Thứ sáu, 21 Tháng 7 2017 15:30

Từ khi sinh ra, cặp mắt của tôi đã bị dính liền, không có mí mắt. Trải qua 8 lần phẫu thuật với những cơn đau đớn hành hạ, tôi và gia đình vẫn hy vọng mình có thể nhìn được một chút ánh sáng cuộc sống, nhưng đổi lại chỉ là một màn đêm bao phủ. Vượt qua biết bao khó khăn, thách thức, cuối cùng, tôi cũng đã thích nghi và ch p nhận khiếm khuyết của cơ thể để nỗ lực rèn luyện sống tự lập, tự tin và trở thành một cán bộ gương mẫu cúa Hội Người mù tỉnh Sóc Trăng.

72chỉ mục

ôi được sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Châu Khánh, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng. Gia đình tôi có 03 anh chị em, nhưng chẳng may tôi và chị gái đều bị mù bẩm sinh. Chị gái tôi may mắn hơn tôi vẫn còn thấy ánh sáng, phân biệt được ngày đêm. Còn tôi, từ khi sinh ra, cặp mắt tôi bị dính liền, không có mi mắt. Theo lời bác sĩ, nhãn cầu của tôi vẫn khỏe mạnh và có nhiều khả năng nhìn thấy nếu mắt tôi được phẫu thuật. Mặc dù gia đình rất nghèo nhưng được sự giúp đỡ của mạnh thường quân, cha mẹ tôi đã cho tôi đi phẫu thuật mắt lần đầu tiên vào năm tôi lên 6 tuổi. Năm lên 8 tuổi, sau lần phẫu thuật thứ hai, tôi đã thấy được bàn tay bác sĩ và những đồ vật trong phòng. Tôi như vỡ òa hạnh phúc! Nhưng chỉ một tuần sau, mắt tôi tự dính lại, tôi chỉ còn thấy bóng ánh sáng mà thôi. Không từ bỏ hi vọng, cha mẹ tôi lại liên hệ mạnh thường quân đưa tôi đi mổ mắt thêm 06 lần, nhưng đều không thành công. Mỗi lần phẫu thuật là mỗi lần tôi cố nén những cơn đau với hi vọng sẽ được nhìn thấy ánh sáng, được nhìn thấy gương mặt thân yêu của cha mẹ, anh chị em, người thân và bạn bè của tôi nhưng sau bao lần phẫu thuật mắt tôi vẫn bị dính liền.

Khó có thể diễn tả hết bao khó khăn mà tôi đã trải qua trong suốt 25 năm qua. Nhà nghèo, cha mẹ phải đi làm thuê làm mướn, có khi cả tháng mới về nhà nên cha mẹ phải để hai chị em tôi ở nhà cho bà cố và anh trai cả của tôi chăm sóc. Bà tôi lớn tuổi, mắt bị lòa còn anh trai tôi cũng chỉ hơn tôi vài tuổi nên cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc chăm sóc hai chị em chúng tôi. Nhà tôi ở vùng quê hẻo lánh, đường xá đi lại khó khăn, phần do tôi không nhìn thấy nên tuổi thơ của tôi hầu như chỉ quanh quẩn trong nhà, tôi gần như cô lập với xã hội bên ngoài, cùng lắm chỉ ra ngồi trước sân nhà vào mỗi buổi chiều để đón cha mẹ về. Đã vậy, do nhà nghèo và không nhìn thấy nên tôi rất kén ăn, hầu như chỉ ăn tương, cháo và đậu hủ nên sức khỏe của tôi cũng không được khỏe mạnh như bao bạn gái đồng trang lứa khác. Nhưng bù lại, tôi và chị tôi được trời phú cho một năng khiếu ca hát nên hai chị em tôi thường được mọi người bảo hát cho họ nghe, người cho tiền, người tặng quà bánh. Mặc dù tôi bị mù nhưng được sự quan tâm chăm sóc, dạy bảo của cha mẹ, tôi cũng là đứa trẻ ngoan, biết tự phục vụ bản thân mình và làm những công việc vặt trong nhà phụ giúp cha mẹ.

Cuộc đời tôi bước sang trang mới khi năm 2007, Hội Người mù tỉnh Sóc Trăng tạo điều kiện cho tôi tham gia lớp xóa mù chữ nổi do Hội tổ chức. Lần đầu tiên xa nhà, tôi vừa mừng vừa lo vì không biết người mù học chữ thế nào, liệu tôi có thích nghi với môi trường sống mới và môi trường học tập không, liệu các cô chú anh chị trong Hội và mọi người xung quanh có kỳ thị, chê trách tôi không? Tuy nhiên, được sự tận tình quan tâm chăm lo, dìu dắt của cán bộ Hội và thầy giáo, tôi đã hoàn thành tốt 02 khóa học chữ nổi do Hội tổ chức. Đây cũng lần đầu tiên tôi sống xa nhà nên cũng là thời gian tôi học hỏi được nhiều điều mới, bổ ích và là chuỗi ngày vui vẻ mà mỗi khi nhớ lại tôi đều không thể nào quên. Nhờ ngoan ngoãn, chăm học và có ý chí phấn đấu vươn lên nên những năm tiếp theo, tôi được Hội Người mù tỉnh Sóc Trăng tạo điều kiện cho tôi học phổ thông tại Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh Sóc Trăng. Tôi luôn hoàn thành tốt các khóa học này.

Đến năm 2008, tôi được Hội Người mù tỉnh Sóc Trăng đưa đi học nghề xoa bóp ở thành phố Nha Trang trong thời gian 6 tháng. Trước khi đi học nghề xoa bóp, tôi và gia đình rất băn khoăn vì thường thì mọi người đều có cái nhìn không tích cực về nghề này. Tôi cũng rất lo sợ vì tôi là nữ, liệu tôi có gặp vấn đề ngoài ý muốn không khi làm nghề này không? Tuy nhiên, Hội đã cho tôi niềm tin khi tôi biết được rất nhiều phụ nữ mù trong cả nước làm nghề xoa bóp và có cuộc sống tự lập. Hơn nữa, các cô chú thuyết phục tôi rằng khi làm nghề thì nam làm xoa bóp cho nam, nữ làm xoa bóp cho nữ nên tôi đã yên tâm và quyết tâm theo học nghề này. Sau khi học nghề về, tôi được bạn bè giới thiệu đi làm nghề xoa bóp ở tỉnh Bình Dương nhưng do điều kiện sức khỏe và mong muốn được ở gần nhà nên tôi xin vào làm việc tại Cơ sở sản xuất dịch vụ tập trung của Hội Người mù tỉnh Sóc Trăng. Tôi đã được Hội tạo điều kiện cho làm nghề xoa bóp tại Cơ sở và lưu trú tại Hội.

Từ khi làm nghề xoa bóp, sức khỏe của tôi cũng khá hơn, tôi có việc làm ổn định, có thu nhập, có thể tự lo cho cuộc sống của mình, đôi lúc tôi cũng gửi tiền làm quà biếu cha mẹ tôi. Đời sống tinh thần của tôi từ đó cũng được nâng cao khi chính mình tạo ra thu nhập bằng chính sức lao động của mình, bớt đi những mặc cảm bi quan khi không có nghề nghiệp, không có thu nhập, phải phụ thuộc vào người khác. Thêm vào đó tôi cũng rất vui khi tôi giúp cho nhiều người được phục hồi sức khỏe, giảm bớt mệt mỏi, căng thẳng sau khi đến với dịch vụ xoa bóp của người mù.

Trong thời gian sinh hoạt và lao động tại Hội Người mù tỉnh Sóc Trăng, tôi luôn phấn đấu chấp hành tốt các quy định của Hội, tích cực tham gia các phong trào do Hội Người mù tổ chức, đặc biệt là phong trào văn nghệ. Ngoài việc làm nghề xoa bóp, tôi còn được Hội phân công truyền nghề xoa bóp cho 07 chị em phụ nữ mù khác. Khi nhận nhiệm vụ truyền nghề cho các chị em, tôi nghĩ rằng, mặc dù bị khiếm khuyết về mắt nhưng tôi cũng may mắn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ, cưu mang từ chính quyền địa phương, từ Hội Người mù, từ thầy cô, bạn bè và mạnh thường quân gần xa nên tôi đã có nhiều cơ hội học tập, làm việc và có cuộc sống tương đối ổn định như hiện nay. Theo tôi “hạnh phúc” là “nhận được thì phải cho đi được”. Tôi cảm nhận được niềm vui, niềm hạnh phúc khi nhận được sự giúp đỡ từ người khác trong những lúc tôi gặp khó khăn nhất vì vậy tôi rất sẵn lòng chia sẻ, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn tôi. Tôi đã vui vẻ truyền đạt những kiến thức nghề xoa bóp cơ bản nhất mà tôi đã được học cho các chị, để giúp các chị có nghề, có việc làm, có thu nhập. Tôi luôn tự nhủ với bản thân mình phải luôn không ngừng phấn đấu, sống trung thực và có trách nhiệm, có sự sẻ chia để không hối tiếc về sau.

Mặc dù còn nhiều hạn chế nhưng từ sự giúp đỡ của mọi người và những nỗ lực của tôi, tôi đã được Hội Người mù tỉnh Sóc Trăng công nhận danh hiệu Lao động giỏi và được tặng giấy khen vào năm 2013 và 2014.

Tôi luôn có ước mơ là trở thành một giáo viên dạy chữ nổi hoặc dạy nghề cho người khiếm thị để góp phần tạo nhịp cầu cho những người khiếm thị khác tiếp cận tri thức và có nghề nghiệp, việc làm ổn định, có cơ hội hòa nhập với cộng đồng hơn.

Tôi rất mong cơ quan Đảng, chính quyền và Hội Người mù các c p tiếp tục quan tâm, đầu tư về lĩnh vực giáo dục cho người người khiếm thị ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa, tỉnh nghèo như tỉnh Sóc Trăng để người khiếm thị ở những nơi này có nhiều cơ hội tiếp cận tri thức, xây dựng nền tảng vững chắc cho quá trình hoàn thiện bản thân, đóng góp cho xã hội.

Nguyễn Thị Ngọc Bích

(Xã Châu Khánh, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng)

Nguồn: Tạp chí Người bảo trợ

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi