Thứ ba, 17 Tháng 1 2017 16:53

Đồng cảm, sẻ chia là đức tính tốt đẹp của những con người hướng thiện, vẫn luôn hiện hữu trong cuộc sống hàng ngày. Ai cũng có thể làm những việc có ích cho người khác, cho cộng đồng và cũng là để đem lại những điều tốt đẹp cho chính bản thân mình. Mặc dù vậy, việc giúp ai, giúp như thế nào và khi nào để mang lại ý nghĩa, hiệu quả tích cực nhất thì không phải ai cũng biết cách. Đó là lúc, vai trò kết nối của những tổ chức xã hội từ thiện – trong đó có Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam – được phát huy.

Với sự tiến bộ vượt bậc của công nghệ thông tin và khoa học kỹ thuật; internet và tiếp cận các công cụ của thế giới mới đã xóa nhòa ranh giới, khoảng cách về không gian, thời gian, địa lý để con người giao tiếp với nhau một cách dễ dàng. Và trong một thế giới mà kết nối đang trở nên thuận tiện, đơn giản hơn bao giờ hết, dịch vụ xã hội nói chung và hoạt động từ thiện nói riêng đã và đang có sự phát triển “nở rộ”. Điều đó bắt nguồn từ nhu cầu chia sẻ với cộng động của mỗi con người, mỗi tổ chức khi có điều kiện. Việc xuất hiện ngày càng nhiều nhóm, Câu lạc bộ tham gia các hoạt động hỗ trợ xã hội được thành lập một cách tự phát cũng như mong muốn của các nhà hảo tâm, thiện nguyện được trao quà đến tận tay đối tượng vừa mang đến nhiều cơ hội được giúp đỡ của những người khó khăn, yếu thế, đồng thời cũng đặt ra cho các tổ chức hoạt động xã hội chuyên nghiệp bài toán về việc vận động và tập hợp nguồn lực.

anh Nhom vong tay nhan ai Sydney tai Quang Binh

Nhóm Vòng tay nhân ái Sydney (Australia) tặng quà cho đồng bào vùng ảnh hưởng thiên tai ở Quảng Bình

 

Điều lệ hoạt động Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam đã khẳng định, mục đích hoạt động của Hội nhằm “đẩy mạnh trợ giúp và nâng cao chất lượng cuộc sống của người khuyết tật, trẻ mồ côi, tích cực vận động thu hút mọi năng lực của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước theo quy định của pháp luật…”. Tất cả những hoạt động, chương trình của Hội trong 25 năm qua từ ngày thành lập cũng đều nhằm thực hiện hai mục tiêu lớn nhất: kết nối, thu hút nguồn lực của cộng đồng, xã hội để cải thiện, nâng cao đời sống NKT, TMC.

Thực hiện mục tiêu đó, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam đã không ngừng nỗ lực, sáng tạo tìm ra những hướng đi mới, cách làm hay phù hợp với xu thế và nhu cầu ngày càng đa dạng của đối tượng. Những chương trình hỗ trợ mang tính bền vững, đa chiều như: cung cấp các dịch vụ y tế, dạy nghề, tạo việc làm gắn với thu nhập; hỗ trợ sinh kế và cải thiện điều kiện sinh hoạt; cấp phương tiện trợ giúp gắn với trợ giúp làm đường tiếp cận tại gia đình và cộng đồng ở cơ sở… đã khẳng định tầm nhìn chiến lược và những bước đi vững chắc của Hội qua từng giai đoạn. Đó cũng là cách để Hội xây dựng uy tín, vị thế, đồng thời tạo ra sự khác biệt trong hoạt động để thuyết phục, tập hợp các nhà tài trợ.

Cùng với việc quan tâm, giữ “chân” các nhà tài trợ truyền thống, lâu năm đồng thời tìm kiếm, phát triển các nhà tài trợ mới; những năm gần đây, trong xu thế ngày càng có nhiều hoạt động từ thiện tự phát, Hội đã chủ động tìm cách kết nối với cá nhân, nhóm, câu lạc bộ… để vận động, thuyết phục họ phối hợp, kết nối với Hội để tổ chức các hoạt động tài trợ cho đúng đối tượng, giảm bớt tính tự phát, tăng tính chuyên nghiệp, hiệu quả trong tổ chức các sự kiện tài trợ này. Tâm lý của nhà tài trợ thường muốn đi tận nơi, tận mắt chứng kiến, tận tay trao quà vừa để chia sẻ cùng đối tượng, vừa để yên tâm rằng sự ủng hộ của mình đến đúng đối tượng, đúng địa bàn và không bị thất thoát. Vì thế, để thuyết phục nhà tài trợ, phải dựa vào uy tín, sự minh bạch và hiệu quả của các hoạt động, chương trình – mà để “chứng minh” đòi hỏi phải có thời gian, quá trình, chứ không thể làm được trong ngày một ngày hai.

anh Tang qua Lao Cai

Tặng quà của Đại lão Hoà thượng Thích Phổ Tuệ và cư dân Khu chung cư ulberry Lane cho học sinh mồ côi, khuyết tật Lào Cai

 

Trong năm qua, qua các phương tiện truyền thông và các mối quan hệ cá nhân, một số đơn vị, nhà hảo tâm, nhóm từ thiện đã kết nối và có sự hợp tác lần đầu cùng Hội như Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam; Đại lão Hoà thượng Thích Phổ Tuệ - Trụ trì Chùa Viên Minh (huyện Phú Xuyên - Hà Nội); Nhóm Vòng tay nhân ái Sydney (Australia); cư dân Khu chung cư Mulberry Lane, CT-01 TSQ Euroland Mỗ Lao (Hà Đông); Công ty Phương Vinh Hà Nội… Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam đã chuyển tặng 8.000 thùng mì nhãn hiệu Hảo Hảo đến người khuyết tật, trẻ mồ côi và người nghèo tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ ủng hộ Hội 500 triệu đồng. Cư dân Khu chung cư Mulberry Lane, CT-01 TSQ Euroland Mỗ Lao (Hà Đông) cùng Hội tổ chức đoàn đi tặng quà cho người khuyết tật, trẻ mồ côi huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai. Công ty Phương Vinh hỗ trợ xây dựng 5 căn nhà tại xã Cao Dương, Hoài Đức, Hà Nội và gần đây nhất, cuối tháng 12 năm 2016 Nhóm Vòng tay nhân ái Sydney (Australia) đã vận động tài trợ và thông qua Hội tổ chức trao tặng 700 suất quà trị giá 490 triệu đồng cho người khuyết tật, trẻ mồ côi và người nghèo bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm biển và đợt bão lũ vừa qua ở hai tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị.

Trong lần hợp tác ban đầu giữa Hội và các đơn vị, nhóm thiện nguyện nói trên, Hội đóng vai trò tư vấn, hỗ trợ về thủ tục hành chính, tư cách pháp nhân, liên lạc với địa bàn, chọn lựa đối tượng, tổ chức sự kiện và cùng tham gia tặng quà… Có thể khi đó, chúng ta chưa thể hướng nguồn tài trợ tập trung vào các chương trình Hội đang thực hiện mà chủ yếu theo quan điểm, mục tiêu, yêu cầu của nhà tài trợ. Nhưng chúng ta vẫn cần tận dụng mọi cơ hội để có thêm nguồn hỗ trợ cho đối tượng đồng thời giúp các nhà tài trợ, nhóm tài trợ thực hiện được ý nguyện của mình một cách thuận lợi, có hiệu quả, tiết kiệm công sức, thời gian và từ đó “giữ chân” nhà tài trợ, phát triển thêm các mối quan hệ, tăng thêm lòng tin của đối tác đối với Hội (cả ở Trung ương và hội thành viên ở địa phương). Qua quá trình hợp tác, chia sẻ thông tin giữa hai bên, bằng sự thiện chí và trung thực, sự chuyên nghiệp, tận tâm của đội ngũ cán bộ Hội; nhà tài trợ sẽ thấy được hiệu quả của hoạt động phối hợp khi đồng tiền ủng hộ của họ được tận tay trao đối tượng, được sử dụng đúng mục đích và họ “tiết kiệm” được rất nhiều công sức, thời gian. Những yếu tố tích cực đó sẽ góp phần thuyết phục, thúc đẩy nhà tài trợ đi đến sự hợp tác lâu dài với Hội. Khi đó, chúng ta sẽ tư vấn, định hướng để nguồn tài trợ đi vào các chương trình cụ thể mà Hội thực hiện, nhằm mang lại hiệu quả bền vững hơn.

Trong bối cảnh ngày càng có nhiều các tổ chức, nhóm, cá nhân tham gia hoạt động thiện nguyện; sự “cạnh tranh” sẽ xuất hiện như một quy luật. Đó vừa là thách thức, nhưng cũng là cơ hội để Hội phát huy lợi thế, thể hiện năng lực của mình. Cùng với những kinh nghiệm tích lũy qua 25 năm hoạt động; sự năng động, và nỗ lực không ngừng trong việc đổi mới, mở rộng hoạt động với nhiều hình thức, nội dung khác nhau; chắc chắn vai trò, vị thế của Hội trong cộng đồng sẽ tiếp tục được nâng cao hơn nữa, những tấm lòng thiện nguyện của cá nhân, tổ chức sẽ càng ngày càng đặt niềm tin với Hội, phối hợp chặt chẽ và ủng hộ Hội thực hiện sứ mệnh của mình.  

 

 

Nguồn: Tạp chí Người Bảo trợ

 

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi