Thứ hai, 30 Tháng 10 2017 10:15

Cuộc đời trải qua bao sóng gió, chị Xậm vẫn đứng vững trên đôi chân tật nguyền để trở thành cô thủ thư dạy chữ cho những đứa trẻ mang cùng số phận.

 

Sinh ra với một phần cơ thể bị khuyết tật, nhưng cô gái vùng sông nước Hậu Giang Huỳnh Thị Xậm (39 tuổi) có nghị lực sống phi thường. Chị là 1 trong 3 người phụ nữ Việt vinh dự được BBC của Anh bình chọn trong danh sách 100 phụ nữ tiêu biểu toàn cầu 2017.

 

15 tuổi mới học mầm non

 

Từ nhỏ, chị Xậm luôn khao khát được đến trường học chữ. Chị kể: “Gia đình tôi có 6 chị em gái nhưng tôi là người duy nhất bị khuyết tật chân tay. Trong sinh hoạt, tôi phải dựa vào cha mẹ và chịu nhiều thiệt thòi, nhất là không được đi học như các chị em”.

 

Thương con gái, cha chị đã đến trường xin thầy cho chị đi học mẫu giáo. Ngờ đâu, chị chưa kịp đến lớp, người cha mất, gánh nặng mưu sinh đè lên đôi vai mẹ. “Thấy mẹ vất vả ngược xuôi kiếm tiền, tôi thương lắm. Nhưng nhìn các em được đến trường, khao khát học chữ trong tôi lại bùng cháy. 15 tuổi, tôi quyết định xin mẹ cho đi học mầm non cùng em gái, khổ cực đến mấy cũng chấp nhận”, chị Xậm nhớ lại.

 

Cuối cùng, ở cái thời thiếu nữ, chị Xậm đã chạm tới ước mơ được học bảng chữ cái. Đó chính là bước ngoặt lớn nhất cuộc đời của cô gái khuyết tật!

 

học sinh,mầm non,giáo viên
Chị Huỳnh Thị Xậm - cô thủ thư khuyết tật của Trung tâm Dạy nghề cho người khuyết tật và trẻ mồ côi TP.HCM

 

Chị Xậm đi học bằng ghe rồi chiếc xuồng nhỏ. Mỗi ság, chị cùng em gái dậy từ sớm, vượt qua quãng đường sông sâu dài hàng chục km để đến lớp. Chị kể, những ngày đầu đi học, bạn bè thường trêu chọc “Đã lớn tuổi, chân tay khoèo còn bày đặt học chữ”. Khi ấy, chị có tủi thân nhưng quyết tâm không để con đường đến với cái chữ đứt giữa chừng. Và rồi, chị cũng qua được 3 cấp học.

 

Nhớ lại ngày đầu học viết bằng chân, chị Xậm nói: “Thuộc bảng chữ cái, tôi bắt đầu học viết bằng chân. Lúc đầu, tôi khó khăn lắm mới cầm được chiếc bút rồi nguệch ngoạc vài nét. Dần dần, tôi kiên trì luyện từng chữ một. Khi thành thạo, tôi mới thấy đó là bước khởi đầu đầy thú vị và bất ngờ”.

 

Gần 10 năm tới trường, chị Xậm tiếp thu được nhiều kiến thức về Văn học, Toán,…và cách làm người. Đặc biệt, chị đã hoàn thành xuất sắc kỳ thi tốt nghiệp THPT.

 

học sinh,mầm non,giáo viên
15 tuổi, chị Xậm bắt đầu học mầm non cùng em gái út

 

Cô thủ thư dạy chữ nổi cho người khiếm thị

 

Năm 2016, chị Xậm rời quê lên Sài Gòn. Chị đến Trung tâm Dạy nghề cho người khuyết tật và trẻ mồ côi TP.HCM (xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn) học nghề.

 

Những năm đầu, chị được học lớp máy vi tính. Năm 2009, các cô tại trung tâm đã cử chị đi học đại học tại khoa Xã hội học, trường Đại học (ĐH) Mở TP.HCM.

 

Chị Xậm đến trường bằng chiếc xe gắn máy do một người em chở. Chị bảo, nhiều hôm chân tay đau nhức vẫn không dám cúp học, sợ hổng kiến thức. Thậm chí, có buổi học trên lầu cao, chị đi lại rất khó khăn nhưng vẫn gắng gượng để đến lớp đúng giờ.

 

Với chị Xậm, 4 năm ĐH không hề dễ dàng. Tuy vậy, chị đã vượt qua tất cả để được khoác lên mình bộ quần áo cử nhân, tay cầm chiếc bằng đỏ. Một lần nữa, cô gái khuyết tật đã tạo lên kỳ tích cho chính trang đời đẹp của mình!

 

học sinh,mầm non,giáo viên
Chị Xậm đang chấm điểm cho các em học viện tại Trung tâm có chung số phận

 

Trở lại trung tâm, chị Xậm được bố trí công việc trông coi như viện. Hàng ngày, trên chiếc xe lăn đã cũ, chị đến thư viện sắp xếp những sách, truyện tranh,… lên kệ cho ngăn nắp. Khi có học viên tới mượn, chị sẽ ghi tên từng em vào quyển sổ rồi lấy sách đưa các em đọc.

 

Ngoài công việc trên thư viện, mỗi khi rảnh, chị Xậm lại đến với lớp học của trung tâm để dạy chữ, chỉ cách làm phép tính cho các em khuyết tật, câm điếc. Đặc biệt, chị còn học chữ nổi để dạy xóa mù chữ cho những em khiếm thị. Nhờ đó, các em có thể đọc được sách, viết thư…

 

TOP 100 phụ nữ tiêu biểu toàn cầu 2017

 

Mới đây, Huỳnh Thị Xậm là 1 trong 3 người phụ nữ được vinh dự trở thành đại diện Việt Nam lọt vào danh sách 100 phụ nữ tiêu biểu toàn toàn cầu 2017 do tập đoàn truyền thông BBC của Anh bình chọn.

 

Chia sẻ về niềm vui này, chị Xậm nói: “Khi biết tin, tôi rất xúc động. Qua đây, tôi xin gửi lời cảm ơn đến mẹ - người đã cho tôi có mặt trên đời này và tần tảo nuôi dưỡng suốt năm tháng tuổi thơ; các thày cô tại Trung tâm đã giúp đỡ, động viên tôi vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Tôi sẽ cố gắng sống thật tốt, làm điều có ích cho đời”.

 

học sinh,mầm non,giáo viên
Nhà giáo Ưu tú Đinh Thị Hỏi, người dõi theo chị Xậm hơn chục năm qua

 

Nhà giáo Ưu tú Đinh Thị Hỏi, giám đốc Trung tâm Dạy nghề cho người khuyết tật và trẻ mồ côi TP.HCM – người dõi theo chị Xậm hơn chục năm qua, cho biết: “Xậm là một cô gái có nghị lực phi thường, không chịu đầu hàng số phận. Tôi nhớ, những ngày đầu đến trung tâm, ban lãnh đạo cử một người giúp đỡ em trong sinh hoạt. Vài ngày sau, em quyết định tự học cách thay đồ, ăn uống,…Chúng tôi khá bất ngờ với sự cố gắng đó!

 

Ngoài ra, Xậm dù chỉ học bằng bàn chân nhưng đã tốt nghiệp ĐH loại khá. Từ đó, chúng tôi mới thấy đây là một người tiêu biểu trong việc vượt qua số phận để có thể làm những điều mà người bình thường chưa chắc làm được. Vì vậy, chúng tôi đã giữ em ở lại Trung tâm công tác”.

 

Cô Hỏi cho biết thêm, việc chị Xậm trở thành Top 100 người phụ nữ tiêu biểu toàn cầu 2017 là hoàn toàn xứng đáng. Đó là niềm vinh dự lớn của cá nhân Huỳnh Thị Xậm và Trung tâm.

 

 

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi