Học giỏi, hát hay là những ấn tượng thường được người từng tiếp xúc nhắc đến khi nói về chàng sinh viên khiếm thị Cao Duy Đạt (huyện Tam Nông - tỉnh Phú Thọ). Vừa đi học, vừa làm thêm kiếm kế sinh nhai và phụ giúp gia đình, Đạt còn nuôi dưỡng một ước mơ thật đẹp, đó là trở thành giáo viên dạy đàn cho trẻ khuyết tật.
Đi qua bóng tối
Lọt lòng mẹ, Cao Duy Đạt đã bị mắc căn bệnh mù bẩm sinh. Bao kỳ vọng vào cậu con trai út của các bậc sinh thành đã sớm vụt tắt. Những năm tháng đầu đời, cậu bé Đạt thường xuyên phải lui tới bệnh viện, bởi trong vòng 8 tháng tuổi, Đạt phải trải qua 6 cuộc phẫu thuật và từ năm lên 3 đến khi tròn 6 tuổi, năm nào Đạt cũng có sáu đến bảy lần được bố mẹ đưa xuống viện Mắt Trung ương điều trị. Những cuộc "hành trình" kiếm tìm ánh sáng cho cậu bé Đạt đều không mang lại kết quả.
Tuy điều kiện kinh tế gia đình ngày càng eo hẹp, bởi bao nhiêu vốn liếng bố mẹ Đạt đều đã đổ dồn vào việc cứu lấy đôi mắt cho cậu con trai, nhưng dù khó khăn, dù phải ăn đói, mặc rách, bố mẹ Đạt vẫn quyết tâm để con được ăn học tới nơi tới chốn. Ngặt nỗi nơi làng quê của Đạt không có ngôi trường dành cho trẻ khiếm thị và cũng không một ngôi trường nào dám tiếp nhận Đạt vì không có giáo trình, giáo viên dạy trẻ khiếm thị. Rồi may mắn đã đến, cậu bé khiếm thị nghèo cuối cùng cũng được đi học lớp 1 khi đã lên 8 tuổi. Em được nhận vào học tại trường Bảo trợ trẻ em mồ côi và khuyết tật thành phố Việt Trì. Chấp nhận xa gia đình, xa người thân, Đạt về trường ở nội trú để theo đuổi ước mơ kiếm tìm con chữ.
Những ngày đầu xa gia đình, lúc nào trong lòng Đạt cũng rưng rưng nỗi nhớ về ngôi nhà nhỏ đơn sơ nhưng ấm áp, nhớ những âm thanh nô đùa mỗi buổi chiều của đám trẻ cùng xóm, nhớ tiếng mẹ đi làm đồng về gọi Đạt vọng từ ngoài sân... Nhưng cậu bé không dám khóc, chỉ biết mải miết giấu nỗi nhớ ấy vào những con chữ nổi, những kiến thức mới được tiếp thu từ thầy, cô.
Bằng nghị lực, ý chí phấn đấu, Đạt đã và đang thắp sáng tương lai cho mình
Những ngày dài đằng đẵng với nỗi nhớ quê ấy cứ thế trôi, rồi Đạt cũng dần quen với cuộc sống mới nhờ có sự giúp đỡ, chỉ bảo của thầy cô và sự đùm bọc của những người bạn đồng tật. Cao Duy Đạt không chỉ biết cách định hướng đường đi lối lại bằng đôi tai, đôi tay và giác quan, mà còn có thể chủ động trong mọi sinh hoạt, học tập. Bên cạnh những kết quả học tập xuất sắc sau mỗi năm học, cậu học trò khiếm thị còn là một cây văn nghệ nổi trội của trường với giọng hát trầm ấm, tình cảm.
Vượt qua bao khó khăn, cậu học trò khiếm thị đã hoàn thành cả 3 cấp học với kết quả loại giỏi. Nhờ có giọng hát thiên bẩm của mình, Đạt may mắn được nhà trường tạo điều kiện xin cho theo học tại trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Thái Nguyên. Cơ hội đến với nghệ thuật khi đó cũng là bàn đạp để cậu học trò khiếm thị đến với chương trình Liên hoan Tiếng hát người khuyết tật toàn quốc lần thứ Nhất năm 2006 tại tỉnh Đắc Lắc. Đây cũng là lần đầu tiên Đạt được tham gia một chương trình có quy mô lớn nên đã cố gắng tập luyện hết mình và cái tên Cao Duy Đạt đã được nhiều người biết tới khi đoạt giải Vàng. Xúc động trước tin vui bất ngờ, Đạt lại càng có thêm động lực và tự tin tiếp tục tham gia cuộc thi Khát vọng sống của Đài Tiếng nói Việt Nam. Cũng tại cuộc thi này, một lần nữa Đạt trở thành niềm hãnh diện của gia đình, thầy cô với giải Nhì chung cuộc.
Tìm kiếm ánh sáng tương lai
Thành công sau cuộc thi Khát vọng sống đã mang lại cho Cao Duy Đạt nhiều cơ hội mới để khẳng định mình. Năm 2008, cậu học trò khiếm thị được các cô chú trong Đài Tiếng nói Việt Nam giới thiệu đi thử giọng cho Chương trình Blog Radio và không ngỡ đã trúng tuyển. Được làm việc, được gắn bó với Chương trình trong suốt quãng thời gian dài đã tiếp thêm cho Đạt sự tự tin và động lực vượt qua bóng tối cuộc sống bằng chính những chia sẻ, câu chuyện rất đỗi đời thường, bình dị của các bạn trên khắp mọi miền Tổ quốc.
Và quyết tâm thực hiện ước mơ làm giáo viên dạy đàn cho trẻ khuyết tật
Có được tấm bằng tốt nghiệp Cao đẳng, có được niềm vui với công việc vào mỗi thứ sáu hàng tuần trong chương trình Blog Radio, nhưng với Đạt, điều mong mỏi lớn nhất vẫn là được học Đại học, được nâng cao kiến thức, trình độ. Và điều cậu học trò khiếm thị ấy hằng ấp ủ, hy vọng cũng đã trở thành hiện thực. Với tấm bằng tốt nghiệp tú tài loại giỏi, Đạt đã được đặc cách trở thành tân sinh viên khoa Luật Kinh tế, trường Đại học Mở Hà Nội. Mặc dù đang là sinh viên năm thứ hai của trường, nhưng Đạt còn theo học cùng lúc Đại học tại chức ngành Công tác xã hội, trường Đại học Lao động Xã hội.
Nỗi khát khao được thử sức ở nhiều lĩnh vực khác nhau và muốn tự lập cuộc sống cũng như đỡ đần kinh tế cho gia đình, đã giúp Đạt có thêm niềm tin, sức mạnh để vừa đi học, vừa đi làm. Cho dù việc học tập, làm thêm khá bận rộn, Đạt vẫn cố gắng dành thời gian, tâm huyết tham gia các chương trình tình nguyện của các Câu lạc bộ người khuyết tật hay Đoàn trường phát động, đặc biệt, Đạt luôn sẵn sàng dành lời ca, tiếng hát của mình để kêu gọi sự đồng cảm, sẻ chia với những số phận kém may mắn thông qua các chương trình nghệ thuật từ thiện.
Bằng những nỗ lực vượt qua bóng tối, Đạt đang từng bước thắp sáng tương lai, trở thành một luật sư giỏi đồng thời thực hiện ước mơ ấp ủ từ lâu, đó là làm giáo viên dạy đàn cho trẻ khuyết tật.
(Theo Tạp Chí Người Bảo Trợ)
Tin mới
- Nữ sinh mồ côi sẽ tham dự kỳ thi Olympic Hóa học Quốc tế - 29/03/2015 14:03
- Nỗi buồn tủi của đôi vợ chồng khuyết tật - 27/03/2015 13:23
- Ước mơ trở thành họa sĩ của cô bé người J’rai khiếm khuyết đôi tay - 26/03/2015 13:51
- Cổ tích giữa đồng bưng - 24/03/2015 03:21
- “Giá trị còn lại của chúng ta” - 23/03/2015 02:28
Các tin khác
- Hạnh phúc tròn đầy của á khôi Vầng trăng khuyết - 20/03/2015 03:03
- ý chí của người phụ nữ khuyết tật - 20/03/2015 02:46
- Bệnh viện Thu Cúc ưu tiên tuyển dụng người khuyết tật - 19/03/2015 04:04
- Cô bé bại não và giấc mơ trở thành người mẫu - 19/03/2015 03:48
- Bữa cơm tình thương giúp bệnh nhân nghèo yên tâm điều trị - 19/03/2015 03:35