Thứ sáu, 20 Tháng 3 2015 09:46

Mang di chứng liệt nửa người, từ nhỏ đến lớn chỉ biết học và sống trong sự bao bọc của gia đình, vậy mà cô gái trẻ Đào Thị Kim Oanh (phường Đề Thám, thành phố Thái Bình) dám một mình khăn gói lên đường, vượt qua hàng ngàn cây số đến Kiên Giang học nghề sư phạm. ý chí, quyết tâm được sống có ích, được đứng trên đôi chân của chính mình đã giúp cô gái trẻ năm ấy vượt qua được mọi gian nan, thử thách để đi đến đích cuộc hành trình mà mình đã lựa chọn.

Loay hoay tìm lối thoát


Loay hoay tìm lối thoát

 

Là con thứ ba trong gia đình, tuổi thơ của cô bé Oanh gắn liền với đói, nghèo. Ba tháng tuổi, Oanh bị sốt cao khiến toàn thân co giật, bố mẹ vội đưa sang Hải Phòng chữa trị. Nhưng phần vì y học lúc bấy giờ còn hạn chế, phần vì cuộc sống bần hàn bao vây nên việc cứu chữa bị gián đoạn. Kết quả, các bác sĩ chỉ có thể cứu được mạng sống cho Oanh, di chứng liệt nửa người bên phải, cột sống cong vẹo đeo đẳng cô bé từ đó.


Dù không khỏe mạnh, nhanh nhẹn như những đứa trẻ khác, nhưng Oanh vẫn còn may mắn khi được đến trường, học đến hết cấp III (lúc ấy là trình độ 10/10). Sống trong tình yêu thương chan hòa của bạn bè, thầy cô, được tiếp thu những kiến thức mới, bổ ích, Oanh không có mặc cảm về khiếm khuyết và sự khác biệt của mình mà chỉ biết tập trung cho việc học. Tuổi thơ vô lo, vô nghĩ, cô bé Oanh cứ vẹo vọ đến trường. Cho hết những năm học cấp II, rồi cấp III, khi đã đủ lớn để biết mình đi đứng không giống ai, làm việc không giống ai, viết chẳng giống ai, mọi việc to nhỏ chỉ có thể làm bằng tay trái, Oanh mới thấy e ngại, bắt đầu nghĩ miên man về bản thân và bắt đầu thấy bi quan, tủi phận.


ở quê Oanh khi ấy có nghề làm nón khá nổi tiếng. Trong khi các chị em gái khác từ lớp 3, lớp 4 đã có thể giúp bố mẹ khâu bao tải, làm nón lá thì Oanh vẫn chưa giúp gì được cho gia đình vì cánh tay phải bị liệt. Muốn được giống như mọi người, đã có lần Oanh hí hoáy tập khâu, nhưng chỉ lén lút tập lúc các chị em buông nón đi nhặt rau, nấu cơm. Cố gắng kẹp nón vào giữa hai chân một khỏe, một yếu và tập khâu bằng tay trái. Người bình thường khâu bằng hai tay, một tay trên nón, một tay đỡ dưới nên mũi kim rất mịn.

 

Còn Oanh, vì chỉ có một tay vừa đâm lên, vừa đâm xuống, khi kéo chỉ thường phải ngược lên để siết mối nên mũi khâu bị "toét" rất lộ liễu. "Dù chỉ vài mũi trong một sản phẩm nhưng lần nào đi trả hàng, bố mẹ cũng bị chủ phát hiện, nhiều lần họ dọa không cho nhận hàng về làm nữa. Lo sợ mất đi miếng cơm của cả nhà, tôi không dám đụng đến việc khâu nón nữa. Chỉ ngồi bên rồi phụ giúp lấy nước, tiếp chỉ, xâu kim cho mọi người, cũng gọi là có ích. Nhưng khi đêm về, cảm giác mình là người vô dụng vẫn khiến tôi thấy day dứt trong lòng" - bà Oanh nhớ lại.

 

Quyết chí vươn lên làm người có ích


Cuộc sống cứ tưởng chừng sẽ mãi chìm trong những tháng ngày vô vọng đó, nhưng rồi cơ hội đã đến với cô gái trẻ. Trong một lần đến chơi nhà người quen, Oanh đọc được thông tin tuyển sinh Trung học sư phạm và Cao đẳng sư phạm của Trường Sư phạm Kiên Giang. Thấy điều kiện phù hợp, Oanh lẳng lặng đăng ký xin đi học. Hai tháng sau, nhà trường gửi giấy gọi đến nộp hồ sơ, mọi việc đều trót lọt vì khi ấy cô gái giấu nhẹm việc mình bị liệt tay phải.


Năm 1977, Oanh cùng một vài người bạn cùng quê lên ô tô sang Nam Định để đi tàu Thống Nhất vào Nam, đến Kiên Giang. Đó là lần đầu tiên Oanh xa nhà, rời khỏi sự bao bọc của gia đình, quyết tâm làm một người bình thường. "Tôi lên đường với một túi xách nhỏ, hai bộ quần áo và 100 đồng tiền xu. Chật vật leo lên ô tô, tôi ngồi ngay hàng ghế đầu, mắt chăm chăm nhìn về phía trước, cố gắng giữ cho tư thế nghiêm chỉnh để không ai để ý đến cái tay bị liệt. ở dưới, mẹ và các em của tôi nước mắt lã chã, lo lắng không biết rồi tôi sẽ xoay sở như thế nào nên ra sức khuyên tôi quay về. Tôi cũng run lắm, cũng lo lắng, hồi hộp lắm, nhưng đã quyết tâm nên kiên quyết không về" - bà Oanh chia sẻ về quyết định "liều lĩnh" của mình khi ấy.

Bà Oanh chia sẻ tại một diễn đàn về vấn đề phụ nữ và trẻ em gái khuyết tật


Tại trường Sư phạm Kiên Giang, cô sinh viên Đào Thị Kim Oanh được học bồi dưỡng chuyên môn, được học cách soạn giáo án, cách lên lớp. Điều kỳ diệu là không ai nhắc đến cánh tay liệt của cô. Thầy Chủ nhiệm chỉ nói một lần duy nhất: "Em viết tay trái à, rất đẹp". Lời động viên của thầy khiến Oanh yên tâm hơn. Vào buổi tập giảng đầu tiên, cô đã lấy hết can đảm để đối diện với khiếm khuyết của mình: "Kính thưa thầy Chủ nhiệm, thưa các bạn, em bị liệt tay phải, chân phải của em cũng rất yếu. Nên em xin phép ít đi lại trong giờ dạy. Em viết bằng tay trái nhưng em hứa sẽ cố gắng. Em mong thầy và các bạn tin em". Giờ dạy đầu tiên của cô đã thành công. Có nhiều giọt nước mắt long lanh rơi vào ngày hôm đó.


Sau một năm học nghiệp vụ, Oanh nhận quyết định về dạy tại trường Minh Hòa C, thị xã Rạch Giá, Kiên Giang. Bà nhớ lại "Đây là sự ưu tiên dành cho tôi vì là người khuyết tật. Chưa bao giờ tôi hạnh phúc như vậy, vì tôi biết rằng, tôi có thể đứng trên đôi chân không lành lặn của mình, tôi có thể dạy học trò bằng cánh tay còn lại của mình. Tôi là người khuyết tật nhưng đã được sống như người bình thường".


Sau 2 năm, bố mẹ Oanh xin cho cô chuyển công tác ra Bắc, về quê Thái Bình, cuộc đời cô bắt đầu một trang mới đầy chông gai thử thách nhưng cũng đầy vinh quang. Cô được phân công về dạy tại một trường tiểu học vùng Công giáo của huyện, cách nhà 8 km, nơi mà phụ huynh học sinh còn bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, kiếm từng bông lúa, củ khoai, nơi mà học sinh quen đi cầu nguyện hơn là đi học. Không có nhà tập thể, không có xe máy như bây giờ, hàng ngày hai mẹ con lóc cóc đạp xe, chèo thuyền đến lớp. Không ít lần mẹ con ngã bê bết, vào đến lớp học mà bùn đất và nước mắt quyện hòa. "Nhưng nhìn ánh mắt học trò và sự vô tư trong sáng của chúng cùng với sự tận tụy, hy sinh của mẹ là luôn là niềm động viên, là động lực vực tôi đứng dậy, vượt qua mọi thách thức để bám trường, bám lớp".


Cô giáo Oanh đã dạy các em, chăm sóc các em như người chị, người mẹ. Cô lăn lộn cùng cha mẹ các em sửa lại lớp học cho ấm áp, đóng lại bàn ghế cho đỡ ọp ẹp... dạy các em tập đọc, tập viết, chơi thuyền, học hát và nhiều trò chơi khác. Nhờ phương pháp học mà chơi, chơi mà học của cô Oanh nên học sinh đến lớp ngày một chăm hơn, phụ huynh quan tâm nhiều hơn đến việc học của con. Từng bước, từng bước một, cô Oanh với cánh tay liệt đã có được niềm tin của phụ huynh, đồng nghiệp.


Trong suốt hơn 30 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người, cô giáo Oanh đã phải chuyển qua nhiều trường khác nhau. Nhưng dù ở đâu, với sự tâm huyết và sáng tạo của mình, cô luôn đem đến cho học trò những bài giảng thật bổ ích, chứa đựng những giá trị của cuộc sống. Đã có hàng trăm học sinh nhận được sự giáo dục, chăm sóc của cô Oanh, trong đó có cả những em mang khiếm khuyết giống cô và tương tự như cô. Với kinh nghiệm của mình, cô lại dành nhiều thời gian hơn quan tâm, động viên các em ngoài giờ học chính, giúp các em vơi đi nỗi mặc cảm để hòa nhập cộng đồng tốt hơn.


Nhìn lại cuộc đời mình, điều bà giáo Oanh cảm thấy tâm đắc nhất không phải là những danh hiệu thi đua được nhà trường và ngành giáo dục ghi nhận mà chính là sự nỗ lực, cố gắng của bà đã có được kết quả hơn cả mong đợi: "Tôi không chỉ tự lập, tự đứng trên đôi chân của mình mà còn truyền được ý chí, quyết tâm của mình đến nhiều thế hệ học trò khác. Để các em, dù có khiếm khuyết hay không vẫn vững tin vào một tương lai tươi sáng hơn, tốt đẹp hơn".


(Theo Tạp Chí Người Bảo Trợ)

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi

TIÊU ĐIỂM

Nghệ sĩ Trần Lập qua đời ở tuổi 42
Sau 4 tháng chiến đấu với bệnh ung thư trực tràng, thủ lĩnh ban nhạc Bức Tường đã trút hơi...
Bớt hội họp để tập trung chống xâm nhập mặn
Tỉnh ủy Bến Tre chỉ đạo các cấp giảm hội họp, huy động cả hệ thống chính trị để phòng,...
Sở Y tế Đắk Lắk xin lỗi nữ sinh bị cưa chân
Chiều 17/3, Sở Y tế Đắk Lắk tổ chức họp báo thông tin về trường hợp nữ sinh Lê Thị...