Thứ tư, 20 Tháng 1 2016 12:40

Trong số hơn 6,7 triệu NKT tại Việt Nam, NKT vận động chiếm tỷ lệ cao nhất (29%), tương đương 2 triệu người. Trong điều kiện xã hội ngày nay, NKT vận động còn có xu hướng tăng cao do các nguyên nhân về tai nạn giao thông, tai nạn lao động, tác động của môi trường sống... kéo theo đó là nhu cầu được trợ giúp để hoà nhập/tái hoà nhập cộng đồng.

 

Số lượng lớn nhất và xu hướng tăng nhanh trong các dạng tật

 

Là một đất nước còn nghèo, trải qua nhiều năm chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh… NKT nói chung và NKT vận động ở nước ta chiếm số lượng lớn. Theo các con số điều tra cho thấy, trong 6,7 triệu NKT, thì NKT vận động chiếm đông nhất, khoảng 2 triệu người. Nguyên nhân gây ra khuyết tật chủ yếu do hậu quả của chiến tranh, các vết thương do bom mìn còn sót lại, do tai nạn giao thông, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, do tác động của môi trường sống, do di chứng nặng nề của sốt bại liệt, bại não, phỏng, chấn thương và dị tật bẩm sinh, xương thủy tinh với đủ loại khuyết tật từ chân tay, xương sống, lồng ngực… Nhiều trường hợp không được phát hiện và điều trị sớm nên thân hình biến dạng. Tình hình tai nạn giao thông cũng là nguyên nhân khiến tỷ lệ NKT, đặc biệt là khuyết tật vận động gia tăng nhanh, gây hậu quả rất nặng nề cho bản thân, gia đình và cả xã hội. Một bộ phận không nhỏ những người là nạn nhân của chất độc da cam/dioxin đã qua nhiều thế hệ mà những di chứng để lại vẫn rất phức tạp như khiếm khuyết một/một vài bộ phận cơ thể, thiểu năng trí tuệ…. Ngoài ra do điều kiện phát triển của nền kinh tế, tuổi thọ của người dân càng cao càng kéo theo số người cao tuổi tăng lên, nguy cơ khuyết tật vận động cũng vì đó mà tăng cao.

 

Có nhu cầu đa dạng về phương tiện trợ giúp

 

Khuyết tật vận động bao gồm các khiếm khuyết, dị tật ở tứ chi hoặc hậu quả của tổn thương nơi khác như sọ não… có thể do nguyên nhân bẩm sinh hoặc mắc phải. Khi phát hiện trẻ có những dấu hiệu bất thường về vận động như vận động tay kém, chân yếu, tư thế và dáng đi bất thường, khó khăn trong việc vệ sinh cá nhân, thân thể… cha mẹ cần đưa trẻ đi khám và can thiệp càng sớm càng tốt. Theo TS, BS Lê Đức Tố, Giám đốc Bệnh viện Ngoại khoa và chấn thương chỉnh hình STO Phương Đông, thành phố Hồ Chí Minh “Điều trị bàn chân khoèo, chỉnh sửa các biến dạng ở chi thể, nếu càng thực hiện sớm thì hiệu quả càng cao. Cũng giống như uốn một cái cây non, cây càng non càng dễ uốn”.

 

CVDXH 1

Trẻ bị khuyết tật vận động cần được phát hiện, can thiệp sớm để giảm thiểu tình trạng khuyết tật

 

Với những người không được can thiệp kịp thời, người mất chi hay người bị khuyết tật nặng sẽ phải mang khiếm khuyết suốt đời và gặp phải rất nhiều vấn đề, rào cản trong quá trình hòa nhập cộng đồng. Từ việc di chuyển đi lại, học tập, tiếp cận giao thông, giáo dục, việc làm… đều đòi hỏi một giải pháp hỗ trợ phù hợp, hiệu quả.

 

So sánh với các dạng tật khác trong tiếp cận và hoà nhập cộng đồng, nếu người mù cần có người dẫn đường, người điếc cần có phiên dịch viên ngôn ngữ ký hiệu thì NKT vận động cần nhiều sự hỗ trợ từ các phương tiện trợ giúp như xe lăn, xe lắc, nạng và cả người trợ giúp đối với NKT nặng. Với NKT vận động dạng nhẹ, khuyết tật tay, một bên chân… họ có thể tự mình di chuyển chậm với sự hỗ trợ của nạng, các dụng cụ tự chế như ghế con hay bất kỳ thứ gì có thể giúp họ di chuyển được. Người liệt hai chân thì cần đến xe lăn, xe điện. Với những người liệt nửa người, thậm chí là toàn thân, ngoài xe lăn họ cần có một người trợ giúp luôn túc trực để giúp họ giải quyết các vấn đề, kể cả vệ sinh cá nhân trong quá trình học tập, giao lưu, hòa nhập. Đây là một vấn đề hết sức bất tiện cho NKT vận động.

 

Trong vấn đề việc làm, NKT vận động bị hạn chế rất nhiều. Vì khi có lao động là người khuyết tật vận động, các doanh nghiệp cần phải tính toán đến vấn đề máy móc, thiết bị, tầm cao, hành lang đi lại, dây chuyền sản xuất… cho phù hợp. Làm được điều này đòi hỏi chủ doanh nghiệp không chỉ có tấm lòng cảm thông với hoàn cảnh của NKT, hiểu về năng lực làm việc của NKT mà cũng cần phải có tiềm lực kinh tế nếu muốn tạo việc làm cho NKT vận động. Cũng vì đó mà cơ hội việc làm của NKT càng bị thu hẹp.

 

Đối tượng chủ yếu cần chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng

 

Theo đánh giá của các chuyên gia trong lĩnh vực NKT, trong số những NKT nặng, tập trung nhiều ở dạng khuyết tật vận động. Đó cũng là lý do mà NKT vận động thường hay mắc bệnh, sức khoẻ yếu, cần nhiều hơn về chăm sóc sức khoẻ và phục hồi chức năng.

 

Với trẻ em bị khuyết tật vận động bẩm sinh, người bị khuyết tật do tai nạn, rất cần được can thiệp về y học, phục hồi chức năng mang tính chuyên khoa sâu, đồng bộ và lâu dài và bắt đầu sớm. Phục hồi chức năng giúp họ tăng cường sức khoẻ, cải thiện tình trạng dạng tật, dễ dàng hơn trong hoà nhập và tái hoà nhập cộng đồng. Hiện nay, ở nước ta có một hệ thống các cơ sở phục hồi chức năng đã và đang tích cực hỗ trợ, giúp đỡ NKT vận động. Đây có thể là những đơn vị được hình thành vì mục đích điều trị, chỉnh hình, phục hồi chức năng cho các thương binh, bệnh binh trong hai cuộc kháng chiến, có bề dày kinh nghiệm hàng chục năm qua hay các đơn vị mới được thành lập, một bộ phận trong các bệnh viện do nhu cầu của xã hội. Được sự quan tâm, đầu tư của nhà nước, sự giúp đỡ của các tổ chức nhân đạo trong và ngoài nước, hàng năm các cơ sở này đã khám cho hàng chục nghìn lượt người, phẫu thuật chỉnh hình cho hàng trăm nghìn người. Ngoài các đối tượng chính sách như thương binh, người có công, nạn nhân chất độc da cam còn có số lượng lớn là các đối tượng xã hội – những NKT có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

 

Anh 3CVDXH

Trung tâm hành động vì sự phát triển cộng đồng là một trong số các trung tâm do NKT vận động điều hành hoạt động có hiệu quả trong lĩnh vực hỗ trợ NKT

 

Tuy nhiên, dù có rất nhiều chương trình phẫu thuật, chỉnh hình, phục hồi chức năng mang tính nhân đạo, miễn phí đang được nhà nước, các tổ chức quốc tế, tổ chức xã hội triển khai, song do những khó khăn về địa lý, điều kiện kinh tế mà vẫn còn một bộ phận không nhỏ những NKT vận động ít có thông tin và không tiếp cận được với các chương trình, dự án hỗ trợ, đặc biệt là đối với đồng bào dân tộc, NKT sống ở các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa… Cùng với đó là tâm lý coi thường bệnh tật, cho rằng những thương tổn, khiếm khuyết đó trước mắt chưa ảnh hưởng đến sinh mạng nên khi xảy ra các biến chứng, bệnh nặng mới tìm đến các cơ sở y tế hay có đến nhưng thường rất muộn mà không biết rằng có một hệ thống chỉnh hình, phục hồi chức năng có thể can thiệp, giải quyết được các vấn đề của họ từ rất sớm, rất đơn giản và chi phí không cao, thậm chí còn có thể được hỗ trợ miễn phí.

 

Trước thực trạng đó, trong những năm gần đây, hệ thống các đơn vị chỉnh hình, phục hồi chức năng đã chủ động phối hợp với các tổ chức như Hội Chữ thập đỏ, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam… đã tổ chức các chuyến đi lưu động đến các địa phương có đông NKT vận động để tiếp cận và giúp đỡ họ. Ngoài việc thăm khám, tư vấn, hướng dẫn họ điều trị tại cộng đồng, các bác sĩ đã lựa chọn bênh nhân có thể phẫu thuật được để đưa về các cơ sở điều trị chỉnh hình, phục hồi chức năng, cung cấp các dụng cụ chỉnh hình. Với sự quan tâm đó, nhiều NKT đã hồi phục trở lại cuộc sống bình thường. Đáng chú ý là trong số đó có rất nhiều trẻ em, sự can thiệp thành công trong những trường hợp này hết sức có ý nghĩa cho bản thân các em trong tương lai, giúp cho trẻ tự tin hơn, hoà nhập với cộng đồng.

 

Hiện nay, các cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng đang đứng trước những thuận lợi, cơ hội cũng như những thách thức mới. Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật được ứng dụng vào lĩnh vực chỉnh hình, phục hồi chức năng, các đơn vị này có điều kiện ứng dụng những kỹ thuật mới, thiết bị mới trong chữa trị, nâng cao hiệu quả điều trị cho bệnh nhân.

 

NKT vận động có thể làm tốt mọi việc

 

Bất tiện là như vậy, nhưng trên thực tế có rất nhiều NKT vận động được biết đến với nghị lực phi thường và những thành công mà không phải ai cũng làm được. Bằng khả năng của mình, họ đã chứng minh với tất cả mọi người chân lý “khuyết tật chỉ là sự bất tiện chứ không phải bất hạnh”. Họ là những tấm gương sáng cho xã hội học tập, noi theo. Đó là Nguyễn Thảo Vân, cô gái khuyết tật nặng đã tiếp bước người anh trai ruột đồng cảnh đã quá cố - Hiệp sĩ CNTT Nguyễn Công Hùng làm Giám đốc Trung tâm Nghị lực sống, chuyên đào tạo miễn phí tin học, tiếng Anh, các môn học sáng tạo cho các bạn khuyết tật khắp mọi miền đất nước. Trung tâm còn tổ chức các chương trình về kỹ năng mềm cho các học viên, vận động tổ chức các hoạt động thiện nguyện khắp các tỉnh, thành. Là chị Nguyễn Lan Anh - Giám đốc Trung tâm hành động vì sự phát triển cộng đồng. Trung tâm tập hợp các bạn trẻ giàu nhiệt huyết và kinh nghiệm cùng tìm kiếm giải pháp khả thi nhằm xây dựng một xã hội không vật cản và vì quyền của NKT. Định hướng đến năm 2016, Trung tâm sẽ là một tổ chức chuyên nghiệp trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ về tư vấn pháp luật, trợ giúp hội, nhóm của NKT, là cầu nối tin cậy của các cơ quan chính phủ, các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp với NKT. Là anh Nguyễn Quốc Toàn, dù chỉ có thể cử động được vài ngón tay, tự học công nghệ thông tin vẫn thành công, trở thành ông chủ của một cửa hàng máy tính tầm cỡ ở Phú Thọ…. Và còn rất nhiều, rất nhiều NKT vận động khác đang ngày đêm nỗ lực để khẳng định mình với cộng đồng xã hội.

 

Anh 2 CVDXH

Nguyễn Thảo Vân trong một hoạt động từ thiện

 

Nhận thức đúng đăn được những vấn đề của NKT nói chung và NKT vận động nói riêng cũng như những khả năng tiềm ẩn trong họ; cộng đồng, xã hội sẽ có hướng trợ giúp, tạo cơ hội để NKT vận động vươn lên giải quyết những khó khăn, trở ngại, thực sự hòa nhập cộng đồng. Với lực lượng khá đông, NKT vận động còn khả năng lao động trong độ tuổi lao động, nếu được hỗ trợ đúng hướng, đúng cách sẽ vừa tận dụng được sức lao động, đặc biệt là năng lực chất xám; vừa góp phần giải quyết được gánh nặng lớn cho gia đình NKT và xã hội.  

 

 

Nguồn: Tạp chí Người Bảo Trợ

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi