Vẽ ước mơ từ bàn tay... một ngón
Là một học sinh khuyết tật vận động nặng nhưng em Hoàng Đức Sơn, lớp 10A10, Trường THPT Vĩnh Linh đã du ngoạn khắp nơi...Tương lai mờ mịt của hai đứa trẻ ở Huế khi bố đột quỵ, mẹ ung thư
Bố bị đột quỵ, mẹ mắc ung thư, tương lai hai đứa trẻ ở huyện Phú Vang (Thừa Thiên Huế) trở nên mờ mịt hơn bao giờ...
Ông Nhẫn (bên phải) cùng một người điên được ông mang về
Người đàn ông đó là ông Phạm Văn Nhẫn (SN 1963, trú tại thôn Chi Ngôn, xã Thanh Liêm, Thanh Hải, Hà Nam). Ngôi nhà nhỏ nằm ngay sát đường quốc lộ đã từ lâu trở thành nơi nương náu của những người “thần kinh có vấn đề” do ông Nhẫn đi khắp nơi tha lôi, tìm kiếm về chăm sóc.
Chúng tôi tìm đến ngôi nhà ấy, tiếp đón chúng tôi là một người đàn ông cao to lực lưỡng, khuôn mặt phúc hậu, ánh mắt cương nghị, giọng nói sang sảng, chủ nhân của ngôi nhà - người mà người dân ở đây vẫn gọi là Nhẫn “gàn”. Trong căn nhà nhỏ ấy, hiện đang có 3 người mắc vấn đề về thần kinh được ông Nhẫn chăm nuôi, và vẫn chưa tìm được địa chỉ quê nhà.
Nhìn những người “gàn dở” nói nói cười cười, ngô ngô ngọng ngọng, tôi trộm nghĩ không hiểu tại sao ông lại có “sở thích” chăm sóc những người này.
Hỏi ông, thì ông bảo nguồn cơn của cái việc ấy cũng chính là từ câu chuyện về đứa con nuôi của vợ chồng ông. Ông kể: “Tháng 5/1984, hai vợ chồng tôi trong lúc đang phơi rơm ngoài đường, thì thấy một đứa trẻ con khoảng 5 tuổi khóc vì bị lạc.
Tôi bàn với vợ mang cháu về, tắm rửa, cho ăn uống. Lân la hỏi cháu quê quán, địa chỉ, tôi mới biết cháu tên là Nam, ở xã Thanh Tân, chúng tôi đã đưa cháu về trả lại cho gia đình.
Sau này, cháu được tôi nhận làm con nuôi, hiện tại đã cháu đã có gia đình với hai đứa con kháu khỉnh. Chính từ lúc đấy đi đâu thấy ai bị lạc đường cơ nhỡ, hoặc có vấn đề về thần kinh, tôi đều đích thân đem về nhà nuôi cho ăn, cho mặc rồi tìm mọi cách hỏi địa chỉ nhà và trao trả tới tận tay gia đình”.
Vợ của ông là bà Đào Thị Lam (1960), cũng hết sức phụ giúp chồng trong việc làm phúc cứu người, thường xuyên chăm sóc, nấu nướng, và ân cần chỉ bảo cho những người điên làm những việc nhỏ trong nhà.
Khi hỏi tại sao bà không phản đối chồng mình làm những việc mà nhiều người cho là điên rồ ấy, bà Lam cười bảo: “Hồi đầu sau khi trả đứa cháu về với gia đình, ông ấy còn nhặt thêm ba người điên điên, dở dở nữa về nhà.
Tự dưng thấy chồng làm vậy, tôi giận lắm, can ngăn kiểu gì cũng không được. Hàng xóm láng giềng thì hết lời bàn tán xì xào. Nhưng biết tính ông ấy rất nóng, lại muốn gì là làm cho bằng được nên cuối cùng tôi cũng xuôi. Chi bằng cứ giúp chồng làm việc thiện, tích đức cho con cháu sau này”.
Lao động “cật lực” nuôi người điên
Kể về những khó khăn, vất vả khi nhận chăm sóc cho những người điên, ông Nhẫn chia sẻ: “Hồi mới nhận người như vậy về, để tìm được quê quán của họ khó khăn lắm.
Vì đầu óc, thần kinh họ có vấn đề, hỏi thì không biết, trả lời thì lúc đúng lúc sai, chả mấy người lại nhớ đúng địa chỉ nhà của mình. Vì thế phải gặng hỏi rất nhiều lần, rồi chắp nối lại thì mới tìm được địa chỉ, rồi lại phải tìm ra số điện thoại để gọi kiểm tra lại.
Mà hồi đó, nhà tôi còn không có điện thoại, tôi phải chạy ra trạm xăng dầu hoặc mấy nhà dân có lắp điện thoại bàn, gọi tới tổng đài 1080 để dò hỏi số điện thoại của UBND địa phương nơi ấy, rồi gọi tới xác minh thông tin, liên lạc với người thân trong gia đình đến đón về”.
Để nuôi nhiều miệng ăn trong gia đình, với một người công việc không ổn định như ông Nhẫn, là một điều rất khó khăn. Gia đình ông hiện tại chỉ vợ chồng ông và người con trai út sinh năm 1989, nhưng lại phải thêm 4 miệng ăn của 4 người gàn dở đang tá túc, tất cả có 7 miệng ăn.
Ngoài việc làm 8 sào ruộng, hai bố con ông Nhẫn còn làm quản lý, bảo vệ cho bãi đỗ xe khách du lịch cách nhà không xa. Bà Lam sáng sáng đi rửa bát thuê cho một nhà hàng ngay gần nhà.
Tất cả đều phải lao động để kiếm sống cho cả nhà và cho cả… những người điên. Những người điên được ông Nhẫn, bà Lam chăm sóc tận tình, nên ai cũng xem như đây là tổ ấm, là mái nhà thứ hai của mình.
Căn nhà chật hẹp là chỗ chen chúc cho cả nhà và những người điên. Có thời điểm đông quá phải trải chiếu xuống đất mà ngủ. Nuôi người như thế nhiều lúc cũng phiền toái, có những người rất hiền lành, nhưng có những người thì chẳng còn biết gì nữa, lắm lúc chửi bới khắp cả, ai cũng chửi, chửi tất cả vợ chồng con cái ông, thậm chí có khi họ còn đánh tất cả những người đến gần.
Nhưng ông bà chẳng chấp “vì họ bị điên mà”, lời ông Nhẫn. Những người được ông Nhẫn cưu mang đến từ rất nhiều tỉnh thành khác nhau như Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Bắc Giang, Yên Bái…
Tất cả họ có vấn đề về thần kinh, rồi bị lạc hoặc bỏ nhà ra đi. Cứu được người nào, ông đều báo với Công an xã để làm giấy tờ xác minh. Nếu có người nhà đến nhận, đều phải kí tên, và có dấu đỏ rõ ràng của công an.
Cũng chính nhờ sự chính xác, rõ ràng, tỉ mỉ ấy, năm 2014, ông Nhẫn đã giúp cho cơ quan công an bắt được một đối tượng truy nã trong TPHCM.
Ông vẫn nhớ như in lần ấy, khi ông tình cờ gặp một người thanh niên dặt dẹo đi lang thang ngoài đường quốc lộ, đoạn qua ngay gần nhà, ông Nhẫn đã thuyết phục người này về tắm rửa, rồi cho ăn uống.
Dò hỏi thì mới biết người này quê Đắc Lắc. Lập tức, ông lên Công an xã Thanh Hải xác minh, rồi gọi điện đến công an tỉnh Đắc Lắc để liên lạc với người thân.
Không ngờ, người thanh niên mà ông vừa cưu mang lại là một đối tượng đang bị truy nã. Vì việc này mà ông được công an tỉnh Hà Nam trao tặng Bằng khen.
Cứu con người, mất con mình
Điều đau đớn nhất trong cuộc đời ông, đó là việc con ông bị tai nạn giao thông. Năm 2005, một người điên được ông cưu mang đã tìm thấy gia đình, được người nhà đến đón.
Trong khi ăn cơm cùng gia đình ông Nhẫn, người nhà ấy bảo đứa con ông Nhẫn đi mua bia cùng với con mình. Chẳng may trên đường đi bị tai nạn, đứa con trai đầu lòng của ông Nhẫn không qua khỏi, còn đứa con mà ông mang về chăm sóc thì may mắn chỉ bị xây xát nhẹ.
Con mất, nỗi đau đớn của một người cha còn day dứt mãi trong lòng ông. Ông ngậm ngùi, buồn rầu nói: “Nhiều lúc tôi cứ nghĩ con tôi mất là tại tôi. Nếu như tôi không mang người điên về chăm sóc, thì biết đâu con tôi đã không phải ra đi như vậy. Đúng là làm phúc phải tội, cứu con người thì mất con mình”.
Nghĩ thì nghĩ vậy thôi, chứ cái công việc cứu người hâm dở này, ông vẫn không bỏ được. Tôi hỏi ông định làm đến bao giờ, ông bảo: “Cứ làm cho đến khi không còn sức, ai nói gì mình mặc kệ, sống cho mình chứ đâu phải sống để đẹp lòng thiên hạ, mình làm tích đức cho con cháu sau này, vậy là được rồi”.
Từ đợt Tết Ất Mùi cho đến nay, ông Nhẫn đã đưa được 4 người điên tìm về với gia đình, trong đó có một người ở Hải Phòng, một người ở Hà Tĩnh và hai trường hợp khác ở Thanh Hóa.
Hiện tại căn nhà nhỏ của ông đang nuôi 3 người gàn dở, người lớn tuổi nhất là ông Trần Văn Cường (54 tuổi) đã ở được với gia đình ông Nhẫn 6 năm, người ít tuổi nhất là 17 tuổi.
Hai trường hợp này ông đều tìm thấy gia đình nhưng vì nhiều lí do, nên chưa có điều kiện để đón về. Còn đối với trường hợp em Nguyễn Văn Oánh ( 19 tuổi), hiện tại ông Nhẫn vẫn chưa tìm thấy gia đình cho em.
Oánh được ông Nhẫn cưu mang vào ngày 24/2/2015, khi thấy em đang đi xe đạp lang thang, lếch thếch ngoài đường quốc lộ. Sau khi tắm rửa, cơm nước xong xuôi, hỏi quê quán địa chỉ thì em bảo không nhớ, chỉ nhớ tên mình là Nguyễn Văn Oánh
Nhưng không nhớ được cả địa chỉ nhà, chỉ nhớ tên bố mẹ, chị gái mà thôi. Lúc mới nhận Oánh về, người em gầy còm, chân tay chỉ có da bọc xương.
Em rất ngoan, nói gì nghe nấy và không cãi lại như nhiều người khác. Ông Nhẫn thương Oánh lắm, lúc nào ông cũng canh cánh chỉ mong tìm lại được gia đình cho Oánh.
Cũng ở địa vị của một người cha mất con, ông hiểu hơn ai hết, nỗi đau khổ, lo lắng của bố mẹ khi không biết con cái mình ở đâu làm gì, còn sống hay là đã chết.
Hàng ngày, ông liên lạc hết chỗ này chỗ nọ. Mất bao nhiêu công sức mà vẫn chưa tìm thấy tin tức gì về gia đình em Oánh, nhưng ông Nhẫn chưa bao giờ ngừng hy vọng.
Nói về việc làm của ông Nguyễn Văn Nhẫn, trưởng công an xã Thanh Hải, ông Nguyễn Văn Tập, cho biết: “Việc làm của ông Nhẫn rất đáng trân trọng. Ông là tấm gương sáng cho cộng đồng người tốt việc tốt trong xã.
Hiện tại, chúng tôi cũng rất mong muốn những người có tấm lòng hảo tâm, cùng nhau giúp sức tạo điều kiện cho ông Nhẫn có một gian nhà rộng rãi hơn, để ông có thể cưu mang được nhiều hơn những người thiệt thòi, mong họ tìm được gia đình”.
Tin cùng chủ đề
Tin mới
- Người thợ sửa khóa 20 năm dẫn học sinh qua đường - 15/04/2015 03:30
- Giúp người khuyết tật kiếm tiền - 13/04/2015 06:28
- Lớp học của thầy giáo viết chữ bằng miệng - 13/04/2015 05:15
- Nữ điều dưỡng 20 năm gắn bó với bệnh nhân tâm thần - 13/04/2015 02:44
- Vượt lên số phận bằng tấm lòng thiện tâm - 13/04/2015 01:56
Các tin khác
- Cô gái khuyết tật viết ‘chuyện cổ tích’ giữa đời thường - 09/04/2015 01:28
- ‘Cộng đồng dưa hấu’ chia sẻ với người nghèo - 09/04/2015 01:14
- 'Thiên thần 1 chân' đi gieo những nụ cười - 07/04/2015 04:04
- Nghị lực của cô học trò mắc căn bệnh lạ - 07/04/2015 03:41
- Bà cụ 70 tuổi giúp hàng trăm cuộc đời đau khổ - 07/04/2015 02:58