Chịu nhiều thiệt thòi so với bạn bè đồng trang lứa, song Quốc Hùng không đầu hàng số phận mà luôn nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.
Trải qua tuổi thơ đầy khó khăn và mặc cảm, Vũ Quốc Hùng (sinh năm 1993, quê Nam Định) đã tìm đến âm nhạc. Bên cạnh sự giúp đỡ, động viên từ gia đình, âm nhạc chính là “người bạn thân” hàn gắn những mất mát trong tâm hồn 9X.
Tuổi thơ đầy nước mắt
Quốc Hùng từ nhỏ đã không may mắn như những đứa trẻ khác. Cậu mắc căn bệnh bại não bẩm sinh, gặp nhiều khó khăn trong phát âm, đi đứng, cầm nắm, dù được gia đình đưa đi chữa trị ở nhiều nơi.
Hùng cho biết, cậu ngày ấy không thể đến trường. Mọi hoạt động cá nhân của 9X đều do cha mẹ giúp đỡ.
Quốc Hùng từng trải qua những tháng ngày sống trong mặc cảm |
“Tuổi thơ của mình gắn liền với bốn bức tường chật hẹp. Không thể đi lại bình thường, không có nhiều bạn bè nên mình hầu như chỉ chơi một mình từ bé” - chàng trai sinh năm 1993 tâm sự.
Lâu dần, Hùng cảm thấy mặc cảm vì không được như những người khác. Sợ cha mẹ buồn, cậu không dám nói ra suy nghĩ của mình. “Chỉ cần nhìn thấy ai đó có thể chạy, nhảy và đi đứng bình thường thôi là mình tủi thân lắm” - 9X tâm sự.
Khi lớn lên, Quốc Hùng quyết định tìm ra hướng đi riêng. Không đầu hàng số phận, cậu xin mẹ mời cô giáo về dạy văn hóa cho mình. Dù bị bại não từ khi lọt lòng, Hùng vẫn cố gắng học và tiếp thu nhanh các kiến thức.
Cô Tạ Thị Mùi - mẹ Hùng - là người luôn bên cạnh, động viên con trai từ khi còn nhỏ. |
“Tôi nghỉ việc, ở nhà chăm sóc Hùng từ khi sinh vì thương con thiệt thòi. Gia đình cũng chạy chữa nhiều nơi với hy vọng con có thể sống bình thường như bao người khác” - cô Mùi chia sẻ.
Theo mẹ Hùng, chàng trai sinh năm 1993 rất có ý thức vươn lên. Cậu học chữ và cộng trừ nhân chia bình thường khá nhanh. Nhiều bạn có cùng hoàn cảnh khó có thể được như cậu.
Song song với việc học văn hóa, mỗi ngày Quốc Hùng phải tập vật lý trị liệu tại nhà để chân tay không bị teo lại.
“Mình tập từ năm 4 tuổi. Cha mẹ có mời bác sĩ đến nhà. Việc luyện tập ban đầu đau đến nỗi mình khóc rất nhiều, nhưng sau này quen dần cũng đỡ hơn” - 9X cho hay
Đau đớn nhưng chàng trai Nam Định chưa bao giờ nghĩ tới việc bỏ cuộc vì “thương cha mẹ”. Hiện tại, ngày nào 9X cũng luyện tập 1,5 tiếng.
Cô Mùi chia sẻ, những bài tập trị liệu của Hùng chủ yếu là co duỗi chân, tay và đi lại để cơ không bị teo. Đôi lúc mệt mỏi, song Hùng không tỏ ra lười nhác trong việc tập luyện.
Âm nhạc hàn gắn vết thương
Chính trong căn phòng chật hẹp của mình, Quốc Hùng đã tìm thấy niềm đam mê với âm nhạc.
Kể về cơ duyên này, Hùng cho biết, cậu thích nhạc từ lần đầu tiên nghe cô giáo dạy em gái tại nhà. Lúc ấy, trong 9X có một cảm giác đặc biệt. Vì vậy, cậu xin mẹ học cả chữ và nhạc.
Âm nhạc là niềm đam mê bất tận của Quốc Hùng. |
“Mỗi khi thấy cô giáo đến nhà dạy nhạc cho hai em gái, Hùng tỏ ra rất thích và mon men lại gần. Tôi cảm thấy âm nhạc có thể sẽ khiến con vui vẻ và hòa đồng hơn nên quyết định cho con theo học” - cô Mùi nói.
Từ đó, mỗi ngày Hùng đều học chơi piano. Thế nhưng, mọi thứ không dễ như cậu tưởng. Bởi người bình thường học đánh đàn khó một thì với Hùng khó mười.
“Những ngày đầu khi luyện tập, do gập duỗi ngón tay khó khăn, mình bị đau, cứng hết tay. Nhưng nghe từng nốt nhạc vang lên, mình lại có cảm hứng và động lực nhiều hơn” - Quốc Hùng cho hay.
Được sự giúp đỡ nhiệt tình từ cô giáo và mẹ, cuối cùng, chàng trai sinh năm 1993 cũng có thể đánh piano bằng một tay thành thạo.
Hùng kể, mỗi lần tập, cậu lại toát nhiều mô hôi, ướt nguyên cả áo. Không ít lần, 9X muốn buông bỏ vì vừa đau tay lại vừa khó. Những lúc vậy, Hùng thường thầm nghĩ, âm nhạc chính là niềm đam mê khiến cậu sống có ích và bố mẹ vui lòng hơn để cố gắng.
Ngoài biết chơi piano, Quốc Hùng còn có thể sử dụng máy vi tính thành thạo. Để có được thành quả như hiện tại, 9X phải trải qua quá trình luyện tập gian khổ, chứa cả mồ hôi và nước mắt.
Hùng có thể đánh máy vi tính và nhắn tin điện thoại bằng chân. |
Chàng trai quê Nam Định còn tự sáng tác và phối khí một số ca khúc của mình. Hùng có một số ca khúc được nhiều ca sĩ nổi tiếng thể hiện như Đừng bắt em phải quên (Miu Lê), Dù không là định mệnh (Minh Vương M4U), Hạnh phúc của anh (Tăng Nhật Tuệ)…
9X kể, ngoài những kiến thức do cô giáo chỉ dạy, mỗi ngày cậu đều lên mạng tìm hiểu và học hỏi thêm.
“Mình thường sáng tác khi đêm về do có thói quen ngủ khá muộn. Âm nhạc như phương thuốc chữa lành vết thương tâm hồn mình" - Hùng nói.
Mỗi ngày, chàng trai dành 5-6 tiếng tập đàn trong phòng. Thời gian rảnh, 9X thường nghe nhạc và chơi game. Cậu cũng ấp ủ viết cuốn tự truyện mang tên Hùng kể về cuộc đời mình.
“Mình có ý tưởng viết tự truyện từ rất lâu rồi. Chỉ đến khi gặp một người bạn, người anh chuyên viết tiểu thuyết, mình mới mong muốn hiện thực hóa điều này” - cậu chia sẻ.
Quốc Hùng cho biết thêm, cậu dự định cuối năm nay sẽ hoàn thành cuốn tự truyện. Đồng thời, 9X sẽ sáng tác thêm nhiều ca khúc để cuộc sống có ý nghĩa hơn.
Nguồn: Zing.vn
Tin mới
- Chàng trai khiếm thị xây ước mơ bằng tri thức và nghị lực - 22/03/2016 04:06
- Đừng bao giờ đầu hàng số phận! - 22/03/2016 03:20
- Chuyến bay ước mơ đầy nước mắt của bé 10 tuổi mắc ung thư - 29/02/2016 08:33
- Câu chuyện của cậu học trò cụt tay - 29/02/2016 08:27
- Nghị lực phi thường của nữ sinh khiếm thị Hà thành - 29/02/2016 08:22
Các tin khác
- “Chàng lùn” trải lòng chuyện tình cổ tích với “Nàng bạch tuyết” - 26/02/2016 03:46
- Tỉnh Hội Lâm Đồng: Người đứng đầu tâm huyết, uy tín - 02/02/2016 11:02
- Kình ngư khuyết tật trên đường đua xanh - 02/02/2016 10:54
- Cậu học trò mồ côi giành Huy chương Olympic Toán quốc tế - 02/02/2016 10:49
- Khuyết tật vận động và những vấn đề đáng quan tâm - 20/01/2016 05:40