Thư “Nano” là cái tên trìu mến mà đồng nghiệp đặt cho một nữ Tiến sĩ khoa học thuộc Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam – người đã dành phần lớn thời gian trong 10 năm qua để tìm ra sản phẩm dành riêng cho những bệnh nhân không may mắc ung thư.
TS. Hà Phương Thư (giữa) với các đồng nghiệp tại Viện Khoa học vật liệu. |
TS. Hà Phương Thư, Trưởng phòng Nano Y sinh (Viện Khoa học vật liệu) vừa được vinh danh là 1 trong “50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam” 2017 do Tạp chí Forbes Việt Nam công bố. Cũng trong năm nay, chị vinh dự là 1 trong 10 phụ nữ xuất sắc nhận Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam 2017 do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trao tặng và được bầu chọn là 1 trong 2 nhân vật tiêu biểu trong 10 sự kiện Khoa học công nghệ nổi bật nhất năm 2017.
Từ đam mê khoa học…
Sinh ra và lớn lên ở xứ Huế, Hà Phương Thư nối nghiệp gia đình với nghề giáo viên, dạy Trường THPT An Lương Đông, TP. Huế. Tuy nhiên, dạy học được vài năm, chị ra Hà Nội làm nghiên cứu sinh ở Viện Hóa học và cơ duyên gắn bó với khoa học bắt đầu nhen nhóm từ đây. Năm 2003, chị bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khi mới 29 tuổi. Ngay sau đó, chị nhận được học bổng sau tiến sĩ tại Trung tâm Năng lượng nguyên tử (Pháp).
Đến năm 2007, chị quyết định rời xứ người, để trở về quê hương sau nhiều năm nghiên cứu tại Trung tâm Năng lượng nguyên tử CEA (Pháp) và Viện Công nghệ Tokyo Nhật Bản.
Về Việt Nam, TS. Hà Phương Thư chính thức làm việc tại Viện Khoa học vật liệu, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và được bổ nhiệm là Trưởng phòng Vật liệu Nano Y Sinh, với quyết tâm chế tạo sản phẩm giúp nâng cao thể trạng, giảm nhẹ độc tính hóa xạ trị cho bệnh nhân ung bướu từ nguồn thảo dược trong nước.
Tại đây, chị bắt đầu làm quen với công nghệ nano, nhưng chỉ 3 năm sau, năm 2010, chị đã có công bố quốc tế đầu tiên về lĩnh vực Nano Y Sinh và đến nay, chị và đồng nghiệp đã làm nên một kỳ tích với 30 công bố quốc tế về lĩnh vực này.
Đặc biệt, năm 2012, khi chạm tuổi 40, TS. Hà Phương Thư tiếp tục khẳng định mình với Giải thưởng L'Oreal UNESCO "Vì sự phát triển của phụ nữ trong khoa học" bằng đề tài nghiên cứu "Quy trình chế tạo và đánh giá hiệu quả của hệ dẫn thuốc hướng đích cấu trúc Nano lên tế bào ung thư".
Đề tài này xuất phát từ thực tế người bệnh ung thư thường phải hóa-xạ trị nên rất mệt mỏi, chán ăn, dẫn đến suy kiệt sức khỏe. Tuy nhiên, với nghiên cứu này, sẽ giúp ngăn ngừa suy kiệt sức khỏe cho bệnh nhân ung bướu sau hóa trị, xạ trị.
…đến với tình thương người bệnh ung thư
Vì sao trở về Việt Nam, chị lại chọn công nghệ nano và dành nhiều “ưu ái” cho việc nghiên cứu công nghệ này là câu hỏi mọi người luôn thắc mắc về chị.
Chị chia sẻ: "Công nghệ nano ở nước ta còn khá mới mẻ, với nguồn dược liệu phong phú, mà chỉ dùng dưới dạng thô thì không thể phát huy hết công dụng. Trong khi làm khoa học là phải hướng tới cộng đồng, vì theo xu hướng phát triển hiện nay, người Việt Nam đang mắc ung thư ngày càng tăng.”
Bên cạnh đó, chị còn có thuận lợi từ phía gia đình có nhiều người làm thầy thuốc, nên chị càng đau đáu muốn làm gì đó để giúp đỡ những người bệnh, nhất là bệnh nhân ung thư khi chi phí điều trị cao mà mức sống người dân còn thấp.
TS. Hà Phương Thư luôn trăn trở và đặt quyết tâm tìm giải pháp cho việc phòng và hỗ trợ điều trị ung thư với các tiêu chí: Giảm tỉ lệ mắc, hỗ trợ hiệu quả cho điều trị với giá thành thấp.
Trăn trở đó đã thôi thúc nhà nữ khoa học trẻ tập trung nghiên cứu đề tài "Quy trình chế tạo và đánh giá hiệu quả của hệ dẫn thuốc hướng đích cấu trúc Nano lên tế bào ung thư".
Giá trị của công trình này đã được Hội đồng khoa học quốc gia L'Oreal UNESCO "Vì sự phát triển của phụ nữ trong khoa học" đánh giá cao dựa trên tính hiện đại và tính khoa học.
Đánh giá về đề án này, Giáo sư, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu, nguyên Viện trưởng Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam từng chia sẻ: "Tôi rất mừng vì các nhà khoa học trẻ trong nước đã tiếp cận được với hướng nghiên cứu này. Khi được áp dụng vào thực tế sẽ mang lại những hiệu quả rất cao".
Đến ngày 11/10 vừa qua, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã tổ chức hội thảo khoa học “Công bố kết quả nghiên cứu và chuyển giao công nghệ chế tạo phức hệ Nano FGC dùng trong phòng và nâng cao thể trạng, giảm nhẹ độc tính hóa xạ trị cho bệnh nhân ung bướu”, đánh dấu bước phát triển mới của nền khoa học nước nhà khi chế tạo thành công hệ dẫn gồm 3 chất Curcumin, Fucoidan, Notoginseng ở kích thước nano.
Curcumin (nghệ) được nano hóa thông qua việc sử dụng đồng thời hai loại chất có nguồn gốc thiên nhiên là Fucoidan (rong/tảo biển nâu) và Saponin Notoginseng (tam thất).
Theo TS. Hà Phương Thư, lâu nay việc dùng trực tiếp củ nghệ và tam thất thường không mang lại hiệu quả vì Curcumin khó tan, hấp thu kém và hàm lượng Notoginseng trong tam thất thấp. Do đó, việc sử dụng phức hệ Nano FGC sẽ mang lại hiệu quả vượt trội so với việc sử dụng riêng lẻ Curcumin, Fucoidan và tam thất thường.
Các chuyên gia y tế cũng nhận định, công nghệ nano tuy còn khá mới mẻ ở Việt Nam, nhưng đã thể hiện vai trò quan trọng trong lĩnh vực y dược học, nhằm phát triển các dược liệu quý trong nước theo phương thức hoàn toàn mới, kết tinh y dược học cổ truyền với công nghệ hiện đại.
Tin mới
- Nghị lực vượt khó của cô học trò nghèo khuyết tật - 20/03/2018 07:17
- Marla Runyan – vận động viên khiếm thị đầu tiên dự Olympic - 07/03/2018 08:43
- Hành trình trở thành bác sĩ của cậu bé bán hủ tiếu gõ - 27/02/2018 03:32
- Vượt lên nghịch cảnh trở thành nông dân sản xuất giỏi - 13/02/2018 08:18
- Vua đầu bếp: Martin Yan với ẩm thực và lòng nhân ái - 13/02/2018 02:05
Các tin khác
- Người cựu chiến binh hết lòng vì người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam - 16/01/2018 07:05
- Giấc mơ đến giảng đường Đại học của cô bé mồ côi - 14/12/2017 08:03
- Nghị lực của chàng sinh viên khuyết tật - 14/12/2017 07:59
- Tình yêu màu nắng của đôi vợ chồng khiếm thính - 11/12/2017 08:39
- Tấm lòng của chàng trai khuyết tật cống hiến vì cộng đồng - 21/11/2017 07:51