Thứ ba, 16 Tháng 1 2018 14:05

Trở về từ chiến trường với cơ thể lành lặn, ông Hoàng Đình Thắng luôn nghĩ rằng mình may mắn hơn nhiều đồng đội khác. Chỉ đến khi con trai, rồi cháu nội được sinh ra và mang khiếm khuyết, ông mới biết rằng nỗi đau chiến tranh vẫn còn hiện hữu trong cuộc sống của gia đình ông. Từ thực tiễn gia đình mình, hiểu hoàn cảnh của đồng đội mình khi có con em là người khuyết tật, ông đứng ra thành lập Trung tâm dạy nghề và tạo việc làm nhân đạo Phù Đổng. Từ năm 2014 đến nay, Trung tâm đã trở thành mái nhà thứ hai của hàng chục người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam và con em các gia đình chính sách, nhiều người đã có việc làm, thu nhập ổn định, vươn lên trong cuộc sống.

181Chan dung

Ông Hoàng Đình Thắng (thứ ba từ trái sang) nhận Giấy khen của Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam vì có thành tích trong lĩnh vực bảo trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi trên địa bàn thành phố Hà Nội

Tự giúp mình và con em của đồng đội mình

Ông Hoàng Đình Thắng nguyên là một Thượng tá về hưu. Ông có hai người con trai và một cô con gái. Số phận nghiệt ngã khiến cho người con thứ hai chịu ảnh hưởng của chất độc da cam dẫn đến câm điếc bẩm sinh. Người con cả của ông tưởng chừng may mắn hơn khi sinh ra và lớn lên hoàn toàn khoẻ mạnh, nhưng đến khi sinh con đầu lòng thì gia đình mới biết, di chứng của chất độc hoá học không hiện hữu trên cơ thể con trai ông mà ảnh hưởng đến đời cháu nội ông, khiến cháu sinh ra cũng bị câm điếc không nghe, nói được.

Thương con, thương cháu và từ hoàn cảnh của mình, ông nghĩ đến những đồng đội, đồng chí năm xưa, có người may mắn trở về lành lặn, nhưng cũng có nhiều người như ông, để lại di chứng cho con cháu khiến cuộc sống của chúng trở nên khó khăn, vất vả. Mong muốn có thể làm điều gì đó cho con trai của mình, cho các nạn nhân da cam khác và những người khuyết tật, ông Thắng cùng với 4 người đồng chí, đồng đội cũ cùng góp công, góp của gây dựng Trung tâm dạy nghề và tạo việc làm nhân đạo Phù Đổng, đóng trên địa bàn xã Trung Giã, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.

Ông Hoàng Đình Thắng cho biết “Ban đầu chúng tôi góp vốn xây dựng Trung tâm trên mảnh đất rộng hơn 700 mét vuông, có nhà xưởng, phòng ở cho các cháu đến học nghề có thể ăn, nghỉ tại chỗ. Chúng tôi cũng vận động các nhà hảo tâm ủng hộ về máy móc, trang thiết bị dạy học và làm nghề. Trung tâm tuyển dụng và đào tạo miễn phí các nghề may, thêu, tin học cho các đối tượng là người khuyết tật, trẻ mồ côi, nạn nhân chất độc da cam và một số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, thiệt thòi thuộc gia đình nghèo không có việc làm. Địa bàn tuyển sinh không chỉ giới hạn ở Sóc Sơn mà mở rộng ra cả các tỉnh lân cận như Vĩnh Phúc, Tuyên QuangTất cả trên địa bàn huyện Sóc Sơn”.

Để giúp các học viên có nghề, ban lãnh đạo Trung tâm tự bỏ tiền thuê giáo viên dạy nghề cho các em. Mỗi khoá, trung tâm đào tạo từ 30-50 người các nghề. Nhiều người sau thời gian học nghề tại Trung tâm, có tay nghề vững đã ở lại và truyền dạy cho các lớp về sau, có người ra nghề về làm tại địa phương, một số gắn bó với Trung tâm, được trung tâm tạo việc làm với thu nhập ổn định từ 2,1 đến 3,9 triệu đồng/người/tháng.

Góp phần thay đổi cuộc đời nhiều người khuyết tật

Hơn 11 năm miệt mài với công tác dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật, năm 2015, do sức khoẻ không đảm bảo, các thành viên sáng lập Trung tâm vì nhiều lý do nên rút khỏi ban điều hành, ông Thắng quyết định thu hẹp quy mô của Trung tâm và chuyển về làm tại mảnh đất riêng của gia đình ông tại xã Tiên Dược, huyện Sóc Sơn và tập trung tạo việc làm nghề may cho người khuyết tật. Những người có nhu cầu học nghề đến Trung tâm ông vẫn tiếp nhận và sẵn sàng đào tạo thời gian này, Trung tâm chủ yếu tuyển các em tại Sóc Sơn, các em học nghề và làm việc tại Trung tâm được hỗ trợ cơm trưa.

Hiện nay, tại Trung tâm có 22 người khuyết tật làm việc thường xuyên nghề may gia công đồng phục bảo hộ lao động, đồng phục học sinh, áo blouse, găng tay bảo hộ lao động, thị trường tiêu thụ chủ yếu là Sóc Sơn, Hà Nội. Có nhiều em đã gắn bó với Trung tâm từ khi thành lập đến nay là 13 năm.

Điều ông Thắng tâm đắc nhất là các em đến với Trung tâm không chỉ được học nghề, tạo việc làm, có cơ hội giao lưu, gặp gỡ những người đồng cảnh ngộ mà nhiều em sau thời gian học nghề đã sống cởi mở hơn, tự tin hơn trong hoà nhập cộng đồng và xây dựng hạnh phúc gia đình. “Có một gia đình ở Lập Thạch, Vĩnh Phúc có 2 cô con gái đều bị câm điếc. Khi biết đến Trung tâm gia đình đã gửi các cháu xuống học nghề chỉ với một mong ước là cháu có thể học nghề, sống tự lập được khi bố mẹ đến tuổi xế chiều. Sau một thời gian học tập và làm việc tại Trung tâm, các cháu không chỉ có nghề mà còn tìm được một nửa của mình. Một cháu bây giờ là con dâu tôi, còn cô chị thì lấy chồng người Hải Phòng. Điều may mắn và hạnh phúc là các cháu đã sinh ra những đứa con khoẻ mạnh, sống hoà thuận, chăm chỉ làm ăn, ổn định cuộc sống. Hiện nay, gia đình chúng tôi và gia đình thông gia ở Lập Thạch cũng như ở Hải Phòng vẫn giữ mối tình thông gia – liên gia với nhau một cách thân tình”, ông Hoàng Đình Thắng chia sẻ.

Dành hết tâm sức và nguồn lực của gia đình cho các cháu khuyết tật, điều ông Hoàng Đình Thắng mong muốn là có thể tạo ra nhiều cơ hội hơn nữa để những người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam được học nghề, có việc làm, được sống bằng chính sức lao động của mình và đóng góp cho cộng đồng xã hội. Tuy nhiên, ông cũng rất trăn trở bởi các trang thiết bị của Trung tâm đến nay đã xuống cấp, hỏng hóc nhiều nên các sản phẩm của người khuyết tật làm ra cũng bị ảnh hưởng về mẫu mã, chất lượng. “Tôi chỉ mong có được sự giúp đỡ của các tổ chức, các nhà hảo tâm để đổi mới công nghệ, thay thế máy móc cũ hỏng để đảm bảo chất lượng sản phẩm và phù hợp hơn với sức khoẻ của người khuyết tật. Như vậy, các em mới yên tâm học nghề, làm nghề trong điều kiện cạnh tranh khắc nghiệt như hiện nay”, ông Hoàng Đình Thắng bày tỏ.


Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi