Thứ tư, 05 Tháng 10 2016 14:21

Bằng tình yêu, sự tận tụy với nghề, lòng cảm thông và chia sẻ dành cho những em nhỏ thiệt thòi, nhiều năm qua, cô giáo Phan Thị Phúc (Hà Nội) và Phạm Thị Bình (Thái Bình) đã dành mọi tâm huyết cho công việc dạy dỗ cho hàng trăm học sinh khuyết tật, động viên, khuyến khích các em tự tin vươn lên trong cuộc sống.

Hơn 20 năm dạy học không lương

Vốn là diễn viên của Nhà hát tuổi trẻ, sau một lần tình cờ đến giao lưu với học sinh trường Tiểu học Trung Tự, bà Phan Thị Phúc nhận thấy một số học sinh khuyết tật của trường rất thích học hát múa, từ đó bà nhen nhóm ý tưởng xây dựng một lớp học năng khiếu cho học sinh khuyết tật.

De an - Nhung nguoi thay 1

Bà Phúc luôn chuẩn bị giáo án trước mỗi giờ học

ý tưởng của nữ diễn viên Phan Thị Phúc ngày ấy đã nhận được sự ủng hộ nhiệt thành của bạn bè, họ đã cùng bà đi xin địa điểm tổ chức lớp học, vận động các gia đình có trẻ khuyết tật đến lớp học đặc biệt. Sau nhiều ngày vất vả lên kế hoạch, vận động kinh phí, cũng như được Ban Giám hiệu trường Tiểu học Trung Tự tạo điều kiện, năm 1995, đội văn nghệ trẻ em khuyết tật Hà Nội đã được thành lập và đến tháng 3/1997, nhờ sự hỗ trợ của Tổ chức cứu trợ Mỹ, Câu lạc bộ Văn nghệ trẻ em khuyết tật Hà Nội chính thức ra đời.

Vừa đi diễn, vừa cố gắng chăm lo chu toàn cho gia đình, con cái, bận rộn là thế nhưng bà Phúc luôn dành trọn các ngày nghỉ cuối tuần, đều đặn đến lớp dạy múa, hát cho những học trò đặc biệt của lớp học năng khiếu trong Câu lạc bộ.

Bà Phúc cho biết: “Lớp học của tôi luôn có khoảng 30 - 35 học sinh khuyết tật đến học tập, sinh hoạt, các em hầu hết đều ở độ tuổi từ 10 - 15 với nhiều dạng tật khác nhau. Đến lớp học, các em không chỉ được học hát, múa, vẽ, diễn kịch, ngoại ngữ... mà còn được học nghề, dạy kỹ năng sống giúp các em có thêm tự tin hòa nhập cộng đồng”.

Cùng đồng hành với bà Phúc còn có rất nhiều tình nguyện viên, những thầy giáo, cô giáo sẵn sàng dành sức lực, thời gian, trí tuệ đến câu lạc bộ giảng dạy cho học trò khuyết tật, đó là thầy giáo dạy vẽ Dương Tử Long, thầy giáo tiếng Anh Trần Thiều Quang... hay các sinh viên tình nguyện thuộc các trường Đại học trên địa bàn thành phố Hà Nội đến kèm cặp thêm kiến thức.

De an - Nhung nguoi thay 2

Đã 76 tuổi nhưng cô giáo Phan Thị Phúc vẫn nhiệt huyết, tận tình chỉ dạy từng động tác múa

 

Đưa ánh mắt hiền từ về phía các học trò đang miệt mài tập luyện, bà Phúc tự hào lắm khi năm nào các con cũng gặt hái được nhiều thành công, giành được giải cao trong những đợt hội diễn văn nghệ dành cho người khuyết tật. Không chỉ hỗ trợ, tạo điều kiện cho các con tham gia các cuộc thi, câu lạc bộ của bà còn thường xuyên phối hợp với Hội đồng Anh tổ chức triển lãm ảnh, những bức ảnh do chính các học trò của bà chụp với nhiều chủ đề khác nhau như Vầng trăng khuyết, Bạn và tôi... được đánh giá cao, để lại ấn tượng cho người xem. Bà cũng đứng ra tổ chức biểu diễn, quyên góp ủng hộ những số phận thiệt thòi, khi lại đưa các con đi tặng quà, giao lưu với người đồng cảnh tại các Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật trong thành phố Hà Nội và các tỉnh thành lân cận như Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương.

Với tình thương vô bờ dành cho học trò khuyết tật, bà không quản ngại vất vả, mưa nắng tranh thủ thời gian đi xin từng chiếc máy khâu cũ cho các con học may, vận động bạn bè, các nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí mua tặng xe đạp, rồi đi làm thẻ đi xe buýt miễn phí cho học trò...

Hơn 20 năm miệt mài dạy học, chăm lo cho hàng trăm học trò khuyết tật không một đồng lương thưởng, phụ cấp nhưng bà Phúc luôn thấy mình may mắn khi được làm công việc thiện nguyện này. Với bà hạnh phúc thật giản đơn, đó là được nghe học trò gọi bà là mẹ, là cô giáo và mãn nguyện khi thấy đàn con trưởng thành, tự tin bước vào đời.

Nỗ lực hết mình vì học trò khuyết tật

Cũng giống như bà Phúc, cô giáo Phạm Thị Bình, giáo viên trường Trung cấp nghề cho người khuyết tật Thái Bình luôn dành sự tận tuỵ, ân cần trong công tác giảng dạy cho học trò khuyết tật. Từng theo học ngành sư phạm tiểu học nhưng chị Bình lại không được đào tạo về chuyên ngành giáo dục chuyên biệt, bởi thế chị có đôi chút lo lắng và gặp không ít khó khăn khi truyền đạt kiến thức cho học sinh khuyết tật trong những ngày đầu về trường công tác.

Được phân công giảng dạy tại khoa Văn hoá chuyên biệt, từ những buổi đầu bỡ ngỡ, chị Bình đã nỗ lực học hỏi, trau dồi kinh nghiệm qua các diễn đàn trên mạng internet, sách báo và từ chính các đồng nghiệp để tích luỹ kỹ năng truyền đạt kiến thức, kỹ năng giao tiếp với những học trò đặc biệt.

De an - Nhung nguoi thay 3

Cô giáo Bình dạy ngôn ngữ ký hiệu cho học trò điếc câm

 

Chị Bình chia sẻ rằng, hiện trường Trung cấp nghề cho người khuyết tật Thái Bình đang đào tạo nghề cho gần 800 học sinh, trong đó 30% là học sinh khuyết tật và đối tượng chính sách. Mỗi năm trường đào tạo nghề cho khoảng 1.500 - 2.000 học sinh và mở rộng đào tạo liên kết với các trường Đại học, Cao đẳng dạy nghề trong và ngoài tỉnh. Đối với những học trò khuyết tật, ngoài được tham gia các lớp học nghề miễn phí như mộc, may, cơ khí, kế toán, tin học, các em còn được nhà trường cho học khoa Văn hoá phổ thông và Văn hoá chuyên biệt. Luôn mong muốn truyền đạt bài giảng dễ hiểu, sinh động cho học sinh khuyết tật, chị đã tìm tòi, sáng tạo dụng cụ trực quan thực tế nhất như các loại quả, những bức tranh, hình ảnh gần gũi với đời sống hàng ngày hay tự học ngôn ngữ ký hiệu để giảng bài cho các em điếc câm, khiếm thính.

Thấm thoắt đã chục năm giảng dạy cho học sinh khuyết tật, mặc dù không được đào tạo chuyên sâu về giáo dục chuyên biệt nhưng bằng sự cần mẫn, chịu khó tích luỹ kinh nghiệm và trên hết là tình thương yêu với học trò, chị Bình đã trở thành giáo viên dạy giỏi nhiều năm qua của khoa Văn hoá chuyên biệt. Hạnh phúc lắm khi học trò viết được những nét chữ đầu tiên, biết làm những phép tính đơn giản hay thuộc lòng những bài thơ, bài hát thiếu nhi. Trong tâm khảm của cô giáo Phạm Thị Bình mong lắm có thêm sức khoẻ để góp sức nhiều hơn cùng cộng đồng xã hội chăm lo, bù đắp thiệt thòi, ươm mầm tương lai cho học sinh khuyết tật.  

 

 

 

Nguồn: Tạp chí Người bảo trợ

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi