Thứ tư, 05 Tháng 10 2016 10:39

Đề án Trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012 - 2020 đặt ra chỉ tiêu đến năm 2020, 70% trẻ khuyết tật có khả năng học tập được tiếp cận giáo dục. Để thực hiện mục tiêu này, nhiều mô hình giáo dục trẻ khuyết tật được xây dựng, triển khai và đã thu được những kết quả tích cực. Trong đó, có sự đóng góp không nhỏ của các Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập. Với sự phát triển rộng khắp trong cả nước, các Trung tâm này đang ngày càng khẳng định là mô hình tốt, hiệu quả, khoa học trong hỗ trợ người khuyết tật, đáp ứng nhu cầu và tạo sự đồng thuận của xã hội.

Trong các chính sách về giáo dục đối với NKT, nhà nước ta đã “tạo điều kiện để NKT được học tập phù hợp với nhu cầu và khả năng”, trong đó giáo dục hoà nhập được xác định là phương thức giáo dục chủ yếu đối với NKT. Tuy nhiên, làm thế nào để NKT học hoà nhập có hiệu quả trong điều kiện giáo viên tiểu học không theo dạy các em trong những bậc học cao hơn hoặc giáo viên các bậc học này chưa hoặc không có kỹ năng dạy hoà nhập là một vấn đề rất đáng quan tâm. Trước yêu cầu đó, sự xuất hiện và hoạt động của các “Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập” có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Vai trò của Trung tâm giáo dục hòa nhập đã được quy định tại Điều 31, Luật người khuyết tật. Trung tâm có nhiệm vụ phát hiện khuyết tật, thực hiện biện pháp can thiệp sớm NKT tại cộng đồng, tư vấn tâm lý, sức khoẻ, giáo dục, hướng nghiệp để lựa chọn phương thức giáo dục phù hợp. Hỗ trợ NKT tại gia đình, tại cơ sở giáo dục và cộng đồng, cung cấp nội dung chương trình, thiết bị, tài liệu dạy và học đặc thù phù hợp với dạng tật, mức độ khuyết tật.

Trung tam ho tro phat trien giao duc hoa nhap  1

Can thiệp sớm trẻ khuyết tật tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dụchoà nhập tỉnh Ninh Thuận

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ký quyết định số 1019, ngày 5/8/2012 phê duyệt Đề án trợ giúp NKT giai đoạn 2012 - 2020, liên Bộ Giáo dục và Đào tạo – Bộ LĐTBXH đã ban hành Thông tư liên tịch số 58/2012/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH ngày 28/12/2012 quy định điều kiện và thủ tục thành lập, hoạt động, đình chỉ hoạt động, tổ chức lại, giải thể Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập. Thực hiện Thông tư này, hàng loạt các Trung tâm hỗ trợ giáo dục hoà nhập NKT được thành lập mới, nâng cấp hoặc chuyển đổi từ các cơ sở giáo dục chuyên biệt tại khắp các địa phương trong cả nước.

Các Trung tâm này không chỉ phối hợp với gia đình có NKT và các cơ quan, tổ chức có liên quan phát hiện khuyết tật, ảnh hưởng của khuyết tật đối với giáo dục NKT mà còn xây dựng và thực hiện chương trình can thiệp giáo dục sớm NKT, bao gồm: xác định năng lực, nhu cầu của NKT, xây dựng mục tiêu, lập kế hoạch, thực hiện các biện pháp can thiệp giáo dục sớm và đánh giá kết quả can thiệp giáo dục. Đơn cử như Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục thành phố Hồ Chí Minh, thông qua hoạt động của mình, Trung tâm đã nâng số trẻ khuyết tật được phát hiện, chẩn đoán đánh giá hàng năm từ 700 - 1.000 trẻ, tạo sự thuận lợi cho nhà trường và giáo viên trong việc xác định mức độ, nhu cầu và khả năng của trẻ trong học tập, sinh hoạt.

Để nâng cao chất lượng giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tật, các Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập còn tư vấn cho NKT và gia đình có NKT lựa chọn phương thức giáo dục phù hợp với NKT, tư vấn cho họ tới các cơ sở chăm sóc, giáo dục, hướng nghiệp phù hợp với nhu cầu tâm lý, sức khỏe của NKT. Hỗ trợ NKT phát triển và rèn luyện các kĩ năng xã hội trước tuổi đi học đồng thời phục hồi chức năng đáp ứng nhu cầu giáo dục của NKT tại gia đình và cộng đồng. Ngoài ra, các Trung tâm còn rèn luyện các kĩ năng đặc thù đáp ứng nhu cầu giáo dục của NKT, hướng nghiệp, giới thiệu và hỗ trợ việc làm cho NKT cũng như liên hệ với các dịch vụ phù hợp cho NKT và gia đình NKT, tổ chức cho NKT tham gia các hoạt động xã hội tại cộng đồng.

Trung tam ho tro phat trien giao duc hoa nhap  2

Hoạt động dạy nghề cho trẻ khuyết tật tại Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục tỉnh Đắc Lắc

Cùng với đó, các Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập còn đóng góp tích cực trong việc xây dựng nội dung, bồi dưỡng phương pháp và chuyển giao công nghệ giáo dục khuyết tật cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và những người có liên quan; tổ chức các hoạt động giáo dục phù hợp với khả năng và nhu cầu của NKT. Cung cấp sách giáo khoa chuyển đổi bằng chữ nổi Braille, thiết bị, tài liệu dạy học đối với người khiếm thị, sách giáo khoa chuyển đổi bằng ngôn ngữ ký hiệu, thiết bị, tài liệu dạy học đối với người khiếm thính, tài liệu, thiết bị hỗ trợ NKT trí tuệ, NKT ngôn ngữ và NKT dạng khác.

Tại Đắc Lắc, trong năm học 2015 -2016, Trung tâm đã hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập tỉnh tổ chức nuôi dạy 130 học sinh khuyết tật, 100% các cháu ngoan ngoãn, sức khoẻ phát triển tốt, có nhiều tiến bộ trong học tập và rèn luyện kỹ năng sống. Với sự nỗ lực, cố gắng của tập thể cán bộ tại Trung tâm, 40 cháu khuyết tật đã được can thiệp sớm, 43 cháu khuyết tật nặng được hỗ trợ và khoảng 250 cháu khuyết tật khác được hỗ trợ học hoà nhập. Cuối năm học có 100% học sinh đạt yêu cầu, 7 em được xét tốt nghiệp THPT, học sinh của Trung tâm tham gia Hội thi Thể dục thể thao học sinh khuyết tật toàn quốc đạt 6 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Bạc và 8 Huy chương Đồng.

Cho đến nay, mặc dù một số Trung tâm ở địa phương thực hiện các nhiệm vụ chưa đầy đủ, song những kết quả của các hoạt động trên đã chứng tỏ tính hiệu quả, khả thi của mô hình trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập. Đây là mô hình thích hợp ở nước ta nhìn từ nhiều góc độ: quản lý nhà nước, nhu cầu giáo dục có chất lượng cho học sinh khuyết tật, đáp ứng được những yêu cầu của phụ huynh học sinh, tạo ra sự phối hợp giữa các ban ngành đoàn thể và đặc biệt, đảm bào quyền học tập, học tập có chất lượng của hơn một triệu trẻ khuyết tật.  

 

 

Nguồn: Tạp chí Người bảo trợ

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi