Thứ tư, 15 Tháng 4 2015 10:30

Ngoài công việc sửa khóa mưu sinh, suốt hơn 20 năm qua, ông Thịnh ở Duy Xuyên (Quảng Nam) đã tình nguyện dẫn học sinh qua đường. Nhiều người cho rằng ông bị "gàn dở" nhưng ông nhất quyết làm đến khi nào đôi chân không bước nổi mới thôi.


9h30 sáng, tại ngã ba đường Hùng Vương với quốc lộ 1A qua thị trấn Nam Phước (Duy Xuyên), từng nhóm học sinh đi học về như ong vỡ tổ. Từ trên vỉa hè, người đàn ông tuổi ngoài tứ tuần, dáng to khỏe, da ngăm đen, tay cầm tấm bảng, thổi còi liên hồi dẫn các em qua đường an toàn rồi trở về tiệm sửa khóa tiếp tục làm việc. Ông là Lê Văn Thịnh (42 tuổi), trú khối phố Long Xuyên, thị trấn Nam Phước.

 

qua duong 01
.Mỗi ngày, ông Thịnh dắt hàng trăm lượt nhóm học sinh qua đường. Ảnh: Nguyễn Dương.


Trường Tiểu học số 3 Nam Phước và trường THCS Chu Văn An nằm ngay trung tâm thị trấn Nam Phước, cách quốc lộ 1A hơn một km. Hằng ngày, học sinh phải băng qua đường để đến trường. Trước đây, nhiều em do không quan sát kỹ trước khi qua đường nên chuyện bị tai nạn xảy ra thường xuyên.

 

Chuyển tới đây làm việc từ năm 20 tuổi, ông Thịnh ngày đêm trăn trở khi chứng kiến nhiều vụ tai nạn thương tâm. Cuối cùng ông quyết định vừa sửa khóa, vừa kiêm luôn việc dẫn trẻ nhỏ qua đường. Những ngày đầu, ai nhìn thấy cũng cười, có người còn nói ông Thịnh bị "gàn dở" vì "ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng". Còn ông chỉ cười trừ, lặng lẽ tiếp tục làm việc của mình.

 

"Ngày nào cũng thấy các cháu đi học về qua đường khó khăn, tôi thấy thương quá thì giúp thôi. Việc nhẹ nhàng, chứ không có chi to tát cả", ông Thịnh chia sẻ. Cũng từ ngày đó, tiệm sửa khóa nhỏ của ông Thịnh trên vỉa hè là điểm tập trung của học sinh sau giờ tan trường, chờ được dẫn qua đường. Ngoài các cháu nhỏ, thấy cụ già, người khuyết tật đứng lóng ngóng bên đường trước dòng xe cộ đang chạy, ông Thịnh đều tận tình giúp đỡ.

 

Năm 2006, thấy việc làm ý nghĩa của ông Thịnh, công an thị trấn Nam Phước cấp cho ông hai tấm biển ghi dòng chữ "Chú ý! nhường đường cho trẻ em và người già" để hỗ trợ ông trong công việc. Một tấm dùng ban ngày, tấm biển ban đêm có gắn thêm đèn Led. Có biển báo, ông Thịnh bỏ tiền túi mua thêm chiếc còi. Nhờ đó, việc dẫn trẻ qua đường của ông "chuyên nghiệp" và thuận lợi hơn.

 

Buổi sáng từ 9h30, buổi chiều từ 16h40 là giờ "cao điểm" của ông Thịnh khi hàng trăm học sinh tan trường. Vào giờ đó, nếu có khách hàng mời tới nhà sửa khóa với giá cao, ông đều một mực từ chối. "Tôi phải trực ở đây cho đến hết giờ các cháu đi học về, không thể để các cháu liều mạng qua đường, nguy hiểm lắm", ông Thịnh phân trần.

 

qua duong 02
Nhờ có ông Thịnh, các học sinh đi học về an toàn hơn. Ảnh: Nguyễn Dương.


Có nhiều hôm bận việc nhà, ông Thịnh vẫn đến nhờ nhân viên kiểm dịch xe buýt ở trạm đối diện dẫn các cháu nhỏ qua đường. Lũ trẻ lại ngơ ngác hỏi: "Chú Thịnh đi mô rồi?". Có học sinh còn không chịu để người khác dẫn đi vì "chỉ tin chú Thịnh".

 

Nhiều vị khách ban đầu đến sửa khóa phải đợi lâu nên bực bội, buông lời khiếm nhã do thấy ông Thịnh không lo làm, cứ đi ra đi vào làm cái việc không ai nhờ vả. "Có khách đợi lâu quá còn giận bỏ đi. Nhưng ai hiểu được thì hiểu. Mỗi lần giúp được các cháu nhỏ, người già qua đường an toàn là tôi rất hạnh phúc", ông Thịnh tâm sự.

 

Biết chồng làm việc không công, ảnh hưởng tới thời gian mưu sinh, nhưng vợ ông không phản đối. "Tôi làm việc giúp người, chứ có ăn cắp, ăn trộm thất đức gì đâu mà vợ chồng phải cãi nhau", ông Thịnh tếu táo.

 

Anh Phan Phước Thành (25 tuổi), người được ông Thịnh dẫn qua đường từ năm 1 đến lớp 8, cho hay: "Ngày trước chúng tôi đi học toàn đi bộ, ít đi xe đạp như các em bây giờ. Nhưng đường lại gồ ghề, nhiều ổ voi, ổ gà, xe tải, xe khách thì cứ lao vun vút. Mỗi lần chúng tôi qua đường là một chuyện lớn. May có chú Thịnh dìu dắt nên các thế hệ học trò mới yên tâm sau mỗi giờ tan trường".

 

qua duong 03
Ông Thịnh khẳng khái nói rằng sẽ tiếp tục công việc dắt trẻ qua đường đến khi đôi chân không còn bước nổi. Ảnh: Nguyễn Dương.


Ông Lê Trung Tài, Phó đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông (Công an thị trấn Nam Phước), cho biết: "Việc làm tốt đẹp của ông Thịnh hơn 20 năm qua, người dân Nam Phước ai cũng biết. Chúng tôi rất cảm kích trước việc làm đó, nhờ có ông số vụ tai nạn giao thông giảm hẳn. Mỗi dịp cuối năm, hay dịp lễ, chúng tôi đều kiến nghị cấp trên khen thưởng ông Thịnh để động viên tinh thần".

 

Năm 2012, ông Thịnh vinh dự được chương trình "Total Hiệp sĩ giao thông" trao tặng bằng khen vì những đóng góp tích cực giúp giảm thiểu tai nạn giao thông. "Tôi sẽ làm việc này đến khi nào ngã ba Nam Phước này có đường giao thông hiện đại như cầu vượt dành riêng cho người đi bộ giúp các cháu, các cụ già qua đường an toàn. Còn nếu chưa có, tôi sẽ tiếp tục làm cho đến khi nào chân không bước được nữa mới thôi", ông Thịnh khẳng khái nói.

 

Theo VnExpress

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi