Thứ năm, 12 Tháng 10 2017 17:02

Năm 11 tuổi, Phan Thị Gái (xã Long Thành Nam, huyện Hoà Thành, tỉnh Tây Ninh) đã từng tuyệt vọng khi không thể tìm lại được ánh sáng của đôi mắt sau 3 lần phẫu thuật, khi phải nghỉ học giữa chừng và tự mình chống chọi với những dèm pha của người đời. Nhưng với nỗ lực của bản thân cùng với sự cổ vũ, động viên của gia đình, cộng đồng, các tổ chức xã hội, cô gái khiếm thị ấy đã vượt qua tất cả để gặt hái niềm hạnh phúc ngọt ngào.

Nỗ lực chiến thắng số phận

Phan Thị Gái sinh ra trong một gia đình nghèo khó đông con, lúc 5 tuổi thì phát hiện mắc bệnh về mắt. Nhưng lúc đó gia đình nghèo quá, không có tiền chạy chữa, ba mẹ phải làm lụng vất vả suốt ngày đêm mà cơm không đủ ăn, lấy đâu ra tiền để chữa trị cho cô con gái nhỏ. Năm Gái được 11 tuổi ba mẹ quyết định vay mượn họ hàng làng xóm để có tiền đưa cô đến thành phố Hồ Chí Minh chữa trị. Nhưng khi khám tổng quát xong, cả ba mẹ đều sững sờ khi bác sĩ thông báo mắt của Gái không còn chữa trị được nữa. Dù gia đình vẫn cố gắng cho Gái phẫu thuật đến 3 lần, nhưng cuối cùng vẫn không còn hy vọng.

107Chan dung - Hanh phuc ngot ngao 2

Lúc đó Gái chỉ biết khóc và hỏi mẹ: “Con phải sống trong bóng tối suốt đời sao?”. Mẹ cũng không trả lời được câu hỏi đó, và cả hai mẹ con chỉ biết ôm nhau khóc. Cuối cùng, lực bất tòng tâm, ba mẹ đành đưa Gái về khi kinh tế đã cạn kiệt, không thể vay mượn thêm ở đâu được nữa.

Từ viện về, cha mẹ thì làm ngày, làm đêm để kiếm tiền trả nợ, còn Gái thì chìm trong nỗi mặc cảm xấu hổ không muốn gặp ai, tối ngày trốn trong nhà. “Mỗi lần nhìn thấy em, những người trong làng lại xì xèo nói gia đình có đứa con như em thì sẽ khổ suốt đời. Nghe thế em vừa buồn, vừa giận vừa khao khát có một việc gì đó mà mình có thể làm, để mọi người nhìn mình bằng cặp mắt khác đi. Hình ảnh cha mẹ đã vì mình mà cực khổ, đến cơm ăn cũng không đủ no, áo không đủ ấm luôn là động lực để em nỗ lực phấn đấu vượt lên nỗi mặc cảm khuyết tật và sống tự lập” – Gái chia sẻ.

Niềm khao khát được quay trở lại trường học luôn cháy bỏng trong Gái. Đến khi có một cô cán bộ Hội phụ nữ xã đến nhà thông báo, trên địa bàn tỉnh vừa mở Trung tâm nuôi dạy trẻ khiếm thị nhận dạy chữ, dạy nghề cho người khiếm thị và động viên cha mẹ cho Gái theo học tại Trung tâm. Tại ngôi trường này, cô được học văn hoá, học nghề tiểu thủ công, học đàn, học hát và tham gia các buổi sinh hoạt ngoại khoá, được các cô, chú trong trung tâm quan tâm, chăm sóc tận tình, được hoà nhập với mọi người. Nhờ đó, Gái ngày càng tự tin, lạc quan và yêu đời hơn.

Năm 2005, được các cô chú trong Trung tâm nuôi dạy trẻ khiếm thị Tây Ninh động viên đi thi thể thao người khuyết tật toàn quốc môn bơi lội dành cho người khiếm thị, Gái đã mạnh dạn tham gia và đạt 2 huy chương Bạc. Tiếp nối thành công đầu tiên, những năm sau này, Gái đều tích cực tham gia và luôn duy trì, phát huy những thành tích với nhiều huy chương vàng, bạc, đồng. Đặc biệt tháng 12/2011 Gái tham gia Paragame tại Indonexia và đạt 1 huy chương Bạc.

Gái tâm sự: “Em không chỉ được đi học, được tập luyện thi đấu mà còn có cơ hội giao lưu, gặp gỡ nhiều người đồng cảnh khác. Em thêm mở rộng hiểu biết, thấy được nhiều hoàn cảnh và chứng kiến được nhiều nghị lực phi thường, em có thêm ý chí và quyết tâm vượt qua những thách thức của cuộc sống”.

Tại Trung tâm, Gái còn được học nghề xoa bóp bấm huyệt, cô thường xuyên được tham gia các lớp tập huấn nghề hàng năm tại thành phố Hồ Chí Minh do các bác sĩ đông y giàu kinh nghiệm truyền dạy. Tốt nghiệp THCS và có chứng chỉ nghề Massage vật lý trị liệu dành cho người khiếm thị, Gái ở lại làm nghề tại Trung tâm.

Viết lên câu chuyện tình yêu

Trong thời gian tham gia bơi lội cho đội tuyển tại thành phố Hồ Chí Minh, một lần cùng bạn đi uống nước, Gái đã gặp anh Phạm Ngọc Tá - người chồng hiện tại của mình. Anh là người khoẻ mạnh bình thường. Nhưng qua quen biết, tìm hiểu, tìm thấy sự đồng cảm và yêu thương nơi Gái, anh đã ngỏ lời yêu một cách bất ngờ. “Lúc đó, em cũng bất ngờ và hoang mang lắm. Dù rất xúc động khi nhận được lời tỏ tình nhưng em vẫn phải hỏi lại anh có suy nghĩ gì khi yêu một người khiếm thị? Anh đã nghĩ kỹ chưa? Anh sẽ đối diện với mọi người trong gia đình như thế nào khi biết người yêu anh là người khiếm thị? Họ có chấp nhận cho anh đến với em hay không? Bao nhiêu câu hỏi cứ dồn dập nhưng anh lại hết sức bình tĩnh trả lời “Anh yêu em, dù em là một cô gái mang khiếm khuyết nhưng em luôn giàu nghị lực và biết nghĩ cho mọi người. Ba mẹ anh gặp em rồi cũng sẽ yêu quý em như anh thôi, em không phải lo gì hết”.

Quá hạnh phúc, Gái gật đầu đồng ý và theo anh về quê ra mắt gia đình. Trái với sự lo lắng của cô, gia đình anh r t thương yêu cô gái vốn thiệt thòi về số phận và hết sức ngạc nhiên khi Gái có thể làm được mọi thứ để phụ n u ăn cùng với các thành viên trong gia đình. Sau 2 năm tìm hiểu và được sự vun vén từ hai bên gia đình, đám cưới của Gái và anh Tá được tổ chức trang trọng tại Trung tâm nuôi dạy trẻ khiếm thị nơi Gái học tập và làm việc.

Sau đám cưới, Gái tiếp tục làm việc tại Trung tâm, Tá thì trở về thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục làm công việc thợ hàn. Được sự giúp đỡ của Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh Tây Ninh, Mặt trận tổ quốc tỉnh, Hội Phụ Nữ từ thiện tỉnh cùng các mạnh thường quân và chính quyền địa phương đã xây cho vợ chồng Gái một ngôi nhà “Đại đoàn kết”, tặng cho vợ chồng cô một con bò và Ban giám đốc Trung tâm - nơi đã tạo cho Gái có nhiều cơ hội học tập, có nghề để nuôi sống bản thân- đã nhận chồng của Gái về làm bảo vệ tại Trung tâm. Đầu năm 2015 hai vợ chồng chào đón thiên thần nhỏ trong ngôi nhà tràn đầy yêu thương.

Gái luôn thấy hạnh phúc vì những ước mơ trong cuộc sống của cô đã trở thành hiện thực. Và còn hạnh phúc hơn khi được đón nhận tình yêu, sự động viên, giúp đỡ của cộng đồng xã hội, đặc biệt là các cô chú tại Trung tâm nuôi dạy trẻ khiếm thị Tây Ninh. Nhờ mọi người tạo điều kiện mà Gái có được cơ hội hoà nhập cộng đồng, trở thành người có ích. Giờ đây, cô đã có thể rời Trung tâm tự lập cuộc sống của riêng mình với cơ sở massage tại nhà, hai vợ chồng vẫn chăm chỉ, miệt mài làm việc phát triển kinh tế và chăm sóc con cái. Đó là thành quả ngọt ngào nhất cho những nỗ lực, cố gắng và niềm tin mà Gái đã hết mình trao gửi vào cuộc sống.

Nguồn: Tạp chí Người Bảo trợ

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi