Người ta thường nói “Khi cảnh cửa này đóng lại, sẽ có một cánh cửa khác mở ra”... Ngẫm lại, điều đó thật đúng với cuộc đời tôi. Dường như mỗi lần tưởng chừng rơi vào cảnh bế tắc nhất, tôi lại tìm ra cơ hội mở hướng đi mới cho cuộc đời mình, từng bước vượt lên những thách thức của cuộc sống để xây dựng gia đình hạnh phúc với một người chồng khoẻ mạnh, hết mực thương yêu, chăm chút cho vợ và những người đồng cảnh.
Mẹ tôi kể, khi sinh ra tôi là đứa bé rất khỏe mạnh, nhất là đôi chân. Sáng sớm hai chân tôi đập thình thịch trên giường như đồng hồ báo thức. Nhưng một buổi sáng nọ, khi chẳng còn nghe những âm thanh thình thịch quen thuộc, mẹ tôi ngạc nhiên chạy đến ẵm tôi lên, hai chân tôi liền khụy xuống. Mẹ mới hay rằng, cơn sốt đêm qua đã làm bại liệt đôi chân khi tôi vừa tám tháng tuổi.
Tôi có bảy anh chị em, tất cả đều khỏe mạnh, đẹp đẽ - trừ tôi là con bé khuyết tật. Cô em gái tôi rất xinh đẹp. Không biết vô tình hay vì thói quen yêu cái đẹp nên mọi người dồn hết tình cảm cho em. Tôi cứ thui thủi một mình và không có niềm vui nào hơn là việc học. Nhờ vậy, tôi là một học sinh xuất sắc luôn đứng đầu lớp, được thầy, cô yêu mến. Đi học về, tôi lo mọi việc nhà giúp mẹ từ chuyện giữ em, giặt đồ, quét nhà, nấu cơm, rửa chén, sắp xếp mọi tủ ngăn nắp, vá từng cái áo, cái quần cho mọi người. Thậm chí vào mùa nước nổi tôi còn đứng dựa vào thùng phuy, xách đầy hai phuy nước từ dòng sông sau nhà. Ngoài ra, tôi còn làm gia sư cho các em, phụ ba chấm bài. Cũng từ đó, tôi có ước mơ sau này theo nghề giáo như ba.
Tôi học hết cấp ba, ba tôi không cho tôi thi đại học vì sợ tôi không đi dạy được. Nhưng tôi vẫn lén chui dưới cầu thang, đốt đèn dầu ôn bài và tôi đã đậu vào Trường đại học Cần Thơ, khoa Ngoại ngữ. Tôi được em gái chở đi học bằng xe đạp. Những lúc em tôi nghỉ học, tôi phải cậy nhờ một cô bạn dìu dắt lết lê trên con đường ngập đầy bùn. Có khi trượt té trước sân trường, nước mắt tuôn trào, cố đứng lên trước hàng trăm con mắt của bạn bè, kẻ dửng dưng, người ái ngại.
Mỗi năm tôi vẫn mang những phần thưởng học sinh giỏi về nhà, dù cho suốt những năm tháng ấy vì nhà xa, nhiều hôm tôi phải nhịn đói ăn tạm trái chuối nướng ở lại trường chờ đến tối còn học thêm ở Hội Việt Mỹ. Đến giờ nghĩ lại tôi cũng không hiểu vì sao khi ấy mình lại có đủ sức khỏe và sự quyết tâm để làm được như thế!
Với những nỗ lực đó, tôi rất hy vọng sẽ đạt được kết quả cao khi tốt nghiệp. Nhưng không ngờ, ngày ra trường tôi chết sững người khi không được tốt nghiệp chỉ vì lí do cân nặng quá thấp, không đủ 36 kg. Sau đó, tôi đã mấy lần trở lại trường để “đo cân nặng lấy bằng tốt nghiệp” nhưng đều không thành vì không thể “vỗ béo” được, dù cũng đã mấy lần tôi lén bỏ đá vào trong túi quần. Sáu tháng trôi qua, tôi không thể chờ đợi thêm được nữa nên đã gửi đơn khiếu nại lên Bộ Giáo dục và Đào tạo. Cuối cùng, tôi không những được tốt nghiệp mà còn được ưu tiên dạy ở trường gần nhất. Khi ấy, tôi thấy mình thật dũng cảm khi tự đấu tranh để vươn lên có việc làm như những người khỏe mạnh khác.
Bảy năm đi dạy tiếp đó là khoảng thời gian đẹp nhất vì tôi đã cống hiến hết trái tim, khối óc cho học sinh. Bằng lòng nhiệt tình, tâm huyết của mình, tôi là cô giáo không chỉ được học sinh lớp tôi chủ nhiệm yêu thương mà các lớp bộ môn cũng luôn dành cho tôi tình cảm thân thiết.
Nhưng rồi một lần nữa giông tố lại ập đến. Tôi phải rời ngôi trường đầy ắp kỷ niệm ấy mà không kịp nói lời từ biệt. Năm 1989, sau khi đi chỉnh hình chân thất bại, tôi trở về với hai chân mang giày nẹp và đôi nạng. Đúng lúc ấy thì nhà trường ra quyết định cho tôi nghỉ hưu non ở tuổi hai mươi chín dạt dào tâm huyết. Mất tất cả, tôi buồn đến không còn thiết tha gì cuộc sống, may lúc đó có chiếc radio nhỏ an ủi tinh thần tôi bằng những thông tin xã hội. Nhờ nó, tôi biết rằng, ngoài kia còn có rất nhiều hoàn cảnh vất vả như tôi, thậm chí còn nhọc nhằn hơn tôi nhưng họ vẫn đang nỗ lực từng ngày để vượt lên, để hoà nhập. Và tôi kết bạn với họ - đó là những người đồng cảnh và cả người không khuyết tật. Trong số những người bạn tâm giao qua rađio ấy, có một người lành đã hiểu và yêu thương tôi. Vượt qua những định kiến của xã hội, cái nhìn không mấy thiện cảm của những người xung quanh, năm 1990, chúng tôi đã đến với nhau. Từ ấy, anh vừa là bạn đời, vừa là đôi chân cùng tôi trải qua những tháng ngày gian khó, cùng đồng hành với tôi và người khuyết tật Cần Thơ trong suốt gần 30 năm nay.
Để lo kinh tế, chúng tôi mở một sạp bán vải ở chợ Hàng Dừa, thành phố Cần Thơ. Công việc kinh doanh cũng tạm đủ sống nhưng vì tin người và thương người nên chúng tôi đã giúp vay mượn nợ cho một người bà con. Rồi người đó bỏ đi, hai vợ chồng phải gánh nợ nóng, trả hoài, cuối cùng chúng tôi chọn giải pháp sang lại sạp vải, tôi trở về dạy học tại nhà và làm công tác xã hội. Chồng tôi cũng giúp đỡ tôi vừa lo kinh tế gia đình, vừa nghiên cứu, tìm hiểu và thành lập các tổ chức Hội Người khuyết tật thành phố Cần Thơ, Hội Thể thao người khuyết tật thành phố Cần Thơ và Cơ sở Nhịp Cầu dạy nghề miễn phí và tạo việc làm cho hàng trăm người khuyết tật.
Từ năm 2008, tôi làm Chủ tịch Hội Người khuyết tật thành phố Cần Thơ và Hội Thể thao người khuyết tật thành phố Cần Thơ. Ông xã là người phụ tá tôi từ năm 2001 đến hết nhiệm kỳ I (2008 -2012). Sang nhiệm kỳ II (2012 - 2017), ông xã của tôi làm Phó Chủ tịch Hội Thể thao người khuyết tật thành phố Cần Thơ. Xem như 2 vợ chồng tôi đã cùng làm công tác xã hội từ 2001 đến nay.
Hiện nay, bởi lòng yêu nghề giáo thiết tha nên tôi vẫn vừa chăm lo hoạt động Hội Người khuyết tật vừa dạy Anh văn tại nhà. Tất cả những thành công hôm nay tôi có được cũng nhờ vào ý thức học tập cao, biết vượt lên chính mình, biết sống có ước mơ, biết “Cho” và “Nhận” đúng chỗ. Nên giờ đây, dù cuộc sống không thật sự đủ đầy về vật chất nhưng tôi luôn hạnh phúc ngập tràn vì tôi đã không đầu hàng số phận, tôi đã yêu thương hết mình và nhận được tình yêu thương của mọi người, nhất là chồng tôi. Tôi luôn yêu quý, trân trọng và biết ơn anh đã luôn đồng hành cùng tôi trên mọi quãng đường gian khó.
Nguồn: Tạp chí Người Bảo trợ
Tin mới
- Thư gửi robot Citizen: 'Ơi cuộc sống mến thương' - 22/07/2019 07:19
- Rơi nước mắt nghe nữ sinh dị tật truyền lửa - 10/06/2019 03:34
- Phải biết đau với nỗi đau của những người bất hạnh - 23/11/2018 07:10
- Một Giám đốc doanh nghiệp năng động, giầu nghị lực - 20/07/2018 07:09
- Cái Tết không mai, đào của lũ trẻ mồ côi - 01/03/2018 04:45
Các tin khác
- Tôi đã chiến thắng bóng tối, tìm thấy ánh sáng của riêng mình - 13/10/2017 03:33
- Hạnh phúc ngọt ngào của cô gái khiếm thị - 12/10/2017 10:02
- Du lịch “bỏ rơi” người khuyết tật? - 28/09/2017 06:25
- Tự giúp mình và người đồng cảnh vươn lên - 19/09/2017 03:46
- Dù khó khăn, tôi vẫn không chùn bước - 05/09/2017 07:57