Thứ ba, 17 Tháng 1 2017 17:19

Năm 2016, hoạt động trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Hội Bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi Việt Nam và các tổ chức thành viên đã có sự sáng tạo, đoàn kết một lòng để vượt qua, đạt được nhiều thành công đáng ghi nhận. Đó là kết quả của cả một quá trình trăn trở, tâm huyết của đội ngũ lãnh đạo, cán bộ Hội trong mỗi bước đi, mỗi chương trình mà Hội quyết định tham gia, thử nghiệm. Kết quả đạt được sẽ là những kinh nghiệm quý để Hội bổ sung, tích lũy cho chặng đường hoạt động tiếp theo của mình; thực hiện mục tiêu từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và hòa nhập hoàn toàn cho đối tượng.

Sáng tạo để mang lại hiệu quả

Có thể khẳng định, năm 2016, hoạt động của Trung ương Hội và các tổ chức thành viên tiếp tục được đẩy mạnh với sự sáng tạo, quyết tâm, thực hiện thành công nhiều chương trình, sự kiện có ý nghĩa. Các chỉ tiêu đề ra cho năm 2016 hầu hết đã vượt so với năm 2015. Tổng nguồn quỹ cả nước do Hội chủ trì, vận động (bằng tiền và hiện vật quy tiền) đạt 469 tỷ đồng và do Hội phối hợp với các đơn vị khác thực hiện trợ giúp đối tượng với tổng trị giá 69 tỷ đồng. Nguồn quỹ này được Hội triển khai thực hiện 6 chương trình trọng tâm của Hội và tổ chức nhiều hoạt động trợ giúp cho hơn 2,1 triệu lượt NKT, TMC và các đối tượng khó khăn, yếu thế khác.

Để có được kết quả này, ngoài sự nỗ lực, cố gắng của tập thể cán bộ Hội còn nhờ hệ thống Hội đã có những nét mới trong hình thức tổ chức hoạt động từ Trung ương đến địa phương. Có nhiều hình thức, biện pháp năm nay mới xuất hiện cho phù hợp với đối tượng, góp phần đưa tổ chức Hội vượt qua khó khăn, duy trì và phát huy kết quả hoạt động.

phuong huong 1

Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ Hội là cách để hoạt động Hội có hiệu quả hơn

 

Công tác tuyên truyền được Trung ương Hội và các tổ chức thành viên đặc biệt quan tâm, chú trọng , thể hiện ở hình thức tuyên truyền đa dạng, phương pháp hiệu quả, tiết kiệm. Đó là việc xây dựng chuyên mục tuyên truyền định kỳ trên báo, đài (Tuyên Quang, Phú Thọ…); phát hành tờ rơi, tờ gấp (Hải Dương…); tổ chức các hội thảo, tập huấn, tọa đàm (Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thái Bình…); hội nghị biểu dương NKT, TMC và NBT tiêu biểu (Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Nam, Hải Phòng, Tây Ninh, Bình Dương, Thừa Thiên Huế...); xây dựng website của tổ chức Hội, sử dụng mạng xã hội (Quảng Bình, Lâm Đồng, Thanh Hóa, Bình Phước...)… Nội dung tuyên truyền ngày càng phong phú: chức năng, nhiệm vụ của Hội, các kết quả hoạt động mà Hội đã triển khai; chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến đối tượng NKT, TMC; nhận thức, kỹ năng nghề CTXH...

phuong huong

Các tổ chức Hội cần đẩy mạnh hơn nữa sự đoàn kết, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm trong vận động tài trợ và tổ chức các hoạt động

(Trong ảnh: Tỉnh Hội Đắc Lắc và Lâm Đồng phối hợp lắp chân tay giả miễn phí cho NKT)

 

Việc các tổ chức Hội phát huy hoạt động tuyên truyền đã góp phần nâng cao nhận thức về NKT, TMC, tạo ra bước chuyển trong nhận thức từ từ thiện nhân đạo sang bảo đảm quyền con người, từ đó tạo sự ủng hộ, đồng thuận của các nhà tài trợ đối với Hội. Sự thành công và sức lan tỏa của các sự kiện tuyên truyền đã góp phần nâng cao hình ảnh, uy tín của Hội; khẳng định khả năng của NKT, TMC, trách nhiệm xã hội của các tổ chức, cá nhân đối với cộng đồng.

Cùng với công tác tuyên truyền, hiệu quả hoạt động Hội có được còn nhờ vào sự đổi mới phương thức hoạt động, tập trung chỉ đạo, điều hành một cách thống nhất, kết nối, phối hợp tốt đồng thời vận dụng một cách sáng tạo các quy định của Nhà nước liên quan đến tổ chức Hội để triển khai các hoạt động. Bà Nguyễn Thị Xuân Mỹ - Chủ tịch danh dự Trung ương Hội đánh giá: “Trước đây, sự tham gia của Hội vào vấn đề giám sát, phản biện chính sách vẫn còn nhiều hạn chế. Nhưng riêng năm 2016, nhiều địa phương đã bày tỏ mong muốn tham gia vào lĩnh vực này. Điều này thể hiện sự chuyển biến về mặt tinh thần, nhận thức, cố gắng thực hiện tốt trách nhiệm của mình của các tổ chức Hội”.

Về công tác giám sát việc thực hiện chính sách cho NKT, TMC. Nhiều tỉnh, thành Hội đã có cách làm sáng tạo, đặc biệt là Thanh Hóa, Vĩnh Long. Hội có thể tham gia đoàn giám sát hoặc phát hiện vấn đề thông qua việc khảo sát đối tượng để đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Một dấu ấn đáng ghi nhận nữa trong công tác Hội năm 2016 đó là luôn bám sát nhiệm vụ chính trị, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, biết phối hợp, kết hợp với các chương trình mục tiêu của Nhà nước để triển khai nhiệm vụ của Hội. Điều này được thể hiện rất rõ trong hoạt động hỗ trợ sinh kế, cải thiện điều kiện sinh hoạt cho NKT, TMC tại xã xây dựng nông thôn mới và cung cấp dịch vụ y tế cho đối tượng như cấp thẻ Bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh miễn phí, mổ mắt thay thủy tinh thể cho người mù nghèo…

Đoàn kết vượt qua thách thức

Năm 2017 vẫn là năm có nhiều thuận lợi cũng như thách thức, kể cả tình hình thế giới, trong nước và tình hình tổ chức Hội đòi hỏi toàn hệ thống Hội cùng đoàn kết, thống nhất trong hành động để vượt qua.

Hội sẽ đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về NKT, TMC nhằm thu hút tài trợ, ủng hộ quỹ Hội của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; tổ chức các sự kiện, các hoạt động phù hợp, tập trung vào dịp kỷ niệm Ngày NKT Việt Nam 18/4 và Ngày Quốc tế NKT 3/12. Tuyên truyền về Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ V nhiệm kỳ 2017 - 2022 và kỷ niệm 25 ngày thành lập Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam.

Trong năm tới, Hội tiếp tục chủ trương sẽ tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ liên quan đến NKT, TMC do Nhà nước giao, đặc biệt là các hoạt động trợ giúp mang tính bền vững theo 6 chương trình trọng tâm của Hội. Trong đó tập trung nghiên cứu mở rộng mô hình đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho NKT tại cộng đồng, đặc biệt quan tâm đến NKT còn khả năng lao động, NKT thuộc hộ nghèo ở các xã miền núi, xã đặc biệt khó khăn, xã bãi ngang ven biển. Trợ giúp tổ chức đào tạo nghề, xây dựng, mở rộng sản xuất kinh doanh, thu hút tạo việc làm cho NKT đối với chủ cơ sở là NKT. Hội tiếp tục thực hiện chương trình “Hỗ trợ NKT, TMC tại xã xây dựng nông thôn mới” gắn với giảm nghèo bền vững, góp phần vào việc hoàn thành các tiêu chí của xã NTM đối với NKT,TMC. Hội tiếp tục có sự trợ giúp về y tế, mở rộng hoạt động hỗ trợ đối tượng thuộc hộ cận nghèo có thẻ BHYT, góp phần đạt mức bao phủ BHYT theo chủ trương của Chính phủ. Mở rộng hình thức học bổng dài hạn đối với HSSV mồ côi, khuyết tật...

Cùng với các hoạt động trên, Hội sẽ đặc biệt quan tâm giải quyết các vấn đề mới phát sinh, giữ vững vị thế, vai trò của Hội. Trong tình hình mới, nhất là ở các địa phương đang xuất hiện vấn đề sát nhập, đổi tên tổ chức Hội, Hội sẽ có sự nghiên cứu thống nhất thực hiện nhiệm vụ hoạt động lĩnh vực NKT, TMC đối với tổ chức Hội thành viên có sự sáp nhập, đổi tên gọi. Trước mắt, để có thể duy trì và phát triển hoạt động Hội, các tổ chức Hội trong cả nước cần phải quan tâm, nhấn mạnh hơn nữa vai trò của tổ chức Hội trong việc bảo vệ và trợ giúp người khuyết tật và trẻ mồ côi trong các hoạt động tại địa phương và với các cơ quan nhà nước. Làm sao thể hiện rõ được truyền thống hoạt động Hội (25 năm hình thành và phát triển), hiệu quả hoạt động (hàng trăm tỷ đồng vận động nguồn quỹ mỗi năm, bảo trợ cho hàng triệu lượt đối tượng), phạm vi ảnh hưởng của tổ chức Hội (bao trùm tất cả NKT (trong đó, có cả nạn nhân chất độc da cam, thương binh, người mù, người khiếm thính, trẻ em khuyết tật…) và TMC). Từ đó, giữ vững định hướng hoạt động Hội theo Điều lệ đã được Bộ Nội vụ thông qua, giữ vững vị thế của tổ chức Hội tại cơ sở.  

 

 

Nguồn: Tạp chí Người Bảo trợ

 

 

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi