Thứ hai, 20 Tháng 11 2017 10:34

Với tác phẩm “Hoa hướng dương”, tác giả Hồ Thị Kim Hạnh, giáo viên Trường THPT Thiên Hộ Dương (Đồng Tháp) đã đạt giải đặc biệt cuộc thi viết Tấm gương nhà giáo Việt Nam năm 2017.

 

Chuyện về cô giáo đầy nghị lực giành giải đặc biệt cuộc thi Tấm gương nhà giáo

 
 

Tác phẩm Hoa Hướng Dương viết về tấm gương của cô giáo Nguyễn Thị Minh Tâm - đồng nghiệp của tác giả tại Trường THPT Thiên Hộ Dương không may bị tai nạn giao thông mất đi một phần thân thể, nhưng cô đã vượt lên nghịch cảnh của số phận để đứng vững trên bục giảng và đạt nhiều thành tích xuất sắc trong công tác.

 

Ngoài ra, cô đã lập ra nhóm hoạt động thiện nguyện, dùng sự bất hạnh của bản thân để truyền cảm hứng sống cho thật nhiều người kém may mắn như mình để họ tiếp tục sống vui và có ích cho cuộc đời.

 

Dù mất một phần cơ thể nhưng cô Tâm vẫn yêu đời và hàng ngày đến lớp

 

Cô Tâm sinh năm 1986 tại Đồng Tháp, tốt nghiệp ngành Sư phạm Toán Trường Đại học Đồng Tháp. Năm học 2008, cô được Sở GD&ĐT Đồng Tháp phân công về công tác tại trường THPT Tân Thành (huyện Tân Hồng), là ngôi trường thuộc vùng sâu, vùng biên giới của tỉnh Đồng Tháp.

 

Điều kiện dạy và học nơi đây còn nhiều khó khăn nhưng cô Minh Tâm đã có nhiều dự tính, quyết định gắn bó tương lai của mình với mảnh đất này

 

Nhưng tai nạn giao thông đã ập đến với cô Tâm vào tháng 8 năm 2009 khi đang trên đường vận động học sinh ra lớp. Tỉnh dậy sau ca phẫu thuật kéo dài, cô chạm vào ống quần bên trái nhưng thấy nó trống trơn. Như bao người khuyết tật khác, cô Tâm sốc nặng và suy sụp hoàn toàn.

 

Nhận được sự quan tâm chia sẻ của học trò, cô Tâm đã vượt qua giai đoạn khó khăn

 

Xuất viện, cô Tâm tập di chuyển bằng chân giả, tập ròng rã 5 tháng liền mới đi lựng khựng được. Thấy sự quyết tâm và lòng yêu nghề của cô giáo Tâm, Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp tạo điều kiện cho cô chuyển công tác về TP Cao Lãnh, giảng dạy tại Trường THPT Thiên Hộ Dương cho đến nay.

 

Cô Tâm nhớ lại: Lúc về trường mới, cô được phân công làm nhân viên văn phòng. Mấy tuần sau không chịu nổi cảm giác nhớ nghề, cô Tâm đến gặp ban giám hiệu xin được đi dạy dù chỉ là một lớp.

 

Trước quyết tâm đó, nhà trường đã đồng ý cắt một lớp để cô dạy. Nhận lớp khi các em đã quen với giáo viên cũ nên cô vấp phải sự phản ứng quyết liệt.

 

Một lá đơn gửi đến hiệu trưởng phản đối việc đổi giáo viên. Dù rất buồn, nhưng cô vẫn vào lớp, kể cho các em nghe về cô. Không hẳn để các em thương cảm cho một người khuyết tật, mà để các em hiểu rằng vượt qua tất cả cô muốn đi dạy như bao giáo viên bình thường khác.

 

Cô Tâm (bên trái), thứ Trưởng Phạm Mạnh Hùng và cô giáo Hồ Thị Kim Hạnh chụp ảnh lưu niệm tại lễ tổng kết và trao giải cuộc thi Nhà giáo Việt Nam 2017

 

Hết tiết học hôm đó, một học sinh đã gửi cho cô bức thư em vừa viết xong, thay mặt lớp xin lỗi cô vì những gì mà lớp đã làm và mong muốn cô hãy tiếp tục đứng lớp.

 

Sau thời điểm khó khăn ấy, cô Tâm vẫn vững vàng trên bục giảng. Từ việc chỉ được phân công dạy một lớp, cô bắt đầu được tin tưởng và phân công dạy hai lớp của hai khối.

 

Hiểu rõ nỗi đau, sự khó khăn của một người khuyết tật và bản thân có kinh nghiệm trong việc vượt qua mặc cảm để vươn lên trong cuộc sống nên trong những năm qua, ngoài những giờ đứng trên bục giảng, cô dành nhiều thời gian, có khi vượt hàng trăm cây số đến thăm, động viên những người gặp tai nạn như cô. Cô thành lập nhóm thiện nguyện Nhất Tâm chuyên giúp đỡ học sinh, người dân có hoàn cảnh khó khăn.

 

Có thể tai nạn đó khiến cho ai đó gục ngã nhưng với cô giáo Minh Tâm như càng kiên cường hơn. Cô không xa rời bục giảng đã đành, cô còn đến với những mảnh đời bất hạnh để truyền thêm cho họ nghị lực sống.

 

Cô Nguyễn Thị Minh Tâm và cô Hồ Thị Kim Hạnh trong những ngày ở Hà Nội dự lễ tổng kết và trao giải cuộc thi Nhà giáo Việt Nam 2017

“Viết về tấm gương nhà giáo, là những người đứng trên bục giảng với phấn trắng bảng đen, mẫu mực, bài bản, mô phạm... đồng nghĩa với khô cứng và chuẩn mực, khó có sự tung tẩy phá cách. Khi chấm giải, Ban giám khảo rất lo vì sợ chất lượng của tác phẩm không cao vì những người viết là những cây bút không chuyên, câu chữ chưa được trau chuốt...

Nhưng chúng tôi bị cuốn ngay vào tác phẩm dự thi, muôn mặt đời thường của các nhà giáo được thể hiện trên trang viết bởi những con chữ hồn nhiên trong sáng của người viết”- Nhà văn Y Ban, trưởng ban giám khảo cuộc thi viết Tấm gương nhà giáo Việt Nam năm 2017 chia sẻ.

 

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi