Thứ ba, 05 Tháng 9 2017 14:57

Tôi bị bại liệt hai chân từ khi 6 tháng tuổi, hoàn cảnh gia đình khó khăn nên cũng chỉ được học đến hết lớp 7. Buồn tủi về số phận nhưng tôi vẫn không chấp nhận đầu hàng. Tôi luyện tập để có thể đi bằng hai tay, học nghề và xây dựng cuộc sống tự lập bằng chính sức lao động của mình. Giờ đây, tuy không thành đạt và khá giả, nhưng tôi hạnh phúc khi đã vượt qua mặc cảm của bản thân, ổn định kinh tế và có một gia đình đầm ấm, hạnh phúc với vợ và hai con ngoan ngoãn, khoẻ mạnh.

917Timdentim

Anh Hưng (ngồi bên trái) cùng đoàn đại biểu tỉnh Gia Lai tham dự Hội nghị biểu dương NKT, TMC và người bảo trợ tiêu biểu

toàn quốc lần thứ V, 2016

ôi sinh ra trong một gia đình nông dân đông con nghèo khổ. Nghe mẹ kể lại từ 6 tháng tuổi tôi đã bị bệnh bại liệt, teo hai chân. Gia đình đã tốn nhiều công, của nhưng vẫn không điều trị khỏi bệnh. Đến khi được 5 tuổi, ba mẹ đưa tôi đến trường làng học. Mọi sự hoạt động đi đứng, di chuyển phải nhờ sự hỗ trợ của ba mẹ, anh chị trong nhà.

Tôi học hết lớp 7 thì ba mẹ cho tôi nghỉ học vì gia đình nghèo khổ quá không có điều kiện đưa đón tôi đi học. Tôi cứ tự hỏi tại sao cuộc sống lại bạc bẽo với mình đến thế. Nhiều lúc tôi buồn chán không tiếp và nói chuyện với ai cả. Ba mẹ đã động viên, an ủi tôi đi học vẽ, tôi nghĩ mình cần kiếm được một cái nghề gì đó để tự nuôi sống bản thân.

Bằng ý chí và sự nỗ lực của bản thân tôi đã cố gắng luyện tập di chuyển bằng đôi tay, một thời gian sau tôi có thể tự mình đi lại được bằng đôi tay vững chắc của mình. Tôi vui vì đã có thể tự đi lại những nơi tôi muốn đến mà không phải nhờ đến sự hỗ trợ của gia đình. Con đường học nghề mưu sinh đã dần rộng mở, tôi bắt đầu đi học vẽ, nhưng được một thời gian tôi cảm thấy bất ổn. Nghề vẽ hay làm họa sĩ đâu phải ai muốn cũng có thể làm được, phải có năng khiếu hoặc năng lực bẩm sinh mới vẽ nên những bức tranh tuyệt tác. Còn bản thân mình là người khuyết tật, mượn đôi bàn tay thay cho đôi chân để di chuyển cơ thể đi lại nên tay khô cứng, vụng về.

Nghề vẽ không thành công làm cho tôi buồn tủi và mặc cảm không còn tự tin trong cuộc sống. Mẹ tôi hiểu được nên an ủi và thương yêu tôi nhiều hơn. Đến năm 1991, nhờ sự chịu thương, chịu khó, gia đình dành dụm được một số tiền, vay mượn thêm anh em bạn bè họ hàng mua cho tôi một lô đất ở sát mặt đường quốc lộ 19 cất nhà tạm, dự định cho tôi mua bán gì đó để sinh sống. Đó là niềm động viên an ủi lớn nhất trong đời tôi, ba mẹ là chỗ dựa là niềm tin để tôi tiếp tục sống.

Và rồi, cuộc đời cũng không phụ lòng người. Có một người ở xa tới hỏi thuê nhà tôi để hành nghề đóng giầy, dép da. Anh tên là Vinh, quê ở Bình Định. Anh ở chung với tôi và rất thương yêu tôi, hứa sẽ giúp tôi học nghề đóng giầy. Nhờ sự say mê, chăm chỉ học tập, tôi học rất nhanh. Chỉ sau một thời gian ngắn, tôi đã nắm vững kỹ thuật gò giầy, gò dép các kiểu nam nữ. Anh Vinh rất mừng trước sự tiến bộ của tôi. Năm 1999, anh Vinh về quê cưới vợ nên sang lại tiệm giầy cho tôi kinh doanh, từ đó, tôi trở thành ông chủ tiệm giầy.

Được làm việc bằng chính sức lao động của mình, có thể làm ra những đồng tiền dù là nhỏ phụ giúp cho gia đình, cha mẹ trang trải cuộc sống nên tôi lúc nào cũng vui vẻ, tự tin hơn. Cũng chính nhờ sự lạc quan, tin yêu cuộc sống nên người con gái tên Đào đã cảm phục và đem lòng thương mến. Năm 2003, chúng tôi tổ chức đám cưới có sự chứng kiến của anh em họ hàng, bà con lối xóm. Có được nguồn động viên tinh thần từ vợ, tôi ra sức làm việc hăng say, mong kiếm thêm nguồn thu nhập nhằm xây dựng tổ ấm gia đình riêng của mình có thêm nhiều hạnh phúc.

Năm 2005, đứa con trai đầu lòng ra đời là niềm vui lớn của vợ chồng tôi. Không còn mặc cảm là gì, được nghe tiếng cười, tiếng khóc của trẻ thơ là động lực để tôi cố gắng, nỗ lực hơn nữa. Năm 2006, vợ chồng tôi quyết định vay vốn ngân hàng để mở rộng thêm nhiều mặt hàng giầy dép cao cấp về về bán, để có thu nhập cao và ổn định hơn. Năm 2012, vợ chồng tôi sinh thêm đứa con trai thứ hai, niềm vui nhân lên ấp đôi, kinh tế lúc này cũng tương đối ổn định.

Ước mơ của tôi là mong sao có sức khỏe để làm việc nuôi vợ và hai con khôn lớn trưởng thành. Bên cạnh làm ăn kinh tế, dù đi lại gặp nhiều khó khăn nhưng tôi rất nhiệt tình tham gia các hoạt động của Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi, ủng hộ tinh thần, giúp Hội tuyên truyền, vận động những người khuyết tật hiểu được những chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, giúp cho người khuyết tật nâng cao được nhận thức, giúp họ vượt qua mặc cảm bản thân, vươn lên hòa nhập cộng đồng, quyết tâm không để bản thân mình trở thành gánh nặng của xã hội.

Phạm Quang Hưng

Thôn An Thuận, xã Cư An, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai


Nguồn: Tạp chí Người Bảo trợ

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi