Thứ hai, 19 Tháng 6 2017 10:45

Không may bị mất hai bàn tay trong một tai nạn lao động, tôi vẫn nỗ lực hàng ngày để vươn đến một cuộc sống tự lập, nuôi dạy con cái thành tài. Lao động không chỉ giúp tôi rèn luyện sức khỏe, chăm sóc gia đình, thoát nghèo và còn tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn khác.

Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình làm nông nghiệp, gia đình thuộc diện hộ nghèo nhiều năm của địa phương. Đến năm 1984, nghe theo tiếng gọi của Đảng, tôi đã lên đường nhập ngũ làm nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc. Trong thời gian tham gia quân ngũ tôi luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ của người quân nhân, đến năm 1987 tôi hoàn thành nghĩa vụ quân sự và trở về địa phương. Năm 1991 trong một lần mưu sinh kiếm sống tôi đã không may bị tai nạn và bị mất đi cả hai bàn tay. Tại thời điểm đó con tôi mới được 05 tháng tuổi mà gia đình đã ra ở riêng, khó khăn chồng chất khó khăn. Thời gian này, tôi bị mất sức lao động, tinh thần hoàn toàn chán nản, suy sụp, nhiều lúc tôi không muốn sống nữa. Tất cả mọi công việc nặng nhẹ, từ việc gia đình đến công việc xã hội và cả những sinh hoạt của cá nhân tôi đều cậy nhờ vào người vợ của tôi. Cuộc sống lúc đó gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại, thiếu thốn mọi bề. Tôi luôn gặp khó khăn trong tất cả mọi công việc, kể cả từ việc sinh hoạt cá nhân của mình.

62Tim den tim anh 1

Dần dần sau này được sự quan tâm của gia đình, họ hàng, bà con lối xóm và tất cả mọi người xung quanh, họ đã động viên tôi, vì thế tôi đã quyết tâm vươn lên để vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống.

Mặc dù bị mất đi hai bàn tay nhưng tôi luôn ý thức được việc tự lập để giúp đỡ vợ con từ những công việc đơn giản nhất, từ đun nước đến nấu cơm, từ cách dùng thìa để ăn cơm, tôi phải tập sử dụng cuốc, xẻng khi không còn đôi tay nữa. Để có thể cuốc được đất thì thời gian ban đầu tôi gặp rất nhiều khó khăn, tưởng chừng như không thể lao động được nữa. Nhiều lúc muốn từ bỏ nhưng cứ mỗi khi nghĩ đến sự nhọc nhằn, vất vả của người vợ, nghĩ đến đứa con còn thơ, phải nuôi con ăn học nên người nên tôi luôn tự nhủ lòng và tự động viên phải cố gắng vượt qua. Tôi tập dần với công việc, dần dần thành quen và đã có thể tham gia lao động phụ giúp gia đình, làm được nhiều công việc của người nhà nông. Từ đó, tôi nhận thấy cuộc sống này thật ý nghĩa, cuộc sống của tôi đã càng ngày càng cảm thấy phấn khởi trở lại, xóa bỏ mọi mặc cảm trong đời thường để tiếp tục sống, tiếp tục chiến đấu với nỗi đau để lại. Tôi luôn tìm kiếm các công việc để làm, các công việc mà phù hợp với bản thân tôi và phù hợp với sức khỏe của bản thân.

Và rồi để có tiền nuôi con ăn học và trang trải cho cuộc sống hằng ngày, tôi đã bàn bạc với vợ và thực hiện việc chăn nuôi lợn gà, trồng rau và trồng cây ăn quả để cải thiện kinh tế cho gia đình. Một thời gian sau, tôi đã quyết định trồng cây mơ. Mấy năm đầu cũng đem lại một chút hiệu quả về kinh tế, nhưng chỉ được một thời gian ngắn thì thị trường thu mua quả mơ luôn sụt giá, từ 5.000đồng/kg giảm xuống chỉ còn 300 đồng/kg, khiến thu nhập của gia đình tôi bị giảm sút. Tiền thu từ quả mơ là thu nhập chính không đủ trang trải cho các sinh hoạt hằng ngày. Vì vậy, sau đó tôi đã chặt hết cây mơ đi để chuyển sang trồng các cây nông nghiệp khác. Quyết định trồng cây mơ coi như thất bại nặng nề, kinh tế gia đình lại rơi vào khó khăn hơn.

Dù khó khăn trong cuộc sống, có lúc thất bại trong công việc nhưng tôi đã không nản chí, vì vợ con, vì tương lai mà không ngừng nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Qua tìm hiểu, qua nghe đài, qua xem ti vi tôi có biết đến sản xuất gạch bi (gạch sản xuất từ bột đá), với điều kiện nhà ở gần đường, điều kiện mặt bằng tương đối rộng và thấy các công việc sản xuất gạch phù hợp với bản thân như vác xi, xúc bột đá, gạt máy, đủn xe rùa, trở gạch ra phơi, bốc xếp gạch... Sau khi tìm hiểu kỹ và đi tham quan học hỏi tại một số hộ đang sản xuất gạch tại địa phương, năm 2010 tôi bàn với vợ vay ngân hàng, vay anh em họ hàng quyết định mua một cái máy về để sản xuất gạch bi.

62Tim den tim anh 2

Thời gian đầu gặp nhiều khó khăn như: Tỷ lệ trộn chưa hợp lý gạch lúc già, lúc non, máy móc hỏng hóc thường xuyên, thị trường chưa quen khó chấp nhận sản phẩm mới, do thiếu vốn phải đi vay dẫn đến phải trả lãi, rồi thì lãi mẹ đẻ lãi con... Nhưng tôi vẫn vừa làm, vừa học hỏi, vừa rút kinh nghiệm từ thực tế, dần dần sản phẩm gạch cũng được thị trường chấp nhận. Để đẩy nhanh việc sản xuất và tạo thêm thu nhập cho một số lao động tại địa phương trong lúc nông nhàn giữa mùa vụ tôi nhận thêm từ 02 đến 03 lao động vào cùng tham gia sản xuất và trả công từ 130.000 đồng đến 170.000 đồng/ngày. Hiện nay công việc sản xuất cũng khá ổn định và phát triển, sản phẩm đã có chỗ đứng trên thị trường, nhu cầu sử dụng gạch trên địa phương ngày càng nhiều sẽ tạo điều kiện mở rộng quy mô sản xuất.

Với sự nỗ lực cố gắng phấn đấu của bản thân và gia đình, tôi đã nuôi người con duy nhất của gia đình học xong Cao đẳng và hiện hiện nay cháu đang công tác tại Chi nhánh Điện lực huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn. Kinh tế gia đình ngày càng khấm khá hơn, mấy năm gần đây gia đình đã thoát nghèo và đã mua được điện thoại, ti vi màu, xe máy, tủ lạnh, máy cày, nhà đã xây tường gạch tương đối chắc.

Dự định trong tương lai nếu được Nhà nước tạo điều kiện cho vay vốn ưu đãi đối với người khuyết tật để phát triển sản xuất, chăn nuôi thì tôi sẽ vay vốn mở rộng quy mô sản xuất gạch và thực hiện một số dự án trồng cây ăn quả mang lại thu nhập cao. Với phương châm “tàn nhưng không phế”, tôi sẽ cố gắng học hỏi, không ngừng nỗ lực lao động sản xuất để vượt qua mọi mặc cảm của số phận người khuyết tật để hòa đồng với xã hội, nâng cao đời sống của gia đình được ấm no hạnh phúc và đóng góp một phần công sức của mình vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Dương Công Minh

Thôn Bản Duồng II, thị trấn Bằng Lũng, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn)

 

Nguồn: Tạp chí Người Bảo trợ

PLG_CONTENT_SHOWTAGS_TITLE Dương Công Minh , Bắc Kạn , khuyết tật

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi