Thứ ba, 05 Tháng 9 2017 14:28

Trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật là một nội dung quan trọng trong Đề án trợ giúp NKT giai đoạn 2012 - 2020 của Thủ tướng Chính phủ, mở ra cơ hội cho NKT được tiếp cận các dịch vụ trợ giúp pháp lý miễn phí. Với sự nỗ lực của UBND, các sở, ban ngành tỉnh Bình Dương, NKT trên địa bàn tỉnh đã nhận được nhiều sự quan tâm, hỗ trợ tích cực về pháp lý, góp phần nâng cao hiểu biết, tăng cường năng lực và hoà nhập xã hội.

917Dean1019

Trên địa bàn tỉnh Bình Dương hiện có nhiều NKT với nhiều dạng khác nhau và phần lớn trong số họ sống ở vùng nông thôn, cần đến sự trợ giúp, hỗ trợ của Nhà nước và xã hội. Ngoài việc được hưởng các quyền, nghĩa vụ như mọi công dân khác thì NKT còn cần được bảo vệ và thực hiện những quyền ưu tiên dành riêng cho họ. Do đó, đẩy mạnh TGPL cho NKT là hoạt động rất cần thiết.

Ông Nguyễn Trọng Tùng, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ pháp lý tỉnh Bình Dương cho biết, đa số vướng mắc của NKT thường xoay quanh các chế độ bảo trợ xã hội dành cho NKT, về trình tự, thủ tục hưởng trợ cấp xã hội, các vấn đề liên quan đến quyền của NKT. Trong khi việc tiếp cận các dịch vụ TGPL đối với NKT gặp nhiều khó khăn, nhất là với những trường hợp bị các dạng tật phức tạp như khiếm thính, khiếm thị, khuyết tật trí tuệ thì việc tiếp cận dịch vụ TGPL lại là cả một vấn đề lớn. Vì vậy, đa số NKT đều mong muốn được TGPL để nâng cao hiểu biết và nhận thức pháp luật, giúp họ tự bảo vệ hoặc nhờ đại diện bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong cuộc sống.

Thực hiện Đề án 1019 cùng các văn bản liên quan, UBND tỉnh Bình Dương đã xây dựng và triển khai Đề án trợ giúp NKT giai đoạn 2013-2020. Trong đó, trợ giúp pháp lý là một trong 14 nội dung quan trọng. Theo sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Trung tâm TGPL tỉnh đã tích cực, chủ động liên hệ với các cơ sở chăm sóc, giáo dục NKT, Hội Bảo trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo trong tỉnh để triển khai nhiều hoạt động TGPL cho NKT. Cụ thể, Trung tâm đã tổ chức một số đợt truyền thông về TGPL và tiến hành niêm yết các bảng thông tin tại trụ sở cơ sở bảo trợ xã hội, cấp phát miễn phí hàng ngàn tờ gấp pháp luật cho NKT, phối hợp tổ chức các buổi trợ giúp pháp lý lưu động với sự tham gia của hàng trăm đối tượng. Trên cơ sở đó, NKT được hiểu biết, nâng cao kiến thức về pháp luật đặc biệt trong hoạt động TGPL, tạo điều kiện thuận lợi cho NKT tiếp cận và thụ hưởng kịp thời chính sách TGPL miễn phí. Theo đánh giá của UBND tỉnh Bình Dương, kết thúc giai đoạn I, hoạt động trợ giúp NKT nói chung, trợ giúp pháp lý cho NKT nói riêng trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả hết sức tích cực.

Tiếp tục triển khai có hiệu quả chính sách trợ giúp pháp lý cho NKT trên địa bàn tỉnh, ngày 14/04/2017, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành Kế hoạch số 1395/KH-UBND về việc Triển khai thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho NKT trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2017-2020. Văn bản này nhằm tạo bước chuyển mới trong nhận thức của người dân về các quyền của NKT, đẩy mạnh hoạt động truyền thông về TGPL cho NKT để đông đảo người khuyết tật biết quyền được TGPL và tiếp cận với dịch vụ này; Tăng cường năng lực của đội ngũ làm công tác TGPL, tập trung thực hiện tốt các vụ việc TGPL, trong đó chú trọng thực hiện vụ việc tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng cho người khuyết tật…

Theo đó, Kế hoạch đã đề ra những nội dung hoạt động chủ yếu nhằm đảm bảo quyền được trợ giúp pháp lý của NKT như: thực hiện TGPL cho NKT; tăng cường năng lực thực hiện TGPL cho NKT; đẩy mạnh công tác truyền thông, thông tin về TGPL cho NKT; theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết đánh giá việc thực hiện chính sách TGPL cho NKT.

UBND tỉnh Bình Dương giao Sở Tư pháp phối hợp cùng các ban ngành, các tổ chức Hội của NKT và vì NKT thực hiện các hoạt động cụ thể như: Khảo sát nhu cầu TGPL của NKT với cách thức phù hợp với các dạng tật. Thực hiện TGPL với các hình thức phù hợp cho các dạng tật tại nơi cư trú, sinh sống của NKT. Đẩy mạnh công tác truyền thông về TGPL cho NKT. Tổ chức các đợt TGPL lưu động tại các cơ sở của người khuyết tật; tập huấn kỹ năng TGPL cho người khuyết tật đối với đội ngũ người thực hiện TGPL…

Trên cơ sở Kế hoạch này, trong thời gian tới, Sở Tư pháp sẽ phối hợp với các ban, ngành, các tổ chức Hội người khuyết tật đẩy mạnh công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức biên soạn phát hành tờ gấp pháp luật bằng chữ nổi (chữ Braille); Lồng ghép việc truyền thông về TGPL trên các phương tiện thông tin đại chúng, lắp đặt bảng thông tin, hộp tin, tờ thông tin về TGPL cho người khuyết tật; phối hợp Hội Bảo trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh tổ chức các đợt khảo sát nhu cầu TGPL của người khuyết tật kết hợp tuyên truyền về pháp luật TGPL, luật người khuyết tật; đẩy mạnh mối quan hệ phối hợp với các sở, ngành có liên quan trong việc phát hiện các đối tượng NKT có nhu cầu cần được TGPL trong các vụ án dân sự, hình sự.

Cùng với đó, Trung tâm Hỗ trợ pháp lý tỉnh sẽ tăng cường công tác truyền thông về TGPL cho NKT, mở rộng mạng lưới cộng tác viên là các thành viên ở các cơ sở bảo trợ xã hội để nắm bắt những tâm tư, nguyện vọng của NKT để đề xuất, kiến nghị TGPL khi cần thiết. Xây dựng đội ngũ cộng tác viên là những luật sư, am hiểu luật pháp để TGPL cho NKT khi cần…

Trong năm 2017 và những năm tiếp theo, tỉnh Bình Dương phấn đấu đạt chỉ tiêu, kế hoạch đề ra trong Kế hoạch của UBND tỉnh nói riêng, chỉ tiêu trong Đề án trợ giúp NKT giai đoạn 2010 - 2020 nói chung, góp phần đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của NKT, tạo niềm tin, động lực để người khuyết tật tự tin vươn lên trong cuộc sống và tự hào có những đóng góp bằng khả năng của mình cho xã hội.

Nguồn: Tạp chí Người Bảo trợ

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi