Thứ sáu, 03 Tháng 11 2017 10:21

Không có được một đôi chân lành lặn, nhưng nghị lực và quyết tâm của chàng trai quê gốc Hải Phòng Ngô Ngọc Hà thì không phải người khỏe mạnh nào cũng có được. Một thân một mình lập nghiệp ở Hà Nội, anh đã vượt qua những trở ngại do khiếm khuyết của cơ thể, bằng tình yêu và niềm đam mê của mình viết lên câu chuyện tình yêu đẹp như cổ tích.

Luyện chân để có thể tự lập

Năm 1 tuổi, một trận sốt đã làm liệt đôi chân của Hà. Lớn hơn một chút, cậu bé Hà thường ngồi bên khung cửa sổ nhìn ra bên ngoài và tự hỏi không biết ở ngoài kia có những gì. Để trả lời câu hỏi ấy, Hà nhờ người cậu làm cho đôi nạng gỗ, bắt đầu tập đi. Những ngón chân bướng bỉnh cứ không chịu yên vị trong đôi dép lê nên cậu bé phải buộc đá vào ngón chân cái để có thể giữ được dép.

117Chan dung Ngo Ngoc Ha 1

Từng ngày, từng ngày nỗ lực, Hà đã có thể tự mình ra ngoài, đến trường, hoàn thành chương trình học phổ thông và thậm chí một mình lên Hà Nội để luyện thi đại học. Ba năm liền ở trọ ôn thi đại học, sáng sáng Hà “khởi hành” từ nhà trọ lúc 5g45, đi bộ hai tiếng đồng hồ thì đến lớp. Những người dân dọc hai bên đường Đê La Thành cũng quen mặt Hà. Khi biết tin Hà đã thi đỗ vào trường Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội, chuyên ngành Thiết kế, từ bác xe ôm đến cô bán quán trước cổng trường đều chúc mừng.

Thi đỗ rồi, nhưng hồ sơ nhập học của Hà đã từng bị trả lại với lý do “không đủ sức khỏe theo học”. Anh phải ký vào cam kết sẽ theo học đầy đủ như mọi người, không hưởng một chế độ ưu tiên nào thì mới được nhận vào học.

Chọn học mỹ thuật – ngành học mà nhiều người nói nửa đùa nửa thật là luôn phải “đứng trên hai chân”, đương nhiên là sự thử thách không nhỏ đối với chàng trai khuyết tật Ngô Ngọc Hà. Thế nhưng trong suốt những năm học tại trường, hầu như học kỳ nào Hà cũng giành được học bổng. ở ký túc xá, Hà “xung phong” ở tận tầng 4 để “luyện chân”. Hằng ngày lên xuống bốn tầng cầu thang vài lần càng giúp anh đi lại thuần thục hơn.

Học Đại học, Hà xoay đủ nghề làm thêm, từ thiết kế, làm quảng cáo, làm gia công cho xưởng in, cắt gáo dừa, chép tranh, làm thiệp mừng handmade đến mua sách cũ theo cân về tân trang để bán trên phố cổ.

Học đến năm thứ 3, Hà nảy ý định mở quán trà. Anh thích bắt bất kỳ chuyến xe buýt nào, xuống bất kỳ bến nào, vào bất kỳ con phố nào, ngồi ở bất kỳ quán trà vỉa hè nào và trò chuyện với bất kỳ ai, ngồi nghe những ông cụ, bà cụ bán nước kể chuyện đời, chuyện nghề và truyền bí quyết pha trà ngon. Anh tâm niệm: “Mỗi câu chuyện trong một quán trà lại là một bài học được tích lũy khoảng năm, sáu chục năm trời, được học trong một tiếng rưỡi và học phí chỉ... 1.000 đồng”.

Gom góp toàn bộ tiền làm thêm, học bổng và góp tay từ bạn bè, chàng sinh viên khuyết tật mở một quán trà trong con ngõ nhỏ của phố Tây Sơn, lấy tên là “Trà Hà ba bánh”. Quán được thiết kế đặc biệt với không gian làng quê đồng bằng bắc bộ, với chõng tre, ghế tre, nơm úp, ấm chén bằng đất nung Bát Tràng. Quán không có nhân viên phục vụ, chỉ có ông chủ trẻ đứng pha trà, khách tự chạy bàn, tự phục vụ. Ban ngày Hà đến trường, buổi tối 6h lại có mặt ở quán trà đun từng ấm nước bằng bếp than đổ đầy các phích để bán buổi tối, hết khách thì anh dọn dẹp rồi ngủ trên gác xép nhỏ và làm bài tập thiêt kế trên đó.

Cứ thế, Hà cần mẫn, say mê với công việc mình tự tạo ra và tích cóp từng chút một cho đến ngày tốt nghiệp ra trường. Lúc này anh đi làm ở các công ty để tích luỹ kinh nghiệm, nâng cao kiến thức và có thu nhập trang trải cho cuộc sống ở Hà Nội. Quán trà lúc này cũng đã đóng cửa, nhưng những kỷ niệm về nó luôn để lại cho anh những cảm xúc rất riêng. Bởi nó không chỉ là tâm huyết, đam mê tuổi trẻ của anh mà bởi chính nơi đây, anh gặp được tình yêu của mình, để từ đó vượt qua bao sóng gió để xây dựng nên mái ấm gia đình hạnh phúc.

9 năm kiên trì vì tình yêu

Anh Hà gặp được một nửa của mình tại chính quán trà Hà ba bánh, khi đó - vợ anh, chị Trần Thị Hằng đang là sinh viên năm nhất của Học viện Hành chính quốc gia. Chị Hằng nhớ lại: “Trong một lần đến uống trà, mình đã rất ấn tượng với cách bài trí và không gian độc đáo của quán, mình càng ấn tượng hơn khi biết chủ quán là một chàng trai khuyết tật. Rồi mình tò mò tìm hiểu, bắt chuyện làm quen với anh ấy. Cũng chẳng rõ do câu chuyện về cuộc đời anh, về nghị lực và niềm lạc quan của anh hay cách nói chuyện dí dỏm, có duyên của anh đã cuốn hút mình. Cứ thế, mình đến quán thường xuyên hơn, câu chuyện giữa hai người trở nên thoải mái, cởi mở hơn, rồi tình yêu đến lúc nào cũng không biết nữa”.

Không lâu sau đó, tin con gái đang hẹn hò với một người khuyết tật đến tai bố mẹ Hằng. “Thương con, bố mẹ tôi dĩ nhiên là phản đối. Từ bóng gió cho đến thể hiện thái độ một cách quyết liệt” - chị Hằng kể. Biết chuyện, anh Hà động viên người yêu mình: “Cha mẹ phản đối em yêu anh là việc bình thường vì ai cũng muốn con mình lấy một người chồng khỏe mạnh. Bố mẹ ngăn cản là vì yêu thương em thôi”. Để bảo vệ tình yêu, anh Hà tự nhủ phải chứng minh cho bố mẹ rằng mình có thể đem lại hạnh phúc cho Hằng, để bố mẹ chị nhìn nhận năng lực của anh chứ không phải đôi chân khiếm khuyết.

117Chan dung Ngo Ngoc Ha 2

Những năm tháng sau đó, anh Hà càng cần mẫn chú tâm vào công việc. Hai năm sau khi ra trường, anh đã có thể mua được một căn nhà nhỏ ở Long Biên, Hà Nội, có được một công việc ổn định. Về phía chị Hằng, quãng thời gian 9 năm yêu nhau là từng ấy thời gian chị nhiều lần rơi nước mắt khi nói chuyện với bố mẹ. Và rồi, trước sự quyết tâm và tình yêu mãnh liệt của cả hai, cuối cùng bố mẹ chị Hằng đã đồng ý.

Sau những năm tháng đầy khó khăn, bằng sự nỗ lực không ngừng nghỉ của mình, anh Hà đã có được hạnh phúc với người vợ hiền và cậu con trai 22 tháng tuổi kháu khỉnh, đáng yêu, được bố mẹ hai bên và mọi người xung quanh thương yêu, quý trọng. Anh đã tốt nghiệp loại giỏi hệ thạc sĩ Trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội và là giảng viên bộ môn đồ họa tại khoa Tạo dáng Viện đại học Mở Hà Nội, là giảng viên thiết kế thương hiệu tại Học viện VTC Academy. Năm 2016, anh cùng bạn mở một công ty nhỏ làm thiết kế quảng cáo và tư vấn thương hiệu cho doanh nghiệp.

Anh Hà còn luôn mong muốn có thể chia sẻ được niềm vui với những người đồng cảnh khác bằng việc dạy nghề thiết kế đồ họa cho các bạn khuyêt tật vận động như mình để các bạn có thể có được một công việc trong xã hội và đang tiến hành một dự án nhỏ về xe lăn và nạng để tặng cho những người khuyết tật cùng cảnh ngộ.

Nguồn: Tạp chí Người Bảo trợ

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi