Thứ tư, 15 Tháng 3 2017 10:51

Bước sang tuổi thất thập, ai cũng mong dành nhiều hơn thời gian cho gia đình, vui vầy cùng con cháu, thế nhưng với nhiệt huyết của một nhà giáo và tình thương, trách nhiệm với người khuyết tật, tôi đã quyết định đem hết tâm sức để đồng hành, sẻ chia cùng những mảnh đời bất hạnh. Hơn 10 năm đã trôi qua, tôi thực sự hạnh phúc khi mang lại cơ hội học nghề, làm việc và thắp sáng lên niềm tin yêu cuộc sống cho những người con khuyết tật.

Duyên nghề

Tôi sinh ra trong một gia đình trí thức nghèo, tuy cuộc sống đạm bạc và chẳng mấy dư giả nhưng ba mẹ luôn hướng cho tôi niềm đam mê học tập. Không phụ tình thương yêu, khích lệ của đấng sinh thành, tôi miệt mài với đèn sách để nuôi hy vọng xây đắp một tương lai tươi sáng.

Những nỗ lực trong học tập đã mang đến cho tôi rất nhiều niềm vui qua mỗi năm học. Tất cả những thành quả tôi đạt được là món quà tinh thần vô giá giúp ba mẹ tôi vơi bớt nhọc nhằn, lo toan trong cuộc sống. Niềm vui lại đến trong căn nhà nhỏ đơn sơ của gia đình khi tôi thi đỗ vào một trường sư phạm, đúng như ước mơ của tôi từ khi còn là cô học trò bé xíu. Tôi còn nhớ lắm khi ba mẹ phải dành dụm, chắt bóp từng đồng để lo lắng cho tôi theo đuổi nghề giáo và để đáp đền lại tình thương yêu của ba mẹ, tôi lao vào học, với hy vọng dành được tấm bằng loại ưu.

3Trai tim 1

Sự tận tâm, nhiệt huyết trong công tác giáo dục,

dạy nghề cho người khuyết tật mang đến cho bà Hỏi danh hiệu cao quý Nhà giáo ưu tú

Sau bao cố gắng, tôi đã có được tấm bằng Sư phạm và được nhận vào giảng dạy tại trường Tiểu học Rạch Rứa, sau đó là trường Tiểu học Hooc Môn. 10 năm tận tâm với nghề, cùng những cống hiến cho sự nghiệp trồng người, tôi được điều động về đảm nhận vai trò là hiệu trưởng Trường tiểu học Trung Chánh, hiệu trưởng Trường tiểu học Trung Mỹ Tây 2 và tham gia dạy văn hóa cho bộ đội tại Trường liên cấp 123. Liên tục nhận được sự điều động của Sở Giáo dục đào tạo thành phố qua các vai trò từ giáo viên, hiệu trưởng, tôi tiếp tục được điều về công tác tại Phòng Giáo dục huyện Hooc Môn, sau đó chuyển đến công tác tại Trung tâm dạy nghề quận 12 thành phố Hồ Chí Minh ở cương vị Giám đốc.

15 năm tham gia công tác đào tạo nghề, tôi được nghỉ hưu theo chế độ nhưng với lời đề nghị của Ban lãnh đạo Trung tâm, tôi tiếp tục công tác. Có lẽ với cái duyên của nghề giáo, sau khi Trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật thành phố Hồ Chí Minh được xây dựng, năm 2006, tôi được Hội Bảo trợ người khuyết tật thành phố mời về công tác khi đã bước sang tuổi 60. Hồi đó tôi khá bất ngờ khi nhận được lời đề nghị và cũng rất đắn đo bởi từ trước tôi chỉ tham gia quản lý, giảng dạy cho học viên là các nam thanh nữ tú, chưa từng có chút kinh nghiệm về dạy nghề cho người khuyết tật. Nhưng bằng kinh nghiệm sẵn có và tấm lòng thương yêu, sẻ chia với người khuyết tật, thâm tâm tôi cũng luôn mách bảo đó là duyên nghề nên đã nhận lời tham gia.

Dốc hết tâm sức vì người khuyết tật

Những ngày đầu đến làm việc tại Trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật thành phố, tôi được giao trách nhiệm là Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn. Kinh nghiệm quản lý, dạy nghề sẵn có nhưng kỹ năng hướng nghiệp, đào tạo cho học viên khuyết tật chỉ là con số không. Thoạt đầu nhìn các học viên khuyết tật tôi khá lo lắng vì họ khuyết tật ở nhiều dạng tật nên không biết phải bắt đầu từ đâu.

Sau một thời gian làm quen, tìm hiểu gia cảnh và nhận thấy nghị lực vượt khó của các con đã làm trỗi dậy trong tôi khát khao mang đến một tương lai tươi sáng hơn cho người khuyết tật. Bắt tay vào công việc phụ trách chuyên môn, tôi soạn lại toàn bộ các giáo trình dạy nghề, biên tập các bài giảng cho phù hợp với từng dạng tật với người khuyết tật. Để đảm bảo tính pháp lý và đúng quy định, tôi đã gửi toàn bộ các giáo trình, bài giảng lên Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố thẩm định trước khi đưa vào giảng dạy.

3Trai tim 2

Bà Hỏi trao quà động viên người khuyết tật tại chương trình Kết nối yêu thương

Được sự đồng tình, tạo điều kiện của Sở, các giáo trình do tôi biên soạn đã được Sở ký quyết định cho phép sử dụng trong giảng dạy, đào tạo nghề cho người khuyết tật tại Trung tâm và được cấp chứng chỉ nghề đối với các học viên khuyết tật sau khi thi đạt kết quả.

Sau 5 năm gắn bó với công tác dạy nghề cho người khuyết tật, năm 2011 tôi được cử làm Giám đốc Trung tâm. ở cương vị này tôi càng nhận thấy trọng trách của mình nặng nề hơn. Tôi tìm cách thử nghiệm dạy một vài nghề mới và khi thấy học viên bắt nhịp kịp với nghề, tôi tiến hành mở rộng quy mô đào tạo, cũng như thường xuyên tìm hiểu và thử nghiệm thêm các nghề mới. Và trước khi tiến hành tiếp nhận và đào tạo nghề, tôi đều tổ chức tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học viên. Từ tổ chức dạy một số nghề cơ bản như massage, thêu, móc len, tin học, hoa đất đến nay tôi đã triển khai dạy 12 nghề, trong đó tập trung đào tạo các ngành nghề mới như khởi sự doanh nghiệp, điện dân dụng, may công nghiệp, kim hoàn, sửa chữa điện thoại di động, kim hoàn, may công nghiệp, tranh ghép gỗ... Đa phần các nghề được giảng dạy tại Trung tâm đang được thị trường lao động cần và phù hợp với các dạng tật của học viên. Hầu hết học viên được tiếp nhận đào tạo đều được Trung tâm cho học một nghề chính và một nghề phụ để hỗ trợ, đặc biệt các học viên đều được học nghề và ăn ở miễn phí tại Trung tâm.

3Trai tim 3

Niềm hạnh phúc lớn lao đối với Nhà giáo ưu tú Đinh Thị Hỏi (người đứng bên trái) đó chính là được chứng kiến ngày vui hạnh phúc của đứa con khuyết tật của mình

 

Không chỉ đầu tư đào tạo nghề, tôi thiết nghĩ, các học viên khuyết tật sau khi học nghề rất cần có việc làm và chỗ đứng ổn định, bởi vậy tôi đã bàn với Ban lãnh đạo Trung tâm và các cộng sự nghiên cứu tìm đầu ra, giải quyết việc làm cho học viên sau khóa học.

Để có thêm điều kiện mở rộng Trung tâm, giúp học viên khuyết tật có điều kiện học tập và thực hành, thành Hội thành phố Hồ Chí Minh đã xin được 2 hecta đất nhằm xây dựng cơ sở thực hành, rèn luyện tay nghề cho học viên và hiện Trung tâm đang tiến hành xây dựng.

Những học viên khuyết tật có tay nghề giỏi sau khóa học đều có việc làm ổn định, đối với những em có tay nghề còn yếu kém, Trung tâm sẽ tạo điều kiện cho học thêm và giới thiệu làm cộng tác viên phụ giúp giáo viên trong việc hướng dẫn các học viên mới thực hành.

Với những cống hiến trong công tác dạy nghề cho người khuyết tật, phần thưởng lớn lao tôi nhận được thật ý nghĩa và đặc biệt, đó là sự trưởng thành của các con, là niềm hạnh phúc khi được chứng kiến ngày vui nên duyên vợ chồng của 50 cặp học viên và càng vui hơn khi được các con gọi là mẹ, là bà.  

 

 

Nguồn: Tạp chí Người Bảo trợ

PLG_CONTENT_SHOWTAGS_TITLE Đinh Thị Hỏi , Bạn đọc , khuyết tật

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi