Thứ ba, 07 Tháng 3 2017 14:56
“Một ngày, tôi quyết định đến gặp Huế và nói tôi thích cô ấy, nói thôi chứ tôi nghĩ Huế nhìn tôi sẽ chạy xa”, Phan Văn Hòa, người bị bỏng 90% cơ thể, nhớ lại những ngày theo đuổi vợ mình bây giờ.
Mọi người gọi Hòa là "Hòa bỏng", anh cũng vui vẻ chấp nhận và còn lấy đó làm nick facebook, tên cửa hàng. Năm nay 36 tuổi, 10 năm trước, một tai nạn bất ngờ xảy đến khiến anh thập tử nhất sinh. Với tình trạng bỏng 90% cơ thể, một phần khuôn mặt biến dạng, anh thanh niên học Đại học Bách khoa Hà Nội với nhiều hoài bão và khát vọng phải mất nhiều năm trời để có thể sinh hoạt bình thường và hòa nhập lại cuộc sống.
“Tôi không được chết”
“Chán đời thì tôi chán rất nhiều. Nhiều lần tôi đã định chết, vì tôi chỉ biết nằm một chỗ với toàn thân bỏng rát. Gia đình tôi sụp đổ, mẹ tôi mất, chúng tôi bơ vơ không có lối thoát. Thế nhưng tôi nghĩ nếu mình chết, mọi thứ mới đúng là tan vỡ. Tôi cố gắng sống, tập luyện để khỏe mạnh và bắt đầu đi làm từ hai bàn tay trắng bằng nhiều công việc khác nhau. Có thời gian tôi buôn đất tiền tỉ, nợ nần chồng chất, thế là lại bảo mình không được chết, chết ai trả nợ cho. Vậy là tôi cứ sống và làm lại mọi thứ”, Phan Văn Hòa nhớ lại quãng thời gian khó khăn nhất trong cuộc đời anh.
Hơn 2 năm trước, trong một lần đến Thái Nguyên, Hòa vô tình gặp cô gái tên Giáp Thị Huế, nhỏ nhắn, xinh xắn, quê Bắc Giang, học Đại học Thái Nguyên. Hòa tìm cách trò chuyện với Huế qua internet. Suốt hơn 2 năm trò chuyện, chỉ Hòa biết mặt Huế, còn cô gái sinh năm 1993 không hề biết mặt người đang trò chuyện. Họ chia sẻ với nhau rất nhiều, phần lớn về công việc.
“Tôi yêu công việc và luôn luôn muốn xác định cho mình một chỗ đứng. 2 năm trước, Huế tốt nghiệp Đại học mà chưa xin được việc làm, đi làm thuê trong 1 siêu thị lương ba cọc ba đồng, tôi khuyên cô ấy hãy từ bỏ để làm một cái gì đó của riêng mình. Huế thì e ngại, cô ấy chỉ có 4 triệu đồng làm vốn, tôi khuyên nhủ rất nhiều lần, chị có tin không, có lần tôi chửi thẳng mặt Huế, nói là còn trẻ mà hèn thế, cứ cam chịu suốt đời làm thuê hay sao. Lúc đó là bạn bè mà, tôi không ngại”, Hòa kể về những ngày hò hẹn online với bạn đời.
Quen nhau hơn 2 năm, chỉ gặp nhau đúng 2 lần ngoài đời, Hòa cầu hôn Huế. Anh thanh niên hơn bạn gái đúng 12 tuổi chia sẻ lại cảm giác đứng trước mặt cô gái mà anh từng quan tâm, nhớ nhung, cả… chửi mắng để cô có thể tự lập với công việc buôn bán riêng: “Lần đầu tiên tôi gặp Huế, tôi nói thích cô ấy. Nói thôi nhưng tôi nghĩ Huế thấy tôi sẽ chạy xa. Tuy nhiên, với tôi nếu một người chỉ đánh giá mình qua hình thức bề ngoài thì không có gì để tôi tiếc nuối”.
Huế xinh đẹp, nết na, bỏ tất cả những rào cản ngăn cấm của bố mẹ và người thân để quyết tâm cưới Hòa. Với cô, người đàn ông mạnh mẽ, tự lập, hồi sinh sau tai nạn bi thảm để xây dựng cho mình một sự nghiệp là người tin cậy và bờ vai vững chắc. Đám cưới diễn ra hồi tháng 4 vừa qua với những tấm ảnh xúc động, được lan truyền rất nhanh trên facebook. Ngày cưới là một kỷ niệm không bao giờ quên với cả Hòa và Huế khi đến đúng hôm đó, bố mẹ cô dâu mới đồng ý tác thành chuyện các con. “Mọi thứ rối beng trong một niềm vui, sự xúc động khó quên trong đời tôi”, Hòa nhớ lại.
“Nhà gà chúng tôi sắp đón gà con”
Đám cưới xong, Huế vào Hà Tĩnh sống cùng chồng. Hai vợ chồng cô mở cửa hàng buôn bán, sửa chữa điện thoại di động tại thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc. Từ một người không biết gì về công việc này, Huế học hỏi rất nhanh và phụ giúp chồng được rất nhiều. Cả ngày làm việc, tối về hai vợ chồng cùng nấu cơm.
Hòa yêu công việc, một ngày với anh bắt đầu bằng việc sửa những chiếc điện thoại và khép lại cũng bằng những chiếc điện thoại. Anh bảo, hai vợ chồng muốn sống được lâu dài, hạnh phúc với nhau phải bằng sự cảm thông, chia sẻ, dựa trên sự bền vững kinh tế. Tình yêu cần thiết nhưng chỉ tình yêu là không đủ.
Hòa chiều vợ, anh sẵn sàng đi tận 18 km đến tận nơi bán bánh cu đơ mua cho vợ ăn, kể cả 12 giờ đêm, vì vợ bỗng dưng thèm. Một ngày đẹp trời, anh tự tay đi mua váy tặng vợ, hoặc dắt cô đi ăn kem, đi ăn mỳ cay cấp độ…0.
Huế đang mang bầu tháng thứ 4, Huế tuổi gà, Hòa tuổi gà, con sẽ chào đời năm 2017 cũng là con gà. Hòa đùa vui: “Chuồng gà của chúng tôi sắp đón gà con. Con gà có đôi chân và cái mỏ, chúng tôi chẳng ngại làm việc chăm chỉ để có cái ăn và cuộc sống sung túc”.
Anh thanh niên bỏng truyền cảm hứng sống cho nhiều người
Phan Văn Hòa là một thanh niên tốt bụng, trong suốt những năm tháng qua, khi đã khỏe mạnh và tự lo được cuộc sống cho riêng mình, mỗi khi đến các bệnh viện gặp các bệnh nhân bỏng, anh thường ngồi lại chia sẻ, động viên họ cố gắng, có người bị co quắp chân tay, anh ngồi cả đêm để bóp tay chân cho họ, giúp họ có thể co duỗi bình thường. Là người từ cõi chết trở về, anh biết phải mất 3 năm để một người bỏng nặng có thể cử động dễ dàng.
Đến hôm nay, thi thoảng vẫn có những bệnh nhân từ Đăk Lăk, TP.HCM… đến tận nhà thăm hỏi Hòa, khiến vợ chồng anh đều thấy vui.
Nguồn: Thanhnien.vn
Tin cùng chủ đề
Tin mới
- Người cán bộ Hội hết mình vì người đồng cảnh - 15/03/2017 03:42
- Nữ Chủ tịch Hội với những cống hiến thầm lặng - 14/03/2017 07:51
- Con trai thợ sửa xe máy chế tay robot giúp người khuyết tật - 13/03/2017 07:33
- Nữ sinh khuyết tật có nghị lực phi thường - 09/03/2017 07:15
- Nữ sinh bị cưa chân đoạt Huy chương Bạc Olympic Địa lý - 09/03/2017 03:44
Các tin khác
- Chàng trai khuyết tật và hành trình làm giàu từ nông nghiệp - 03/03/2017 03:33
- Hành trình của cậu học trò quê lúa tới đại học danh tiếng Mỹ - 21/02/2017 03:40
- Tự tin mở cánh cửa tương lai - 16/02/2017 04:33
- Hành trình vượt khó của những tấm gương sáng - 16/02/2017 03:36
- Ngồi xe lăn, sửa máy tính, bán vé số mưu sinh - 07/02/2017 08:01