Thứ tư, 20 Tháng 1 2016 12:30

Với tấm lòng thiện tâm, yêu trẻ, cô giáo Trần Thị Diện (huyện Hàm Yên - tỉnh Tuyên Quang) và Trần Thị Sáng (thành phố Pleiku - tỉnh Gia Lai) đã dành cả cuộc đời cho sự nghiệp dạy học, chăm lo cho trẻ khuyết tật, mồ côi. Bằng tình yêu thương với trẻ thiệt thòi, hai cô giáo – hai người mẹ hiền đã và đang từng ngày ươm mầm ước mơ cho đàn con khuyết tật, mồ côi.

 

Hạnh phúc khi đàn con trưởng thành

 

Dù gần bước sang tuổi ngũ tuần, sức khoẻ của cô giáo Trần Thị Diện cũng không còn sung sức như những ngày mới chân ướt, chân ráo bước vào nghề gõ đầu trẻ, nhưng cảm xúc, tình yêu thương của chị dành cho các thế hệ học trò đặc biệt vẫn không đổi thay, mà ngày càng nhiều hơn theo tháng năm.

 

Vốn được theo học ngành Sư phạm Tiểu học, năm 1997, sau khi ra trường chị Diện được phân công giảng dạy lớp học chuyên biệt dành cho học sinh khuyết tật tại trường Tiểu học Bắc Mục, huyện Hàm Yên. Nhận công tác, chị Diện không tránh khỏi lo lắng khi chưa có kinh nghiệm, phương pháp dạy học cho trẻ khuyết tật, bởi chị chưa từng được đào tạo bài bản về dạy học cho những học sinh đặc biệt này.

 

Lo lắng là vậy, nhưng chị Diện vẫn cố gắng đảm nhận trách nhiệm được phân công. Bằng tâm huyết với nghề giáo, cùng sự hỗ trợ, quan tâm của Phòng Giáo dục huyện Hàm Yên, Ban Giám hiệu nhà trường, đồng nghiệp và sự động viên của gia đình, gần hai chục năm qua cô giáo Trần Thị Diện đã cùng đồng hành với biết bao thế hệ học trò khuyết tật.

Uom mam uoc mo cho tre thiet thoi 1

Cô giáo Trần Thị Diện trong ngày nhận Bằng khen do Bộ Giáo dục - Đào tạo trao tặng

Đến với lớp học do chị Diện phụ trách mới hiểu hết sự vất vả chị đang phải trải qua, bởi học sinh của chị mắc nhiều dạng tật khác nhau như thiểu năng trí tuệ, điếc câm, tự kỷ và độ tuổi cũng chênh lệch khá nhiều. Với những học sinh bình thường, để hoàn thành chương trình Tiểu học là 5 năm, thì nhiều học trò khuyết tật mắc chứng bệnh thiểu năng trí tuệ của chị phải học trong 10 năm.

 

Để có thể làm tốt vai trò của một nhà giáo dạy học cho trẻ khuyết tật, chị Diện phải tự tìm đọc tài liệu, học hỏi phương pháp giảng dạy từ các đồng nghiệp đi trước. Với mỗi học trò ở các dạng tật khác nhau, chị đều tự mình soạn riêng các giáo án sao cho phù hợp với từng em. Ngoài ra, chị Diện còn đăng kí tham gia các khoá học ngôn ngữ kí hiệu để có thể giao tiếp, truyền đạt bài giảng cho học sinh điếc câm. Thậm chí các tiết giảng của chị khi đến phần giới thiệu đồ vật, trái cây…, chị cũng cố gắng mang tất cả những “dụng cụ trực quan” có thật ngoài đời đến lớp học như quả chanh, quả chuối, chiếc quạt, cái khăn… để các học trò đặc biệt có thể nắm bắt, nhớ được bài học.

 

Chị Diện vui vẻ cho biết: “Các học trò của tôi hầu hết đều xuất thân trong những gia đình nghèo, là người dân tộc thiểu số. Sau khi được tham gia lớp học chuyên biệt, từ những đứa trẻ nhút nhát, sợ sệt khi đứng trước đám đông, thì nay các em đã mạnh dạn hơn, biết đọc, biết viết, có thể tự tin hát, múa trước các bạn, thầy cô. Tôi hạnh phúc lắm bởi nhiều em sau khi rời ghế nhà trường đã trưởng thành hơn rất nhiều, các em đã mạnh dạn hoà nhập cộng đồng, tham gia các khoá học nghề may, mộc mỹ nghệ, điện dân dụng... Đến nay, một số em đã trở thành những người thợ giỏi, có em được bố mẹ đầu tư kinh phí mở cửa hàng riêng để tự lập cuộc sống, trở thành người có ích cho gia đình, xã hội”.

 

Cảm nhận được những thiệt thòi của học trò, bởi các em tuy khuyết tật về cơ thể nhưng tâm hồn các em thật trong sáng, vì vậy bằng trách nhiệm của một nhà giáo và sự cảm thông của một người mẹ, chị Diện luôn dành tình cảm đặc biệt đến học trò, lo lắng cho các em như chính những đứa con của mình.

 

Chị Trần Thị Diện đã vinh dự trở thành 1 trong 194 nhà giáo được trao tặng Bằng khen của Bộ Giáo dục tại Lễ tuyên dương các nhà giáo và cán bộ quản lý tiêu biểu trong công tác giáo dục học sinh khuyết tật toàn quốc lần thứ 3 năm 2015.

Người mẹ của đàn con khuyết tật, mồ côi

 

Nghe tiếng bi bô đọc chữ, đánh vần, hay tiếng hát líu lô vang ra từ mái ấm nuôi dạy trẻ khuyết tật, mồ côi Trần Thị Sáng (thành phố Pleiku), khiến cho ai đi ngang qua cũng cảm thấy ấm lòng.

 

Mặc dù không bằng cấp, không kinh nghiệm nhưng bằng sự đồng cảm, sẻ chia và trên hết là cái tâm giúp đỡ trẻ khuyết tật, mồ côi, bà giáo Trần Thị Sáng đã gắn bó với công tác dạy học, cưu mang, chăm sóc trẻ thiệt thòi. Hơn 10 năm làm công việc không lương thưởng, không phụ cấp nhưng bà Sáng vẫn ngày đêm miệt mài “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”.

Uom mam uoc mo cho tre thiet thoi 2

Dù công việc vất vả, bận rộn, bà Sáng vẫn dành thời gian lo lắng, bảo ban các con học tập

Nhớ lại mối duyên đưa bà Sáng đến với công việc đầy thiện nghĩa này, bà kể: “Một chiều cuối thu năm 2005, trong lần tình cờ đi ngang qua ngôi làng Brong Thoăng thuộc xã Ia Băng (huyện Đăk Đoa), tôi đã tình cờ thấy một đứa bé khuyết tật đang đi thu lượm ve chai. Thấy cuộc sống đáng thương của cháu bé, tôi đã tìm hiểu hoàn cảnh và được biết em tên là Blaih, được sinh ra trong một gia đình nghèo có 8 anh chị em. Mặc dù bị khuyết tật nhưng vì thiếu cái ăn, cái mặc nên Blaih cũng phải tham gia phụ giúp bố mẹ kiếm kế sinh nhai. Xót xa cho hoàn cảnh của Blaih, tôi đã tìm đến nhà em, gợi ý được đưa Blaih về nuôi dưỡng. Được sự đồng ý của gia đình, Blaih đã trở thành đứa trẻ khuyết tật đầu tiên được tôi bao bọc, nuôi dưỡng”.

 

Sau khi đưa cháu bé khuyết tật Blaih về nuôi, bà Sáng đã nảy ra ý định thành lập mái ấm tình thương. Suy nghĩ, mong mỏi của bà đã được chính quyền địa phương chấp thuận, gia đình bà cũng ủng hộ nên mái ấm tình thương sớm ra đời. Không muốn bất cứ đứa trẻ thiệt thòi nào phải chịu cảnh đói khổ, thất học, bà Sáng không quản ngại khó khăn, vất vả, sẵn lòng dang rộng vòng tay đón nhận trẻ thiệt thòi về mái ấm nuôi dưỡng và tạo điều kiện cho các con được tới trường.

 

Từ nhận nuôi một đứa trẻ khuyết tật, đến nay mái ấm của bà Sáng đã có gần 60 trẻ khuyết tật, mồ côi. Các em có độ tuổi khác nhau từ 1 - 17 tuổi và hầu hết đều là người dân tộc thiểu số thuộc các tỉnh Đắc Lắc, Kon Tum, Gia Lai.

 

Không chỉ lo vận động hỗ trợ kinh phí từ người thân, bè bạn, từ các tổ chức, doanh nghiệp để thêm thắt mua sắm đồ dùng sinh hoạt, sách vở, quần áo, cải thiện bữa ăn cho trẻ, bà Sáng còn tự tay chăm sóc, bảo ban các con học tập. Dù công việc vất vả và đôi lúc cũng thấy thấm mệt khi tuổi đã cao, nhưng với bà Sáng, đó là niềm hạnh phúc vô bờ và mọi mệt nhọc đều tan biến khi được các con ùa vào lòng gọi bà là mẹ và dành tặng bà những điểm 9, điểm 10. Càng vui hơn khi có nhiều người thấu hiểu công việc thầm lặng bà đang làm, đã tình nguyện đóng góp kinh phí và cùng chung sức tới mái ấm của bà để chăm lo, giúp đỡ trẻ khuyết tật, mồ côi.  

 

 

Nguồn: Tạp chí Người Bảo Trợ

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi