Năm 2015 với 14 chương trình nhân đạo từ thiện, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo, người khuyết tật, trẻ mồ côi tỉnh Lâm Đồng đã trợ giúp cho hơn 30.000 người có hoàn cảnh khó khăn. Đóng góp vào thành công ấy, cùng với sự đồng thuận, ủng hộ của các mạnh thường quân trong và ngoài nước là sự cống hiến hết mình của các thành viên tổ chức Hội, trong đó không thể không nhắc đến người “đầu tàu” tâm huyết, nhiệt tình và đầy uy tín: ông Nguyễn Văn Lực, Chủ tịch tỉnh Hội.
Làm việc thiện - cách trả ơn cuộc đời
Năm 2015 theo dõi trên trang mạng xã hội của Hội Bảo trợ BNN, NKT, TMC tỉnh Lâm Đồng, nhóm Đà Lạt - Vòng tay nhân ái, rất nhiều lần tôi nhận được tin ông Nguyễn Văn Lực, Chủ tịch tỉnh Hội phải vào bệnh viện, phải phẫu thuật vì lý do sức khoẻ. Nhưng cũng chỉ sau một thời gian rất ngắn, thậm chí khi còn nằm trên giường bệnh, mọi người đã lại thấy hình ảnh của ông gắn liền với các chuyến từ thiện, các cuộc vận động tài trợ. Tấm lòng, sự nhiệt tâm và tinh thần trách nhiệm ấy, không phải ai cũng có được. Và đó cũng là “nguồn vốn” quý giá để ông vận động, tổ chức các chương trình ý nghĩa, trợ giúp cho bà con khuyết tật, mồ côi, người nghèo tỉnh Lâm Đồng.
Chia sẻ về công việc của mình, ông cho biết “Trong cuộc đời mình, tôi đã từngvì mắc bệnh hiểm nghèo mà tưởng như chết rồi. Nhưng may mắn là tôi được một tổ chức hỗ trợ kinh phí để ra nước ngoài chữa trị. Nhờ đó mới có thể tiếp tục sống trên đời. Vì vậy, khi mà tôi còn được sống, khỏe mạnh hơn những người khác, bằng sức lực và khả năng của mình có thể vận động cứu được một đứa trẻ bị bệnh tim, giúp cho một người già, NKT, TMC được cơm no, áo ấm cũng là cách để tôi đền đáp lại ơn cứu mạng khi xưa. Năm 2015 sức khoẻ của tôi cũng không ổn định, thường xuyên phải ra vào viện, có lần phải trải qua ca phẫu thuật khó, nhưng cứ gượng được dậy là tôi đi làm từ thiện cùng anh em. Vì nếu như nằm nhà thì sẽ bệnh nặng thêm, mình đi làm thì quên bệnh”.
Trong các chuyến đi của tỉnh Hội, các hội viên đều tham gia rất tích cực đóng góp sức người, sức của vì mục tiêu nâng cao đời sống của NKT, TMC, bệnh nhân nghèo
Vậy là, dù sức khoẻ không ổn định, dù thường xuyên “được” bác sĩ “đe nẹt” là phải hạn chế đi lại, nhưng cứ khi nào có hoạt động, ông Lực đều theo sát đoàn từ thiện. Từ thăm hỏi tặng quà, phẫu thuật mắt, phẫu thuật tim… hầu như không chuyến nào ông vắng mặt. Ông bảo “Đà Lạt đẹp, là một khu du lịch nổi tiếng của cả nước nên hầu hết các nhà tài trợ ngoài tỉnh khi tài trợ cho Lâm Đồng đều trực tiếp đến trao. Nếu mình không có mặt để cùng đi với họ là mình không tôn trọng họ, lần sau khó có thể tiếp cận vận động. Vì vậy, trừ những lúc nằm trên phòng mổ, lúc bác sĩ ép phải nằm một chỗ, cấm đi lại, cứ khi nào gắng gượng được tôi lại đi”. Cũng có những chuyến đi xong về lại vào viện nằm, dù đau đớn, bất tiện về thể xác nhưng trong tinh thần ông vẫn thấy rất vui và hạnh phúc.
Đó là phía mình. Còn với nhà tài trợ, theo quan điểm của ông Lực, khi họ biết mình ốm bệnh mà vẫn gắng làm vì quyền lợi của đối tượng thì họ càng ủng hộ, tin tưởng mình nhiều hơn. Ví dụ như MC, diễn viên Quyền Linh, khi ông ngỏ lời xin chương trình cho đồng bào nghèo là anh luôn sẵn sàng “bốc” cả ekip chương trình “Ngẫu hứng cùng sao” lên Đà Lạt. Như chị Việt Trinh khi làm phim, đã quyết định đem toàn bộ tiền lãi lên Lâm Đồng làm từ thiện, mổ mắt cho hơn 400 ca bệnh nhân đục thủy tinh thể trị giá hơn 300 triệu đồng (là tiền bán DVD phim “Mẹ ơi, con về” cùng số tiền mà chị làm biên kịch, đạo diễn kiêm diễn viên phim “Trở về 3”). Ngoài ra, còn có rất nhiều ca sĩ, diễn viên đã hỗ trợ Lâm Đồng trong các hoạt động từ thiện suốt thời gian qua.
Làm việc không có ngày thứ 7, chủ nhật, đối tượng khắp các huyện, thành phố, vùng đồng bào dân tộc khó khăn đều có thể “thuộc” mặt, gọi tên ông trong mỗi chuyến đi. Rồi tất cả các bệnh viện ở thành phố Hồ Chí Minh đều biết ông Nguyễn Văn Lực, Chủ tịch Hội Bảo trợ BNN, NKT, TMC tỉnh Lâm Đồng. Phần vì ông thường xuyên vào viện để điều trị bệnh, phần vì cảm phục tấm lòng và uy tín của ông, để rồi họ luôn sẵn sàng cùng Hội thực hiện các hoạt động nhân đạo tại Lâm Đồng. “Các chuyến đi họ đều lo hết tất cả không chỉ tiền thuốc, tiền khám, mà cả tiền xe, họ tự đóng góp. Có ca khó họ tự hỗ trợ thêm kinh phí để bệnh nhân vào thành phố Hồ Chí Minh làm phẫu thuật. Những việc làm đó càng để lại cho tôi nhiều suy nghĩ, phải luôn hết mình vì đối tượng”, ông Nguyễn Văn Lực chia sẻ.
Truyền nhiệt huyết cho các Hội viên
Tinh thần làm việc, trách nhiệm và tâm huyết của ông Nguyễn Văn Lực không chỉ làm cho nhà tài trợ cảm phục mà còn là tấm gương để các chi Hội, Hội viên Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo, NKT, TMC tỉnh Lâm Đồng học tập, noi theo.
Hiện nay, tỉnh Hội có 7 chi Hội hoạt động rất đều tay. Trong đó, tại thành phố Đà Lạt có 2 chi Hội: ái Tâm (20 hội viên) và Cát Tường (70 hội viên) là hai chi Hội chủ lực trong các hoạt động của Hội; chi Hội Bảo Lộc (60 hội viên), Lâm Hà (20 hội viên), Cát Tiên (70 hội viên) và chi Hội Văn phòng Hội. Đây là tỉnh Hội duy nhất trong cả nước thu Hội phí của các Hội viên mỗi tháng 30.000 đồng. Riêng chi Hội ái Tâm, mức đóng của Hội viên là 130.000 đồng/tháng, trong đó có 100.000 để tổ chức các cuộc thăm hỏi, tặng quà, nấu cơm từ thiện… Chỉ riêng chi Hội ái Tâm mỗi tháng đã có 20 triệu đồng để tổ chức các hoạt động. Chi Hội Bảo Lộc vận động nguồn lực tại chỗ, chủ yếu là các doanh nghiệp sản xuất chè, mỗi tháng hỗ trợ 2 tấn gạo cho trẻ em mồ côi, người già, NKT. Hai chi Hội ái Tâm và Cát Tường của thành phố Đà Lạt định kỳ hàng tuần tổ chức nấu ăn dinh dưỡng cho Hội Người mù, TMC, NKT và người già.
Ông Nguyễn Văn Lực trong một hoạt động tặng quà cho trẻ em khuyết tật, mồ côi
Ngoài các hoạt động thường xuyên trên, vào dịp Tết Nguyên đán, mỗi hội viên của Hội đóng góp ít nhất 1 triệu đồng để tổ chức chương trình Xuân nhân ái, Tết nghĩa tình cho BNN, NKT, TMC. Chỉ tính riêng đợt vận động cho Tết Bính Thân 2016, các hội viên đã đóng góp 1,1 tỷ đồng để chăm lo Tết cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn. “Trước đây mỗi dịp Tết đến, xuân về chúng tôi đều hết sức lo lắng làm sao có được những phần quà tặng cho NKT, TMC người già, bệnh nhân nghèo. Nhưng bây giờ không còn phải lo lắng nữa vì các Hội viên của Hội đều chủ động đóng góp từ sớm”, ông Nguyễn Văn Lực cho biết.
Ban đầu mới triển khai, Hội tập trung vào những người có điều kiện kinh tế khá, chủ các doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn có khả năng đóng góp thường xuyên để tăng cường nguồn lực cho các hoạt động bảo trợ. Khi hoạt động Hội đã đi vào nếp rồi thì tiêu chí hội viên cũng được mở rộng hơn ra tất cả những người có lòng hảo tâm trong xã hội. Có nhiều hội viên không đóng Hội phí hàng tháng, nhưng mỗi khi Hội tổ chức các chương trình, họ đều tham gia rất tích cực. Ví dụ như: khi Hội tổ chức chương trình mổ mắt, các Hội viên đến nấu cơm cho bác sĩ, bệnh nhân, người nhà đảm bảo chất lượng và sức khoẻ cho các thành phần tham gia. Khi đó, họ cũng phải thu xếp công việc chính của mình để theo Hội. Tính giá trị ngày công thì còn nhiều hơn rất nhiều tiền Hội phí một tháng.
Nói về cách thuyết phục hội viên, ông Nguyễn Văn Lực cho biết: “Hội thuyết phục các hội viên bằng chính hiệu quả công việc mà Hội đã làm. Vì hầu hết, các chủ doanh nghiệp, những người có điều kiện kinh tế khá giả trong tỉnh đều là hội viên của Hội, nên việc vận động tài trợ của tỉnh Hội Lâm Đồng thường mở rộng ra các tỉnh, thành khác có tiềm lực lớn hơn, đặc biệt là thành phố Hồ Chí Minh. Khi các mạnh thường quân đến thăm và hỗ trợ cho NKT, TMC người nghèo của Lâm Đồng, tài trợ các chương trình mổ tim với trị giá hàng tỷ đồng cũng để lại cho những con dân trong tỉnh những suy nghĩ. Người ta ở mãi đâu đâu còn đến giúp đồng bào mình, mình ở ngay đây mà không làm gì thì cũng thấy không an lòng. Phương thức này không chỉ khuyến khích các Hội viên đóng góp tích cực mà còn thúc đẩy họ cùng tham gia vận động tài trợ cùng với Hội”.
Nhờ sự gương mẫu, tích cực vận động của người “đầu tàu” – Chủ tịch tỉnh Hội Nguyễn Văn Lực, sự nhiệt tình, tận tâm của tập thể cán bộ Hội viên, năm 2015, tỉnh Hội Lâm Đồng đã vận động nguồn quỹ, tổ chức các hoạt động hỗ trợ nhân đạo đạt 70 tỷ đồng. Nhiều chương trình trợ giúp hiệu quả đã được thực hiện, đóng góp tích cực cải thiện đời sống cho đồng bào nghèo trong tỉnh.
Nguồn: Tạp chí Người bảo trợ
Tin cùng chủ đề
Tin mới
- Chuyến bay ước mơ đầy nước mắt của bé 10 tuổi mắc ung thư - 29/02/2016 08:33
- Câu chuyện của cậu học trò cụt tay - 29/02/2016 08:27
- Nghị lực phi thường của nữ sinh khiếm thị Hà thành - 29/02/2016 08:22
- Cuộc chiến chống số phận của chàng nhạc sĩ bị bại não - 29/02/2016 08:18
- “Chàng lùn” trải lòng chuyện tình cổ tích với “Nàng bạch tuyết” - 26/02/2016 03:46