Tôi sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo, bố mẹ tôi quanh năm vất vả với nghề nông nhưng vẫn chẳng đủ ăn. Đời sống khó khăn là vậy nhưng bố mẹ luôn cố gắng chăm lo, nuôi nấng 5 anh em tôi đến tuổi trưởng thành. Giống như các anh em trong gia đình, tôi cũng có một hình hài khoẻ mạnh, lành lặn lúc chào đời nhưng cuộc sống có nhiều điều không như ý muốn.
Hăng say học nghề
Những ngày đầu tôi chập chững biết đi, bố mẹ tôi phát hiện dáng đi của tôi không giống những đứa trẻ khác. Mối lo của bố mẹ tôi lớn dần khi đôi chân của tôi mỗi ngày một yếu. Cứ nghĩ rằng tuổi mỗi ngày mỗi lớn thì đôi chân cũng sẽ khỏe mạnh hơn, thế nhưng khi tôi đang học lớp 8, số phận không may mắn đã cướp đi cơ thể lành lặn của tôi.
Không tránh khỏi những lo lắng, bố mẹ đã đưa tôi đi chạy chữa khắp nơi, từ bệnh viện tỉnh đến trung ương. Dù đã tiêu tốn biết bao tiền bạc nhưng đôi chân của tôi ngày càng trở nặng và không còn tự bước đi trên đôi chân của mình. Theo như bác sĩ kết luận thì cơ thể tôi mắc chứng bệnh teo cơ, cong vẹo cột sống khiến chân tay co quắp. Nỗi buồn lo hiện rõ trên gương mặt của bố mẹ khi tôi không thể đi lại như những người bình khác, mỗi lúc cần di chuyển, thay vì tự đi trên đôi chân thì tôi phải ngồi bệt xuống đất rồi dùng sức của đôi tay để đi lại. Cũng chính căn bệnh đó đã khiến cho cơ thể của tôi phát triển không bình thường, tuy đã 32 tuổi nhưng tôi vẫn mang thân hình của một cậu học trò tuổi 15 và chỉ nặng 35kg.
Hậu hy vọng sẽ mang lại nhiều cơ hội học nghề và làm việc cho người đồng cảnh
Với những người có hoàn cảnh không may, đa số thường rất tự ti, bi quan và tôi cũng không là một ngoại lệ. Những ngày đầu phải đối mặt với di chứng của căn bệnh làm tôi mặc cảm. Hơn 2 năm ròng, tôi chỉ quanh quẩn trong nhà, không muốn tiếp xúc với mọi người. Mỗi lần thấy các bạn ríu rít đến trường, nước mắt tôi lại lăn dài và trách cứ số phận không công bằng với tôi. Trước hoàn cảnh gia đình túng quẫn, tôi càng thương bố mẹ và 4 đứa em nhỏ. Chính điều đó đã bắt tôi phải tự động viên mình mạnh mẽ hơn, nghị lực hơn. Tôi chịu khó uống thuốc điều trị để ngăn lại di chứng của bệnh và giảm bớt những cơn đau hành hạ tôi mỗi ngày. Thay vì di chuyển bằng tay, tôi nỗ lực tập đi trên đôi chân của mình.
Tôi cũng tự chủ động trong sinh hoạt cá nhân để bố mẹ không phải quá vất vả vì tôi. Ngoài thời gian tập luyện, tôi tìm đến những cuốn sách, tập báo và xem ti vi. Qua những bài báo, câu chuyện, những đoạn phóng sự ngắn về các tấm gương vượt khó, tôi nhận thấy còn nhiều lắm những số phận thiệt thòi nhưng họ đã tự tin, lạc quan, nỗ lực vươn lên trở thành người có ích cho gia đình, xã hội. Sau khi biết đi lần thứ 2, tôi đặt mục tiêu phải tìm được việc làm, tự lập cuộc sống và vơi bớt gánh nặng cho bố mẹ.
Quả thật trong cuộc sống luôn có sự công bằng. Tuy tôi không có một thân hình bình thường nhưng bù lại ông trời cho tôi những điều quý giá nhất của cuộc sống. Hồi đó, khi tôi bước sang tuổi 19, gần nhà tôi có một xưởng mộc điêu khắc, những người thợ ấy đến từ Thái Bình, Nam Định cùng rủ nhau thuê xưởng kinh doanh. Biết được điều đó, tôi đã nhờ người quen giúp tôi được theo học nghề tại xưởng. Bao lo lắng trong tôi cũng dần vơi khi tôi được nhận vào học nghề và tôi quyết định sẽ gắn bó với nghề mộc như một cái duyên.
Giúp người đồng cảnh
Ngay từ những buổi đầu làm quen, tôi đã bị cuốn hút và đam mê với nghề mộc. Những bài học về điêu khắc, chạm trổ tỉ mẩn, cầu kỳ không làm tôi thấy lúng túng, nản chí. Mỗi buổi học tôi cố quên nỗi đau thể xác để được thỏa sức học nghề, thoả sức sáng tạo.
3 năm học trôi qua, với sự giúp đỡ nhiệt tình của thầy và các anh em trong tổ thợ, tôi đã hoàn thành việc học. May mắn tôi được chủ xưởng mộc nhận vào làm thuê và rồi những sản phẩm đầu tay của tôi đã được khách hàng đón nhận. Cuối cùng tôi cũng kiếm được những đồng tiền đầu tiên khiến tôi không kìm nén được những giọt nước mắt hạnh phúc, đó cũng là nguồn cổ vũ để tôi cố gắng nâng cao tay nghề.
Chủ xưởng mộc khuyết tật Hữu Hậu tận tình hướng dẫn cách làm nghề cho học viên
Được sự động viên, hỗ trợ của gia đình, năm 2009, tôi quyết định mở xưởng mộc tại nhà. Tuy quy mô nhỏ nhưng những sản phẩm do xưởng mộc của tôi làm ra được thị trường ưa chuộng, dần dần lượng khách đến đặt hàng ngày càng đông hơn. Trung bình mỗi tháng, tôi có nguồn thu nhập khoảng 40 triệu đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 6 lao động, đem lại thu nhập ổn định từ 3 - 5 triệu đồng/người/tháng. Điều đặc biệt, mọi sản phẩm trong xưởng đều được tôi tự thiết kế, vẽ hoa văn và dùng đôi tay khuyết tật thoăn thoắt đục, bào trên những tấm gỗ tạo nên những sản phẩm tinh xảo.
Bên cạnh niềm vui có một công việc ổn định, xưởng mộc của tôi dần có uy tín, thu hút lượng khách hàng lớn ở khắp thành phố và các tỉnh thành lân cận, tôi lại có thêm niềm hạnh phúc khi quen và xây dựng tổ ấm gia đình cùng một người con gái có trái tim đồng cảm, biết yêu thương và sẻ chia.
Sau những tháng ngày vượt qua bão giông cuộc đời, tôi đã có một gia đình hạnh phúc và hai đứa con kháu khỉnh, khoẻ mạnh. Công việc làm ăn của tôi cũng ngày càng phát triển, từ năm 2010, xưởng mộc Hiệp Hậu của tôi mở rộng xưởng sản xuất và tiếp nhận dạy nghề miễn phí cho 20 học viên khuyết tật, mồ côi. Cũng là người đồng cảnh nên tôi thấu hiểu sự thiệt thòi, tâm trạng của các học viên, bởi thế tôi luôn cố gắng chỉ bảo tận tình, động viên các em chuyên tâm học nghề để sớm tự lập cuộc sống và trở thành người có ích cho gia đình, xã hội.
Tôi thực sự vui mừng khi có tới 5 học viên có tay nghề cao đã tự tin mở xưởng sản xuất mộc mỹ nghệ, có thu nhập ổn định và trở thành trụ cột kinh tế trong gia đình.
Để sẻ chia, giúp đỡ động viên người đồng cảnh, tôi đã quyết định tập hợp các bạn khuyết tật tại địa phương, các huyện thị và các tỉnh lân cận để thành lập Câu lạc bộ khuyết tật Khát vọng sống. Sau một thời gian Câu lạc bộ hoạt động, nhiều hội viên đã được hỗ trợ khó khăn, tạo điều kiện học nghề, được tham gia giao lưu văn nghệ và cùng tổ chức các hoạt động cộng đồng…
Tôi cũng tìm cách để Câu lạc bộ có nhiều hoạt động ý nghĩa hơn khi phối hợp với các đơn vị, mạnh thường quân tổ chức thành công chương trình giao lưu văn nghệ tặng quà từ thiện cho người khuyết tật mang tên Trái tim đồng cảm, với tổng số tiền lên tới gần 50 triệu đồng. Trong vai trò là trưởng nhóm Khát vọng cuộc sống, tôi đã giới thiệu việc làm cho một số hội viên khuyết tật, giúp họ có công việc và thu nhập ổn định. Tôi mong lắm với sự chung tay giúp sức của cộng đồng, các cơ quan doanh nghiệp, chính quyền địa phương tạo điều kiện, tôi sẽ sớm thành lập Trung tâm đào tạo, tư vấn hỗ trợ việc làm cho người khuyết tật tại địa phương để có nhiều hơn người đồng cảnh được học và làm nghề như bao người khác.
Nguồn: Tạp chí Người Bảo trợ