Thứ ba, 14 Tháng 3 2017 14:51

Đối với bà Dương Thị Tuyết, Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh Bình Phước, việc được giúp đỡ, sẻ chia với người khuyết tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo đã trở thành niềm hạnh phúc lớn lao. Dù rằng con đường thiện nguyện mà bà chọn và gắn bó còn lắm chông gai nhưng với tấm lòng tràn đầy nhiệt huyết, bà vẫn sẵn sàng bước tiếp để góp phần hỗ trợ đối tượng có điều kiện cải thiện sinh kế, có cơ hội học tập, chăm sóc sức khỏe, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần.

Không ngừng cống hiến

Sinh ra trong một gia đình công nhân, ba mẹ làm nghề cạo mủ cao su, tuổi thơ của bà Dương Thị Tuyết lớn lên từ Đồn điền cao su Quảng Lợi. Ngoài những buổi tới lớp, bà theo ba mẹ đi cạo mủ cao su để phụ giúp gia đình. Sớm giác ngộ cách mạng, từ khi mới 15 tuổi, bà Tuyết đã thoát ly gia đình tham gia cách mạng, nhận nhiệm vụ chiến đấu và phục vụ cách mạng tại chiến trường Bình Long.

Giải phóng miền Nam thống nhất nước nhà, bà được phân công về công tác tại Đồng Xoài và kinh qua nhiều vị trí khác nhau từ Bí thư huyện Đoàn, Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện, Bí thư Đảng ủy thị trấn, Chủ nhiệm ủy ban Dân số kế hoạch hoá gia đình huyện Năm 1997 sau khi tái lập tỉnh Bình Phước, bà Tuyết được điều động làm Phó Chủ nhiệm rồi Chủ nhiệm ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em tỉnh.

Trong thời gian làm công tác dân số, năm 2004, bà Tuyết nhận được chỉ đạo của UBND tỉnh yêu cầu tham mưu thành lập Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo. Bà bắt tay vào việc hoàn tất các thủ tục, xin cấp phép, chuẩn bị nhân sự và được sự phối hợp, giúp đỡ tạo điều kiện của các ban ngành liên quan, năm 2005, Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo tỉnh đã tiến hành Đại hội lần thứ Nhất, nhiệm kỳ 2005 - 2011. Tới tuổi nghỉ hưu vào tháng 2/2007, bà tiếp tục tham gia hoạt động Hội.

37Nhung cong hien lang tham 1

Được sẻ chia khó khăn, giúp đỡ người khuyết tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo là niềm hạnh phúc lớn lao của bà Tuyết

Bà Tuyết cho biết: “Khi ngành dân số được phân công tham mưu cho tỉnh thành lập Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo thì Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng tham mưu thành lập Hội Từ thiện bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi. Đến tháng 8/2008, UBND tỉnh đã hợp nhất hai tổ chức Hội thành Hội Bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh, đến năm 2011 tiến hành Đại hội khóa II, nhiệm kỳ 2011 - 2016. Đại hội Quyết định đổi tên thành Hội Bảo trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo và tại Đại hội II, tôi được bầu làm Phó Chủ tịch thường trực”.

Với uy tín và trách nhiệm trong công tác Hội, cũng như từng lớn lên trong khó khăn và chứng kiến sự hy sinh, mất mát của những người đồng đội, nữ cán bộ nhiệt huyết ấy đã dành trọn thời gian ở độ tuổi xế chiều để tổ chức các chương trình, hoạt động trợ giúp người khuyết tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo, ra sức vận động nguồn lực để ngày càng nhiều đối tượng có cơ hội vươn lên thoát nghèo, tự tin lập nghiệp, tự chủ trong cuộc sống. Đó cũng chính là lý do bà tiếp tục được Đại hội Đại biểu Hội bảo trợ người khuyết tật, trẻ mồ côI và bệnh nhân nghèo tỉnh Bình Phước lần thứ III, nhiệm kỳ 2016 - 2021 tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội.

Nhiệt huyết, sáng tạo trong hoạt động Hội    

  

13 năm tham gia công tác xã hội, trợ giúp người yếu thế của một tỉnh miền núi với xuất phát điểm kinh tế thấp, tỷ lệ di dân tự do cao và điều kiện phát triển kinh tế xã hội còn hạn chế; bà Dương Thị Tuyết đã không ngừng trăn trở, suy nghĩ, cùng với Ban chấp hành tỉnh Hội bàn bạc, tìm giải pháp nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đối tượng. Bà Tuyết nhớ lại, năm 2010, khi Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết về thăm tỉnh, bà đã tham mưu, xin chủ trương lãnh đạo tỉnh tổ chức “Đêm nhạc Sông Bé nghĩa tình yêu thương” và mời Chủ tịch nước đến dự, động viên. Qua chương trình đã vận động được trên 110 tỷ đồng ủng hộ các hoạt động an sinh xã hội tại địa phương, trong đó, tỉnh Hội được dành nguồn kinh phí 5 tỷ đồng để tổ chức hoạt động trợ giúp người khuyết tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo. Sau thành công của chương trình, bà tiếp tục bắt tay thực hiện Đêm nhạc “Khát vọng trái tim” và tiếp nhận ủng hộ được trên 3 tỷ đồng cho Quỹ Hội.

3Nhung cong hien lang tham 2

Bà Tuyết trong chương trình trao hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật xã Thuận Lợi. (Người đứng thứ 8 nhìn từ trái sang)

 

Với nguồn lực hoạt động Hội chủ yếu dựa vào sự ủng hộ từ cộng đồng, trong khi tình hình kinh tế xã hội ở địa phương còn nhiều khó khăn, trước thách thức đó, với trách nhiệm của một người lãnh đạo Hội, bà Dương Thị Tuyết luôn “bắt” mình phải suy nghĩ, tìm ra những giải pháp vận động để có nguồn lực đảm bảo cho hoạt động trợ giúp và hoàn thành kế hoạch đề ra. Với sự đồng tâm, hiệp lực của các cộng sự, bà đã mạnh dạn đưa ra các giải pháp: Chương trình hóa hoạt động trợ giúp; Vận động có mục tiêu; Huy động cộng đồng và kết nối tài trợ trực tiếp. Bên cạnh hoạt động trợ giúp đối tượng, tỉnh Hội tranh thủ sự hỗ trợ của các cơ quan Nhà nước để tổ chức các sự kiện truyền thông, các hoạt động văn hóa, thể thao cho người khuyết tật và trẻ mồ côi. Tất cả những việc làm, dự định của bà đều thành công ngoài mong đợi bởi luôn có sự quan tâm, tạo điều kiện của lãnh đạo tỉnh, sự hỗ trợ của các cơ quan ban ngành, sự tin tưởng của các nhà tài trợ trong nước và quốc tế, các thành viên Ban Chấp hành tỉnh Hội và các cấp Hội cơ sở luôn đoàn kết, phối hợp, hỗ trợ trong mọi hoạt động, nhờ đó mà hiệu quả của hoạt động Hội ngày càng có sức lan tỏa.

Một cách làm mới của bà Tuyết trong những năm qua cũng mang lại sự thành công trong hoạt động Hội khi định kỳ 2 năm 1 lần tổ chức các sự kiện như Hội nghị tuyên dương; Hội thao người khuyết tật; Hội thi Tiếng hát người khuyết tật; Đi bộ nhân ngày người khuyết tật Việt Nam; Kết nối cộng đồng; hỗ trợ sinh kế; phẫu thuật tim; Bếp cơm từ thiện Với những cách làm phong phú, kết quả thực hiện các hoạt động trợ giúp thông qua các chương trình của tỉnh Hội đều đạt và vượt kế hoạch với tổng trị giá từ 12 đến 15 tỷ đồng.

Gây dựng được uy tín và triển khai thành công các chương trình trong suốt những năm qua, bà Tuyết chia sẻ rằng mình luôn cố gắng để các mạnh thường quân thấy được việc làm của Hội thực sự ý nghĩa và tin tưởng hỗ trợ kinh phí cho Hội. Nhờ thế mà đã có hàng trăm nghìn đối tượng được trợ giúp, các bệnh nhân nghèo ấm lòng hơn từ những suất cơm từ thiện, hàng nghìn trái tim trẻ thơ không còn lỗi nhịp Tất cả những trái ngọt ấy chính là sự khích lệ lớn lao để nữ Chủ tịch Hội làm tốt hơn vai trò và sứ mệnh của mình.

Luôn trăn trở, tìm kiếm các nguồn tài trợ để thực hiện các hoạt động trợ giúp người khuyết tật, trẻ mồ côi, đến bà Dương Thị Tuyết được mọi người gọi một cách đầy thân thương, gần gũi là “Chủ tịch Cái bang”. Với những cống hiến của mình trong quá trình công tác, bà Dương Thị Tuyết vinh dự được đón nhận nhiều phần thưởng và danh hiệu như Chiến sĩ thi đua toàn quốc về công tác Dân số - Gia đình và Trẻ em, Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh tại Đại hội lần II, Huân chương Lao động Hạng III (năm 2007), Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ trong công tác xây dựng, phát triển tổ chức Hội và tham gia công tác xã hội từ thiện (năm 2013), Công dân ưu tú (năm 2016) và nhiều Bằng khen của Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam, UBND tỉnh vì những đóng góp trong hoạt động bảo trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo.  

 

 

Nguồn: Tạp chí Người Bảo trợ

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi