Thứ sáu, 16 Tháng 9 2016 15:41

Khát khao hạnh phúc và khát khao được lao động luôn bỏng cháy trong từng suy nghĩ, hành động của chàng trai khuyết tật Nguyễn Hoàng Phú. Mang trên mình đôi chân không lành lặn, thế nhưng người con của núi rừng Tây Nguyên ấy đã vươn lên tự lập trong cuộc sống, trở thành không những trụ cột kinh tế trong gia đình, mà còn là một người sẵn sàng giúp đỡ, tạo việc làm cho những người đồng cảnh.

Nguyễn Hoàng Phú sinh năm 1982 trong một gia đình nông dân nghèo ở phường Duy Tân, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum. Nhà đông anh em, hàng ngày bố mẹ Phú phải lao động vất vả, lam lũ để nuôi 5 người con đang tuổi ăn, tuổi học nhưng thu nhập bấp bênh khiến cho ước mơ được đến trường của anh em Phú xem như bỏ ngỏ.

De an - Chang trai khuyet tat 2

Vợ chồng anh Phú và con trai trước căn nhà tình thương được tỉnh Hội hỗ trợ kinh phí xây dựng

ý thức được khó khăn của gia đình, Phú quyết định xin nghỉ học khi vừa tốt nghiệp THCS để vơi bớt gánh nặng cho bố mẹ, cố tìm cho mình một lối đi mới với ước mơ được lao động như bao người khác. Rời xa mái trường, phải gác lại những hoài bão khiến Phú không giấu được những buồn tủi. Với suy nghĩ non nớt của một cậu bé chưa thành niên, Phú chỉ nghĩ đi xin việc làm sẽ kiếm được tiền phụ giúp cho gia đình, thế nhưng thực tế cuộc sống lại không đơn giản.

Là người khuyết tật nên làm gì cũng khó, xin việc làm thuê thì không ai nhận, từ đó Phú trở nên bi quan, hoang mang và không biết nên chọn con đường nào phù hợp với một người mang cơ thể khuyết tật. Nhưng Phú vẫn nghĩ rằng, cần phải làm việc để gia đình bớt khó khăn.

Phú quyết định bắt xe vào thành phố Hồ Chí Minh với mong mỏi tìm được một công việc. Đi đến đâu chàng trai khuyết tật cũng chỉ nhận được lời từ chối bởi vóc dáng nhỏ thó, cùng những bước chân khập khiễng, xiêu vẹo. Cảm giác lạc lõng, lạ lẫm xen lẫn buồn tủi giữa nơi đất khách quê người càng khiến Phú thêm hoang mang, thất vọng.

Rồi Phú tình cờ gặp được một người phụ nữ trung tuổi, bà đã ngỏ ý giúp đỡ và đưa đến một đại lý bán vé số. Sau một năm đi bán vé số kiếm sống, Phú biết đến và xin vào học nghề cơ khí tại Cơ sở sản xuất xe lăn, xe lắc Đức Cường. Khi đến đây, Phú được gặp nhiều người có chung hoàn cảnh, nhận thấy họ không hề tự ti, mặc cảm, điều đó đã tạo cho Phú niềm an ủi lớn, có thêm tự tin, động lực vượt qua khó khăn để làm việc.

De an - Chang trai khuyet tat 1

Sự chịu khó, ham học hỏi đã giúp tay nghề của chàng trai khuyết tật ngày càng thành thạo

Năm 2004, vừa tròn 22 tuổi, với vốn nghề cơ khí học được, Phú trở về quê lập nghiệp và quyết định bắt tay mở cửa hàng cùng em trai. Trong một lần đến Cơ sở khuyết tật Nguyễn Nga (Quy Nhơn - Bình Định) giao lưu, bằng sự thương mến, đồng cảm của hai số phận khuyết tật, Phú đã có một tình yêu đẹp với người con gái cùng cảnh. Với tình yêu bền chặt, chân thành, họ đã thuyết phục gia đình chấp thuận, cùng nhau đắp xây hạnh phúc.

Năm 2008, đôi vợ chồng trẻ hạnh phúc chào đón thành viên mới của gia đình, một cậu con trai kháu khỉnh, khỏe mạnh. Cùng năm đó, anh Phú có thêm niềm vui được chính quyền địa phương tạo điều kiện cho thành lập xưởng cơ khí người khuyết tật Hoàng Phú. Khi mới thành lập, cơ sở của anh Phú chỉ sản xuất kiềng máng đựng mủ cao su, nhưng do vốn liếng ít và không cạnh tranh được với thị trường nên anh chuyển sang gia công cửa sắt, cổng tường rào, mái vòm sắt… có lượng công việc đều đặn hơn. Nhờ có tay nghề khá, tạo được uy tín với khách hàng nên thu nhập của anh ngày càng ổn định. Vừa qua, gia đình anh Phú còn được tỉnh Hội Kon Tum hỗ trợ 30 triệu đồng làm nhà tình thương. Bằng những cố gắng trong lao động và sự giúp đỡ của tỉnh Hội, gia đình anh đã xây được căn nhà mới trị giá 85 triệu đồng.

Không chỉ tạo dựng cuộc sống cho bản thân, hiện cơ sở của anh còn tạo việc làm ổn định cho 5 người đồng cảnh, bước đầu đem lại thu nhập từ 1 - 1,5 triệu đồng/người/tháng. Quá trình làm việc, Phú luôn quan tâm, động viên những người bạn có cùng cảnh ngộ, tiếp thêm nghị lực giúp họ tin tưởng vào khả năng của bản thân mình. Để giúp được nhiều người đồng cảnh, trong thời gian tới là tiếp tục duy trì đồng thời mở rộng xưởng sản xuất để tạo thêm việc làm cho người đồng cảnh. Anh hy vọng, với sự quan tâm, hỗ trợ của cộng đồng, sẽ ngày càng có nhiều người khuyết tật nỗ lực vươn lên, vượt qua khó khăn của hoàn cảnh để sống tự tin, có ích cho bản thân, gia đình và xã hội.

 

 

Nguồn: Tạp chí Người Bảo trợ

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi