Nhằm đánh giá mức độ nhận thức của công chúng về quyền tham gia chính trị của NKT, xác định những rào cản sự tham gia và tìm kiếm những giải pháp hiệu quả đảm bảo quyền của NKT được tham gia bầu cử, ứng cử, Trung tâm hỗ trợ Sống độc lập của NKT Hà Nội với sự tài trợ của Mạng lưới bầu cử tiếp cận dành cho NKT (AGENDA) đã thực hiện Nghiên cứu nhận thức về Quyền bầu cử và ứng cử của NKT tại Hà Nội và Việt Nam. Chia sẻ của bà Nguyễn Hồng Hà, Giám đốc Trung tâm về những kết quả của cuộc nghiên cứu này.
Việt Nam đã phê chuẩn Công ước về Quyền của NKT và NKT có đầy đủ các quyền tham gia vào mọi hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội, trong đó có quyền bầu cử và ứng cử. Toàn xã hội đang thực thi công ước, quyết tâm hiện thực hóa quyền của NKT, trong đó, các tổ chức của người khuyết tật và vì người khuyết tật đóng vai trò quan trọng. Từ khi thành lập, Hội NKT Hà Nội đã luôn quan tâm đến vấn đề hướng dẫn vận động chính sách cho tổ chức, cá nhân NKT; qua đó đã góp phần nâng cao năng lực, hiểu biết cho NKT về quyền tham gia đời sống chính trị và cộng đồng của mình. Tuy nhiên, để NKT thực hiện được quyền bình đẳng về chính trị của mình thì trước hết, những rào cản về nhận thức, tiếp cận, chính sách… cần được dỡ bỏ.
Bà Nguyễn Hồng Hà
Cách đây 3 năm, Trung tâm Sống độc lập của NKT Hà Nội đã thực hiện một nghiên cứu về tiếp cận bầu cử với NKT, nghiên cứu này đặc biệt nhấn mạnh vấn đề tiếp cận tại địa điểm bầu cử. Tiếp nối nghiên cứu này, năm 2015, được sự tài trợ của Mạng lưới bầu cử tiếp cận dành cho NKT, Trung tâm tiếp tục thực hiện nghiên cứu thứ hai nhằm đánh giá mức độ nhận thức hiện nay của công chúng Hà Nội, Việt Nam về tham gia chính trị của NKT bao gồm quyền bầu cử và ứng cử trong 6 nhóm hưởng lợi chính là: cán bộ cơ quan chính quyền, các tổ chức đoàn thể (có trách nhiệm tổ chức các thủ tục bầu cử), NKT, các Hội NKT, cán bộ các cơ quan truyền thông và bạn bè, gia đình, hàng xóm của NKT, người dân.
Mục tiêu chủ yếu của nghiên cứu là xác định các rào cản sự tham gia và các biện pháp hiệu quả nhằm đảm bảo các quyền của NKT. Các phát hiện của nghiên cứu sẽ được sử dụng để khuyến nghị hỗ trợ các công cụ truyền thông hiệu quả nhằm tăng cường sự tham gia chính trị của NKT trong các cuộc bầu cử trong tương lai. Mục tiêu thứ hai là về nhận thức và quan niệm của cán bộ truyền thông về quyền của NKT, vai trò của cán bộ truyền thông trong việc nâng cao nhận thức của công chúng về vấn đề này.
Chúng tôi đã tiến hành khảo sát theo phương pháp kết hợp, sử dụng phỏng vấn theo cấu trúc, bao gồm cả câu hỏi định lượng (câu hỏi liệt kê) và định tính (câu hỏi không hạn chế). Các câu hỏi khảo sát được thiết kế phù hợp với 6 nhóm đối tượng hưởng lợi khác nhau, có các vai trò quan trọng trong việc tham gia chính trị của NKT ở Việt Nam.
Các cán bộ thu thập số liệu là 6 phỏng vấn viên từ Trung tâm Sống độc lập của NKT Hà Nội. Các phỏng vấn viên đã được tham gia tập huấn 1 ngày tại Trung tâm với sự hướng dẫn của các giảng viên có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực hỗ trợ NKT. Nội dung tập huấn là các kỹ năng phỏng vấn, kỹ năng lắng nghe, cách thu thập thông tin số liệu bảng hỏi, các tổ chức và các bước tiến hành phỏng vấn, nguyên tắc ứng xử trong thực hiện nghiên cứu… nhằm thu thập số liệu hiệu quả và hoàn chỉnh. Việc thu thập số liệu diễn ra trong thời gian 2 tuần đầu tháng 6/2015.
Theo phân tích, trong 100 mẫu phỏng vấn, những người trả lời phỏng vấn thuộc cơ quan chính quyền (10 người) gồm Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch, PCT HĐND của một số phường, xã và các quận của Hà Nội. Nhóm cán bộ tổ chức đoàn thể (có 12 người) thuộc Hội Liên Hiệp Phụ nữ, Mặt trận Tổ quốc, Hội Cựu chiến binh, Hội Chữ thập đỏ, Hội Người cao tuổi. Nhóm NKT (19 người) gồm NKT vận động, điếc/khó nghe, mù/khiếm thị và khuyết tật thần kinh. Nhóm cơ quan truyền thông (8 người) gồm cán bộ truyền thông của các hãng thông tấn, Đài Tiếng nói Việt Nam, báo Nhân dân, Thông tấn xã Việt Nam, truyền hình Nhân dân, Tạp chí Nhân quyền. Nhóm gia đình và người dân (41 người) gồm các thành viên gia đình, bạn bè, hàng xóm và người thân Hà Nội khác. Tuổi của người được phỏng vấn từ 18 - 80 tuổi.
Những phát hiện của nghiên cứu này chỉ ra rằng, một bộ phận lớn công dân Hà Nội ủng hộ quyền của NKT tham gia bầu cử và đứng ra ứng cử. Tuy nhiên, tỷ lệ NKT đã đi bầu cử trong thời gian gần đây thấp hơn tiêu chí quốc gia đã báo cáo. Nhiều công dân Hà Nội không biết về việc Luật quy định NKT có quyền tham gia bầu cử.
Các đại biểu trong dịp công bố kết quả nghiên cứu nhận thức và quyền bầu cử, ứng cử của NKT
Những người tổ chức bầu cử đã đạt được những tiến bộ lớn nhằm đảm bảo các thủ tục bầu cử và các điểm bầu cử hoàn toàn tiếp cận được đối với NKT. Nhiều biện pháp tiện nghi và loại hình hỗ trợ khác nhau được sử dụng nhằm cho phép NKT thực hiện các quyền công dân của họ như hỗ trợ tại các điểm bỏ phiếu, hòm phiếu di động. Gia đình, họ hàng, làng xóm của NKT cũng như các công dân Hà Nội đã cung cấp các hỗ trợ không chính thức nhưng cấp thiết cho NKT như đưa đón đến địa điểm bầu cử để NKT tham gia bầu cử. Mặt khác, những người trả lời phỏng vấn thống nhất rằng, nhiều rào cản tiếp tục hạn chế sự tham gia của NKT trong bầu cử bao gồm cả tiếp cận hạn chế tại một số điểm bầu cử trong các cuộc bầu cử vừa qua. Cán bộ các cơ quan truyền thông ủng hộ mạnh mẽ nhận định rằng cơ quan truyền thông có vai trò chủ yếu trong nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội về quyền của NKT. Một số cán bộ truyền thông phát biểu rằng cơ quan của họ đã đưa các tin tức đề cập đến quyền của NKT được bầu cử tại điểm bầu cử, tuy nhiên còn ít các bài viết có đề cập đến quyền của NKT được đứng ra ứng cử và bầu cử tại các điểm bầu cử tiếp cận.
Dựa trên những phát hiện của nghiên cứu, nhằm tăng cường tuyên truyền thông tin bầu cử đến NKT và đảm bảo rằng NKT có thể bầu cử tại các điểm bỏ phiếu tiếp cận được và có thể đứng ra ứng cử, theo chúng tôi: lãnh đạo các Hội NKT nên tổ chức cho các thành viên NKT của mình tại phường/quận để chia sẻ thông tin về bầu cử, tiến trình bầu cử và huy động NKT tham gia vào các cuộc bầu cử. Lãnh đạo Hội NKT cũng nên tham vấn với cán bộ chính quyền, tổ chức đoàn thể, những người tổ chức bầu cử, chia sẻ với họ kiến thức về khuyết tật và tiện nghi thích hợp nhằm phát huy những thực tiễn tốt nhất về tiếp cận các thủ tục bầu cử và tiếp cận hoàn toàn đến tất cả các điểm bầu cử. Hội NKT cũng nên tham vấn với cơ quan chính quyền và tổ chức đoàn thể nhằm tăng cường nhận thức của cán bộ về vai trò thái độ tiêu cực của xã hội và môi trường không tiếp cận trong việc hạn chế sự tham gia của NKT trong bầu cử và ứng cử.
Các cơ quan chính quyền, tổ chức đoàn thể cần phối hợp với các Hội NKT tổ chức các hội thảo, tập huấn cho NKT để NKT hiểu được quyền của mình được bầu cử và ứng cử cũng như nắm bắt được mối quan tâm của NKT. Cơ quan truyền thông cần tuyên truyền rộng rãi bằng nhiều hình thức khác nhau các quyền của NKT, trong đó có quyền tham gia bầu cử và ứng cử nhằm giáo dục và huy động cộng đồng xã hội tạo điều kiện để NKT thực hiện được các quyền này. Những NKT có đủ năng lực, phẩm chất cần được động viên, hỗ trợ để họ tham gia ứng cử.
Nguồn: Tạp chí Người Bảo Trợ
Tin cùng chủ đề
Tin mới
- Chương trình giao lưu nghệ thuật “Mùa xuân cho em” lần thứ 9 - 18/01/2016 05:49
- Sử dụng lao động cao tuổi làm việc nặng nhọc phải theo điều kiện nghiêm ngặt - 15/01/2016 10:03
- Đề xuất chính sách hỗ trợ chữa bệnh nghề nghiệp - 15/01/2016 09:59
- Đảm bảo hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động - 12/01/2016 08:50
- Hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề lao động bị tai nạn LĐ - 12/01/2016 08:44
Các tin khác
- Dịch vụ phục hồi chức năng lao động cho NKT - 08/01/2016 03:31
- Tái thích ứng nghề nghiệp và việc làm của NKT - 08/01/2016 03:26
- Xã hội hóa Trung tâm Bảo trợ xã hội - 06/01/2016 07:34
- Nhiều điểm mới trong Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) - 06/01/2016 07:27
- Nối dài ước mơ cho người khuyết tật - 24/12/2015 07:44