Thứ sáu, 08 Tháng 1 2016 10:31

Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, trong số 7 triệu NKT của cả nước, có tới 93,4% người trên 16 tuổi không có chuyên môn kỹ thuật, số có bằng cấp từ chứng chỉ nghề trở lên chỉ chiếm 6,5%. Để phát huy nguồn lao động là NKT còn khả năng lao động, giảm gánh nặng xã hội cho Nhà nước đồng thời đảm bảo hiện thức hóa các quy định của Công ước quốc tế về Quyền của NKT, Luật NKT, các văn bản pháp luật hiện hành... việc phục hồi chức năng lao động, việc làm cho NKT đóng vai trò hết sức quan trọng.

Phục hồi chức năng lao động cho NKT góp phẩn giảm gánh nặng xã hội

Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam đã quy định chi tiết, cụ thể các chính sách liên quan đến lĩnh vực dạy nghề, việc làm của NKT(*).

Trên thực tế, NKT nằm trong nhóm dân số nghèo nhất, đã và đang tạo gánh nặng cho xã hội, quốc gia, phần lớn sức lao động của họ chưa được khai thác. Thế giới hiện có 600 triệu NKT, châu á có 370 triệu, trong đó, có 238 triệu NKT trong độ tuổi lao động. Phần lớn NKT sinh sống ở nông thôn và tỷ lệ thất nghiệp cao gấp hai lần so với dân số chung, trong đó, tập trung 80% ở các nước đang phát triển.

CVDXH anh 1

Tư vấn việc làm cho NKT

So sánh với các nước ASEAN, Việt Nam có tỷ lệ NKT/dân số cao nhất, chiếm 7,8%, tương đương 7 triệu NKT, trong đó, có tới 93,4% người trên 16 tuổi không có kỹ năng lao động. Cùng với sự phát triển doanh nghiệp, hệ thống các cơ sở dạy nghề, trung tâm dịch vụ việc làm và các cơ sở hỗ trợ NKT khác rộng khắp trên cả nước, sự giúp đỡ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, việc phục hồi chức năng lao động, việc làm cho NKT cần được quan tâm, chú trọng vì lợi ích của chính bản thân NKT, doanh nghiệp và xã hội.

Các dịch vụ phục hồi chức năng cho NKT gồm có phục hồi chức năng y tế, nhận thức, xã hội và phục hồi chức năng lao động. Trong đó, phục hồi chức năng lao động được hiểu là một quá trình phối hợp liên tục liên quan đến việc cung cấp các dịch vụ hướng nghiệp được thiết kế nhằm giúp NKT có việc làm. Dịch vụ phục hồi chức năng lao động cho NKT được cung cấp dựa trên nguyên tắc: tôn trọng giá trị riêng biệt vì lợi ích của NKT, giúp NKT được chấp nhận đầy đủ và toàn diện hơn quyền bình đẳng như mọi thành viên khác trong xã hội, quan tâm đến đặc điểm riêng, chú trọng đến điểm mạnh của từng NKT và tôn trọng quyền tự quyết của NKT. Các dịch vụ phục hồi chức năng lao động cho NKT đòi hỏi phải lấy con người làm trung tâm, coi con người là đối tượng phục vụ quan trọng nhất, huy động các thành viên trong cộng đồng hỗ trợ NKT.

Các dịch vụ phục hồi chức năng lao động cho NKT

Dịch vụ phục hồi chức năng lao động cho NKT là dịch vụ giúp cho NKT có việc làm bình đẳng trong cộng đồng. Các dịch vụ phục hồi chức năng lao động cho NKT cơ bản bao gồm: đánh giá khả năng lao động, tư vấn phục hồi chức năng lao động, đào tạo kỹ năng làm việc, các dịch vụ hỗ trợ cũng như việc làm hoà nhập và dịch vụ việc làm trong tổ chức hoặc tại cộng đồng. Trong đó trọng tâm của toàn bộ các dịch vụ này là khả năng và nhu cầu của NKT. Các dịch vụ phục hồi chức năng lao động tập trung vào khả năng của NKT thay vì vào khuyết tật. Tất cả các dịch vụ được kết nối và bổ sung cho nhau, không có các dịch vụ đơn lẻ. Các dịch vụ kết nối trực tiếp với nhu cầu của NKT chứ không phải NKT điều chỉnh theo dịch vụ. Cán bộ đòi hỏi phải có kiến thức và kỹ năng liên quan đến các nguyên tắc phục hồi chức năng lao động. Kết quả tập trung vào việc tìm được việc làm cho NKT khách hàng.

Đánh giá khả năng lao động của NKT trước khi tiến hành các hoạt động phục hồi. Việc đánh giá sẽ xác định được những yếu tố cần thiết như sở trường, khả năng và các lĩnh vực cần cải thiện cần thiết để xác định và đảm bảo có việc làm cho NKT.

Các bước cụ thể trong quy trình đánh giá khả năng lao động gồm: Phỏng vấn ban đầu: đánh giá các kinh nghiệm đã qua của cá nhân NKT bao gồm kinh nghiệm làm việc, học tập, gia đình, sự tham gia vào cộng đồng và tính cách cá nhân. Đánh giá năng lực của cá nhân để có thông tin hỗ trợ tham gia vào việc lựa chọn và ra quyết định liên quan đến mong muốn của cá nhân NKT và cơ hội việc làm. Xác định các công cụ hỗ trợ và những điều chỉnh cần thiết để giúp NKT tìm kiếm và giữ được việc làm. Lập kế hoạch và lựa chọn, sắp xếp các công cụ đánh giá khả năng lao động: trong đó xác định các công cụ và phương pháp đánh giá phù hợp với đặc điểm văn hoá, đáp ứng nhu cầu và mong đợi của nhà tuyển dụng tại địa phương.

Lựa chọn công cụ đánh giá phù hợp với nhu cầu của cá nhân NKT. Phân tích các thông tin đánh giá và thảo luận với cá nhân NKT về các thông tin này. Hoàn thiện tiến trình đánh giá khả năng lao động bằng việc sử dụng các công cụ đánh giá: các bài kiểm tra chuẩn như bài kiểm tra độ khéo tay trên các phụ tùng nhỏ, bộ công cụ khám phá năng khiếu, cá bài kiểm tra trên bảng lắp ráp và những bài tương tự khác. Thực hành trên mẫu thực việc giả giả định (ví dụ như những công việc cụ thể trên thị trường lao động với các công cụ, nhiệm vụ và kết quả mong muốn được tái hiện tại Trung tâm đánh giá khả năng lao động).

Đánh giá tại nơi làm việc (nghĩa là xây dựng quan hệ với nhà tuyển dụng tại địa phương để giúp NKT có thể làm một công việc cụ thể trong một thời gian ngắn, để đánh giá xem NKT đó có quan tâm, có năng khiếu và năng lực thực hiện các yêu cầu của công việc này hay không). Tiến hành phỏng vấn thông tin từ nhà tuyển dụng và những mong đợi của họ đối với công việc, thông tin từ các dịch vụ giáo dục đào tạo và những yêu cầu đào tạo, đầu ra của dịch vụ này, hình thành mẫu thử việc (mẫu công việc giả định từ những yêu cầu công việc cụ thể hoặc đặc điểm chung của các công việc).

Theo kinh nghiệm của Hội Trợ giúp NKT Việt Nam (VNAH), có thể sử dụng kết hợp các chiến lược đánh giá như bài kiểm tra, thực hành trên các yêu cầu công việc giả định, đánh giá tại nơi làm việc, phỏng vấn, dữ liệu từ các nhà tuyển dụng và kỳ vọng của họ đối với công việc, dữ liệu từ các dịch vụ giáo dục, đào tạo và kỳ vọng của họ về nhập học và tốt nghiệp…

CVDXH anh 2

NKT làm việc tại Công ty Esoftflow

Khi quá trình đánh giá khả năng lao động của NKT hoàn tất, cần tiến hành tư vấn phục hồi chức năng lao động cho NKT. Đây là quá trình trao quyền cho NKT, cá nhân NKT tự đưa ra các lựa chọn có đẩy đủ thông tin, xây dựng nên các phương án lựa chọn việc làm có tính khả thi đồng thời trở thành người độc lập hơn trong xã hội. Hoạt động này giúp cán bộ chuyên môn có năng lực phối hợp với NKT, giúp họ tìm kiếm và duy trì việc làm, tăng cường sự độc lập của NKT trong cộng đồng. Hoạt động tư vấn phục hồi chức năng lao động được cá nhân hoá và điều chỉnh theo NKT.

Dịch vụ đào tạo kỹ năng làm việc cho NKT là các khoá đào tạo chính quy được tổ chức để hỗ trợ NKT tìm việc, có được cá kỹ năng cần thiết cho một công việc cụ thể hoặc một nhóm công việc tương đương. Dịch vụ này được thực hiện tại nơi làm việc dưới hình thức thực tập, đào tạo tại chỗ hoặc làm tình nguyện viên trong môi trường giáo dục, đào tạo chính quy có tổ chức hoặc tại đơn vị tuyển dụng… Để thực hiện hoạt động này cần đánh giá sự sẵn sàng làm việc của NKT và hỗ trợ cá nhân đó phát huy sự sẵn sàng của mình. Khớp nhu cầu và nguyện vọng của NKT với những việc đào tạo những kỹ năng làm việc cần thiết có liên tới thị trường lao động tại địa phương và đánh giá của những nhà tuyển dụng tương lai. Nắm được những kỹ năng làm việc cụ thể giúp NKT thể hiện được một công việc cụ thể trong cộng đồng.

Việc đào tạo kỹ năng làm việc cho NKT cần giúp NKT nắm được những kỹ năng xã hội và kỹ năng liên quan đến công việc, tập trung vào thái độ làm việc, hiểu biết về chất lượng, hiệu quả, tốc độ và khả năng làm việc theo nhóm, sử dụng công nghệ, kỹ năng xã hội liên quan đến công việc, kỹ năng tìm việc và phỏng vấn…

Thực tiễn phục hồi chức năng lao động cho NKT

Hoạt động đào tạo được thực hiện tập trung vào đối tượng là cán bộ, nhân viên các trung tâm dịch vụ việc làm, cơ sở đào tạo nghề, các tổ chức của NKT, các cơ sở phục hồi chức năng cho NKT. Nội dung giới thiệu và phân tích chính sách việc làm cho NKT, thực trạng NKT ở Việt Nam và quy trình cung cấp các dịch vụ phục hồi chức năng lao động, việc làm cho NKT. Trong đó, mô hình và quy trình cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng lao động, việc làm cho NKT tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội được đánh giá cao.

Mô hình phục hồi chức năng lao động cho NKT tại Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội được thiết lập thành mạng lưới giữa Trung tâm – Doanh nghiệp tuyển dụng tham gia mạng lưới – Trường dạy nghề, trung tâm đào tạo nghề và Trung tâm phục hồi chức năng, tư vấn viên đồng cảnh. Đối với NKT khi nộp đơn vào trung tâm, hồ sơ sẽ được rà soát, đánh giá tính phù hợp từ đó quyết định thực hiện. Nếu NKT được đánh giá là không phù hợp, họ sẽ được giới thiệu đến các nguồn phục hồi chức năng khác như phục hồi chức năng y tế, cai nghiện…

 

CVDXH anh 3

NKT tham gia sàn giao dịch việc làm lồng ghép do Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tổ chức

Nếu NKT được đánh giá là phù hợp họ sẽ được chuyển lên các bước tiếp theo bao gồm việc xây dựng kế hoạch cá nhân (đánh giá và tư vấn nghề nghiệp), cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng (gồm dịch vụ phục hồi thể chất, tinh thần (bao gồm cả tư vấn tâm lý và tư vấn đồng cảnh), đào tạo nghề, đào tạo kỹ năng làm việc, có dịch vụ hỗ trợ đặc biệt với người mù, người điếc, dịch vụ cung cấp các công nghệ phục hồi chức năng..) từ đó bố trí việc làm phù hợp. Sau khi có việc làm NKT còn được hỗ trợ trong quá trình làm việc nhằm đảm bảo việc duy trì công việc lâu dài, ổn định.

Tại các Trung tâm Dịch vụ việc làm còn tổ chức các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm cho NKT với các bộ phận, cán bộ chuyên trách, thực hiện theo chỉ tiêu hàng tháng, quý, năm… Các phiên giao dịch việc làm lồng ghép tại các địa phương có thị trường lao động tương đối phát triển, lượng cung, cầu lao động lớn (trong đó, có NKT), thu thập thông tin, mở rộng mạng lưới liên kết, tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức vì NKT và của NKT.

Tỷ lệ NKT trong độ tuổi lao động lớn cũng là một lợi thế nếu biết khai thác, sử dụng. Việc phục hồi chức năng lao động cho NKT góp phần tích cực giúp nhà nước giảm gánh nặng chi phí xã hội. Để đẩy mạnh hơn nữa hoạt động này, các cơ quan chức năng cần phát triển hơn nữa cơ sở dữ liệu về thị trường lao động bao gồm thông tin về NKT (số lượng, dạng tật, khả năng phục hồi chức năng lao động, việc làm, có kỹ năng và khả năng làm việc) và doanh nghiệp có khả năng và nhu cầu sử dụng NKT (ngành nghề, yêu cầu về sức khoẻ, kỹ năng, điều kiện, môi trường làm việc, thu nhập…). Ngoài ra, cần bố trí nguồn lực phát triển mạng lưới cung cấp các dịch vụ phục hồi chức năng lao động, việc làm cho NKT, hoàn thiện tài liệu và tổ chức đào tạo nâng cao…

(*) Luật NKT 2010 (Chương V), Bộ Luật Lao động năm 2012 (Điều 12, Chương II), Luật Việc làm năm 2013 (Chương II), Nghị định 61/2015/NĐ-CP ngày 9/7/2015 quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và quỹ quốc gia về việc làm, Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10/4/2012 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật NKT, trong đó Chương II quy định cụ thể về việc làm cho NKT, Quyết định số 1019/QĐ-TTg ngày 5/8/2012 phê duyệt Đề án Trợ giúp NKT giai đoạn 2012 - 2020… Hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm cũng được quy định rất rõ tại: Nghị định số 196/2013/NĐ-CP, ngày 21/11/2013 quy định thành lập và hoạt động của Trung tâm Dịch vụ việc làm và Thông tư số 07/2015/TT-BLĐTBXH, ngày 25/2/2015 quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định 196 và Nghị định 52/2014/NĐ-CP, Quyết định số 3930/LĐTBXH-TCDN ngày 21/10/2014 về việc thực hiện công tác dạy nghề và tạo việc làm cho NKT….

 

Nguồn: Tạp chí Người Bảo Trợ

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi