Trong 13 năm kể từ khi thành lập, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo, người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh Tiền Giang đã triển khai nhiều hoạt động an sinh xã hội, trợ giúp người khuyết tật, trẻ mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có điều kiện học tập, lao động sản xuất, hòa nhập cộng đồng. Trong số hàng loạt chương trình được triển khai hiệu quả, hoạt động hỗ trợ cải thiện sinh hoạt cho người khuyết tật, trẻ mồ côi nghèo được tỉnh Hội thực hiện rất thành công. Bước sang năm thứ 7 triển khai chương trình, với uy tín và kinh nghiệm tổ chức, tỉnh Hội luôn nhận được sự đồng hành của các nhà tài trợ, các mạnh thường quân trong nước, quốc tế cũng như sự phối kết hợp chặt chẽ với Sở Lao động - Thương binh & Xã hội tỉnh, chính quyền các địa phương để triển khai hoạt động này.
Tạo niềm tin đối với nhà tài trợ
Theo ông Phan Văn Hà - Chủ tịch tỉnh Hội, tính đến hết năm 2016, toàn tỉnh có trên 43 nghìn người khuyết tật, hơn 1 nghìn trẻ mồ côi không nơi nương tựa, gần 1,5 nghìn nạn nhân chất độc da cam/dioxin, hơn 1 nghìn người khuyết tật do tai nạn lao động. Mặc dù vậy, chỉ có gần 24 nghìn đối tượng là người khuyết tật đang hưởng chính sách bảo trợ xã hội, 282 đối tượng là người khuyết tật được chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh… Nhìn chung đời sống của đa phần người khuyết tật, trẻ mồ côi, bệnh nhân nghèo vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi phải ở trong những căn nhà lụp xụp, không đủ an toàn mỗi khi mùa mưa bão tới, họ gặp nhiều nguy hiểm và trở ngại khi phải đi qua những cây cầu khỉ cheo leo, bắt ngang qua những dòng kênh chảy xiết...
Lãnh đạo tỉnh Hội, nhà tài trợ và đại diện chính quyền xã An Thạnh Thủy tại lễ khánh thành cầu Thạnh Kiết
Xuất phát từ thực tế đó, tỉnh Hội Tiền Giang đã quyết định tập trung vận động nguồn lực nhằm thực hiện chương trình trọng tâm về hồ trợ cải thiện sinh hoạt, cũng như hiện thực hoá Quyết định 167 của Chính phủ về việc xây nhà cho hộ nghèo. Ban Chấp hành tỉnh Hội xác định phát huy mối quan hệ của các cán bộ, hội viên nhằm kêu gọi, kết nối với các nhà tài trợ triển khai chương trình hỗ trợ cải thiện sinh hoạt. Để giữ vững mối quan hệ giữa tỉnh Hội và nhà tài trợ, mỗi khi tiến hành triển khai hỗ trợ, tổ chức lễ bàn giao, tỉnh Hội đều mời nhà tài trợ có mặt trực tiếp tại lễ khởi công xây dựng, tới kiểm tra, khảo sát trong quá trình xây dựng và cùng chứng kiến tại lễ bàn giao.
Bắt đầu từ năm 2010, tỉnh Hội đã triển khai chương trình bằng các hình thức hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà tình thương và từ năm 2012, tỉnh Hội đã bổ sung thêm hình thức hỗ trợ xây cầu giao thông nông thôn cho người khuyết tật, trẻ mồ côi thuộc các địa phương vùng sâu, vùng xa.
Nâng cao chất lượng sống cho đối tượng
Một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn tới sự ra đời cũng như thành công mà chương trình hỗ trợ cải thiện sinh hoạt mang lại cho đối tượng, đó chính là qua những lần tổ chức khảo sát đối tượng để triển khai các chương trình hỗ trợ phẫu thuật, tặng xe lăn, xe lắc, khám chữa bệnh tại cộng đồng…, các cán bộ tỉnh Hội đã được “mục sở thị”, được chứng kiến những gia đình đối tượng phải sống trong nhiều căn nhà cũ nát, tận mắt nhìn thấy sự vất vả của bà con nghèo hàng ngày phải liều mình đi qua những cây cầu khỉ. Ban Lãnh đạo tỉnh Hội đã thống nhất đưa ra quyết định triển khai chương trình hỗ trợ cải thiện sinh hoạt cho đối tượng thông qua hình thức hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà tình thương, nhà đại đoàn kết và xây cầu giao thông nông thôn với mong muốn giúp người khuyết tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo có điều kiện sinh hoạt tốt hơn, ổn định cuộc sống lâu dài.
Chương trình hỗ trợ cải thiện sinh hoạt đã bước sang năm thứ 7 với việc xây mới 51 ngôi nhà; sửa chữa 109 nhà tình thương, nhà đại đoàn kết và xây 8 cây cầu giao thông nông thôn với kinh phí gần 4,2 tỷ đồng. Riêng năm 2016, tỉnh Hội đã xây mới 36 nhà, sửa chữa 63 nhà với kinh phí gần 1,5 tỷ đồng và xây 3 cây cầu giao thông nông thôn trị giá gần 700 triệu đồng.
Trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, mẹ con bà Lưu Thị út (xã Mỹ Hạnh Đông, huyện Cai Lậy) sẽ được ở trong căn nhà mới do tỉnh Hội trao tặng
Đạt được những kết quả đáng mừng đó là do Hội đã vận động trực tiếp các mạnh thường quân và nhận được sự ủng hộ, đồng hành xuyên suốt của các nhà tài trợ như Công ty TNHH MTV Xổ số Kiến thiết tỉnh Tiền Giang, Công ty TNHH Thuận Phú, Công ty TNHH - TMKT Thanh Lâm, Hiệp hội Doanh nhân Đức (SWHH)… Mặt khác, trên cơ sở khảo sát thực tế tình hình về nhà ở đối với các đối tượng, Ban Chấp hành tỉnh Hội đã lồng ghép vào kế hoạch hoạt động hàng năm và chọn thí điểm vận động các nhà tài trợ đối với các gia đình người khuyết tật thuộc diện hộ nghèo trước khi vận động cho các trường hợp khác. Bên cạnh đó, tỉnh Hội đã nhận được sự quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ của UBND tỉnh, các sở ngành, hội quần chúng, các nhà hảo tâm, những cán bộ Hội chuyên trách và một số hội viên nòng cốt, tích cực, nhiệt tình trong công tác vận động tài trợ.
Bà Lưu Thị út bị khuyết tật bẩm sinh ở xã Mỹ Hạnh Đông, huyện Cai Lậy xúc động nói: “Gia đình tôi nhiều năm qua thuộc diện hộ nghèo, tôi không may bị khuyết tật bẩm sinh và người con trai của tôi cũng phải mang thân phận thiệt thòi khi có một cơ thể không lành lặn. Hai mẹ con tôi gồng mình kiếm sống chỉ đủ lo bữa ăn qua ngày. Bao mùa mưa lũ tràn về, căn nhà của mẹ con tôi càng trở nên xập xệ, dột nát. Trong lúc tình cảnh túng quẫn, mẹ con tôi mừng lắm khi được tỉnh Hội và các mạnh thường quân hỗ trợ kinh phí xây tặng căn nhà tình thương. Trong dịp Tết Nguyên đán này, mẹ con tôi thật hạnh phúc khi được đón mùa xuân mới trong căn nhà khang trang, thoáng mát, sạch đẹp. Tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến tỉnh Hội, các nhà tài trợ đã biến ước mơ của mẹ con tôi trở thành hiện thực. Tôi xin hứa sẽ chăm chỉ lao động để sớm đưa gia đình thoát nghèo và giúp người đồng cảnh”.
Còn ông Nguyễn Văn Lon, xã Tân Hội, huyện Cai Lậy tâm sự: “Tôi bị khuyết tật từ nhỏ, khiến tôi gặp nhiều khó khăn trong đi lại. Mỗi khi có công chuyện cần phải di chuyển nhưng với thân hình của một người khuyết tật đi lại đã khó, khi phải đi trên cây cầu khỉ càng khiến tôi nản bước. Nhờ có sáng kiến của tỉnh Hội đã triển khai chương trình hỗ trợ cải thiện sinh hoạt nên những cây cầu giao thông nông thôn kiên cố, vững chắc đã được xây dựng, thay thế cho những cây cầu khỉ chênh vênh, nguy hiểm. Nhờ thế mà cuộc sống của tôi và cả những người dân nghèo quê tôi được cải thiện đáng kể, nâng cao chất lượng sống, việc làm ăn buôn bán, đi lại thuận lợi hơn rất nhiều. Nếu không có kinh phí hỗ trợ từ chương trình cải thiện sinh hoạt của tỉnh Hội Tiền Giang, những người dân nghèo như chúng tôi không biết bao giờ mới có cơ hội được đi qua những con kênh rạch bằng những cây cầu bê tông chắc chắn”.
Có thể nói, chương trình hỗ trợ cải thiện sinh hoạt của tỉnh Hội là việc làm thực sự ý nghĩa, góp phần giúp người khuyết tật, trẻ mồ côi, bệnh nhân nghèo ổn định cuộc sống, yên tâm lao động sản xuất, tự tin hòa nhập cộng đồng. Nối tiếp thành công từ chương trình, tỉnh Hội Tiền Giang tiếp tục tập trung đẩy mạnh hoạt động này, với hy vọng trong năm 2017, tỉnh Hội sẽ hoàn thành chỉ tiêu xây mới 150 nhà tình thương, xây mới 3 cây cầu giao thông nông thôn cho người khuyết tật, trẻ mồ côi, các đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo và chắc chắn sẽ triển khai chương trình này trong thời gian sớm nhất.
Nguồn: Tạp chí Người Bảo trợ
Tin cùng chủ đề
Tin mới
- Đoàn kết, sáng tạo vượt qua thách thức - 17/01/2017 10:19
- Tỉnh, thành Hội: hướng về khúc ruột miền Trung - 17/01/2017 10:08
- Hội với vai trò kết nối hoạt động thiện nguyện - 17/01/2017 09:53
- Để thực hiện có hiệu quả vai trò tổ chức Hội: Chủ động, nỗ lực và nhạy bén - 17/01/2017 09:49
- Tỉnh Hội Đắc Lắc: Huy động nguồn lực hỗ trợ đối tượng tại xã xây dựng nông thôn mới - 17/01/2017 08:47
Các tin khác
- Tỉnh Hội Bắc Giang: Xây dựng, phát triển tổ chức Hội góp phần xã hội hóa công tác bảo trợ - 17/01/2017 03:39
- Tỉnh Hội Sơn La: Xây tương lai cho học sinh khuyết tật, mồ côi nghèo - 17/01/2017 03:23
- Tỉnh Hội Bình Phước: Kết nối cộng đồng, lan tỏa yêu thương - 17/01/2017 03:09
- Hướng đi phù hợp giúp sử dụng nguồn lực hiệu quả - 17/01/2017 02:53
- Góp phần chăm lo Tết cho người khuyết tật, trẻ mồ côi cả nước - 16/01/2017 06:11