Vẽ ước mơ từ bàn tay... một ngón
Là một học sinh khuyết tật vận động nặng nhưng em Hoàng Đức Sơn, lớp 10A10, Trường THPT Vĩnh Linh đã du ngoạn khắp nơi...Tương lai mờ mịt của hai đứa trẻ ở Huế khi bố đột quỵ, mẹ ung thư
Bố bị đột quỵ, mẹ mắc ung thư, tương lai hai đứa trẻ ở huyện Phú Vang (Thừa Thiên Huế) trở nên mờ mịt hơn bao giờ...Bị ung thư xương từ năm học lớp 10, phải chống chọi với bệnh tật nhưng Chử Đức Liêm vẫn thi đỗ vào lớp chất lượng cao khoa Sử, trường Đại học KHXH&NV Hà Nội và dành thời gian tiếp sức cho bệnh nhi bị ung thư.
Ước mơ bị bỏ dở
Đầu trọc do truyền hóa chất, chân trái bị cắt đến tận đùi còn cánh tay cắm đầy dây truyền khiến Chử Đức Liêm (20 tuổi, Tứ Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội) trông thật khổ sở. Ngồi trên giường bệnh, cậu sinh viên năm hai có khuôn mặt hiền lành và nụ cười dễ mến khiến người đối diện vừa cảm phục vừa xót xa.
Bệnh tật hiểm nghèo khiến mọi việc quanh Liêm trở nên khó khăn, kể cả những việc đơn giản nhất. Liêm không thể tự đi lại nên mọi sinh hoạt đều diễn ra tại chỗ. Thời gian này Liêm bắt buộc trải qua 7 đợt điều trị, mỗi đợt kéo dài 7 ngày với chi phí khoảng 4 triệu đồng. Trong đó, 2 ngày điều trị bằng hóa chất, 5 ngày truyền dịch.
Từ năm lớp 10, Đức Liêm đã biết tin mình bị ung thư xương.
Tuy nhiên, chỉ cách đây vài tháng, Liêm vẫn còn là cậu sinh viên với cặp kính cận trí thức, mái tóc để cua, toát lên vẻ "mọt sách" đúng chất của dân Sử. Liêm cho biết, căn bệnh hiểm nghèo đeo đuổi ngay khi Liêm học lớp 10.
Năm 2008, chân Liêm có mụn lạ và thấy đau. Bệnh viện Bạch Mai chẩn đoán cậu bạn bị ung thư xương nên chuyển sang bệnh viện K2 (Tam Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội) điều trị. Để tránh mầm bệnh lây lan, Liêm phải cắt bỏ chân trái đến ngang đùi. Đợt điều trị ấy Liêm mất 7 tháng không thể đến trường.
Sau lần phẫu thuật cắt xương, Liêm quyết tâm vào đội tuyển học sinh giỏi Sử của trường và đoạt giải Nhì cấp thành phố Hà Nội năm 2010. Sau đó cậu bạn thi đỗ vào khoa Lịch sử, ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia Hà Nội) năm 2011. Đầu năm nay, Liêm bị ho ra máu kéo dài, bác sĩ chắc chắn bệnh ung thư xương đã lan sang phổi.
Đức Liêm đã phải cắt 1 chân
Khuôn mặt gầy rộc vì thức đêm, nước da ngăm đen, cô Mai (mẹ Liêm, 54 tuổi) chỉ biết khóc khi nhắc tới con trai. Hằng đêm, đợi con truyền hóa chất xong, 2-3h sáng người mẹ mới dám đi ngủ. Để tiết kiệm chi phí, cô nép mình nằm một góc nhỏ cạnh con. Do không chịu được hóa chất nên Liêm thường xuyên nôn mửa. Có hôm, 2h30 sáng, vừa truyền dịch xong, cậu lại bị nôn.
Suốt 4 năm, Liêm làm bạn với giường bệnh, hiện tại cứ 15 ngày Liêm phải xạ trị một lần. Điều làm chúng tôi ngạc nhiên ở Liêm là cậu không bi quan, hay than thở mà ngược lại luôn nở nụ cười lạc quan.
Cô Mai cho biết, vợ chồng cô trước là công nhân xây dựng, năm 2005 nghỉ hưu. Liêm bị bệnh, chú Nghị (bố Liêm, 57 tuổi) xin làm bảo vệ ở 1 công trình xây dựng, còn mẹ quẩy gánh đi bán cháo vỉa hè. Khi bệnh tình con trai nặng hơn, cô Mai không thể đi bán hàng như trước nữa nên gánh nặng cơm áo gạo tiền đổ cả lên vai bố Liêm. Tiền lương công nhân ít ỏi của anh trai và lương hưu của bố mẹ Liêm không đủ mua thuốc điều trị cho Liêm, nay lại thêm bố mắc bệnh xơ gan nữa.
Ý thức được gia cảnh khó khăn, Liêm không chịu ăn thịt, cá, chỉ ăn chay và yêu cầu làm thức ăn theo ý mình. "Mình không mua đồ ăn bên ngoài vì đắt đỏ lắm. May là có dì nấu cơm mang vào cho hai mẹ con nên chuyện cơm nước cũng đỡ một phần", Liêm mỉm cười giải thích.
Liêm tâm sự, muốn khỏi bệnh thật nhanh nhưng cũng lo gia đình vất vả quá sức. "Mẹ luôn động viên nhưng đôi lần, mình bắt gặp mẹ khóc. Mình không muốn mẹ ngày đêm vật vờ bên giường bệnh. Mình mong bố khỏi bệnh nhanh nhưng làm sao để có nhiều tiền chi trả cho những lần điều trị?", Liêm nghẹn ngào.
Để quên bệnh tật, hàng ngày, Liêm chăm đọc sách và nghe nhạc. Sách giúp thanh lọc tâm hồn và làm Liêm cảm thấy yêu đời hơn hẳn. Những cuốn sách ấy được bạn bè gửi đến như lời động viên an ủi. Không chỉ thầy cô, bạn bè lớp đại học, thầy chủ nhiệm và các bạn cấp 3 của Liêm cũng tới thăm.
Gieo nụ cười
Liêm luôn ấp ủ lời mẹ dạy: "Ta sống trong thời gian bao lâu không quan trọng. Quan trọng là trong quãng đời mình làm được gì để cuộc sống có thêm ý nghĩa". Chính lời dạy ấy thôi thúc Liêm làm việc thiện nguyện.
Liêm tâm sự: "Lần đầu tiên biết về tấm gương Lê Thanh Thúy bị ung thư xương, nhưng vẫn lạc quan giúp đỡ nhiều em nhỏ bị bệnh khác, mình đã tìm đọc cuốn sách Xin hãy cho con thêm thời gian và cảm thấy cần phải hành động, phải làm việc có giá trị để cuộc sống này thêm ý nghĩa".
Tiếp xúc nhiều với bệnh nhi bị ung thư ở Bệnh viện K Tân Triều, Liêm có sự đồng cảm đặc biệt. Liêm nảy ra ý định thành lập CLB Nụ cười nhằm tổ chức các chương trình gieo niềm vui, nụ cười, tiếp thêm nghị lực cho những em nhỏ nơi đây.
Ý tưởng đưa ra được nhiều người thân, bạn bè, thầy cô và các nhà hảo tâm ủng hộ. Liêm bắt tay vào thành lập CLB với 30 thành viên và nhiều cộng tác viên, liên tục tổ chức các chương trình ý nghĩa. Đến nay Liêm và các bạn đã tổ chức được 9 chương trình trong chuỗi chương trình Sáng mãi nụ cười em.
MC Thái Dũng đã tặng món quà cho Đức Liêm.
Mỗi tháng CLB tổ chức vui chơi, xem phim, tặng quà, chơi trò trí tuệ... Có những chương trình để lại dấu ấn đậm nét như chương trình hướng về năm học mới, mang không khí năm học mới đến bệnh viện. Hầu hết các em khi điều trị tại bệnh viện đều bỏ dang dở việc học, mỗi dịp tựu trường, các em đều nhớ trường, nhớ lớp, nhớ thầy cô, bạn bè. Các thành viên trong CLB Nụ cười đã giúp các em vơi đi nỗi nhớ, có niềm vui tựu trường thực sự.
Đối với Liêm, cậu chỉ có một mong ước đó là sức khỏe ổn định để trở lại giảng đường, duy trì hoạt động và phát triển CLB Nụ cười. Hy vọng nghị lực và tấm lòng của Liêm sẽ giúp Liêm chiến thắng bệnh tật, gieo tiếp những nụ cười.
Biết được câu chuyện của Liêm qua các phương tiện thông tin đại chúng, cảm thông trước hoàn cảnh và nghị lực của Liêm, MC Thái Dũng đã đăng ký tham gia chương trình Vì bạn xứng đáng. Trải qua 5 vòng thi Thái Dũng đã mang về được số tiền thường trị giá là 42.750.000 đồng dành tặng cho Liêm, hỗ trợ Liêm trong quá trình chữa trị bệnh.
Theo Tiin.vn
Tin cùng chủ đề
Tin mới
- Nữ điều dưỡng 20 năm gắn bó với bệnh nhân tâm thần - 13/04/2015 02:44
- Vượt lên số phận bằng tấm lòng thiện tâm - 13/04/2015 01:56
- Dành nửa cuộc đời đi “nhặt” người điên về nuôi - 10/04/2015 09:19
- Cô gái khuyết tật viết ‘chuyện cổ tích’ giữa đời thường - 09/04/2015 01:28
- ‘Cộng đồng dưa hấu’ chia sẻ với người nghèo - 09/04/2015 01:14