Thứ sáu, 04 Tháng 11 2016 10:41

Đề án Trợ giúp NKT giai đoạn 2012 - 2020 đã đi được nửa chặng đường. Trong các nỗ lực thực hiện Đề án, công tác dạy nghề, tạo việc làm cho NKT được tích cực triển khai với những kết quả tương đối khả quan. Tham gia vào hoạt động này, không chỉ có sự góp sức của Nhà nước, Sở LĐ-TB&XH các địa phương, các tổ chức CT-XH, tổ chức xã hội, các trường, các Trung tâm dạy nghề,… mà còn có sự tham gia của NKT. Bằng nghị lực và ý chí của mình, họ đã vượt lên hoàn cảnh, chiến thắng nỗi mặc cảm, tự ti của bản thân, trở thành các chủ doanh nghiệp thành đạt, từ đó quay lại dạy nghề, tạo việc làm cho những người đồng cảnh khác.

NKT tự tạo việc làm - ý thức trách nhiệm với cộng đồng

Mục tiêu của Đề án 1019 đến năm 2020, có 550.000 NKT trong độ tuổi lao động còn khả năng lao động được học nghề và tạo việc làm phù hợp. Thực hiện chỉ tiêu này của Đề án, các tỉnh, thành phố trong cả nước, các tổ chức CT-XH, tổ chức xã hội đã tích cực tổ chức nhiều lớp dạy nghề, tạo việc làm cho NKT. Dù vậy, trước nhu cầu được học nghề và tìm kiếm việc làm của NKT ngày càng tăng cao, chỉ riêng các khóa học được tổ chức bởi các cơ quan Nhà nước, các tổ chức xã hội thì không thể đáp ứng đủ. Với ý thức trách nhiệm và khao khát vươn tới một cuộc sống tự lập, tự tin và hòa nhập, bằng tâm huyết, khả năng của mình, nhiều NKT đã nỗ lực học nghề, tự tạo việc làm và còn tổ chức dạy nghề, sắp xếp việc làm cho người đồng cảnh.

De an NKT tu tao viec lam anh 1

Vườn tre của ông Trần Đình Văn ở Tuyên Quang

Mỗi ngày trồng một gốc tre trên mảnh nương của gia đình, ngoài bờ suối gần nhà để tránh lở đất mỗi khi có nước lũ có thể là một việc rất đỗi bình thường với những người có sức khỏe, nhưng với anh Trần Đình Văn ở xã Yên Nguyên, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang lại là một nỗ lực rất lớn. Do một tai nạn lúc nhỏ nên mỗi bước đi của anh là một sự khó nhọc, đau đớn. Dù vậy, với ý nghĩ “Mình cũng có thể làm được nhiều việc khác nếu như có quyết tâm, cái gì mình cố gắng hết sức sẽ cho kết quả tốt”, anh đã nỗ lực trong nhiều ngày, nhiều tháng, thậm chí là nhiều năm để cho đến ngày nay anh đã thu được thành quả với trên 1.000 gốc tre phát triển xanh tốt với nhiều loại tre khác nhau. Mỗi năm, từ việc bán tỉa những cây tre trưởng thành vườn tre giúp anh thu nhập hàng chục triệu đồng.

Anh còn tập cày bừa, canh tác, trồng hoa màu và đặc biệt là trồng được hơn 4 ha rừng phòng hộ trên những dải nương có độ dốc cao, đến nay đã bắt đầu cho thu hoạch. Từ sự nỗ lực, vượt khó và ý thức trách nhiệm với bản thân, cộng đồng, anh Văn được bà con thôn xóm tin yêu bầu làm Trưởng thôn, là đại biểu Hội đồng Nhân dân xã và hiện nay là Phó Giám đốc HTX Nông Lâm nghiệp Yên Nguyên.

Cùng với anh Văn, có thể kể tên hàng trăm, hàng nghìn NKT khác đã biết nỗ lực vươn lên tạo lập cuộc sống như: Anh Nguyễn Thế Vinh ở Bình Dương, mở Trung tâm dạy học cho trẻ mồ côi, trẻ em nghèo khắp cả nước; anh Trần Phước Yên ở An Giang sau học nghề về mở cơ sở sửa chữa và mua bán đồ điện tử; anh Nguyễn Công Tiến ở Bà Rịa - Vũng Tàu sau thời gian mày mò sửa xe và học hỏi thêm đã mở tiệm hàn – tiện, không chỉ tự tạo việc làm mà còn giúp cho nhiều NKT, người nghèo khác có cơ hội được học nghề, làm việc; anh Đỗ Văn Hải ở Bắc Giang đã phát triển trồng hoa và mua sắm máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp….

NKT dạy nghề cho NKT - Một mô hình hiệu quả

Lẽ thường, trong cuộc sống, người lành giúp NKT đã là đáng trân trọng và đáng quý. Nhưng chúng ta càng trân trọng và tri ân những NKT đã vượt lên nỗi mặc cảm, khó khăn của mình trở thành những người quản lý, những chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất… quay trở lại giúp đỡ cho những người đồng cảnh khác. Đây cũng được xem là một mô hình hiệu quả, được đánh giá cao trong công tác dạy nghề, tạo việc làm cho NKT tại các địa phương.

Việc NKT là chủ các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp tổ chức dạy nghề, tạo việc làm cho NKT có nhiều thuận lợi khi bản thân các ông chủ đều là những NKT nên dễ dàng truyền cảm hứng, ý chí và nghị lực cho NKT trong suốt quá trình học nghề, làm việc. Những NKT đứng ra tổ chức dạy nghề cũng đều đã trải qua những vấn đề của NKT từ đắn đo trăn trở về cuộc sống tự lập, việc lựa chọn phương thức tiếp cận nghề, chọn nghề, chọn nơi để theo học và hành nghề… nên hiểu về giá trị của một công việc phù hợp đối với NKT. Do dạy nghề và tạo việc làm cho NKT là một hoạt động đặc thù, không phải cứ tổ chức theo trường lớp với giáo trình bài bản, hàn lâm là có kết quả mà phải thực hiện theo phương thức “cầm tay chỉ việc”. Thời gian học nghề cũng linh hoạt, có khi vài tháng, có khi kéo dài cả năm. Do đó, nếu không có tâm huyết, trách nhiệm, không phải đơn vị, tổ chức, cá nhân nào cũng làm được.

Vì vậy họ sẽ căn cứ vào khả năng và nhu cầu của NKT để tạo điều kiện cho NKT tiếp cận công việc thuận tiện hơn nâng cao hiệu quả và chất lượng học nghề. Bên cạnh đó, việc dạy nghề tạo việc làm cho NKT cũng sẽ góp phần khẳng định với cộng đồng xã hội về khả năng của NKT thông qua những sản phẩm do chính nhân viên là NKT làm ra. Từ đó góp phần nâng cao vị thế của NKT, giúp cho NKT có cơ hội được đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước, của xã hội.

Trong quá trình lập nghiệp, do những khiếm khuyết của cơ thể nên anh Trương Công Nghiêm ở phường Thanh Bình, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng gặp không ít khó khăn trong công việc, nhất là cái nhìn của xã hội chưa thật sự cảm thông đối với những NKT. Anh thường gặp những ánh mắt nghi ngờ khả năng của những khách hàng. Nhưng bằng sự thể hiện tay nghề và khả năng của mình, anh đã thuyết phục khách hàng bằng chính những sản phẩm đạt yêu cầu mà khách hàng hằng mong muốn. Rồi thời gian dần trôi, thấu hiểu được tâm tư, nguyên vọng của những người đồng cảnh ngộ, năm 2005, anh quyết định thành lập Công ty TNHH NKT N.Trung để nhận NKT về dạy nghề và giải quyết việc làm.

Dịch vụ in ấn, thiết kế, quảng cáo N.Trung là mô hình việc làm phù hợp cho NKT. Trên 10 năm hoạt động, anh Nghiêm đã đào tạo nghề miễn phí cho trên 30 lao động NKT ở Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Hội An, giải quyết việc làm ổn định cho 10 người lao động. Số còn lại sau khi học nghề đã về địa phương mở cơ sở tự kinh doanh và thường xuyên liên hệ với Công ty để hỗ trợ kỹ thuật khi khách hàng có những yêu cầu cao. Năm 2014, anh được Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng động CSIP công nhận là doanh nghiệp xã hội. Năm 2014 và 2015, anh được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Đà Nẵng tặng giấy khen vì đã tích cực hỗ trợ tạo việc làm cho NKT. Anh chia sẻ “Tự hào với thành tích của mình nhưng tôi hiểu rằng tất cả còn đang ở phía trước, tôi đang từng ngày bằng tâm huyết của mình, say mê nghiên cứu sáng tạo mở rộng mặt bằng, đầu tư trang thiết bị để đáp ứng giải quyết việc làm cho nhiều NKT hơn”.

Cũng như anh Nghiêm, xã hội chúng ta đã ghi nhận hàng trăm NKT thành công quay trở lại giúp đỡ cho những người đồng cảnh, cùng động viên, khích lệ và hỗ trợ nhau vươn lên trong cuộc sống. Có thể kể đến một vài cái tên tiêu biểu khác như anh Phạm Trọng Hoàn ở Thái Bình, anh Nguyễn Hồng Hà, chị Nguyễn Thị Thu Thương ở Hà Nội, anh Trần Quang Diệu ở Quảng Trị…

Có thể nói, bằng nhiều phương thức khác nhau, chúng ta đang rất nỗ lực trong hoạt động học nghề, dạy nghề và tạo việc làm cho NKT. Sự tích cực, chủ động của những NKT có trách nhiệm đã góp phần không nhỏ vào thành quả chung của cả nước trong việc triển khai các hoạt động trợ giúp NKT nói riêng, phát triển kinh tế, công bằng xã hội nói chung.  

 

 

 

Nguồn: Tạp chí Người bảo trợ

 

PLG_CONTENT_SHOWTAGS_TITLE dạy nghề

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi