. Nhưng rồi, chút cố gắng đó cũng không đủ gồng gánh cho mấy đứa con. Chỉ còn duy nhất người con út khuyết tật là Nguyễn Minh Trí được đến trường với ước mơ đèn sách. Sự thiếu hụt về cơ thể không làm mất đi ý chí được học tập của Trí. Chính bởi vậy, thành quả ngọt ngào đã đến như là một sự đền đáp cho những nỗ lực mà em đã dày công khổ luyện. Trong suốt thời gian đi học từ Tiểu học đến Trung học Cơ sở, Trung học Phổ thông, em luôn đạt học sinh khá, giỏi. Hiện nay, Trí đang là sinh viên năm 3, ngành Công nghệ thông tin, trường Đại học An Giang.

 

Trên sân khấu, hình ảnh Nguyễn Minh Trí tự cầm mic bằng chân để trò chuyện cùng khán giả đã khiến cho cả hội trường vô cùng xúc động. Em cho biết, sinh ra đã khiếm khuyết đôi tay nên mọi việc em đều phải dùng chân để thay thế. Từ sinh hoạt cá nhân, học tập, phụ giúp cha mẹ việc gia đình... Lúc đầu rất khó khăn, nhất là khi tập viết chữ, khi phải chèo xuồng đi học mùa nước nổi... Nhưng Trí luôn tự nhủ, “mình khiếm khuyết, không được may mắn như người bình thường thì mình phải nỗ lực nhiều hơn cả người bình thường”. Nhờ đó, em luôn có niềm tin mãnh liệt rằng tương lai, thành công sẽ đến với em. Và đến nay, điều đó đã trở thành hiện thực.

 

Là sinh viên năm thứ 3, chẳng mấy chốc Trí sẽ ra trường và đối đầu với những khó khăn trong tìm kiếm việc làm. Dù rất tự tin vào khả năng của mình, nhưng Trí vẫn không quên nhắn nhủ “Các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, đừng nhìn vào khiếm khuyết của NKT mà hãy nhìn vào khả năng và năng lực của họ, cho họ một cơ hội để họ thể hiện khả năng của mình”. Mong muốn của Minh Trí cũng là mong muốn của rất nhiều NKT trên khắp cả nước.

 

Bố mất khi Trần Nhật Duy (Thanh Hóa) mới lên 5 tuổi, 6 tuổi thì mẹ mất vì bệnh hiểm nghèo, em ở với bà ngoại được 5 năm thì bà ngoại mất, để lại cho em người cố ngoại 98 tuổi, mù hai mắt. Cháu dựa vào cố, cố dựa vào cháu. Hàng ngày, ngoài giờ đi học, cháu hái rau, thổi cơm, tắm giặt cho cố. ở cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, cái tuổi hồn nhiên, vô tư, cậu bé mồ côi cha mẹ đã sớm phải lo toan cuộc sống gia đình. Dù vậy, cuộc sống khó khăn vẫn không làm mất đi nụ cười lạc quan và ước mơ đến trường của cậu bé. Với sự chuyên cần, nỗ lực, suốt 5 năm liền, em đều là học sinh tiên tiến, là cậu bé ngoan ngoãn, lễ phép, được mọi người yêu thương, đùm bọc. Bây giờ, khi cụ cố ngoại còn sống, dù không thể đỡ đần, lo toan cho em, nhưng cũng là chỗ dựa tinh thần để em phấn đấu, vững tin hơn trong cuộc sống. Nhưng khi cụ cố không còn nữa, tương lai của em không biết rồi sẽ đi về đâu? Vì vậy, em cần lắm sự chung tay giúp đỡ, sẻ chia của cộng đồng, xã hội.

 

Nối dài sự sẻ chia của những tấm lòng thiện nguyện

 

Lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo nên anh Hoàng Văn Thịnh ở Nghệ An sớm có tấm lòng cảm thông với những mảnh đời khốn khó. Khi điều kiện kinh tế gia đình tạm ổn, sau những chuyến công tác và bắt gặp những người bơ vơ, không nơi nương tựa, không cơm ăn, áo mặc, nhất là những cháu mồ côi cha mẹ. Anh quyết định dành phần đất của gia đình, xây dựng Cơ sở bảo trợ xã hội Thiện Tâm với diện tích trên 1.000m2 trong đó có hơn 600 mét vuông nhà ở, 3 tầng lầu để giúp cho những người không may mắn. Hiện nay, cơ sở của anh đang hỗ trợ 73 người, trong đó có nhiều người tâm thần, người già neo đơn, TMC và NKT.

MTT-MTG 1

Vinh danh các nhà tài trợ tại Chương trình    

Anh cho biết, quá trình xây dựng và hoạt động của Cơ sở anh cũng nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của chính quyền địa phương, sự hợp sức của một số nhà hảo tâm. Tuy nhiên, vì cơ sở của anh vẫn còn nhỏ bé so với nhu cầu của những người khốn khó trong xã hội. “Tôi mong các nhà hảo tâm, cộng đồng xã hội hãy cùng chung tay nâng đỡ, chăm sóc cho những người còn kém may mắn trong xã hội. Mong muốn của tôi là có điều kiện để mở rộng cơ sở của mình để giúp đỡ cho nhiều mảnh đời khó khăn hơn nữa”, anh Thịnh chia sẻ.

 

Và để nhân lên những tấm lòng thiện nguyện, để tiếp thêm ý chí, nghị lực cho những NKT, TMC những bài hát giàu cảm xúc, ca từ lắng đọng yêu thương, chứa đựng tinh thần lạc quan, yêu đời được chọn lọc kỹ lưỡng như “Mỗi trái tim - Một tấm lòng” (sáng tác Thế Hiển), “Đứa bé” (sáng tác Minh Khang), “Sống như những đóa hoa” (sáng tác và biểu diễn Tạ Quang Thắng), “Gặp mẹ trong mơ” (nhạc Hoa, lời Việt), “Yêu đời” (sáng tác Minh Khang)... được trình bày bằng tất cả tình yêu thương, tâm huyết của các ca sĩ, diễn viên càng làm cho Chương trình “Một trái tim - Một thế giới” #lần thứ XIII đi sâu vào lòng người.

 

NKT, TMC luôn luôn có một nghị lực để vươn lên chiến thắng số phận, để học tập, lao động, cống hiến cho gia đình và xã hội. Nhưng, họ vẫn cần lắm, sự chung sức, chung lòng, động viên về vật chất, tinh thần của các đơn vị, cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, những tấm lòng hảo tâm. Chương trình “Một trái tim - Một thế giới” # cũng là dịp để tri ân những tấm lòng như vậy đã ủng hộ Quỹ Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam trong năm qua và đến nay với hơn 22 tỷ đồng.

 

Vẫn biết rằng xã hội nào cũng vậy, ở đâu cũng có những hoàn cảnh đau thương, những gian nan thử thách, những ngặt nghèo thống khổ, nhưng ở đâu cũng có những tấm lòng nâng dắt, những trái tim thắm đỏ tình người. Để rồi đó chính là điểm tựa, là động lực để NKT, TMC trong bất cứ hoàn cảnh nào, cũng không lùi bước trước số phận, vẫn vững vàng ý chí vươn lên, bằng ngọn lửa của niềm tin và nghị lực, để sống, lao động, học tập và cống hiến cho gia đình, xã hội.

 

 

Nguồn: Tạp chí Người bảo trợ

 

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi