Người dân ấp Bàu Tre 1, xã Tân An Hội, huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh ai cũng biết đến câu chuyện gia đình anh Nguyễn Văn Nhân và chị Đinh Thị Hồng Hạnh. Đó là một cặp vợ chồng có cuộc sống bình dị giống như bao người lao động bình thường khác của vùng quê này, điều khiến họ trở nên đặc biệt là tình yêu chân thành của anh Nhân dành cho vợ khi thầm lặng, tự nguyện chia sẻ cùng chị gánh nặng gia đình với mẹ già và 3 đứa cháu khuyết tật.
Anh Nhân chăm sóc cháu Hồ (cháu của chị Hạnh) những bữa cơm hàng ngày
Anh Nguyễn Văn Nhân là con trai duy nhất trong một gia đình ở một vùng quê nghèo của tỉnh Quảng Ngãi. Năm 2003, khi vừa tròn tuổi 20, anh Nhân vào Sài Gòn làm công nhân trong một nhà máy sản xuất cao su. Đây cũng là nơi anh gặp gỡ người bạn đời của của mình, chị Đinh Thị Hồng Hạnh.
Khi còn là bạn đồng nghiệp, qua câu chuyện hàng ngày, anh Nhân biết được hoàn cảnh khó khăn của gia đình Hạnh. Năm 1997, tai nạn giao thông đã cướp đi người em gái út của chị và bản thân chị cũng mang một vết thương khá nặng trên đầu, sức khỏe suy giảm. Mỗi khi trái gió, trở trời vết thương ấy lại khiến chị phải chịu những cơn đau đầu hành hạ. Dù vậy, chị Hạnh cũng vẫn cắn răng chịu đựng, vẫn đi làm, vì cả gia đình đều trông vào đồng lương công nhân của chị. Với sự khâm phục, quý mến dành cho cô bạn đồng nghiệp hiền lành, tảo tần ấy, trong lòng anh Nhân tự lúc nào đã nhen lên mối quan tâm ngày càng nhiều hơn đối với chị.
Năm 2006, trong một lần tới thăm nhà, anh Nhân càng bất ngờ hơn khi biết được gia cảnh thật sự của chị Hạnh. Ngoài việc chăm sóc người mẹ đã già yếu, chị còn cưu mang ba đứa cháu đều bị khuyết tật. Sau lần đó, hình ảnh về ba đứa cháu của chị Hạnh lúc nào cũng ám ảnh tâm trí anh Nhân: bé Hồ quắp trên chiếc xe lăn do di chứng chất độc màu da cam, bé Thoại khổ sở đi lại với chiếc chân trái mang tật nặng, bé Duy lúc nào cũng ngơ ngác như một đứa trẻ ba tuổi. Hình ảnh người con gái miệt mài với công việc trong công ty lại tần tảo chăm sóc gia đình ngày càng khắc sâu vào tâm trí anh Nhân và rồi tình cảm thương mến dành cho chị Hạnh cứ thế dần nảy nở.
Hai vợ chồng anh Nhân, chị Hạnh chăm sóc cháu Hồ bị khuyết tật
Đến một ngày, anh Nhân chính thức ngỏ lời, muốn cùng chị Hạnh đồng hành trong cuộc đời, ghé vai đỡ đần gánh nặng chị đang mang. Bất ngờ và cảm động trước tình cảm mà anh Nhân dành cho, nhưng chị Hạnh từ chối, bởi chị sợ hoàn cảnh của mình trở thành thành rào cản và chị không thể toàn tâm, toàn ý chăm lo, vun vén cho gia đình cả hai bên. Không bất ngờ, và cũng không thất vọng, anh Nhân hiểu suy nghĩ, mặc cảm của chị và chọn một cách thức đặc biệt để thuyết phục người con gái mình yêu thương. Anh cứ thế dành sáu năm tuổi trẻ của mình lặng lẽ ở bên chị, lặng lẽ làm những điều mà anh nghĩ có thể giúp chị vơi bớt phần nào nỗi vất vả. Sau 6 năm vun đắp từng chút, bằng những quan tâm chân thành, những giúp đỡ tận tâm mà anh dành cho chị và gia đình, cuối cùng chị Hạnh cũng cảm động và nhận lời cầu hôn của anh. Năm 2012, bằng lễ cưới giản dị nhưng đầy hạnh phúc, anh chị chính thức trở thành người một nhà.
Kể từ sau đám cưới, người dân ấp Bàu Tre 1, xã Tân An Hội, huyện Củ Chi đã rất quen thuộc với việc nhà chị Hạnh có người con rể có lẽ là đặc biệt nhất ở vùng quê này. Không chỉ ở rể nhà vợ, mà anh Nhân còn là người ở nhà, làm những công việc tề gia, chăm nom gia đình trong khi vợ đi làm. Ngôi nhà ấy không thiếu tình yêu, tình thương và cả những tiếng cười dù khó khăn vẫn luôn hiện diện
Sau giờ làm việc tại công ty, anh Nhân lại về làm những công việc thường ngày tại gia đình.
Ở nhà anh Nhân, chị Hạnh, việc chăm lo gia đình mới là công việc vất vả, tốn nhiều sức lực nhất. Công việc ấy đồng nghĩa với việc đưa Thoại và Duy đi học ngày 4 - 5 lượt, rồi lại nhanh chóng quay về lo cơm nước cho gia đình. Đặc biệt là chăm cho Hồ – cậu bé thiếu may mắn nhất nhà. Hồ bị khuyết tật nặng do di chứng của chất độc chiến tranh, lúc nào cũng cần có người túc trực cho ăn uống, vệ sinh thân thể vì em không kiểm soát được các chức năng của cơ thể. Ngoài ra, chăm sóc gia đình cũng đồng nghĩa với hàng chục những công việc không tên khác nữa.
Ban đầu, khi mới về ở cùng chị Hạnh, hai anh chị đã thay phiên nhau làm ca, người này đi làm, người kia sẽ ở nhà lo cho những thành viên còn lại. Nhưng rồi, những bữa ở nhà thay vai trò mà chị Hạnh đảm đương bấy lâu, anh Nhân quyết định nhường hẳn phần đi làm cho vợ. Bởi anh biết cách làm xen kẽ như vậy sẽ càng nhanh khiến cho chị kiệt sức. Nếu chị Hạnh toàn tâm, toàn ý đi làm, chí ít chị cũng sẽ có những lúc nghỉ ngơi, được gặp gỡ, trò chuyện với mọi người. Hơn nữa, vì là đàn ông, có sức khỏe nên việc chăm Hồ, anh đảm đương cũng tiện hơn rất nhiều. Anh còn tranh thủ chút ít thời gian còn lại trong ngày để làm thêm cho một cơ sở than đá gần nhà kiếm thêm thu nhập.
Thời gian đầu ở trong vai trò “hậu phương” với anh Nhân chẳng phải là việc dễ dàng. Nhưng anh vẫn kiên trì làm những công việc ấy mỗi ngày trong tâm thái hoàn toàn tự nguyện. Hơn thế, anh Nhân đã cảm nhận được dư vị ngọt ngào mà sự nhẫn nại và sự tự nguyện đó mang tới cho cuộc sống của mình. Đó là nụ cười, là niềm hân hoan trong đôi mắt mấy đứa nhỏ, là ánh mắt có phần tươi hơn của mẹ vợ, đặc biệt là một cuộc sống dễ chịu hơn dành cho vợ anh.
Nguồn: Tạp chí Người Bảo trợ
Tin mới
- Chàng trai khuyết tật và nỗ lực đứng lên bằng đôi chân của mình - 03/11/2017 03:21
- Chàng trai người Việt khiếm thị trở thành lập trình viên công ty đa quốc gia - 31/10/2017 07:57
- Người phụ nữ Việt được BBC vinh danh: 15 tuổi mới đi học mẫu giáo - 30/10/2017 03:15
- Patrick Henry Hughes và câu chuyện về người truyền cảm hứng - 20/10/2017 06:54
- Tình yêu là động lực vượt qua thử thách - 13/10/2017 03:29
Các tin khác
- Chuyện tình cổ tích của ca sĩ khuyết tật và cô giáo xinh đẹp - 05/09/2017 07:41
- Chàng trai mù bị xua đuổi khắp nơi và cuộc hành trình trở thành triệu phú khi mới… 23 tuổi - 21/08/2017 04:12
- Hành trình xây dựng tổ ấm của người thương binh đất Quảng - 17/08/2017 05:01
- Đam mê và tâm huyết của chàng trai khiếm thính - 15/08/2017 11:20
- Sức sống vươn lên của những người lính Cụ Hồ - 07/08/2017 09:11