Sinh ra với một cơ thể không lành lặn, nhưng điều đó không thể ngăn cản chàng trai trẻ Patrick Henry Hughes trở thành một nghệ sĩ piano, kèn trumpet, ca sĩ, diễn giả. Anh còn là biểu tượng của tinh thần vượt khó, vượt qua nghịch cảnh; người truyền cảm hứng về một tinh thần sống lạc quan và đầy tích cực đến cộng đồng.
Patrick Henry Hughes sinh ngày 10/3/1988 tại Louisville, Kentucky (Mỹ). Từ khi chào đời, Hughes không có mắt, tay chân co quắp khiến cậu không thể đi lại được như người bình thường. Ngoài ra, trên cơ thể của Patrick còn có hai thanh thép được phẫu thuật gắn chặt vào cột sống để khắc phục dị tật vẹo cột sống.
Cha của Patrick đã nghĩ rằng con trai của mình sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Tuy nhiên, ngay từ khi còn nhỏ, Patrick đã chứng tỏ cho cha và gia đình mình thấy rằng, dù bị nhưng không điều gì có thể khiến cậu lùi bước hay từ bỏ.
Hughes được bố cho tiếp cận với piano từ lúc 9 tháng tuổi, sau đó là kèn. Patrick đã chứng tỏ cho mọi người thấy khả năng cảm thụ âm nhạc tuyệt vời khi cậu có thể ngồi trước đàn piano và đàn các bản nhạc chỉ bằng trí nhớ và cảm nhận của mình.
Từ 9 tháng tuổi, Patrick đã được cha cho tiếp xúc và tập chơi đàn piano
Khi vào Đại học Louisville, với khả năng âm nhạc của mình, Patrick đã được mời vào ban nhạc diễu hành. Với sự giúp đỡ của cha mình, năm 2006, anh đã khiến mọi người ở sân vận động trường và cả thế giới phải ngạc nhiên xen lẫn thán phục, khi vừa ngồi chơi kèn vừa được cha đẩy đi xung quanh. Kể từ lúc đó, Patrick đã nhận được nhiều sự chú ý và được mời biểu diễn ở nhiều nơi trên khắp nước Mỹ.
Có thể nói, thành công của Patrick có vai trò vô cùng quan trọng của người cha – ông Patrick John Hughes. Đó là người đã luôn ở bên, dành sự tin tưởng, khích lệ và hỗ trợ kịp thời cho từng bước đi của Patrick. Năm 1999, ông John Hughes đã bỏ công việc làm chuyên gia phân tích hệ thống để có thể dành tất cả thời gian ban ngày ở bên cạnh con trai – ngồi chung với con trong lớp học và tham dự mọi hoạt động của ban nhạc diễu hành. Trong suốt thời gian Patrick tham gia tập luyện, biểu diễn cùng với ban nhạc diễu hành, người cha đã dành cả ngày để giúp con trai của mình trong khi ông vẫn làm việc thâu đêm 5 đêm mỗi tuần cho một công ty vận chuyển. Tất cả những cố gắng đó của ông Hughes chỉ với mục đích tạo điều kiện để Patrick Henry có thể phát huy được tiềm năng lớn nhất của mình.
Nụ cười rạng rỡ và tự tin của Patrick
“Tôi chưa bao giờ có bất kỳ nghi ngờ gì về việc Patrick có thể làm được hay không. Câu hỏi duy nhất là liệu tôi có thể làm tốt phần việc của mình” - cha của Hughes cho biết. Trước bất cứ thách thức nào, Patrick và cha anh cũng đều quyết định “tại sao không?” và câu nói mà người cha thường xuyên nói với con trai mình là “Đừng nói với chúng ta là chúng ta không thể làm gì được”. Sự yêu thương, tin tưởng, thậm chí ngưỡng mộ luôn toát lên trong ánh mắt của ông Hughes khi nhìn cậu con trai của mình. Ông nói: “Tôi từng nói với con trai tôi rằng, con là người anh hùng của tôi”.
Patrick có một thái độ sống hết sức lạc quan, tích cực tuyệt vời. Về tình trạng khuyết tật của mình, Patrick mỉm cười: “Tôi nghĩ rằng Chúa Trời đã khiến tôi không nhìn được, không có khả năng đi lại; nhưng lại cho tôi tài năng chơi piano, trumpet và tất cả những điều tốt đẹp mà tôi đã có ở cuộc sống này”.
Đó cũng là là triết lý cuộc sống của Patrick và anh muốn mọi người biết điều đó. Patrick không cảm thấy bị phiền hà bởi những bất tiện, trở ngại mà nhiều người trong chúng ta nghĩ rằng sẽ không thể vượt qua. “Tôi là loại người luôn chiến đấu cho đến khi tôi giành chiến thắng” - anh khẳng định - “Đó là mục tiêu chính của tôi. Tôi sẽ chiến đấu cho đến khi tôi giành chiến thắng.”
Hai cha con Patrick thường xuyên xuất hiện trên các buổi phỏng vấn truyền hình và các buổi diễn thuyết
Giờ đây Patrick đã trở thành một nhạc sĩ, diễn giả nổi tiếng thế giới, người cha vẫn luôn đồng hành cùng anh trong mọi công việc, vừa là trợ thủ đắc lực đồng thời cũng là fan hâm mộ trung thành nhất của con trai. Patrick đã phát hành hai album và sáng tác một cuốn sách rất thành công về câu chuyện cuộc đời mình. Thông qua cuốn sách, Patrick muốn động viên mọi người hãy sống cuộc sống mà mình có được một cách trọn vẹn để nhận ra tiềm năng của chính mình. Patrick tâm niệm: “Cuộc sống là một điều tuyệt vời và có rất nhiều việc để làm trong cuộc sống. Bạn đã có ngày hôm nay, nhưng bạn không phải lúc nào cũng được đảm bảo vào ngày mai”.
Cha con Patrick trong buổi biểu diễn của ban nhạc diễu hành
Câu chuyện về Patrick và cha mình cũng là nguồn cảm hứng để các nhà sản xuất cho ra đời bộ phim I Am Potential (tạm dịch Tôi có tiềm năng) được phát hành tháng 5/2016. Cũng giống như đời thực của cha con Patrick, nội dung bộ phim là hành trình của một người cha giúp người khuyết tật của mình vượt qua mọi trở ngại để toàn thế giới thấy được và thừa nhận tiềm năng mà người con sẵn có.
Nguồn: Tạp chí Người Bảo trợ
Tin mới
- Tấm lòng của chàng trai khuyết tật cống hiến vì cộng đồng - 21/11/2017 07:51
- Chuyện về cô giáo đầy nghị lực giành giải đặc biệt cuộc thi Tấm gương nhà giáo - 20/11/2017 03:34
- Chàng trai khuyết tật và nỗ lực đứng lên bằng đôi chân của mình - 03/11/2017 03:21
- Chàng trai người Việt khiếm thị trở thành lập trình viên công ty đa quốc gia - 31/10/2017 07:57
- Người phụ nữ Việt được BBC vinh danh: 15 tuổi mới đi học mẫu giáo - 30/10/2017 03:15
Các tin khác
- Tình yêu là động lực vượt qua thử thách - 13/10/2017 03:29
- Xúc động chuyện chàng trai ở rể chăm sóc 3 cháu khuyết tật - 21/09/2017 03:27
- Chuyện tình cổ tích của ca sĩ khuyết tật và cô giáo xinh đẹp - 05/09/2017 07:41
- Chàng trai mù bị xua đuổi khắp nơi và cuộc hành trình trở thành triệu phú khi mới… 23 tuổi - 21/08/2017 04:12
- Hành trình xây dựng tổ ấm của người thương binh đất Quảng - 17/08/2017 05:01