Thứ tư, 18 Tháng 1 2017 17:44

Năm 2016, một năm mà Trung ương Hội và các tổ chức Hội thành viên đã tích cực vận động quỹ, chung sức, đồng lòng vì NKT, TMC, thông qua các chương trình hoạt động với những kết quả đáng khích lệ và hứa hẹn sẽ gặt hái được nhiều thành quả hơn trên chặng đường tiếp theo. Để hiểu rõ hơn về những kết quả, đóng góp của Hội đối với công tác trợ giúp NKT, TMC trong năm qua, phóng viên Tạp chí Người bảo trợ đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch Trung ương Hội Nguyễn Đình Liêu về vấn đề này.

Anh bai PV Chu tich NDL

Phóng viên: Nhìn lại năm 2016, ông đánh giá như thế nào về bối cảnh và kết quả hoạt động nổi bật của Hội?

Ông Nguyễn Đình Liêu: Năm 2016, hoạt động của Hội diễn ra trong bối cảnh có nhiều thuận lợi và cũng không ít khó khăn, thách thức, là năm bắt đầu cùng cả nước thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12, Bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV và Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Trong năm 2016, số lượng NKT, TMC vẫn có xu hướng gia tăng, nhu cầu trợ giúp ngày càng nhiều và yêu cầu ngày càng cao, đòi hỏi sự nỗ lực quyết tâm rất lớn của Hội trong việc tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động; một số địa phương sắp xếp lại tổ chức hội, sáp nhập, bổ sung nhiệm vụ, đổi tên hội cũng đặt ra những vấn đề mới trong việc tổ chức, triển khai hoạt động. Bên cạnh đó, Hội được tạo tiền đề hết sức quan trọng từ những kinh nghiệm hoạt động, đặc biệt là kinh nghiệm được đúc kết khi tham gia tích cực, có trách nhiệm với các hoạt động gắn với nhiệm vụ của Nhà nước, thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao, bảo đảm quyền đối với NKT, TMC, đó là đánh giá kết quả thực hiện Luật NKT, Đề án Trợ giúp NKT của Hội giai đoạn 2011 - 2015, kết quả thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” thông qua tổng kết chương trình “Hỗ trợ NKT, TMC tại các xã xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2011 - 2015...

Về hoạt động của Hội trong năm 2016, có thể nêu một số kết quả nổi bật như sau:

Hội đã quan tâm đến công tác thông tin tuyên truyền, góp phần nâng cao nhận thức về vấn đề khuyết tật, mồ côi, về nhìn nhận, đánh giá, phát huy khả năng của đối tượng, về thu hút, tôn vinh những tấm lòng nhân ái trong cộng đồng. Trung ương Hội đã phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH tổ chức Hội nghị Biểu dương NKT, TMC và NBT tiêu biểu toàn quốc lần thứ V; nhiều tỉnh, thành Hội cũng đã tổ chức Hội nghị tương tự và nhiều hình thức phong phú, đa dạng nhằm hướng đến các mục tiêu hoạt động của Hội; Hội đã tổ chức thành công chương trình “Một trái tim - Một thế giới” lần thứ XIII; tiếp tục phát triển trang web của cơ quan Hội từ Trung ương đến các tổ chức thành viên thành kênh thông tin quan trọng tuyên truyền hoạt động Hội và việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với NKT, TMC, vận động, khai thác các nguồn tài trợ cho quỹ Hội; tập trung tuyên truyền pháp luật về NKT, chủ trương, chính sách, chương trình, Đề án Trợ giúp NKT, Đề án Chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt dựa vào cộng đồng... với nhiều hình thức khác nhau, tham gia giám sát, phản biện xã hội đối với chính sách, dự thảo văn bản pháp luật, định hướng xây dựng một số luật...

Về quỹ Hội, điều đáng mừng là không chỉ được vận động xây dựng từ Trung ương Hội, tỉnh thành Hội mà đã mở rộng và phát triển cả ở tổ chức Hội cấp huyện, cấp xã, phường. Năm 2016, tổng quỹ cả nước do Hội chủ trì, vận động bằng tiền và hiện vật quy ra tiền đạt 469 tỷ đồng, vượt so với năm 2015 là 43 tỷ đồng. Ngoài ra, ngân sách chi hỗ trợ thường xuyên và thực hiện nhiệm vụ Nhà nước giao là 38,7 tỷ đồng (bằng 8,2% so với tổng quỹ Hội vận động được). Điều đó thể hiện sự quan tâm, khích lệ của Nhà nước, đồng thời thể hiện sự cố gắng vượt bậc rất đáng hoan nghênh của các tổ chức Hội trong cả nước. Với nguồn lực vật chất vận động được, Hội đã trợ giúp hơn 2,1 triệu lượt NKT, TMC và một số đối tượng yếu thế khác thông qua 6 chương trình trọng tâm và các hoạt động khác của Hội.

Nhìn lại các công việc năm 2016 của Hội, điều dễ nhận thấy là từ Trung ương Hội đến các tổ chức thành viên đã thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của một tổ chức xã hội, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra, đã có sự chuyển biến mạnh mẽ trong các hoạt động gắn với nhiệm vụ của Nhà nước và thực hiện nhiệm vụ do Nhà nước giao, góp phần thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu trợ giúp NKT, các tiêu chí xây dựng nông thôn mới đối với NKT, TMC theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đề xuất góp ý giúp NKT, TMC được thụ hưởng chế độ bảo trợ xã hội, trực tiếp hỗ trợ hàng chục nghìn NKT, TMC và một số đối tượng yếu thế khác thuộc hộ cận nghèo được mua thẻ BHYT...  

Phóng viên: Để tiếp tục góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật đối với NKT, TMC và đẩy mạnh hơn nữa hiệu quả hoạt động của Hội, ông và lãnh đạo Hội có những đề xuất, kiến nghị gì với Nhà nước?

Ông Nguyễn Đình Liêu: Từ thực tế triển khai và thực hiện các chương trình trợ giúp NKT, TMC, trước hết tôi cho rằng Hội phải nỗ lực nhiều hơn nữa nhằm đáp ứng nhu cầu, yêu cầu đòi hỏi ngày càng cao của NKT, TMC, chuyển mạnh hơn nữa phương thức hoạt động tiếp cận dựa trên quyền của đối tượng.

TDTS 286 - 2

Lãnh đạo Bộ LĐTB&XH, Chủ tịch Trung ương Hội Nguyễn Đình Liêu, đại diện Vietinbank động viên gia đình trẻ khuyết tật tại chương trình phẫu thuật cho trẻ em bị dị tật môi - vòm miệng

 

Tại Hội nghị Tổng kết hoạt động năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017, Ban Chấp hành Hội đã đưa ra một số đề xuất, kiến nghị với Nhà nước, đó là sớm ban hành Luật về Hội; nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật NKT nhằm hoàn thiện các hoạt động trợ giúp NKT và thực hiện Công ước của Liên Hợp Quốc về Quyền của NKT. Cụ thể hóa mục tiêu, các giải pháp hỗ trợ đối với NKT, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trong đó có trẻ mồ côi trong chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Mặt khác, các cơ quan Nhà nước ở Trung ương và địa phương cần tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện cho Hội được tổ chức, tham gia tập huấn, bồi dưỡng về nghề CTXH, xây dựng chính sách, tư vấn, phản biện xã hội về các vấn đề liên quan đối với NKT, TMC.

Hoạt động của Hội gắn với nhiệm vụ của Nhà nước thông qua việc huy động nguồn lực xã hội, mặt khác đề nghị Nhà nước quan tâm, tiếp tục hỗ trợ kinh phí, giao cho hội thực hiện một số nhiệm vụ thuộc các chương trình, Đề án… phù hợp chức năng, nhiệm vụ và lĩnh vực hoạt động của Hội.  

Phóng viên: Bước sang năm 2017 cũng là thời khắc kết thúc nhiệm kỳ IV và tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc nhiệm kỳ V (2017 – 2021). Vậy theo ông, nhiệm vụ hoạt động năm 2017 và định hướng những năm tiếp theo của Hội như thế nào?

Ông Nguyễn Đình Liêu: Năm 2017 và những năm tiếp theo có nhiều vấn đề chung của cả nước liên quan đến hoạt động bảo trợ NKT, TMC của Hội, đó là Luật về Hội sẽ được ban hành; Luật Trẻ em có hiệu lực thi hành; Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được triển khai; Luật NKT, Đề án Trợ giúp NKT tiếp tục được thực hiện gắn với trách nhiệm trong thực hiện Công ước của Liên Hợp Quốc về Quyền của NKT...

Về nhiệm vụ năm 2017, Hội tiếp tục việc huy động nguồn lực để thực hiện 6 chương trình trọng tâm và các hoạt động trợ giúp khác đối với NKT, TMC và một số đối tượng yếu thế khác theo mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV, chiến lược phát triển Hội giai đoạn 2012 - 2017 của Hội và tại Đại hội lần thứ V tới đây, sẽ quyết định việc bổ sung, điều chỉnh hoạt động năm 2017 và phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ trong cả giai đoạn 2017 - 2021.

Theo tôi, để chuyển mạnh hơn các hoạt động của Hội gắn với nhiệm vụ Nhà nước và thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ Nhà nước giao phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của mình, Hội cần cụ thể hoá các nội dung chính sách, pháp luật, các mục tiêu, chỉ tiêu, tiêu chí liên quan quy định tại các văn bản của Nhà nước trong các hoạt động của mình. Huy động nguồn lực xã hội để trợ giúp về vật chất và tinh thần cho NKT, TMC, góp phần thúc đẩy việc thực hiện quyền của NKT, TMC, tập trung các hoạt động vào 3 lĩnh vực là: chăm sóc sức khoẻ, cải thiện sinh hoạt và giảm nghèo bền vững đối với NKT, TMC.  

Xin cảm ơn ông!

 

 

Nguồn: Tạp chí Người Bảo trợ

 

 

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi