Công ước số 159 về Tái thích ứng nghề nghiệp và việc làm của NKT được thông qua ngày 20/6/1983 tại Hội nghị toàn thể của tổ chức lao động quốc tế lần thứ 69 tại Giơ-ne-vơ, Thụy Sĩ nhằm mục đích đảm bảo sự bình đẳng trong cơ hội và đối xử với tất cả mọi NKT ở khu vực thành thị và nông thôn trong việc làm và trong sự hòa nhập vào cộng đồng. Tính đến tháng 10/2015 đã có 83 quốc gia tham gia phê chuẩn Công ước này. Trong bối cảnh Việt Nam đã phê chuẩn Công ước quốc tế về Quyền của NKT, việc đánh giá sự tương thích giữa pháp luật Việt Nam với Công ước số 159 về tái thích ứng nghề nghiệp và việc làm của NKT là bước quan trọng để Việt Nam phê chuẩn Công ước này.
Hoạt động chuẩn bị cho việc tham gia Công ước số 159 do Vụ Pháp chế, Bộ LĐ-TB&XH tổ chức
Theo Công ước số 159, mọi quốc gia thành viên phải coi mục đích tái thích ứng nghề nghiệp là tạo cho NKT có khả năng tìm được một việc làm phù hợp, trụ lâu dài với công việc đó và thăng tiến với nó và nhờ đó thúc đẩy việc hòa nhập và tái hòa nhập của cá nhân đó vào xã hội. Trong các nguyên tắc của chính sách tái thích ứng nghề nghề nghiệp và việc làm cho NKT có khẳng định mọi quốc gia thành viên theo điều kiện, tập quán và khả năng của đất nước mình, phải xây dựng, thực hiện và định kỳ xem xét lại chính sách quốc gia trong lĩnh vực phục hồi chức năng lao động và việc làm cho NKT, thúc đẩy cơ hội việc làm cho NKT trên thị trường lao động mở….
Mọi quốc gia thành viên cần tiến hành mọi hành động cần thiết để thực thi tái thích ứng nghề nghiệp và việc làm cho NKT. Cung cấp và đánh giá các dịch vụ về hướng nghiệp, đào tạo nghề, sắp xếp việc làm, tuyển dụng và các dịch vụ khác có liên quan giúp cho NKT tìm được và duy trì việc làm. Các quốc gia thành viên phải có biện pháp khuyến khích tạo lập và phát triển các dịch vụ tái thích ứng nghề nghiệp và việc làm cho NKT ở nông thôn và các vùng sâu, vùng xa….
Nghiên cứu về sự tương thích giữa pháp luật Việt Nam và Công ước số 159 cho thấy: Pháp luật Việt Nam có hệ thống các quy định khá toàn diện, thống nhất về NKT nói chung, về tái thích ứng nghề nghiệp và việc làm của NKT nói riêng. Xuyên suốt Luật NKT năm 2010 là những quy định về học nghề và việc làm đối với NKT, bên cạnh đó là các quy định về chăm sóc sức khỏe, học văn hóa đối với NKT để họ có thể thích ứng nghề nghiệp và việc làm của mình, thúc đẩy cơ hội việc làm của họ trên thị trường lao động.
Bộ Luật lao động năm 2012 dành riêng một mục quy định về lao động là NKT, đây cũng chính là những chính sách ưu đãi của Nhà nước trong lĩnh vực dạy nghề và biện pháp để thúc đẩy cơ hội việc làm cho NKT. Tuy nhiên, pháp luật mới chỉ dừng lại ở mức quy định chung về điều kiện đối với các cơ sở dạy nghề mà chưa có quy định về đánh giá mức độ khuyết tật theo khả năng lao động (hiện mới chỉ tồn tại các hệ thống đánh giá dạng tật theo y tế mà chưa có hệ thống đánh giá về khả năng lao động còn lại). Chính vì vậy, việc dạy nghề cho NKT khó có thể phù hợp với khả năng lao động của họ và yêu cầu của nghề nghiệp tương lai, khi NKT đã học nghề.
Công ước số 159 đề cập đến sự bình đẳng về cơ hội và đối xử giữa người lao động nam giới có khuyết tật với lao động nữ giới có khuyết tật phải được tôn trọng. những biện pháp tích cực, đặc biệt nhằm bảo đảm quyền bình đẳng thực sự về cơ hội và về đối xử giữa những người lao động có khuyết tật với những người lao động khác sẽ không bị coi là phân biệt đối xử với người lao động khác”. Pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể về bình đẳng cơ hội và đối xử giữa người lao động nam giới khuyết tật với lao động nữ giới khuyết tật mà quy định về lao động là NKT nói chung (Bộ Luật Lao động năm 2012) và quy định về bình đẳng nam – nữ nói chung, không phân biệt nam, nữ giới khuyết tật và nam, nữ giới không có khuyết tật.
Pháp luật Việt Nam hiện hành quy định tương đối toàn diện về hướng nghiệp và đào tạo nghề cho NKT, Luật dạy nghề cũng dành 1 chương quy định về dạy nghề cho NKT. Luật quy định rất cụ thể về chính sách với người học nghề là NKT cũng như chính sách với giáo viên dạy nghề cho đối tượng này. Bên cạnh đó, nhằm khuyến khích công tác dạy nghề, tạo việc làm cho NKT, Bộ Luật Lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định các chế độ ưu đãi đối với các cơ sở dạy nghề, cơ sở sản xuất, kinh doanh dành riêng cho NKT.
Về đánh giá các dịch vụ hướng nghiệp, đào tạo nghề, sắp xếp việc làm, tuyển dụng và các dịch vụ khác liên quan giúp NKT có thể tìm được và duy trì việc làm, hiện nay, pháp luật Việt Nam mới chỉ dừng lại ở mức quy định chung về cơ sở dạy nghề, cơ sở sản xuất kinh doanh dành riêng cho NKT và có nơi sử dụng lao động là NKT mà chưa có quy định cụ thể về giám sát đối với các cơ sở này. Đây là một trong những điểm khuyết của pháp luật: có quy định ưu đãi nhưng thiếu cơ chế giám sát thi hành và thiếu chế tài xử phạt cụ thể.
Đánh giá mức độ tương thích giữa pháp luật Việt Nam và Công ước sô 159 sau khi Việt Nam phê chuẩn Công ước quốc tế về Quyền của NKT, việc Việt Nam gia nhập Công ước số 159 sẽ thể hiện sự cam kết trong lĩnh vực lao động và việc làm cho người khuyết tật, qua đó thể hiện sự tôn trọng, bảo vệ và đảm bảo quyền con người, quyền công dân của Việt Nam. Dự kiến, quý I năm 2016, các cơ quan chức năng sẽ hoàn thiện hồ sơ trình cấp có thẩm quyền ra quyết định gia nhập Công ước số 159. Sau khi gia nhập Công ước, Chính phủ Việt Nam sẽ xây dựng chương trình thực hiện các điều khoản của Công ước và tổ chức giám sát và xây dựng báo cáo quốc gia về việc thực hiện Công ước.
Nguồn: Tạp chí Người Bảo Trợ
Tin mới
- Đề xuất chính sách hỗ trợ chữa bệnh nghề nghiệp - 15/01/2016 09:59
- Đảm bảo hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động - 12/01/2016 08:50
- Hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề lao động bị tai nạn LĐ - 12/01/2016 08:44
- Nghiên cứu nhận thức về quyền bầu cử, ứng cử của NKT - 08/01/2016 03:37
- Dịch vụ phục hồi chức năng lao động cho NKT - 08/01/2016 03:31
Các tin khác
- Xã hội hóa Trung tâm Bảo trợ xã hội - 06/01/2016 07:34
- Nhiều điểm mới trong Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) - 06/01/2016 07:27
- Nối dài ước mơ cho người khuyết tật - 24/12/2015 07:44
- Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX: “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” - 22/12/2015 04:23
- Dụng cụ hỗ trợ với người khuyết tật - 22/12/2015 03:39