Khuyết tật chân từ khi còn rất nhỏ, tôi đã từng bước vượt qua những khó khăn trong cuộc sống để tự tin hòa nhập cuộc sống đồng thời gây dựng, triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ người đồng cảnh tại Ninh Bình. Những đóng góp nhỏ bé của tôi đã giúp cho hàng trăm NKT tại quê nhà được đào tạo nghề, có cơ hội tìm kiếm việc làm, được thăm hỏi, động viên về vật chất, tinh thần, có cơ hội học tập, giao lưu tiếp thu kiến thức, nâng cao năng lực.
Một cơn sốt bại liệt năm tôi 2 tuổi đã khiến tôi bị liệt chân trái. Được bố mẹ quan tâm, chăm sóc, tôi nỗ lực tập luyện để có thể tự đi lại và kiên trì theo học hết THPT. Trong khi bạn bè cùng trang lứa tấp nập chuẩn bị hồ sơ dự thi đại học thì tôi lại quyết định đi học nghề may tại Trường Kỹ Nghệ I của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, sau đó tôi tiếp tục tham gia khóa học sư phạm nghề tại Trường Cao đẳng dạy nghề của tỉnh rồi mở cửa hàng may tại nhà.
Trong quá trình làm nghề, với kinh nghiệm sẵn có và mong muốn hỗ trợ người đồng cảnh, tôi quyết định “lấn sân” sang lĩnh vực dạy nghề may. Tháng 4/2003, tôi thành lập Trung tâm dạy nghề phát triển việc làm và hỗ trợ người khuyết tật thành phố. Những ngày đầu thành lập, Trung tâm chỉ có 5 chiếc máy khâu trong khi học viên đăng ký khá đông, vì vậy tôi phải chia thành nhiều ca, đảm bảo chất lượng dạy và học. Tôi cũng mạnh dạn bàn bạc với gia đình vay tiền ngân hàng để đầu tư mở rộng Trung tâm. Được gia đình, người thân ủng hộ, tôi đã mượn thêm kinh phí mua 20 máy may công nghiệp, phục vụ cho việc dạy nghề. Với những học viên khuyết tật, tôi đều giảm 50% học phí, giúp họ vơi bớt khó khăn, có thêm tự tin, vững tâm học nghề. Không chỉ dạy nghề, tôi còn hướng nghiệp, tư vấn việc làm cho học viên. Nhiều người sau khi học nghề đã được nhận vào làm việc tại các doanh nghiệp, có thu nhập ổn định hàng tháng từ 2 - 3 triệu đồng/người/tháng. Từ đó đến nay, các lớp dạy nghề vẫn được tổ chức thường xuyên tại Trung tâm, bình quân từ 8 - 10 lớp/năm, với khoảng 30 - 35 học viên, trong đó học viên khuyết tật chiếm 30%.
Song song với việc tổ chức dạy nghề của Trung tâm, tôi còn thường xuyên tham gia các hoạt động từ thiện như vận động các nhà hảo tâm, các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ xe lăn, xe lắc tay, nẹp, nạng và các dụng cụ chỉnh hình giúp người khuyết tật có thể thuận tiện hơn trong cuộc sống, lao động. Ngoài ra, tôi còn vận động các mạnh thường quân chia sẻ khó khăn, tặng quà cho đối tượng nhân dịp lễ, Tết, tổ chức cho người khuyết tật tham quan học tập kinh nghiệm, đồng thời tổ chức các lớp tập huấn về khởi sự doanh nghiệp, thành lập đội văn nghệ Ước mơ xanh và hiện Trung tâm đang nuôi dưỡng toàn bộ 7 thành viên của đội, tạo điều kiện tập luyện để tham gia các cuộc giao lưu, giúp các em vơi đi mặc cảm, vươn lên trở thành người có ích.
Năm 2007, tôi cùng một số thành viên làm thủ tục thành lập Ban vận động Hội người khuyết tật và tiến hành tổ chức Đại hội lần thứ nhất vào tháng 11/2007. Tôi vinh dự được bầu vào Ban Chấp hành và giữ chức Chủ tịch Hội. Bên cạnh đó tôi còn đảm nhận vai trò là ủy viên Ban Chấp hành Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam, ủy viên UBMTTQ Việt Nam tỉnh.
Trên cương vị là Chủ tịch Hội người khuyết tật tỉnh, tôi luôn cố gắng hoàn thành các kế hoạch, vận động đối tượng tham gia sinh hoạt với Hội, đẩy mạnh phong trào hoạt động và hỗ trợ đối tượng bằng các hình thức như xây nhà tình nghĩa, thăm hỏi, tặng quà, vận động các tổ chức, cá nhân tặng xe lăn, dụng cụ chỉnh hình, khám và tư vấn điều trị phục hồi chức năng, hỗ trợ đột xuất cho các gia đình khó khăn. Để không ngừng trau dồi, cập nhật, nâng cao kiến thức về các vấn đề liên quan đến NKT để áp dụng tại địa phương, tôi cũng thường xuyên tham gia các hoạt động hội thảo, tập huấn do các tổ chức tại Việt Nam phối hợp với các tổ chức quốc tế tổ chức.
Đi đối với công tác hỗ trợ người khuyết tật, tôi đẩy mạnh chương trình dạy nghề, tạo việc làm, vận động chính sách, tham gia xây dựng chính sách đối với người khuyết tật, đồng thời vận động thành lập tổ chức Hội cấp huyện. Với sự hỗ trợ của tổ chức CRS Việt Nam, trong 2 năm 2015 -2016 tôi đã vận động thành lập được 3 tổ chức Hội cấp huyện và 2 Chi hội, nâng tổng số tổ chức Hội cấp huyện lên 5/8 huyện, với sự tham gia của gần 2.000 hội viên…
Bằng sự nỗ lực của bản thân, tôi vinh dự được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND tỉnh, các tổ chức xã hội tặng Bằng khen, giấy khen trong nhiều năm qua. Năm 2010, tôi được thay mặt cho đại diện người khuyết tật tỉnh dự Hội nghị thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII, dự Hội nghị biểu dương người khuyết tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu toàn quốc lần thứ V năm 2016. Những sự ghi nhận, biểu dương đó là động lực để tôi cố gắng nhiều hơn trong hoạt động trợ giúp, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người đồng cảnh, góp phần tạo điều kiện để họ hòa nhập cộng đồng.
Phạm Hữu Chính
Địa chỉ: Phúc Thịnh, huyện Phúc Thành, thành phố Ninh Bình
Nguồn: Tạp chí Người Bảo trợ
Tin cùng chủ đề
Tin mới
- Tôi đã chiến thắng bóng tối, tìm thấy ánh sáng của riêng mình - 13/10/2017 03:33
- Hạnh phúc ngọt ngào của cô gái khiếm thị - 12/10/2017 10:02
- Du lịch “bỏ rơi” người khuyết tật? - 28/09/2017 06:25
- Tự giúp mình và người đồng cảnh vươn lên - 19/09/2017 03:46
- Dù khó khăn, tôi vẫn không chùn bước - 05/09/2017 07:57