Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) chính thức có hiệu lực từ ngày 01/1/2016 với rất nhiều điểm mới quan trọng theo hướng có lợi cho người lao động. Tuy nhiên, vấn đề được các doanh nghiệp và người lao động quan tâm thời điểm này, đó là mức tiền lương, phụ cấp hằng tháng đóng BHXH trong thời gian tới sẽ có những thay đổi và ảnh hưởng như thế nào?
Ảnh minh họa
Năm 2016, tỷ lệ % đóng BHXH bắt buộc chưa thay đổi
Trưởng ban Thu (BHXH Việt Nam) Trần Đình Liệu cho biết: Năm 2016, tỷ lệ đóng BHXH bắt buộc là 26% tiền lương tháng, mức đóng này được giữ từ ngày 01/1/2014 đến nay và chưa thay đổi. Trong đó, người lao động đóng bằng 8% tiền lương tháng đóng BHXH (vào quỹ hưu trí và tử tuất); người sử dụng lao động đóng bằng 18% tiền lương tháng đóng BHXH (14% vào quỹ hưu trí, tử tuất; 1% vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, 3% vào quỹ ốm đau, thai sản).
Về tiền lương tháng đóng BHXH, không có sự thay đổi đối với người lao động thuộc đối tượng hưởng lương theo thang lương, bảng lương do Nhà nước quy định. Từ 01/1/2016, những người hưởng lương theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định (như công chức, viên chức nhà nước hưởng lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2014), thì tiền lương để tính đóng BHXH không thay đổi, cụ thể: vẫn đóng BHXH theo tiền lương theo ngạch, bậc, cấp bậc quân hàm và các khoản phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề (nếu có). Viên chức quản lý chuyên trách trong công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu đóng BHXH theo hệ số tiền lương quy định tại Nghị định số 51/2013/NĐ-CP ngày 14-5-2013 của Chính phủ quy định chế độ tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với thành viên hội đồng thành viên hoặc chủ tịch công ty, kiểm soát viên, tổng giám đốc hoặc giám đốc, phó tổng giám đốc hoặc phó giám đốc, kế toán trưởng trong công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.
Nhưng đối với người lao động đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định, thì theo quy định tại khoản 2 Điều 89 của Luật BHXH, có lộ trình: Từ ngày 01/1/2016 đến 31/12/2017, tính đóng BHXH theo mức lương và phụ cấp lương ghi trong hợp đồng lao động (HĐLĐ). Như vậy, so với quy định trước đây, tiền lương tính đóng BHXH giai đoạn 2016 - 2017 có thêm khoản phụ cấp lương. Từ ngày 01/1/2018 trở đi, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác ghi trong HĐLĐ.
Theo ông Trần Đình Liệu, quy định này có những điểm mới so với quy định tại Luật BHXH năm 2006 là: người lao động trong doanh nghiệp nhà nước, hưởng lương theo hệ số theo Nghị định số 205/2004/NĐ-CP ngày 24/12/2004, trước năm 2016 đang đóng, hưởng BHXH theo hệ số, thì từ ngày 01/1/2016 trở đi tính đóng BHXH theo tiền lương ghi trong HĐLĐ như những NLĐ làm việc trong doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước. Điều này sẽ tạo sự bình đẳng giữa khu vực doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp ngoài nhà nước. Và tiền lương đóng BHXH từ 01/1/2016 là tiền lương ghi trong HĐLĐ, gồm thêm phụ cấp lương, và từ 01/1/2018 thêm cả các khoản phụ cấp khác.
Doanh nghiệp nhà nước phải nhanh chóng xây dựng lại thang bảng lương
Theo thống kê của BHXH Việt Nam, hiện còn khoảng 7.200 doanh nghiệp nhà nước (doanh nghiệp cổ phần hóa, công ty TNHH một thành viên…) với hơn 1,1 triệu lao động phải chuyển đổi hệ thống thang lương, bảng lương theo Nghị định số 49/2013/NĐ-CP của Chính phủ, quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tiền lương. Sau khi Nghị định này ban hành, các doanh nghiệp nhà nước vẫn chưa xây dựng thang bảng lương kịp thời, nên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TBXH) và BHXH Việt Nam đã xin ý kiến của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho phép giãn lộ trình này đến hết năm 2015. Tuy đã có hơn hai năm để thực hiện, nhưng đến thời điểm này còn hơn 7.200 doanh nghiệp vẫn đang sử dụng hệ thống thang bảng lương theo hệ số nhà nước, điều này tạo ra sự không công bằng giữa hai khu vực doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp ngoài nhà nước.
Ông Trần Đình Liệu cho biết, trong hai năm vừa qua, cơ quan BHXH Việt Nam cũng như BHXH các địa phương đã nhiều lần thông tin và làm việc về vấn đề này với các doanh nghiệp. Vì vậy, từ năm 2016, các doanh nghiệp này phải nhanh chóng xây dựng thang bảng lương và thỏa ước lao động tập thể với NLĐ, để thực hiện đúng theo quy định của Luật BHXH (sửa đổi).
Về vấn đề này, Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho biết: Hiện, Bộ LĐ-TBXH và BHXH Việt Nam phải tính toán các phương án đối với các doanh nghiệp nhà nước chưa xây dựng lại thang bảng lương. Bộ đã chỉ đạo quyết liệt về vấn đề này. Tuy nhiên, xây dựng thang bảng lương là vấn đề nghiệp vụ, đòi hỏi thời gian, và nhiều doanh nghiệp hiện nay đã xây dựng khá tốt, nhưng việc triển khai vẫn còn chậm, đặc biệt là các doanh nghiệp ở cấp địa phương. Nên phương án đưa ra, có thể từ 01/1/2016 sẽ phải tạm thời thu trên nền cũ và trong quý I-2016, các doanh nghiệp phải hoàn thành việc xây dựng lại thang bảng lương, chính thức thực hiện việc đóng BHXH theo mức lương, phụ cấp lương ghi trong HĐLĐ cho người lao động.
Về quy định BHXH sẽ tính trên mức lương và phụ cấp lương ghi trong HĐLĐ, quy định mới này sẽ tác động tới mức đóng của hàng triệu lao động cũng như khoảng hơn 500.000 doanh nghiệp đang hoạt động (trong đó số doanh nghiệp tham gia BHXH mới chiếm khoảng 50%). Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TBXH) Trần Thị Thúy Nga cho biết: việc xác định loại phụ cấp nào được đưa vào tính BHXH đã được các chuyên gia tính toán và cân nhắc rất kỹ. Theo bà Trần Thị Thúy Nga, Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH vừa được Bộ LĐ-TBXH ban hành đã ghi rõ loại phụ cấp “đầu vào” và “đầu ra”. Đặc biệt, phụ cấp lương để tính BHXH sẽ được xác định trên cơ sở các khoản phụ cấp “đầu vào”. Cụ thể là các khoản quy định tại điểm a, khoản 2 Điều 4 của Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH.
Còn các khoản “đầu ra” thường không ổn định và phụ thuộc vào hiệu quả kinh doanh, căn cứ vào quá trình hoạt động của người lao động. Điều này sẽ khó trong việc thực hiện của cơ quan BHXH cũng như doanh nghiệp và NLĐ. Vì vậy, không phải tất cả các khoản thu nhập mà người lao động cầm về sẽ bị đóng BHXH. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp có khả năng chịu đựng và cũng không gây hoang mang cho người lao động và chủ sử dụng lao động…
1. Luật BHXH (sửa đổi) cũng mở rộng các đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Bao gồm: Cán bộ xã không chuyên trách (thực hiện chế độ hưu trí và tử tuất) thực hiện từ năm 2016; Người đi lao động có thời hạn ở nước ngoài (không nhất thiết đã tham gia BHXH trước khi đi); Người lao động theo HĐLĐ có thời hạn từ 1 đến 3 tháng (từ năm 2018); Lao động là người nước ngoài (năm 2018).
|
Nguồn: molisa.gov.vn
Tin cùng chủ đề
Tin mới
- Hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề lao động bị tai nạn LĐ - 12/01/2016 08:44
- Nghiên cứu nhận thức về quyền bầu cử, ứng cử của NKT - 08/01/2016 03:37
- Dịch vụ phục hồi chức năng lao động cho NKT - 08/01/2016 03:31
- Tái thích ứng nghề nghiệp và việc làm của NKT - 08/01/2016 03:26
- Xã hội hóa Trung tâm Bảo trợ xã hội - 06/01/2016 07:34
Các tin khác
- Nối dài ước mơ cho người khuyết tật - 24/12/2015 07:44
- Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX: “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” - 22/12/2015 04:23
- Dụng cụ hỗ trợ với người khuyết tật - 22/12/2015 03:39
- “Chuyện của đôi chân” - góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về vai trò của dụng cụ trợ giúp với người khuyết tật - 22/12/2015 03:32
- Hội nghị Tập huấn Quản lý trường hợp và kỹ năng tư vấn, tham vấn trợ giúp phục hồi chức năng nghề nghiệp cho NKT - 15/12/2015 04:19