Thứ hai, 11 Tháng 12 2017 15:39

Dù chỉ có thể giao tiếp với nhau bằng bằng ánh mắt, cử chỉ, nhưng đôi vợ chồng khiếm thính Phan Ngọc Việt và Nguyễn Thị Ngọc Anh (Hà Nội) vẫn khiến người đối diện cảm nhận được tình yêu ấm áp, chân thành họ đang dành cho nhau. Có lẽ, chính sự đồng cảm về khiếm khuyết, sự đồng điệu về tâm hồn là sức mạnh, động lực giúp cho hai con người trẻ tuổi ấy nắm chặt tay, vượt qua khó khăn, trở ngại để bảo vệ tình yêu và xây dựng tổ ấm của mình.

Khiếm khuyết vẫn từng bước trưởng thành

                         

Phan Ngọc Việt sinh ra trong một gia đình có bố mẹ đều làm trong cơ quan quân đội. Lúc mới sinh, cậu bé khôi ngô, tuấn tú luôn là niềm vui và niềm tự hào của bố mẹ và đồng nghiệp. Nhưng khi lên 3 tuổi, Việt bị viêm phổi, việc sử dụng thuốc quá liều đã khiến Việt bị ảnh hưởng đến khả năng nghe nói. Nhờ quá trình khổ luyện và tình yêu thương, hỗ trợ hết mình của bố mẹ trong suốt thời thơ ấu, Việt vẫn có thể nói được những câu ngắn và còn ngọng.

127Chan dung 1

Khi vào học bậc Tiểu học, vì khả năng nghe kém lại không thể nói rành mạch được nên Việt gặp rất nhiều khó khăn khi học hoà nhập với các bạn. Việc tiếp thu kiến thức, tiếp cận các chương trình học không hề dễ dàng nên kết quả học tập không cao. Lo lắng con không theo kịp các bạn, không duy trì được kết quả học tập, bố mẹ quyết định cho Việt chuyển sang trường dành cho trẻ khuyết tật. Nhưng Việt đã xin bố mẹ cho mình thử sức ở môi trường mới dành cho người nghe để mình có thể thích nghi và phát huy thế mạnh của mình.

Khó khăn lớn nhất với Việt là không thể nghe được thầy cô giảng bài, không nói được rõ những điều mình còn băn khoăn, thắc mắc, nhưng với sự giúp đỡ của bạn bè và gia đình, sự kiên trì, nỗ lực của bản thân, Việt đã từng bước khắc phục, tự trau dồi kiến thức bằng việc tự học, nhờ đó Việt đã hoàn thành chương trình học cấp II và cấp II, tốt nghiệp THPT. Kết quả này vượt xa so với tưởng tượng và mục tiêu ban đầu của cả gia đình. Rồi Việt thi đỗ vào Cao đẳng và đại học chính quy chuyên ngành công nghệ thông tin. “Gia đình luôn tự hào vì tôi đã nỗ lực để có được tấm bằng Đại học. Hiện tôi là nhân viên truyền thông tại Trung tâm hành động vì sự phát triển cộng đồng, đóng góp một phần nhỏ bé cho hoạt động hỗ trợ người khuyết tật nói chung, người khiếm thính nói riêng”, Việt tự hào chia sẻ.

Còn Nguyễn Thị Ngọc Anh, cô gái sinh năm 1991 tại Thái Bình không may mắn khi mất cả thính lực và âm thanh từ khi mới hơn 1 tuổi cũng do tác dụng phụ của thuốc kháng sinh. Thương con và tin rằng con gái sẽ phát triển tốt hơn khi được sống trong môi trường giáo dục cùng những người đồng tật, vì vậy, khi Ngọc Anh lên 5 tuổi bố mẹ đã quyết định rời quê hương lên Hà Nội ở trọ và tìm kiếm việc làm để cô có thể theo học tại Trường PTCS Xã Đàn.

Ngọc Anh bộc lộ những tố chất thông minh ở các môn về toán học và mỹ thuật, trong khi các môn khác thì lại tiếp thu chậm do được dạy bằng phương pháp nói. Khi lên cấp III, Ngọc Anh đăng ký vào học tại Trường Cao đẳng sư phạm Trung ương Hà Nội. ở đây giáo viên đều sử dụng phương pháp riêng và ngôn ngữ ký hiệu của người Điếc giúp cho cô tiếp cận đầy đủ các chương trình học và nâng cao nền tảng trình độ học vấn. Tốt nghiệp phổ thông, Ngọc Anh thi đỗ vào Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương, khoá học đầu tiên dành cho người Điếc. Song song với việc học, Ngọc Anh còn làm gia sư cho trẻ điếc về giáo dục bằng ngôn ngữ ký hiệu. Gia đình cũng phần nào đỡ lo lắng và cảm thấy vui vì sự trưởng thành của cô trong cuộc sống.

Câu chuyện tình mang màu của nắng

Không chỉ cố gắng học tập, Ngọc Anh còn chăm chỉ tham gia hoạt động tại Chi Hội người Điếc Hà Nội. Cũng tại đây, cô có cơ hội gặp và quen biết Việt. “Lần đầu tiên gặp anh Việt, em rất ấn tượng với vẻ đẹp trai, cao to của anh ấy. Đặc biệt, da Việt trắng nên em thấy rất ghen tị, vì em thì hơi đen. Có rất nhiều cô gái quý mến anh ấy. Em nghĩ chắc anh ấy chẳng thích mình đâu”, Ngọc Anh hồn nhiên nhớ lại. Còn Việt, khi được hỏi về ấn tượng đầu tiên với Ngọc Anh, anh cho biết: “Lần đầu tiên gặp thấy Ngọc Anh là người hiền lành, năng nổ trong hoạt động và tích cực giúp đỡ mọi người. Cô ấy lại rất thông minh, ứng xử linh hoạt nên thấy rất quý mến. Rồi càng tiếp xúc nhiều, càng thấy thân thiết và yêu thương cô ấy. Lúc tỏ tình thì thấy rất hồi hộp, mồ hôi ra như tắm, chân thì run, chỉ sợ cô ấy từ chối thôi”.

“Lúc tỏ tình, anh Việt không muốn dùng ngôn ngữ ký hiệu mà nhìn thẳng vào mắt em và nói “Anh yêu em”. Em không nghe được nên không hiểu lắm. Một lúc sau em mới hiểu ra và cảm thấy hơi bàng hoàng. Nhưng rất hạnh phúc” - Ngọc Anh kể.

127Chan dung 2

Khi hai người thông báo kết hôn thì đã gặp phải rất nhiều ý kiến, có người ủng hộ nhưng cũng rất nhiều người phản đối, đặc biệt là bà nội và bố của Việt. Họ lo lắng hai vợ chồng đều không nghe nói được, không biết mai này sinh con ra rồi sẽ thế nào? Cuộc sống vợ chồng liệu có yên ổn, hạnh phúc, việc sinh hoạt, giao tiếp trong gia đình, nội ngoại hai bên sẽ thế nào?

“Lúc ấy mình rất buồn, nhưng cũng dặn mình phải suy nghĩ mọi chuyện cho thấu đáo và thuyết phục mọi người. Hai đứa đã động viên nhau cùng sát cánh để vượt qua khó khăn, định kiến của xã hội và bảo vệ tình yêu” - Việt tâm sự. Cuối cùng, tình yêu của Việt và Ngọc Anh cũng đã thuyết phục được gia đình, một đám cưới đầm ấm, hạnh phúc đã được tổ chức vào cuối năm 2016.

127Chan dung NKT 3

Ngọc Anh chia sẻ “Em thấy rất may mắn vì có anh Việt thấu hiểu và yêu em, hỗ trợ em trong cuộc sống. Em hay nghĩ, nếu màu sắc có thể biểu hiện cho tình yêu thì tình yêu của mình có màu xanh da trời, màu của tuổi trẻ, tươi mới như bầu trời trong nắng vậy”.

Cả Việt và Ngọc Anh đều là những “hạt nhân” tích cực tham gia nhiều hoạt động sôi nổi và có ý nghĩa thiết thực của Chi Hội người Điếc Hà Nội và Ban vận động thành lập Hội Người điếc Việt Nam. Bên cạnh đó, cả hai cũng luôn cố gắng tham gia các khóa tập huấn nâng cao năng lực cho người khuyết tật nhằm thu nhận và chia sẻ kiến thức, không chỉ để bản thân tự lực trong cuộc sống mà còn chung tay cùng những người bạn đồng cảnh vươn lên hòa nhập cộng đồng.  


Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi