Mảnh đất hiền hòa Kiên Giang bao năm qua đã hun đúc lên ý chí, niềm tin chiến thắng số phận cho cô gái khuyết tật Trịnh Thị Bích Như. Nhờ đó, từ một cô thợ may cần cù, lành nghề, Như đã trở thành kình ngư khuyết tật nổi tiếng khi đoạt Huy chương Bạc tại giải Vô địch bơi người khuyết tật thế giới năm 2015.
Đứng lên bằng “đôi tay”
Sinh ra là một cô bé khỏe mạnh, kháu khỉnh, giống như biết bao thiên thần nhỏ khác, Bích Như là niềm vui, nguồn động viên mà tạo hóa trao tặng cho mẹ cha mình. Nhưng rồi, sự éo le của số phận đã khiến cô bé lí lắc, đáng yêu mới hơn 3 tuổi đã phải gắn chặt cuộc sống mình với giường bệnh và sau này là chiếc xe lăn.
Như kể rằng, năm lên 3 tuổi, trong lúc chạy chơi đã khiến Như chịu một cú ngã khá mạnh khiến đôi chân Như sưng đau, đi lại khó khăn. Ba mẹ tìm đủ cách chữa chạy cho cô con gái nhỏ, nhưng biết bao tiền bạc đổ dồn vào những toa thuốc và các đợt phẫu thuật điều trị nhưng đôi chân Như vẫn không thể đi lại do bị liệt cơ hai chi dưới.
Từ một thợ may, Bích Như đã hăng say tập luyện thể thao để đạt được danh hiệu á quân thế giới (người bên phải)
Đến tuổi đi học, Như được ba mẹ tạo điều kiện cho tới trường cùng các bạn đồng trang lứa. Với Như, mỗi ngày tới trường là một ngày vui vì được nghe thầy cô giảng bài, được khám phá tri thức và trò chuyện cùng bè bạn. Miệt mài học tập đã giúp Như đạt được tấm bằng tú tài loại khá khi hoàn thành chương trình phổ thông. Mặc dù rất ước ao được trở thành cô giáo dạy văn, nhưng bởi gia đình Như nghèo lắm, nhỡ có thi đỗ sẽ phải đi học xa nhà và chi phí tốn kém nên Như không thi Đại học mà quyết định học nghề để có thể sớm tự lập cuộc sống và phụ giúp ba mẹ.
Trong lúc đang lấn cấn vì chưa thể định hình hay lựa chọn ngành nghề phù hợp, Như vô tình biết đến Trung tâm dạy nghề cho người tàn tật thành phố Hồ Chí Minh qua cuộc trò chuyện với một người bạn. ấp ủ hy vọng, Như xin phép ba mẹ được lên thành phố để tìm nghề phù hợp với mình.
Mang theo hành trang vài bộ quần áo và chiếc xe lăn làm bạn, niềm vui trong cô gái khuyết tật dâng trào khi được Trung tâm tiếp nhận vào khóa học nghề may ngắn hạn miễn phí. Bằng sự cố gắng, tập trung học tập nên chỉ sau một khóa học, Như đã có tay nghề khá vững vàng và được Trung tâm trao tặng tấm chứng chỉ nghề xuất sắc. Như tìm được việc tại một cơ sở may tư nhân, mức lương tuy thấp nhưng cô gái vẫn rất vui vì mình đã bắt đầu bước những bước đầu tiên trên con đường tự lập. “Vạn sự khởi đầu nan”, để có thể trang trải cuộc sống, ngoài công việc được giao khoán mỗi ngày, Như đều cố gắng nhận thêm việc, tranh thủ làm vào buổi tối để tăng thu nhập.
Trở thành á quân bơi thế giới
Do công việc vất vả nên Như ít khi ra ngoài chơi và trong một lần tình cờ, cô gái khuyết tật Trịnh Thị Bích Như được một người bạn rủ đi học bơi vào các buổi chiều để giảm bớt mệt mỏi. Nghe lời bạn động viên, Như đăng ký tham gia khóa học bơi dành cho người khuyết tật, mặc dù khá lo lắng vì đôi chân bị liệt thì làm sao có thể bơi. Nhưng rồi sau một vài buổi tập, Như cảm thấy bơi lội có sức hút lạ kỳ với mình và linh cảm bơi lội sẽ giúp Như có được những bước ngoặt trong cuộc đời.
Và niềm hạnh phúc của vận động viên khuyết tật Bích Như khi đón nhận Huy chương
Cũng từ đó, Như được một huấn luyện viên chọn vào đội tuyển bơi của người khuyết tật thành phố và tìm cách hỗ trợ cho cô gái khuyết tật có điều kiện tập luyện tốt nhất. Hăng say hơn với mỗi buổi tập bơi dưới sự hướng dẫn của huấn luyện viên, cô gái khuyết tật dần dần chinh phục được những đường đua xanh ở nhiều cự ly.
Hơn 2 năm ròng rã tập luyện, Như vui mừng khi được chọn tham dự giải thể thao người khuyết tật toàn quốc năm 2010. Niềm vui ấy đã tiếp thêm cho cô gái trẻ đạt được hai tấm huy chương Vàng, Bạc trong cuộc thi năm đó. Chỉ sau giải đấu trong nước vài tháng, Trịnh Thị Bích Như đã tiếp tục đạt được tấm Huy chương Vàng trong lần đầu tiên tham dự giải Asean Paragames 2011.
Không bằng lòng trước những kết quả đã đạt được, cô gái trẻ vẫn say sưa tập luyện vì mục tiêu đạt thành tích cao ở những cuộc thi lớn hơn. Như đã làm các huấn luyện viên hài lòng khi hoàn thành mọi bài tập trong giáo án đưa ra. Quá trình khổ luyện đã giúp cho cô đạt tới đẳng cấp hàng châu lục ở nội dung SB5 (bại liệt, hai chân không cử động) khi tròn 30 tuổi.
Bích Như vui vẻ cho biết: “Tôi thực sự rất hạnh phúc và tự hào mỗi khi được đứng trên bục vinh quang đón nhận huy chương và lại được hát vang bài Quốc ca của Tổ quốc. Có được những vinh dự ấy chính là nhờ có sự dìu dắt, hỗ trợ nhiệt tình của các huấn luyện viên. Không chỉ có cơ hội góp sức mình mang vinh quang về cho Tổ quốc, các thầy còn giúp tôi thực hiện ước mơ được tận mắt chứng kiến VĐV mà tôi hết sức hâm mộ - vận động viên Michael Phelps thi đấu Olympic trong chuyến sang Anh tham dự Paralympic 2012”.
Trong năm vừa qua, vận động viên khuyết tật Trịnh Thị Bích Như đã đạt Huy chương Bạc nội dung 100m ếch hạng thương tật SB5 với thành tích 1’43s tại giải Vô địch bơi người khuyết tật thế giới được tổ chức tại Scotland. Chính thành tích đó của Bích Như đã ghi dấu ấn đầu tiên cho thể thao người khuyết tật Việt Nam đạt được Huy chương thế giới và thành tích này đã giúp vận động viên khuyết tật người Kiên Giang giành vé tham dự Paralympic tại Brasil năm 2016.
Nguồn: Tạp chí Người bảo trợ
Tin mới
- Câu chuyện của cậu học trò cụt tay - 29/02/2016 08:27
- Nghị lực phi thường của nữ sinh khiếm thị Hà thành - 29/02/2016 08:22
- Cuộc chiến chống số phận của chàng nhạc sĩ bị bại não - 29/02/2016 08:18
- “Chàng lùn” trải lòng chuyện tình cổ tích với “Nàng bạch tuyết” - 26/02/2016 03:46
- Tỉnh Hội Lâm Đồng: Người đứng đầu tâm huyết, uy tín - 02/02/2016 11:02
Các tin khác
- Cậu học trò mồ côi giành Huy chương Olympic Toán quốc tế - 02/02/2016 10:49
- Khuyết tật vận động và những vấn đề đáng quan tâm - 20/01/2016 05:40
- Ươm mầm ước mơ cho trẻ thiệt thòi - 20/01/2016 05:30
- Học giỏi để thoát nghèo - 20/01/2016 05:26
- Gập ghềnh đường đến ước mơ của cô gái mồ côi - 20/01/2016 05:22